“Giòng An Giang sông sâu nước biếc,
giòng An Giang cây xanh lá thắm,
lả lướt về qua Thất Sơn,
Châu Đốc giòng sông uốn quanh,
soi bóng Tiền Giang Cửu Long…”
Ánh Tuyết hát Giòng An Giang (Anh Việt Thu)
Lời ca tiếng hát trên đây mở đầu cho bản nhạc Giòng An Giang bất hủ của nhạc sĩ Anh Việt Thu, sáng tác thời còn là một thiếu niên (16 – 17 tuổi).
Đối với những ai từng sinh, sống hoặc làm việc ở Long Xuyên – Châu Đốc, nay là tỉnh An Giang rất vui thích khi thưởng thức lời ca điệu nhạc Giòng An Giang trầm lắng, êm đềm, du dương… Và đưa hồn mình về vùng biên trấn xa xôi và miên man nghĩ ngợi đến giòng sông trìu mến đầy ắp kỷ niệm quê hương…
Tôi gặp và quen biết Anh Việt Thu từ năm 1957 tại Sài Gòn khi chúng tôi học lớp tam nhị tại trung học tư thục Nguyễn Công Trứ, đường Hai Bà Trưng – đối diện với vòng rào của nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, và cũng gần nhà thờ Công Giáo Tân Định.
Sau khi thi bằng Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương (Diplôme d’Étude Primaire Supérieure Indochinoise – DEPSI – tương đương văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp sau này), trường Collège de Chaudoc (tiền thân trường trung học đệ nhị cấp Thủ Khoa Nghĩa) không có các lớp đệ nhị cấp nên tất cả học sinh ở Châu Đốc, có đủ điều kiện học lực, được chuyển đến trường Trung Học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ, hoặc có thể dự thi ở Sài Gòn vào lớp seconde – đệ tam ở trường Trung Học đệ nhị cấp Pétrus Trương Vĩnh Ký đối với nam sinh, và nữ sinh thì xin hoặc thi vào trường Nữ Trung Học Gia Long.
Gia đình không đủ tiền cho tôi học tiếp ở Cần Thơ hoặc Sài Gòn. Vì vậy, tôi xin đi dạy học từ niên học 1954 – 1955, liên tiếp 3 niên học, tại Núi Sam và tỉnh lỵ Châu Đốc.
Hè 1957, được 1 người bạn tìm cho 2 chỗ dạy kèm tại tư gia, tôi quyết định lên Sài Gòn tiếp tục học lại. Với số tiền dạy kèm cũng đủ trả học phí và tiền ăn ở hàng tháng và tiền xài lặt vặt kể như thiếu thốn triền miên…
Tôi quen biết Anh Việt Thu từ hoàn cảnh vừa đi học vừa đi dạy kèm tư gia, cũng như Anh Việt Thu cũng đang vật lộn với chữ nghĩa như tôi, từ xã An Hữu, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) lên Sài Gòn. Lúc đó – năm 1957 – Anh Việt Thu mới 17 – 18 tuổi, còn tôi đã là 22 tuổi. Anh Việt Thu với mái tóc nghệ sĩ như hình chụp năm xưa. Thu vừa đẹp trai, da trắng, môi lúc nào hồng vừa điềm đạm hiền hòa, vui cười khi gặp bạn bè với nhiều tình cảm trìu mến và gương mặt phúc hậu dễ gây cảm tình với mọi người.
Chúng tôi thường tâm sự về chuyện học hành và chuyện gia đình nên sớm thông cảm và trìu mến nhau. Khi học chung lớp chừng một tháng, Anh Việt Thu đưa tôi về chơi ở nhà trọ, đường Bà Hạt hay Da Bà Bầu, tôi không nhớ rõ.
Điều mà tôi nhớ rõ nhất, là chủ căn nhà đó là anh Năm, người thấp và có “bề thế” (lớn hơn tôi khoảng 2 tuổi), một giáo viên tiểu học, anh bị động viên trước năm 1954. Sau 3 năm phục vụ trong Quân Đội, anh xin giải ngũ với cấp bậc Trung Úy.
Anh Năm xem Anh Việt Thu như một người em ruột vì anh còn độc thân, có công ăn việc làm, nhà cửa đàng hoàng, nên Anh Việt Thu không phải lo chỗ ăn ở, chỉ tìm chỗ dạy kèm tại tư gia kiếm tiền đóng học phí và xài vặt…
Khi Anh Việt Thu và tôi quen khá thân, Thu thường nói với tôi là Thu xem tôi như người anh cả trong gia đình. Mỗi khi có Má của Thu từ An Hữu (gần Bắc Mỹ Thuận – nay là cầu Mỹ Thuận) lên thăm, Thu thường mời tôi đến nhà chơi. Mỗi lần Má của Thu lên Sài Gòn thăm con, bà thường mang theo nhiều quà cáp cho con và đặc biệt là có nhiều loại trái cây, thuộc cây nhà lá vườn, và có cả chim óc cao, chằng nghịt rô ti của vùng bắc Mỹ Thuận thường bán dọc 2 bờ bến bắc cho khách vãng lai, qua lại bắc Mỹ Thuận hàng ngày. Má của Thu không quên mua một ít đặc sản chim rô ti lên làm quà cho bạn bè của Thu hay là tổ chức ăn uống tại nhà anh Năm.
Má của Thu gọi tôi bằng con như gọi Anh Việt Thu, rất trìu mến. Bà có vóc hình mảnh mai nhỏ nhắn, nước da trắng giống hệt hình dáng Mẹ tôi đang ở quê nhà Châu Đốc. Nhưng Má của Thu nhỏ tuổi hơn Mẹ tôi nhiều, ít nhất 10 tuổi. Lúc bấy giờ Má của Thu ước độ đã qua tuổi bốn mươi, còn Mẹ tôi trên 55 tuổi. Hai bà mẹ cùng có một tấm lòng thương yêu con vô hạn, mong muốn con mình học hành đàng hoàng thành danh với đời dù gia đình nghèo, thiếu thốn.
Khi chúng tôi thân nhau, Anh Việt Thu mới tâm sự nhiều với tôi, Thu đã sáng tác 1 bản nhạc đầu đời của người nhạc sĩ nghèo ở nhà quê mới lên thành đô, và bản nhạc thứ 2 mới là bản nhạc Giòng An Giang lúc Thu mới 16, 17 tuổi.
Anh Việt Thu vừa đệm đàn vừa hát khe khẽ Giòng An Giang cho anh Năm và tôi vừa đủ nghe. Giọng hát của Thu sao sâu lắng trầm buồn gợi nhắc tôi giòng nước đục ngầu chất đất phù sa của giòng sông An Giang, là nơi chôn nhau cắt rún – quê hương yêu dấu của tôi.
Giòng An Giang mà Anh Việt Thư viết thành bản nhạc có giai điệu tha thiết về quê hương, chính là sông Hậu. Từ xứ Chùa Tháp – Cao Miên, con sông dài lịch sử của nhiều nước – Cửu Long – Mékong – đổ nước xuống Việt Nam qua tỉnh biên thùy Châu Đốc, chia ra làm 2 ngã – 2 nhánh với tên gọi là Tiền Giang và Hậu Giang.
Dựa tài liệu trên Net – Wikipedia – Anh Việt Thu sinh năm 1939 – có tài liệu khác nói là sinh năm 1940 – tại xã An Hữu thuộc quân Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho (Định Tường – nay là Tiền Giang), tên thật trong khai sanh: Huỳnh Hữu Kim Sang.
Anh Việt Thu (AVT) đã là nhạc sĩ từ năm 1955 hay năm 1956, mãi đến năm 1963, AVT mới tốt nghiệp chính quy về học nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn về Hòa Âm.
Anh Việt Thu thụ huấn điều khiển giàn nhạc với nhạc trưởng Otte Soelner, đệ trình luận án Âm nhạc học với đề tài: “Không có tiếng động trong âm nhạc” tại nhạc viện Tokyo – Nhật bản năm 1963.
Anh Việt Thu từng là Trưởng Đoàn Văn Nghệ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia niên khóa 1958-1959 – Chủ Tịch Sinh Viên Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn 1963 – Hát với tuổi trẻ Biên Hòa (1960-1965) – Thành lập Đoàn Du Ca Phù Sa hát dạo từ Cần Thơ ra Huế trong những năm 1965-1966.
Hai ca khúc đầu tiên được phổ biến từ năm 1956: Đường Này Anh Về Đâu – Giòng An Giang…
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH:
– Dạ Khúc Kim Sang (10 bài nhạc không lời cho vĩ cầm và dương cầm) – Giải Cantorum Schola, La Mã năm 1962.
– 20 ca khúc AVT phổ biến trong những năm 1964-1968
– Xuân Nguyễn Huệ (trường ca) – Giải Đài Phát Thanh Sài Gòn 1966
– Đường Chúng ta đi (liên ca)
Ngoài ra, AVT đã soạn thảo khoảng trên 200 ca khúc phổ thông. Cùng với Thiên Hà (nhà thơ) chủ trương chương trình “Phù Sa” ca-ngâm-diễn-đọc, và “Tuần báo Văn Nghệ Truyền Thanh” trên làn sóng phát thanh Đài Sài Gòn (1966-1968).
– Chủ trương “Giờ âm nhạc Anh Việt Thu” trên đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam từ năm 1971.
– Hợp tác với hảng dĩa Việt Nam thực hiện một số album như “Bóng Mát Việt Nam”, “Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam”… AVT dự báo tín hiệu hòa bình đầy ấn tượng trong những năm 1972-1974.
Do căn bệnh hiểm nghèo, sau 103 ngày vật lộn với thần chết qua các bệnh viện Grall, Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y Viện Quảng Đông, người nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu trút hơi thở cuối cùng hồi 2 giờ 40 phút ngày 15 tháng 3 năm 1975 và an táng tại quê nhà.
Nếu tôi nhớ không lầm, vợ của nhạc sĩ Anh Việt Thu là em ruột của nhà thơ Thiên Hà, tên Nguyễn Nữ Hiệp và đứa con trai của Thu – Hiệp là Việt Bằng, Việt Thanh đang sống tại Sài Gòn.
Một tài liệu khác, tuổi thọ của nhạc sĩ Anh Việt Thu chỉ có 35 năm (tính từ năm 1940 đến năm 1975), dù ngắn ngủi, nhưng AVT để lại cho đời nhiều tác phẩm thành danh bất tử, tiêu biểu: Giòng An Giang, Đa Tạ, Tám Điệp Khúc, Nhớ Nhau Hoài (lời của thơ Thiên Hà) – những ca khúc này tiêu biểu giòng nhạc trữ tình có nhiều tha thiết, đôi lúc lãng mạn…
AVT có sáng tác một bản nhạc hùng ca gây nhiều ấn tượng nhất trong thời gian chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất, sau Tết Mậu Thân – 1968. Các đài Phát Thanh Quân Đội, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Truyền Hình Sài Gòn băng tần 9 và các đài phát thanh, truyền hình địa phương phát đi phát lại thường xuyên cho đến trước 30 tháng tư năm 1975 – Trên Đầu Súng Ta Đi. Sau này Trung Tâm Asia đã tái hiện bản hùng ca này qua chương trình thu vào DVD phổ biến rộng rãi trên khắp 5 Châu.
Từ năm 1962, tôi nhập ngũ và về phục vụ ở Miền Tây nên tôi không còn dịp gặp AVT ở Sài Gòn.
Mãi đến năm 1973, tôi mới gặp lại AVT cũng đang ở trong Quân Đội, phục vụ tại Phòng Văn Nghệ – Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè. Lúc bấy giờ, tôi đang phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị – Khối Thông Tin Giao Tế Dân Sự, đường Thống Nhất, cách không xa Cục Tâm Lý Chiến mà tôi không biết Anh Việt Thu được đổi về đó cũng khá lâu rồi.
Tôi có việc đến Phòng Báo Chí gặp Trung Tá Nguyễn Đạt Thịnh, cũng gần Phòng Văn Nghệ. Tôi tạt qua thăm nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, đang là Trưởng Phòng Văn Nghệ – Cục Tâm Lý Chiến. Cuối năm 1973, Tô Thùy Yên cũng đeo lon Thiếu Tá như tôi. Năm 1964 – 1965, Thiếu Úy Đinh Thành Tiên (Khóa 16 Thủ Đức) làm Phụ Tá tôi phụ trách chương trình phát thanh Tiếng Nói Vùng 4 Chiến Thuật tại đài Phát Thanh Ba Xuyên, lúc bấy giờ tôi mang cấp bậc Trung Úy (Khóa 13 Thủ Đức), nên chúng tôi rất thân nhau, mãi từ năm 65 đến 73, chúng tôi mới chạm mặt và thăm hỏi nhau.
Tình cờ, tôi gặp AVT từ ngoài đi vô phòng làm việc ở phía ngang hông văn phòng của nhà thơ Tô Thùy Yên. Tôi gọi AVT lại, như cái máy, anh ta vội đứng nghiêm giơ tay lên chào, miệng thì nói chào Thiếu Tá. Tôi nói với anh Tô Thùy Yên cho tôi vào phòng làm việc của văn nghệ sĩ, Tô Thùy Yên chưa nói gì, tôi đến kéo tay Thu đi vào phòng.
Những anh em văn nghệ sĩ khoảng 6 người, đại diện cho đủ bộ môn, thơ, văn, hội họa, điêu khắc, viết kịch, vũ sư… Trong nhóm anh em văn nghệ này hầu hết là hạ sĩ quan, lúc bấy giờ Nhật Trường Trần Thiện Thanh đang đeo lon Thượng Sĩ cũng có thể là có lon cao nhất trong nhóm. Tôi cũng gặp lại Phạm Minh Cảnh – nhạc sĩ kiêm vũ sư. Khi anh em văn nghệ sĩ biết được AVT, Phạm Minh Cảnh thân thiết với tôi từ hơn cả chục năm, lúc chúng tôi còn đang đi học tam nhị, chúng tôi chuyện trò râm rang vui vẻ. Nhật Trường chỉ ra ngoài, nói cười lớn: “sếp la”, ý nói Thiếu Tá Trưởng Phòng rất có kỷ luật, nhân viên không được cười giỡn trong giờ làm việc, còn tôi cứ bô bô hỏi thăm anh em đủ thứ chuyện, còn pha trò làm cho anh em cười vui. AVT kê tai nói nhỏ, 4 giờ em về sớm, anh đến đón, anh em mình đi Chợ Nhỏ Thủ Đức nhậu chơi.
Trước năm 1965, khi tôi còn ở Cần Thơ, tôi có nghe tin, AVT thay vì đi quân dịch, Thu tình nguyện vào Trung Đoàn địa phương của tỉnh Gia Định với cấp bậc binh nhì Địa Phương Quân. Mục đích chính của Thu là muốn ở gần Sài Gòn còn có thể tiếp tục đi học thêm về âm nhạc và chơi nhạc kiếm thêm thu nhập, vì lương lính đối với một nghệ sĩ có vợ con mà sống ở ngay Sài Gòn chắc chắn gặp nhiều chật vật khó khăn.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu, sáng tác nhạc từ khi còn vị thành niên do đam mê và thêm có thiên phú nữa, dù chưa qua trường lớp chính quy như Trường Quốc Gia Âm Nhạc, Anh Việt Thu sáng tác ở tuổi 16, 17 ít nhất 2 bản nhạc để đời: Đường Này Anh Về Đâu và bản nhạc bất hủ Giòng An Giang…
Tôi cũng được biết Anh Việt Thu có một thời gian lưu lạc về Tây Ninh dạy học (có lẽ chuyên dạy nhạc trong học đường?).
Khi chúng tôi học tam nhị của tư thục Nguyễn Công Trứ, niên học 1957-58, trong lớp khá đông, có thể nói tôi là học sinh “già” nhất và từng đi làm việc, dù có vài người bạn trông gương mặt cũng thuộc loại già bấm không lủng như tôi mà tuổi trong khai sinh lại trên dưới 18. Các anh học sinh này, hầu hết dân di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954, có thể làm khai sinh lại để dễ dàng đi học. Đến năm 1962, có lệnh tổng động viên, tôi lại gặp vài bạn “Bắc Kỳ 54” tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, đã cùng học với tôi tại trường Nguyễn Công Trứ năm xưa.
Trong lớp tam nhị buổi sáng, nữ sinh khá đông, nhiều cô đẹp như hoa khôi hay người mẫu ngày nay. Trong số những nữ sinh đẹp nhất lớp có cô NNY, gốc ở Long Xuyên (Angiang), con của ông NNĐ, Hiệu Trưởng trường Khuyến Học, sau đổi thành trường Bán Công, và hình như ông Đ cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh hay chức sắc dân cử gì đó của tỉnh Angiang, chị của cô NNY là Nguyễn Ngọc Phương, là phu nhân của nhà văn nổi tiếng Duyên Anh.
Cô NNY, vóc hình thon, chân dài, cổ cao ba ngấn, da trắng, môi hồng, mắt to đen láy, gương mặt phúc hậu, toát ra sức hút hấp dẫn. Tất cả nam sinh cả lớp, hay nói đúng hơn cả trường Nguyễn Công Trứ, các lớp buổi sáng, khoảng 3-4 lớp, mỗi lần người đẹp NNY vào lớp trễ vài phút, cả lớp (con trai) ồ lên một tiếng làm cho giáo sư đang dạy cũng phải giật mình, chú ý.
Lúc bấy giờ, những anh chàng ngồi gần bàn tôi và Anh Việt Thu thường bàn tán bình phẩm về sắc đẹp của “hoa khôi” NNY mỗi khi chúng tôi nghỉ giải lao hay chờ giáo sư vào dạy môn học khác. Thú thật, thời trai trẻ đầy nhựa sống, đám con trai khi thấy người đẹp NNY từ bên kia đường đi đến trường, như là xếp hàng, tất cả mọi con mắt đều hướng về mục tiêu người đẹp từ từ đi tới. Chúng tôi nhiều người, nhưng, cùng một ý là chiêm ngưỡng vẽ đẹp tự nhiên trời cho, cách đi khoan thai, rất “quý phái” lưng thẳng, ngực ưỡn ra trước với chiếc áo dài trắng ôm sát người nổi bật các đường cong tuyệt mỹ. Tay ôm chiếc cặp da màu nâu lợt rất mới gây thêm ấn tượng thuộc con nhà khá giả hay “quý tộc” quyền thế.
Khi Anh Việt Thu thấy người đẹp trước thế nào cũng bấm vào bàn tay tôi mấy cái và miệng nói khẽ: “nàng đến”. Thu thường nhật rất ít nói. Dù tôi đang trò chuyện với người bạn khác, quay mặt hướng khác, khi Anh Việt thu bấm tay tôi và nói “nàng đến”, tôi không cần quay lại cũng biết chắc người đẹp NNY đến. Tất cả nam sinh đều nhường thang lên lầu để nàng đi trước, bọn tôi lục tục theo sau vào lớp học.
Người đẹp NNY ở trọ nhà một người bà con, là một trại cưa, thuộc vùng ngoại ô tỉnh Gia Định. Chúng tôi gồm có Anh Việt Thu, Phạm Minh Cảnh, Nguyễn Việt Hiền và đôi lần hình như có cả nhà thơ Tô Thùy Yên cũng có đến trại cưa thăm viếng người đẹp vào ngày cuối tuần hay ngày lễ. Tôi biết chắc Anh Việt Thu được người đẹp chiếu cố nhất vì đã là một nhạc sĩ được nhiều người biết tiếng lại đẹp trai, ít nói, “mủ mỉ mù mì”. Anh Việt Thu đã trồng cây si với người đẹp NNY mà tánh lại “nhát gái” của Anh Việt Thu rất đáng mến. Tại lớp học muốn làm quen hay đến thăm viếng người đẹp tại nhà trọ, Thu đều rủ tôi đi cho có bạn, mới có đủ can đảm mở lời với nàng.
Khi chúng tôi biết gốc gác NNY ở Long Xuyên, Anh Việt Thu rủ tôi đi chơi Long Xuyên một chuyến và đến thăm nhà cũng như trường học của bố nàng. Lúc đó Thu mới nói lý do nào sáng tác bản Giòng An Giang ra đời cũng do một chuyến đi chơi với gia đình và bạn bè đi viếng cảnh núi non “Thất Sơn” và Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam – Châu Đốc, Thu cảm hứng viết nên bản nhạc đi sâu vào lòng người, nhất là người gốc Long Xuyên – Châu Đốc (bị sáp nhập lại thành tỉnh An Giang thời Đệ Nhất Cộng Hòa và sau 1975. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa Long Xuyên và Châu Đốc lại tách ra 2 tỉnh mà Long Xuyên được lấy tên cũ là An Giang).
Quê tôi ở Châu Đốc, khi Thu rủ tôi đi chơi An Giang, tôi đồng ý liền và còn nói sẽ đưa Thu về chơi ở Châu Đốc nữa.
Có một lần khoảng sau Tết 1958, chúng tôi gồm 4 người cùng học chung lớp trong đó có AVT, đi trên 1 xe gắn máy và 1 xe lambretta về Long Xuyên, mỗi chiếc đèo thêm 1 người. Cuộc “du hành” này để tác giả Giòng An Giang về thăm lại giòng sông thơ mộng mà AVT đã dệt nên những giòng nhạc và lời ca mượt mà truyền cảm thấm sâu vào lòng người thưởng ngoạn, rất nổi tiếng.
Người đẹp NNY cho địa chỉ trường Khuyến Học do bố người đẹp làm Hiệu Trưởng và ngôi nhà của gia đình. Khi đến thị xã Long Xuyên, chúng tôi chạy quanh “thăm dân cho biết sự tình” và tìm đến không khó 2 địa chỉ mà người đẹp chỉ dẫn trước. Có thể nói bốn anh em chúng tôi, gồm có 2 ông bạn Bắc Kỳ 54, Anh Việt Thu và tôi, mỗi người đều có in đậm hay lợt trong tim hình bóng cô học sinh “hoa hậu” tư thục Nguyễn Công Trứ – NNY, và có lẽ cái ông bạn ít nói nhất lại mủ mỉ mù mì nữa, hình ảnh người đẹp “nàng nhạc – không phải nàng thơ” chắc rõ nét nhất – Anh Việt Thu.
Chúng tôi chỉ chạy chầm chậm ngang ngôi trường và nhà của người đẹp để chỉ “nhìn quanh” cho nhịp tim rạo rực mỗi người đập khác nhau. Sau đó, chúng tôi chạy ra bờ hồ có nhiều sân quần vợt của tỉnh, dừng xe ngơi nghỉ và đi ra bờ sông “An Giang” – Hậu Giang để nhạc sĩ thả hồn theo dòng suy tư, giòng An Giang xanh lơ nước biếc. Những giề lục bình lặng lẽ lững lờ trôi xuôi theo giòng nước đục màu nâu nhờn nhợt đất phù sa, mà nhạc sĩ AVT tha hồ tưởng tượng đến người đẹp dù giờ này nàng còn đang ngủ nướng ở nhà trọ – Gia Định vì là ngày chủ nhật.
Khi tôi nghe bản nhạc Giòng An Giang bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, hình bóng, dáng đi, tiếng nói và nụ cười luôn nở trên môi của Anh Việt Thu như sống lại trong tâm khảm tôi. Tôi rất quý mến Anh Việt Thu – một người em kết nghĩa rất dễ thương.
Theo trong Wikipedia, nhạc sĩ Anh Việt Thu mất vào lúc 2 giờ 40 trưa ngày 15.03.1975. Tôi tin ngày giờ mất của người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh AVT được ghi chép như trên là đúng. Nhưng, trong đầu óc tôi cứ nhớ là Thu mất năm 1974. Dù mất năm 1974 hay 75, Anh Việt Thu cũng mới vào lớp tuổi còn quá trẻ 35 hay 36 đã vội xa trần thế.
Trong lần tôi và Thu lên Chợ Nhỏ, cách không xa cổng trường Sĩ Quan Thủ Đức, chúng tôi vào một quán ăn mà Thu nói là em gái, tôi không hỏi kỹ là em ruột hay em vợ hay em bà con… Có dịp gặp lại tôi, sau hơn 10 năm gặp lại nhau, Anh Việt Thu trút hết bầu tâm sự về đời thường, đời binh nghiệp và những chuyện bất như ý trong sáng tác âm nhạc. Thu còn nói rõ lý do nào Thu lấy vợ, đó là nữ sinh yêu thích nhạc AVT, và AVT là thần tượng của cô…
Đám tang của nhạc sĩ Anh Việt Thu được tổ chức tại “Tang Nghi Quán” hình như là có tên Nghĩa An, thuộc bệnh viện Triều Châu. Tang nghi quán, lần đầu tiên, tôi được biết thêm 1 cụm từ mới, chỉ chỗ nhà quàn, nơi làm lễ tang trước khi đưa đi an táng.
Tôi có đưa bà xã tôi đến viếng lễ tang trước khi quan tài được chở về quê An Hữu, chôn cất người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Anh Việt Thu trên đất của gia đình. Đêm hôm trước ngày di quan, tôi có đến tang nghi quán thăm viếng AVT và gặp Má của AVT. Bà nhận ra tôi, vội ôm chầm, bà khóc cho người con trai yêu quý nhất của đời bà, tre gìa khóc cho măng non, đã bạc mệnh sớm để lại vợ con côi cút.
Tôi viết bài bày để tưởng nhớ đến một nhạc sĩ trẻ tài hoa vừa đến độ chín muồi về tài năng âm nhạc mà tôi rất ngưỡng mộ qúy mến vội vĩnh biệt trần gian với tuổi đời 35 – nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Tại thung lũng hoa vàng San Jose, có một đồng hương Châu Đốc là bạn Lê Ngọc Thạch, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Trước 1975, Thạch giữ chức vụ Phó Quận Trưởng Hành Chánh quận 4 Thủ Đô Sài Gòn, là người bạn thân với Anh Việt Thu, thường ăn nhậu và hiểu biết nhau như là đôi bạn tri kỷ. Cả 2 cùng làm việc ở Sài Gòn nên thường xuyên gặp nhau, nhất là sau giờ làm việc chiều và tửu lượng của Anh Việt Thu cũng chỉ vài chai 33 là đủ đô.
Theo lời kể của Thạch, sau một chầu nhậu, Anh Việt Thu uống được vài chai, buồn tiểu, nhưng đi tiểu không được. Thạch chỉ biết như vậy và hình như đêm đó, Thu bị bệnh nhiều phải đưa vào bệnh viện và sau đó mất. Tôi cứ nghĩ Thu bị bệnh suy thận như nhiều người thường uống rượu nhiều, nay biết Thu mắc phải chứng bệnh nan y khác.
Gìòng nhạc của nhạc sĩ Anh Việt Thu mang đậm tình yêu thương quê hương dân tộc và AVT luôn cầu mong đất nước với khát vọng hòa bình chân chính sớm trở về trên Việt Nam yêu mến.
Trích đăng bài viết của Thiếu tá Trần Văn Ngà