Cố ca sĩ Anh Tú không phải là một ca sĩ quá nổi bật trong số những ca sĩ thành danh ở Sài Gòn trước năm 75 và ở hải ngoại sau 75. Tuy nhiên giọng hát của anh có một nét riêng độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm với khán giả từng nghe anh hát. Một điều đặc biệt là với tuýp người như Anh Tú, hầu như anh không bị ai ghét, hoặc làm ai mích lòng. Anh Tú sống chân tình và chân thành với đồng nghiệp dù lớn hay nhỏ hơn. Vì vậy năm 2003, tin Anh Tú đột ngột qua đời thật sự đã làm bàng hoàng những người yêu mến anh.
Bài viết này được biên tập lại từ chuyên đề “Hoài Niệm Anh Tú” do nhà báo Trần Quốc Bảo thực hiện, ghi lại những dòng cảm xúc của nhiều ca sĩ khi nhắc lại kỷ niệm cùng Anh Tú.
Ca sĩ Julie
Anh Tú và ca sĩ Julie là hai người bạn thân rất nhiều năm, từ cái thời Julie đi hát còn lấy tên Julie Quang.
Khi nghe tin Anh Tú đột ngột qua đời, Julie viết lại những dòng hồi ức này:
“Anh và tôi cùng một tuổi đời, có cùng một thời của tuổi trẻ hát ca… Con đường ca hát cho đời mua vui thuở ấy, chúng tôi không hề nghĩ tới mua vui cho đời hay cho người. Sống vô tư, chúng tôi chỉ thấy niềm vui khi ca hát.
Mỗi đêm chúng tôi đều gặp nhau. Có khi hát chung sàn diễn, có lúc mỗi ban nhạc đóng đô ở một nơi, nhưng vẫn ới nhau để đi ăn khuya chung với nhau. Đó là những đêm kỷ niệm với quán bánh cuốn Nguyễn Ngọc Linh (quán đó bên hông trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh nên chúng tôi gọi như thế cho tiện) hay ăn phở gà Hiền Vương… và như thế đó chúng tôi sốt ruột để gặp nhau. Chẳng phải gì cả, ngoài thói quen khoe nhau bài hát mới tập, hoặc khoe nhau cái áo mới toanh. Danh vọng lúc đó chưa phải là thứ hấp dẫn được chúng tôi. Tiền bạc ư? Đó là nỗi lo nghĩ của mẹ cha không ảnh hưởng gì đến. Chúng tôi làm ra rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa biết ham tiền là gì? Cuộc đời rất ưu đãi chúng tôi và chúng tôi đón nhận lấy cũng rất ư vô tư.
Ban nhạc của anh là The Uptight và sau đó là Thúy-Hà-Tú. Còn tôi thì hát cho ban nhạc The Dreamers, còn gọi là Ban Nhạc gia đình Phạm Duy. Năm 1969, cả hai ban nhạc này cùng xuất hiện lần đầu trong một chương trình Nhạc Trẻ do Kỳ Phát tổ chức tại Queen Bee. Tôi còn nhớ, lúc đó là vào một buổi trưa Chủ Nhật, lần đầu trình diễn ra quân với ban nhạc riêng của mình. Trước đó vài năm, Anh Tú và tôi đều đi hát với nhiều ban nhạc khác nhau trước khi thành lập cho riêng mình một ban nhạc gia đình. Trong lần đầu này, tôi không bỡ ngỡ với sân khấu hay e ngại khán giả nhưng với tôi lần đó là lần ghi đậm rất ấn tượng trong đời ca hát của tôi. Lần đó có mẹ chồng tôi là Thái Hằng đi xem các con thực hiện ước mơ của mẹ cha. Mẹ tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Đó là lần đầu tiên tôi biết Anh Tú và Khánh Hà. Tuy chưa quen và chưa trò chuyện nhiều với nhau, nhưng Anh Tú đã gây cho tôi nhiều thiện cảm qua ánh mắt biết cười có một không hai ấy.
Không bao lâu sau, chúng tôi đã thân thiết với nhau trên các sân khấu của các Club Mỹ. Ở Tân Sơn Nhất, nếu The Dreamers diễn ở Officer’s club thì The Uptight ở USO’s club. Chúng tôi dặn dò nhau, giờ nghỉ giải lao cách nhau nửa tiếng, để có thể chạy qua chạy lại hát background hỗ trợ lẫn nhau. Có khi anh Tuấn Ngọc books show cho cả hai ban nhạc cùng trình diễn trên một sân khấu USO hay USAID, những lần hát chung đó thật là thú vị. Anh bày ra những điệu bộ nhịp nhàng để nhún nhẩy khi trình diễn, chỉ cần anh nắm lấy tay tôi, nhìn theo bước của anh là chúng tôi vừa hát vừa nhẩy giống nhau rất đẹp mắt.
Anh là phái nam yêu cái đẹp. Tôi là phái nữ yêu cái hay. Chúng tôi mê hoặc nhau tới độ không cần ý tứ gì với anh. Anh cũng không cần chừng mực với tôi. Giữa hai chúng tôi dường như không có làn ranh cách biệt của giới tính. Anh ân cần sửa lại nơ không ngay ngắn trên ngực tôi. Anh xịt keo trên tóc cho tóc tôi man dại hơn. Tôi luôn nghe theo anh bởi mắt thẩm mỹ của anh rất lạ, rất ngầu.
Ba mươi năm sau, cái “Danh” đã tạo thành cái “Khoảng Cách”. Chúng tôi không có dịp để hát chung với nhau, yểm trợ cho nhau như ngày xưa nữa. Những buổi ra mắt CD của tôi, anh vẫn đến tay bắt mặt mừng nhưng cả hai chúng tôi không còn tìm lại được kỷ niệm giống như ngày xưa ấy.
Gần đây (thời điểm 2003) tôi muốn thực hiện những gì mình yêu thích, trong đó ít ra phải có một CD nhạc Pháp hát chung với Anh Tú. Cơ hội đó gần tầm tay, khi Việt Anh, chủ nhân của sân khấu Dạ Khúc ngõ lời mời Julie và Anh Tú trình diễn một show nhạc Pháp. Tôi trả lời Việt Anh: “Tại sao không?”. Tôi bàn thảo với Anh Tú và chúng tôi đồng ý trên quan điểm làm thật tốt, để lại ấn tượng đẹp bởi cả hai chúng tôi đều không có thời gian, không còn bao lâu nữa. Tôi đang tiến hành biên soạn những bài hát thì nghe tin anh ra đi.
Tôi không hối tiếc việc chưa làm nhưng hối tiếc đã chưa nói lời muốn nói với anh khi anh còn nghe được rằng: “Anh rất đáng yêu, và đời ca hát sẽ không vui đâu nếu không có anh”.
Giờ đây tôi cố nói với anh bằng ngôn nhữ của nhân gian, hy vọng anh sẽ nghe bằng tầng số của linh hồn. Tôi không được nhìn thấy mắt anh cười long lanh nhưng chắc anh nghe được tiếng lòng tôi rưng rưng. Dù có dở dang mong muốn nhưng nếu đã đến lúc anh phải trở về thìanh cứ an nhiên tự tại mà ra đi. Tôi chúc anh một giấc an lành. Cuộc đời của chúng ta ví như kiếp con Dế hát rong, tôi vẫn phải hát đều hơi cho đến lúc được thật sự nghỉ ngơi như anh. Anh đừng quên chúng ta có chung một hẹn ước còn chưa làm xong. Hát chung với nhau. Hẹn nhau lần sau… Chờ đến lúc đó. Tạm biệt nhé. Bạn bè yêu mến.
Ca sĩ Bích Chiêu
Ca sĩ Bích Chiêu là chị cả trong gia đình nghệ sĩ của Lữ Liên, bao gồm Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích. Bà kể lại những kỷ niệm với em trai của mình – cố ca sĩ Anh Tú:
“Hồi nhỏ, Bích Chiêu và Anh Tú nghịch lắm, cứ bị má la hoài về tội leo cây tối ngày. Lúc ăn cơm hai chị em cũng leo tuốt lên cao, cứ làm như ở dưới đất ăn cơm không ngon vậy.
Có một lần bị mấy ông Ấn Độ đánh một trận, cũng chỉ vì Anh Tú ghét mấy ông này chuyên cho vay lời nặng lãi, nên khi họ đi ngang qua nhà, Anh Tú chơi nghịch lên lầu đổ nước xuống nhà.
Cảm động nhất, lúc xẩy ra biến cố tháng 4/75, ra đi vội vàng như thế, nhưng Anh Tú vẫn không quên mang theo hết hình ảnh của chị Chiêu bỏ vào valise và xách theo khi di tản, nhờ vậy, mấy chục năm sau khi gặp lại, Bích Chiêu mới còn có một số ảnh xưa của mình”.
Ca sĩ Tuấn Ngọc
Khi được hỏi về kỷ niệm giữa Tuấn Ngọc và Anh Tú, dù rất ngắn, nhưng ca sĩ Tuấn Ngọc đã trả lời rất xúc động về những gì mà ông muốn nói với người em ruột thịt của mình mà chưa thể nói trước đây. Tuấn Ngọc đã tâm tình:
“Tôi và Tú là hai anh em khác tánh nhau, thành ra không có hợp. Nhưng mà không có nghĩa, không hợp là không thương nhau. Lúc cần nhau, giúp đỡ nhau được cái gì vẫn giúp đỡ. Nhưng bây giờ, tôi chỉ ân hận một điều, vì không hợp, thành ra anh em không có thời gian đủ dài để dành cho nhau. Phải chi bây giờ, nếu tôi làm lại được từ đầu, là tôi sẽ chia sẻ với Tú nhiều hơn. Còn kỷ niệm thì quá nhiều, mặc dù không có gần nhau, nhưng mà nội cái ở Việt Nam đi làm mỗi ngày, mỗi đêm… Anh em đã có nhiều kỷ niệm với nhau lắm”.
Ca sĩ Khánh Hà
Khi ca sĩ Anh Tú đột ngột qua đời, hai trong số những người đau khổ nhất là Thúy Anh và Khánh Hà, bởi ngoài tình anh em ruột, họ còn là những người gắn bó với nhau trong âm nhạc, một bộ ba tam ca mà dân yêu nhạc thời Sài Gòn xưa rất hâm mộ – nhóm Thúy Hà Tú.
Khánh Hà từng chia sẻ rằng điều hồi tiếc nhất trong đời cô là đã yêu thương người anh trai của mình chưa đủ nhiều. Đến lúc Anh Tú không còn nữa thì đã quá muộn, lúc đó có bao nhiêu yêu thương đi nữa thì cũng đều là vô nghĩa.
Khi nhắc về những kỷ niệm vui của thời thơ ấu, bên cạnh những nụ cười khi nhắc về một thời đã qua, Khánh Hà vẫn không thể nào ngăn được những giòng nước mắt. Đằng sau những nụ cười và tận cùng những lấp lánh hào quang danh vọng của một ngôi sao chói sáng, thế nào chăng nữa, Khánh Hà hình như vẫn còn nguyên cái cảm giác đau đớn tột cùng khi cô đã mất đi những gì yêu quý nhất. Mời bạn đọc theo dõi phần phỏng vấn giữa Trần Quốc Bảo và ca sĩ Khánh Hà:
- Giữa Khánh Hà và Anh Tú dĩ nhiên có rất nhiều kỷ niệm, nhưng thời ấu thơ, có kỷ niệm nào tức cười nhất của Anh Tú mà Hà không thể quên được?
Hồi nhỏ, Khánh Hà và Anh Tú là hai người lúc nào cũng phải trông coi các em. Lúc đó có Thúy, Lan Anh, Thiên Hương (đã mất rồi) và Lưu Bích.
Có một lần bố mẹ đi vắng, giao phó hai anh em trông các em. Không biết Anh Tú lúc đó làm cái gì đó mà lúc mẹ về la một trận: “Tao đuổi mày ra khỏi nhà”. Mẹ vừa nói xong, ảnh cũng gật đầu.
Mẹ lại hỏi: “Mày bằng lòng đi phải không?” Ảnh gật đầu đi lần nữa. Sau đó ảnh vào lấy cái cặp táp đi học, ảnh bỏ vài cái bộ quần áo gì đó nhỏ xíu hà.
Mẹ hỏi lại một lần nữa: “Muốn đi hả?”, thì ảnh lại gật đầu. Thế là ảnh đi ra cửa. Ảnh đi đâu không biết. Khánh Hà về tìm hoài không thấy. Về sau ảnh mới kể lại là ra bến Bạch Đằng. Ra đó, ảnh tính… nhảy xuống. Đến chiều, nước sông dâng lên, ổng sợ quá lại xách cặp táp đi về.
Tuy xách về nhưng nhà cũng không biết ảnh ở đâu. Lúc đó mưa to gió bão, cả nhà đi tìm nhưng nào thấy ảnh đâu. Bất thình lình sáng sớm hôm sau, khi Khánh Hà cúi xuống lấy dép ở dưới ghế salon, thì thấy ảnh nằm dưới đó và nhắm nghiền mắt.
Hồi nhỏ, tánh Anh Tú lì lắm. Lúc ấy Hà hỏi ảnh: “Anh Tú ơi, Anh Tú ơi. Đi ra đây đi. Đi dậy ăn cơm…” Năn nỉ biết bao nhiêu cũng không dậy. Ảnh lì lắm. Và đó là cái kỷ niệm tức cười nhất, nhớ mãi không quên.
Ca sĩ Lan Anh
Lan Anh – người em gái nhỏ của Anh Tú, và là tay trống của ban The Uptight – những năm qua có sức khỏe không được khả quan, vì thế cô không xuất hiện bên ngoài. Để nhắc nhớ về người anh ruột thương yêu của mình, Lan Anh đã ghi lại những giòng thương tưởng thật cảm động. Mời bạn thưởng thức:
“Đời sống con người nhìn thấy ngắn ngủi mà dài lâu. Có nhiều khi thấy dài lâu mà lại ngắn ngủi. Chúng tôi thường gọi Anh Tú về nhà ít nhất là 2 lần trong tuần, để nấu những món ăn ngon cho mẹ trong những ngày bệnh. Trong khi nhìn Anh Tú nấu ăn, tôi thấy mừng thầm trong bụng, là nếu sau này không còn mẹ nữa thì tôi còn có Anh Tú để nấu cho chúng tôi ăn và có thể nói là ngon hơn cả Mmẹ nấu nữa.
Như tôi đã nói, nhìn thấy đời người dài lâu mà lại ngắn ngủi. Anh Tú bỏ chúng tôi ra đi một cách bất ngờ, cho dù chính tôi, bàn tay đầu tiên nắm chặt sơi dây thừng từ từ thả giỏ tàn tro của anh xuống biển mà tôi vẫn chưa chấp nhận được sự ra đi của anh. Bằng chứng là tấm hình anh được đặt trên một cái bàn nhỏ nhưng không có bát nhang hay đèn vì tôi còn muốn giữ lại cho anh và chúng tôi một hình ảnh Anh Tú đùa nghịch phá phách chứ không muốn nhìn anh qua tấm ảnh khói hương nghi ngút. Anh sẽ sống mãi và sống hoài trong trái tim của anh chị em chúng tôi”.
Ca sĩ Lưu Bích
Khi Anh Tú còn sống, anh dành tình cảm yêu thương cho cô em Lưu Bích rất nhiều. Đêm xảy ra chuyện, Lưu Bích đi show xa và nàng đã khóc ngất khi nhận được tin dữ trên phone qua một người thân gọi báo.
Lưu Bích đã kể về những kỷ niệm với Anh Tú trong những năm cuối cùng:
“Hai năm cuối cùng, 2002-2003, Anh Tú ưa về nhà nấu cơm cho má ăn. Và mỗi lần mà có party hay ở nhà, mấy con gái hư không biết nấu cơm, có mình ảnh biết nấu thôi, thành ra mỗi lần có party là cứ kêu: “Anh Tú ơi… Về nhà nấu…” là ảnh sau đó lại về nhà nấu. Rồi mỗi tối thứ ba, ảnh có cái routine là sẵn má và chị Thúy đi đánh Bingo. Buổi sáng thì đi đạp xe với chị Thúy ở ngoài biển. Đó là cái schedule của ảnh. Hai năm cuối cùng này, ảnh về với gia đình nhiều hơn ngày xưa. Thành ra, Lưu Bích vẫn chưa tin là chuyện đó đã xảy ra…”
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Khi biết tin Anh Tú qua đời, nhạc sĩ Quốc Bảo đã viết những dòng này đăng trên tờ Giai Điệu Xanh:
“Có quá nhiều người Việt hát tốt, đấy là điều mà mỗi khi nghĩ đến, tôi không khỏi tự hào lây. Nhưng suốt nửa đời mình, tôi chỉ tìm được hai giọng nam hay. Họ là hai anh em ruột trong một gia đình có nhiều người hát tốt đến mức thay vì tự hào thì bạn sẽ có chút ghen tị. Buồn thay, hôm nay, một trong hai người-hát-hay ấy đã ra đi vĩnh viễn. Tên anh là Lã Anh Tú…
Anh Tú có một cách phát âm tiếng Việt khá đặc biệt, hờ hững, run rẩy, và đẩy hơi từ răng để chữ trượt theo, nghe nhẹ nhõm, phóng túng, không gắng sức dụng công. Mà quả thật, anh hát như thể đang trò chuyện thân tình, như lời tâm sự bằng hữu, để những đoạn nghẹn ngào cũng chỉ vừa đủ như một nỗi đau đã lành được kể lại. Anh Tú hát tiếng Pháp chuẩn xác, điều chỉ có được với những người thực sự sử dụng được ngoại ngữ này. Cách phát âm tiếng Pháp với nhiều âm mũi cũng ảnh hưởng đến cách hát của anh trong nhạc Việt. Những âm khép được đẩy hết lên mũi, nghe chơi vơi, tuyệt vọng một cách đặc biệt. Đấy là cách hát tạo thành phong cách cho anh, không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai…”
Ca sĩ Cẩm Vân
Ca sĩ Cẩm Vân và Khắc Triệu nhắc về những kỷ niệm với Anh Tú:
“Giọng hát của Anh Tú mỏng manh, trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị nhưng quý phái đến độ chúng tôi đã ví giọng hát anh là Thủy Tinh dễ vỡ. Tôi lúc nào cũng chọn và để sẵn trên kệ CD của mình – nơi mà dễ lấy nhất, để khi cần, mình không phải vất vả tìm kiếm. Mỗi khi bị stress và mệt mỏi, thì giọng hát của anh đã giúp cho chúng tôi tìm được cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Giọng hát đó của anh như cơn gió mát mùa Hè. Và con người của anh, như những mùa Xuân nắng ấm luôn đem cho người khác những niềm vui và hy vọng vô bờ.
Chúng tôi chỉ mới quen anh sau lần anh về Sài Gòn trình diễn, nhưng ngay khi lần gặp đầu tiên, đã thấy khoảng cách giữa chúng tôi và anh vô cùng gần gũi. Sau những show hát chung ở phòng trà M&Tôi và những Tour ở Nha Trang, chúng tôi có dịp ăn uống chung với nhau rồi ngồi ca hát cho đến sáng. Nhờ vậy, nên tôi biết ngoài ca hát, anh còn một biệt tài nữa là kể chuyện tiếu lâm thật là duyên. Những câu chuyện anh kể, dù đã có nghe rồi, nhưng vẫn không thể tránh được cảnh cười nghiêng ngửa trước tài hài hước dí dỏm độc đáo của anh. Chúng tôi và nhiều người còn nể phục anh hơn nữa, khi anh ra tay nấu ăn. Nào là miến gà, gỏi cá. Món nào cũng rất trứ danh, ăn một lần là bảo đảm nhớ mãi.
Những lần anh về Sài Gòn, ngày nào chúng tôi cũng gặp anh. Sau những show diễn, đêm nào anh cũng đến vũ trường Liberty (nơi đóng đô của chúng tôi). Anh hát say sưa và đam mê vô cùng. Ban ngày thì anh và chúng tôi thường đi loanh quanh ngoài đường phố. Anh thích uống café, tán dóc, thích ăn bún riêu gánh ở Tạ Thu Thâu trước cửa chợ Sài Gòn. Nhớ có lần nhà chúng tôi cúng giỗ tổ, anh cũng đến dự và mang theo 2 con heo quay, một con vịt quay, một con gà cùng với thật nhiều trái cây nào là sầu riêng, chôm chôm, xoài, nhãn… Anh nói: “Cho Anh Tú cúng với, vì từ xưa đến nay, Anh Tú chưa bao giờ biết cúng Tổ, mà tổ thì đãi Anh Tú mấy mươi năm rồi”.
Sau đó thì Anh Tú cũng đã làm tất cả những điều như mọi ca sĩ khác làm – là lấy tàn nhang bôi lên miệng, lên cổ và lên má. Trông anh thật dễ thương làm sao. Giờ đây thì anh đã ra đi vĩnh viễn. Anh ra đi trong sự yêu thương vô hạn của đồng nghiệp, bạn bè và khán giả. Chúng tôi nhớ mãi câu anh thường nhắc nhở chúng tôi là: “Triệu, Vân à! nên nhớ rằng thêm một người thương mình tức là bớt một người ghét mình”. Chúng tôi đã nằm lòng câu nói này và cố gắng thực hiện nó trong đời sống hàng ngày của mình.
Anh Tú ơi! Vĩnh biệt anh! Thủy-Tinh-Dễ-Vỡ vẫn mãi ngân vang, trong sáng nhẹ nhàng giản dị nhưng vẫn mãi quý giá trong tim của mọi người.”
Nguồn: Nhà báo Trần Quốc Bảo
biên soạn: nhacxua.vn