Những suy niệm về cuộc đời trong bài “Phôi Pha” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – “Thôi về đi, đường trần đâu có gì…”

Tự sự về âm nhạc của mình, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một câu nói rất nổi tiếng được nhiều người yêu thích: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Trong những linh cảm đó, có một nhạc phẩm mang tên Phôi Pha rất bay bổng và trầm sâu.

Theo nhà văn Bửu Ý, một người bạn tâm giao cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Phôi Pha được nhạc sĩ sáng tác vào khoảng năm 1973 khi ông đã ngoài 30 tuổi. Dường như sự già dặn, từng trải trong tuổi đời, sự vững chãi trong tư duy âm nhạc đã khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở ra một “cuộc chơi lớn” trong ngôn từ và tư duy ở Phôi Pha.

Có người từng đánh giá Phôi Pha là bài ca – thơ hay nhất trong chuỗi những nhạc phẩm về tình yêu và thân phận của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ vì chất thơ, chất nhạc bay bổng, hoà quyện một cách thần sầu, còn chất đời và chất hư thì đẩy đưa nhau, thăng hoa nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thế cân bằng, hài hoà như được nhạc sĩ đặt trên hai đầu của một chiếc bập bênh.

Ca khúc mở đầu bằng một tứ thơ rất lạ:

Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ đời người như gió qua….

Người nghệ sĩ lang thang trong những bước chân phiêu du của dòng tâm tưởng trên ranh giới mong manh của thực và hư, của hai bờ kiếp sống. Thứ tâm trạng đa mang đó bất chợt ùa về trong một đêm “trăng mới về”. Trong dòng suy tưởng miên man đó, người bắt gặp ánh trăng vừa nhô cao lên như là vừa gặp lại bạn cũ, là người bạn đã nhiều lần cùng bên nhau trong những bước chân giang hồ năm cũ, để rồi lại ngậm ngùi thở hắt: “Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già”. 

Nhạc sĩ không nói thẳng từ già mà vòng vèo câu chữ đầy lắt léo rằng là “tuổi xuân đã già” như một sự hồi nhớ, nuối tiếc lê thê về một thời tuổi trẻ dọc ngang. Nhưng dù có nuối tiếc thì cũng chẳng thể làm gì bởi ai rồi cũng sẽ phải “một ngày kia đến bờ đời người như gió qua”. Hành trình đó chẳng ai có thể đổi thay, không thể chống đỡ.


Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975

Không còn ai đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rươu cay một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi 

Trong mênh mông vũ trụ, trong bao la những phận người, cuộc đời này thật nhỏ bé và vu vơ chỉ như một cơn gió qua, đi là đi mất, sẽ chẳng để lại gì, chẳng lưu lại gì. Vậy nên, nếu như có lỡ muốn tìm “trở lại” thì cũng nên biết rằng: “Không còn ai đường về ôi quá dài”, sẽ chẳng có ai đồng hành trên cung đường cô độc, xa vời vợi đó. Cung đường đen thăm thẳm, tối tăm, vô vọng như những “đêm xa người”.  Xa là xa mãi, chẳng thể níu giữ, chẳng thể hoài mong.

Có thể thấy một loạt hình ảnh liên tưởng so sánh được nhạc sĩ nối dài trong lời ca: “Không còn ai đường về ôi quá dài” tựa như “những đêm xa người”,  “những đêm xa người” tựa như “chén rươu cay” mà “một đời tôi uống hoài”. 

Dòng suy tưởng như một sợi dây thắt nút, cứ thắt mãi thắt mãi hết nút này đến nút khác, chất chồng lên nhau những ý niệm cay đắng, bi kịch của đời người. Sợi dây ấy tưởng như sẽ siết chặt lòng người vào những hoài vọng u sầu, trầm luân không bao giờ dứt, lại bất ngờ được tháo gỡ ở câu hát tiếp theo: “Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi”.

Chỉ bằng một câu hát, nhạc sĩ đã truyền đi thông điệp ý nghĩa và tâm đắc nhất trong triết lý sống của mình, đó là dù cuộc đời có gieo bao đắng cay, sầu muộn thì cũng xin được “trả lại” bằng những “tin vui” mà “nhân gian chờ đợi”, xin được trả lại tình yêu đời, yêu người vô bờ bến. Trong âm nhạc Việt, hiếm có người nhạc sĩ nào dành cho cuộc đời và con người một tình yêu tuyệt đối, chưa từng oán thán như Trịnh. Tình yêu đó như một cứu cánh cho đời sống hiện hữu, đồng thời cũng là đòn bẩy cho những buông bỏ khi đã “đến bờ” bên kia của cuộc đời.

Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi 

Nhà văn Bửu Ý từng viết: “Trịnh Công Sơn là một người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi một lúc, ngồi nơi này nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi, sợ không đủ thời giờ, lắm lúc không phân biệt ngày với đêm. Anh thích những chuyến tàu xuyên suốt, những chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng với biển, anh muốn rút ngắn thời gian giữa lạ với quen…”. Vì vậy mà không có gì lạ khi một ngày nhạc sĩ bỗng nổi hứng muốn “trải nghiệm” hành trình của một người đã “sang bờ” bên kia, muốn “hát lên những linh cảm” của mình về những giấc mơ hư ảo nơi phía bên kia thế giới.

Trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã bắt gặp rất nhiều những lần nhân vật tự sự “NGỒI”. Ví dụ như: “ru em ngồi yên đấy”, “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”, “người ngồi đó trông mưa nguồn”,… “Ngồi” không chỉ là một động từ chỉ hành động, mà là một trạng thái tâm tưởng khi an nhiên, trầm lặng hoặc suy tư. Hình ảnh “về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay” tựa như một sự chiêm nghiệm, sự hồi nhớ về cuộc đời đã qua trong tâm tưởng bình lặng để nhìn rõ hơn, nhìn sâu hơn, để thanh thản “về lại nơi cuối trời làm mây trôi”. Áng mây phiêu lãng, bồng bềnh rồi tan vào hư vô, chẳng để làm gì cả, như một tâm niệm của nhạc sĩ trong đời sống: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi!”. 


Click để nghe Nguyên Khang hát

Thôi về đi, đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồ những năm xưa

Câu hát “Thôi về đi đường trần đâu có gì” nghe như một sự động viên, vỗ vễ, mời gọi người đã đi xin hãy “quay về lại” với cuộc đời, bởi “đường trần đâu có gì”. Tất cả những khổ đau, sầu bi, cay đắng, chông gai trong đời rốt cuộc cũng chỉ là những ảo mộng trong tâm tưởng mà thôi. Tất cả những khổ đau, phù du ấy rồi cũng sẽ theo thời gian mà “phôi pha”, phai mờ. Chỉ có tình yêu là ở lại, bất diệt. Nếu như ai đó chưa tìm được tình yêu với đời sống, cả khi đang còn sống trên đời sống này hay khi đã về bên kia thế giới thì chỉ cần “ngồi” lại, chỉ cần buông xuống thì lại thấy ngay “tóc xanh mấy mùa”, lại hồi xuân, tươi trẻ, lại phơi phới trong niềm yêu đời.

Nhạc phẩm kết lại bằng hai câu hát phiêu bồng, thật đẹp: “Có nhiều khi từ vườn khuya bước về/ Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồ những năm xưa”.

Đó không phải là những bước chân nặng trĩu tâm tư “ôm lòng đêm” ở đầu nhạc phẩm mà là bàn chân nhẹ tênh “tựa hồ những năm xưa”, những năm tháng tươi trẻ, nồng nhiệt, yêu đời, yêu người. Bởi người đã “trở về” trong một tâm thế mới được gội rửa, được thanh lọc. Và phảng phất đâu đó trong lời hát nghe như có những dư hương ngọt ngào, thơm thảo. Đó là thứ hương thơm thuần khiết của tình yêu dành cho đời sống, dù có đi qua bao năm tháng, bao khổ đau trầm luân vẫn mãi còn đó, rải hương rắc ngọc cho đời sống.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version