Những phụ nữ ở Sài Gòn trước năm 1975, có lẽ là không ai không biết tới mỹ phẩm Thorakao. Đây có lẽ là sản phẩm nội địa hiếm hoi của Sài Gòn từ thập niên 1960 vẫn còn hoạt động sản xuất cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên cũng như nhiều thương hiệu Việt khác, Thorakao đã bị quốc hữu hóa sau năm 1975 và dần lụi tàn. Khi thương hiệu Thorakao được gầy dựng lại từ đầu vào giữa thập niên 1980 (thời kỳ Đổi Mới) thì lại khó cạnh tranh được với hàng ngoại vào lúc Việt Nam bắt đầu mở cửa cho hàng loạt nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường từ thập niên 1990.
Có lẽ hầu hết mọi người đều thắc mắc về cái tên rất lạ và cũng thú vị của nhãn hiệu Thorakao. Cách giải thích chính thức về ý nghĩa nó như sau: Chữ Tho trong đạo Tin Lành nghĩa là Thiên Thần, Kao là Kem, Ra là ánh sáng. Như vậy Thorakao nghĩa là dùng kem sẽ toả sáng như một Thiên thần.
Với ý nghĩa thương hiệu đó, Thorakao có thiết kế logo là hình ảnh một tiên nữ Hy Lạp cách điệu.
Năm 1957, một người phụ nữ Sài Gòn mở xưởng sản xuất các loại kem dưỡng da mang tên chính mình là mỹ phẩm Lan Hảo. Thời điểm đó, thị trường miền Nam đang tràn ngập các loại mỹ phẩm thương hiệu Pháp. Kem của Lan Hảo khó cạnh tranh lại hàng ngoại vì bao bì và nhãn mác không được bắt mắt. Ngoài ra kem Lan Hảo lại được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên nội địa như trân châu, dầu thực vật, thạch cao, đông dược… nên có hơi mùi dược liệu, không hấp dẫn các quý bà quý cô.
Để bán được hàng, bà Hảo đã nghĩ ra một cách rất độc đáo mà sau này chúng ta được chứng kiến các thương hiệu lớn thực hiện, đó là “mồi nhử”. Mỗi ngày bà Lan huy động rất cả con cháu, họ hàng, nhân viên ra các khu chợ mỹ phẩm để hỏi tìm mua kem Lan Hảo. Các cửa hàng bách hoá tưởng loại kem này có nhu cầu nhiều nên nhập về cầm chừng để bán thử. Người đi mua hàng thấy có nhiều người hỏi và tìm kiếm loại kem này nên cũng tò mò mua về dùng. Cảm thấy loại kem này tuy có mùi không được hấp dẫn nhưng lại rất hiệu quả trong việc dưỡng da nên ngày càng có nhiều người tin dùng.
Cách quảng cáo sản phẩm của bà Lan Hảo tuy mất công và mất thời gian để thương hiệu “ngấm dần” vào trong trí nhớ của người tiêu dùng, nhưng rất hiệu quả và rất ít tốn chi phí so với cách quảng cáo thông thường. Hiện nay người ta cũng được chứng kiến các thương hiệu lớn làm điều tương tự, ví dụ như cách đây vài năm, công ty SS thuê người xếp hàng mua điện thoại mới ra, hoặc cửa hàng fastfood nổi tiếng SB thuê người xếp hàng khi khai trương cửa hàng đầu tiên ở Sài Gòn, tạo cảm giác thu hút, náo nhiệt ở các sản phẩm hoặc cửa hàng mới ra mắt. Bà Lan Hảo đã nghĩ ra cách này từ hơn 60 năm trước nên hiệu quả mang lại rất cao, kem Lan Hảo nhanh chóng được biết đến rộng rãi và tồn tại hơn 60 năm qua.
Thời vàng son của Thorakao là thập niên 1960, thành công có được không phải chỉ là nhờ cách “chào hàng” độc đáo của bà chủ Lan Hảo, mà là nhờ giá cả cạnh tranh, đặc biệt là chất lượng của sản phẩm thật sự tốt, được nghiên cứu chiết xuất từ các loại thảo mộc thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam, theo các biện pháp của dân tộc cổ truyền.
Ông chủ hiện nay của nhãn hiệu Thorakao là ông Huỳnh Kỳ Trân – con rễ của bà Lan Hảo – cho biết: “Y học cổ truyền điều gì cũng có nguyên lý của nó. Chẳng hạn như trái dừa giống hình hộp sọ và có tơ trên đó, rất giống tóc, bởi vậy, dầu dừa rất tốt cho tóc. Hay trái bắp có râu rất giống với lông nách, nên râu ngô có công dụng trị hôi nách rất hiệu quả”.
Đến năm 1961, kem Lan Hảo đổi tên thành Thorakao, mở rộng thêm nhiều loại sản phẩm khác như dầu gội đầu hoa hồng, xà bông thơm, cạnh tranh với những thương hiệu xà bông nội địa đã có lâu năm của ông Trương Văn Bền (xà bông Việt Nam, Cô Ba). Công ty nhanh chóng mở rộng ra toàn miền Nam và có chi nhánh ở Cao Miên, xuất khẩu sang nhiều nước ở Đông Nam Á. Tuy nhiên đến năm 1975, khi Thorakao bị “quốc hữu hoá” thì đã dần lụi tàn một cách đáng tiếc. Đến năm 1987, khi Việt Nam thực hiện “đổi mới”, khuyến khích tư nhân quay lại sản xuất, lúc đó ông Trân nghỉ nghề giảng viên, cùng vợ khôi phục lại thương hiệu Thorakao, và đối mặt với đối thủ là rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng toàn thế giới.
Ông Trân cho biết đây là thời gian khó khăn nhất của thương hiệu Việt này. Thời kỳ đầu “mở cửa”, tâm lý sính ngoại của người Việt lên cao, hàng hà sa số nhãn hiệu ngoại nhập về với bề ngoài bắt mắt, hơn hẳn đồ nội được sản xuất thủ công, kỹ thuật in ấn còn lạc hậu, không theo kịp các xu hướng của thế giới. Vậy là sau 30 năm kể từ ngày thành lập, kem Thorakao lại phải quay lại với bài toán kêu gọi người dùng sử dụng sản phẩm, có lúc vài tuần liền không bán được hộp kem nào. Tình trạng ế ẩm kéo dài 2 năm cho tới khoảng 1989-1990, khi Soviet sụp đổ, nước Nga chuyển sang cơ chế thị trường, hàng mỹ phẩm Việt bất ngờ được người Nga ưa chuộng. Chớp lấy thời cơ này, Thorakao dồn vốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga, từ đó làm bàn đạp để xuất sang nhiều thị trường khác trên thế giới, kể cả các nơi nổi tiếng khó tính như Mỹ, Nhật, Dubai…
Khác với nhiều thương hiệu Việt khác, hiện nay các sản phẩm của Thorakao chủ yếu được bán ở nước ngoài, với tỉ lệ sản phẩm bán trong nước chỉ bằng 1/10 sản phẩm xuất khẩu, và tỉ lệ doanh số trong và ngoài nước là 30-70, nghĩa là doanh số nội địa là rất thấp. Sự nghịch lý này được giải thích là do thói quen, hành vi tiêu dùng của người Việt, vốn đã quen thuộc với các thương hiệu ngoại với bề ngoài bắt mắt.
Qua nhiều biến động, thăng trầm, nhiều công ty, thương hiệu Việt từ trước năm 75 đến nay đều phá sản hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Trong số ít thương hiệu còn tồn tại, Thorakao là cái tên hiếm hoi bám trụ nhờ có thị trường riêng và tỉ lệ tăng trường ổn định 15% hàng năm. Cho đến nay, thương hiệu Thorakao còn lưu lại một ký ức rất tươi đẹp trong trí nhớ những người Sài Gòn xưa, từng sống vào một giai đoạn vàng son của “hòn ngọc viễn đông”.
Ngày nay, tòa nhà Thorakao cũ kỹ, rong rêu một thời từng là trụ sở của công ty này vẫn còn đang hiện diện ở ngã tư sầm uất đường Điện Biên Phủ – Cách Mạng Tháng 8 (xưa là Phan Thanh Giản – Lê Văn Duyệt). Tuy nhiên ở tầng dưới đang cho thương hiệu nổi tiếng Starbucks thuê từ vài năm nay.
nhacxua.vn biên soạn