Tên tuổi ca sĩ Như Quỳnh được biết đến lần đầu ở Việt Nam khi năm 1991 cô tham dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình được tổ chức lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1991 và đã đoạt được giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối mà đến nay chưa có thí sinh nào đạt được.
Tháng 4 năm 1993, Như Quỳnh cùng gia đình định cư tại Mỹ theo diện HO. Không lâu sau đó, cô gửi băng tiếng hát của mình đến trung tâm Asia. Nhạc sĩ Trúc Hồ và giám đốc Asia là Thy Nga mời đến thu thử rồi mời hợp tác ngay lập tức.
Có một điều bất ngờ được nhạc sĩ Trúc Hồ tiết lộ trong chương trình Jimmy Show mới đây, đó là khi Như Quỳnh đến studio của Asia để thử giọng, cô đã hát các bài nhạc Trịnh Công Sơn.
Trước đó, khi còn ở trong nước, cô thường hát nhạc Trịnh và đã từng xuất hiện trên truyền hình với ca khúc Tuổi Đời Mênh Mông, mời bạn xem sau đây:
Click để xem
Năm 1994, Như Quỳnh được chính thức xuất hiện trên chương trình Asia 6 chủ đề Giáng Sinh với ca khúc Người Tình Mùa Đông và Asia 7 chủ đề Tác Giả Tác Phẩm với ca khúc Chuyện Hoa Sim. Đó là 2 chương trình được Trung tâm Asia thực hiện đồng thời, và nhạc sĩ Trúc Hồ chọn cho cô 2 ca khúc cùng của nhạc sĩ Anh Bằng (sáng tác hoặc viết lời), nhưng của 2 dòng nhạc khác nhau. Một sáng tác mới thuần chất nhạc vàng là Chuyện Hoa Sim, cùng với một bài hát tương đối vui tươi là Người Tình Mùa Đông.
Nhạc sĩ Trúc Hồ tiết lộ rằng ban đầu thì bài Người Tình Mùa Đông không dành cho Như Quỳnh, mà định đưa cố ca sĩ Ngọc Lan hát. Tuy nhiên vì sau đó Ngọc Lan có bài khác (Tiếng Mưa Buồn), nên Người Tình Mùa Đông thuộc về Như Quỳnh, và sự kết hợp đó đã trở thành một định mệnh, một sự thành công rực rỡ, và là màn ra mắt không thể ấn tượng hơn của cô ca sĩ xinh đẹp.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng Người Tình Mùa Đông là một ca khúc nhạc Hoa lời Việt, tuy nhiên bản gốc lại là một bài hát tiếng Nhật tên “Rouge” (lớp son hồng) của ca sĩ Naomi Chiaki phát hành năm 1977.
Năm 1992, phiên bản tiếng Hoa với cái tên “Người phụ nữ dễ bị tổn thương” (容易受伤的女人) của ca sĩ Vương Phi rất được yêu thích. Sau này ca khúc được sử dụng trong phim “Đại Thời Đại”. Phim này đạt được thành công lớn đã góp phần giúp bài hát nổi tiếng nhiều hơn và được dịch ra nhiều phiên bản với các ngôn ngữ khác nhau, trong đó phần lời tiếng Việt là của nhạc sĩ Anh Bằng.
Lời bài hát nói về là ký ức của một chàng trai về mối tình năm xưa với cô nàng ngây thơ nhưng lạnh lùng, trái tim băng giá như mùa đông lạnh. Tuy bài này có nhiều bản lời Việt khác nữa, nhưng dấu ấn lớn nhất có lẽ vẫn thuộc về Người Tình Mùa Đông của Như Quỳnh.
Để hình dung lại thời điểm mà “Người Tình Mùa Đông Như Quỳnh” trở về Việt Nam thồn qua băng video, hãy đọc lại lời kể sau đây của một người sau đây:
Lúc đó tôi cùng 2 người bạn có tiệm cho thuê băng Video nên có được cuốn Video Tape có bài Người Tình Mùa Đông này gần như là đầu tiên. Tôi đem ra ngoài quán bar nổi tiếng nhất Sài Gòn thời đó (chủ quán bar ở ngay bến Bạch Đằng góc Nguyễn Huệ này là Huy Cường – bạn thân của tôi) để mở lên cho mọi người xem. Quý vị có thể tưởng tượng, đó chính là một sự kiện chấn động Sài Gòn thời đó, dân chơi Sài Gòn liên tục yêu cầu mở cuốn băng này cả buổi suốt mấy tháng trời.
Cùng lúc với sự thành công của Người Tình Mùa Đông, thì Như Quỳnh cũng rất được yêu thích với Chuyện Hoa Sim được phát hành trong cùng thời điểm, đã đóng dấu tên tuổi của Như Quỳnh trong dòng nhạc vàng mà cô được xem là một trong những tên tuổi lớn nhất của thế hệ sau năm 1975.
Cũng trong chương trình Jimmy Show, nhạc sĩ Trúc Hồ nhận xét rằng Như Quỳnh là ca sĩ mà phải nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần. Cô không chỉ có giọng hát đẹp, mà dáng vóc cũng đẹp xuất sắc, lại giỏi về múa, ăn ảnh, bắt camera, trình diễn rất tự tin và tự nhiên trước ống kính.
Chính Trúc Hồ là người góp công lớn cho sự thành công của Như Quỳnh trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại. Trúc Hồ là người đã chọn bài và hoà âm cho tất cả các ca khúc mà Như Quỳnh hát ở Asia trong giai đoạn đầu. Không chỉ nổi tiếng với các ca khúc nhạc vàng, Trúc Hồ còn để Như Quỳnh hát nhiều loại nhạc khác nhau, cả nhạc vui và nhạc buồn, khai thác được nhiều khía cạnh của một giọng hát hiếm có.
Ngay sau thành công với 2 ca khúc đầu tiên, năm sau đó (1995), Trúc Hồ viết ca khúc Như Vạt Nắng dành riêng cho Như Quỳnh, và được cô hát song ca với Gia Huy trong Asia số 10.
Click để xem Như Vạt Nắng
Được trung tâm Asia lăng xê và rất thành công, nhưng Như Quỳnh chỉ hợp tác trong hơn 2 năm, từ cuốn Asia số 6 năm 1994 đến Asia số 12 năm 1996. Cuối năm 1996, Như Quỳnh bất ngờ chuyển sang hợp tác với trung tâm Thuý Nga, bắt đầu là từ chương trình Paris By Night 38.
Khi được hỏi về việc này, nhạc sĩ Trúc Hồ nói rằng thời điểm đó, anh đã xem đây là một sự “phản bội” nặng nề. Bởi vì Trúc Hồ đã luôn xem Như Quỳnh như là một người em gái thân thiết, cố gắng giúp đỡ hết sức mình. Sau sự ra đi của nữ ca sĩ, Trúc Hồ đã lâm vào một tâm trạng mệt mỏi và lúc nào cũng thấy nặng nề. Suốt hơn 10 năm họ không nói chuyện với nhau.
Khi Như Quỳnh quay trở lại cộng tác với Asia năm 2007, dù làm việc chung nhưng Trúc Hồ vẫn không nói chuyện. Chỉ sau đó một thời gian nữa, khi đã dần dần thân thiết trở lại, nói chuyện cởi mở với nhau hơn, anh mới thấy lòng trở nên nhẹ nhàng, và nhận ra rằng ai cũng có một sự lựa chọn cho riêng mình.
Sự ra đi của Như Quỳnh vào năm 1996 đã để lại những nỗi buồn khó nguôi ngoai, nhưng cũng nhờ vậy mà Trúc Hồ có tâm trạng để viết được những ca khúc mà trước đó anh không nghĩ là mình có thể viết được, rồi đều trở thành hit với tiếng hát Lâm Nhận Tiến, như là Mãi Yêu Người Thôi, và Em Đã Quên Một Dòng Sông.
Nhạc sĩ Trúc Hồ nói rằng ca khúc Em Đã Quên Một Dòng Sông có một nửa là viết cho Như Quỳnh, một nửa còn lại là hình bóng một cô gái ở Việt Nam từng đi qua cuộc đời. Trúc Hồ cũng cho biết những ca khúc của anh thường không chỉ viết cho một người, mà mang nhiều câu chuyện khác nhau, tuy nhiên nếu không có Như Quỳnh thì sẽ không có Em Đã Quên Một Dòng Sông.
Trong ca khúc này, “dòng sông” như là một sự ẩn dụ, mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Dòng sông có thể là một góc phố, một lối đi đã từng in dấu kỷ niệm, hoặc dòng sông cũng như là một bóng hình người con gái đã trôi ngang qua đời.
Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng thừa nhận rằng sau thời điểm đó, hầu hết những sáng tác của anh đều mang phảng phất bóng dáng của nữ ca sĩ Như Quỳnh.
Rồi sau tất cả, hình như mọi sự hờn giận cũng trôi xa, những chuyện đã xảy ra đều đã trở thành quá khứ. Trúc Hồ nói rằng giờ đây, họ vẫn thân thiết và thường tâm sự với nhau những điều trong cuộc sống.
Bài: Đông Kha – nhacxua.vn
Dựa theo lời kể của Trúc Hồ trên Jimmy Show