Chợ Lớn là khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tàu Hủ trải dài trên địa bàn Quận 5 và Quận 6, về phía nam tới Quận 8 và về phía bắc tới Quận 10 và Quận 11 ở Sài Gòn ngày nay.
Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với thành phố Sài Gòn, được gọi là thành phố Chợ Lớn. Từ những năm đầu thế kỷ 20, do quá trình đô thị hóa nên Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau, chính thức là vào năm 1932. Khu phố này từ lâu đã là nơi sinh sống của người Hoa và được coi là khu phố Tàu rộng nhất thế giới.
Từ thế kỷ 17, khu vực Chợ Lớn chủ yếu là nơi định cư của người Hoa không thần phục nhà Thanh, bỏ Trung Quốc để sang sinh sống, thành lập làng Minh Hương. Tuy nhiên vùng đất này chỉ thực sự đông đúc khi người Hoa ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) đến đây lánh nạn khi quân Tây Sơn tàn phá nơi ở của họ năm 1776.
Ban đầu, chợ Lớn mang tên là chợ Sài Gòn, là ngôi chợ lớn nhất toàn vùng nên cũng thường được gọi là Chợ Lớn. Sau khi người Pháp chiếm được thành Gia Định năm 1859, họ đã cho dời chợ Sài Gòn về khu Bến Thành để thành lập thành phố Sài Gòn như là một trung tâm hành chính lớn nhất ở miền Nam, từ đó chợ Sài Gòn cũ (ở khu vực Bưu Điện Chợ Lớn hiện nay) chính thức mang tên là Chợ Lớn. Sang đầu thế kỷ 20, sau khi Chợ Lớn (mới), tức là chợ Bình Tây được đại phú gia Quách Đàm xây dựng thì Chợ Lớn (cũ) được đập bỏ vì xuống cấp, ở vị trí này xây lên một bưu điện vẫn còn cho đến nay (bưu điện Chợ Lớn).
Từ nửa sau của thế kỷ 19, nếu như người Pháp quy hoạch và xây dựng thành phố Sài Gòn như là một trung tâm hành chính, thì Chợ Lớn vẫn là trung tâm thương mại lớn nhất toàn miền Nam. Ngày 6/6/1865, chính quyền Pháp thành lập thành phố Chợ Lớn, lúc đó chủ yếu do các bang trưởng người Hoa quản trị về hành chánh, thuế nhẹ và ít bị người Pháp can thiệp.
Ngày 20/10/1879, thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra Nghị định công nhận thành phố Chợ Lớn là đô thị loại 2 ngang với cấp tỉnh, cùng với các thành phố Tourane (Đà Nẵng) và Phnompenh (Nam Vang) được thành lập sau này của Liên bang Đông Dương.
Thành phố Chợ Lớn là đơn vị hành chính tách biệt hẳn với tỉnh Chợ Lớn (được chính thức thành lập từ ngày 1/1/1900, trên cơ sở đổi tên từ hạt tham biện Chợ Lớn), tuy nhiên, trụ sở các cơ quan chính quyền của tỉnh Chợ Lớn đều đặt tại thành phố Chợ Lớn. Vì lý do này mà trong nhiều thời kỳ, vị Thị trưởng Chợ Lớn kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ tỉnh Chợ Lớn, và tỉnh Chợ Lớn cũng là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ vào thời gian đầu thế kỷ 20.
Ngày 27 tháng 4 năm 1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 30 tháng 6 năm 1951, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam ký sắc lệnh số 311-cab/SG đổi tên Khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để ” thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam”. Theo Sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn, ngoài ra phần lớn diện tích của tỉnh Chợ Lớn được sáp nhập với tỉnh Tân Anh để thành tỉnh Long An, từ đó tên gọi “Chợ Lớn” không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh nữa, chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực quận 5, quận 6 và một phần quận 11 của Đô thành Sài Gòn.
Đặc trưng nhất đối với nhà phố ở Chợ Lớn là các nhà dạng ống của người Hoa ở các đường ven rạch nước, người Tây gọi là các shophouse. Người Hoa đã mang kiểu nhà này từ Nam Trung Hoa đến thành phố Sài Gòn vào đầu thế kỷ 18. Đó là kiểu nhà có chiều ngang hẹp 3-4m và chiều dài gấp 4-5 lần chiều ngang, tầng trệt là nơi buôn bán, tầng lầu là nơi ở của gia đình chủ nhân, ngay phía sau dãy nhà là những nhà kho rộng lớn, sâu vào trong có khi tới cả trăm mét, là nơi chứa hàng hóa, lúa gạo của các thương gia người Hoa ở đây.
Cho đến đầu thế kỷ 20 thì giữa Sài Gòn và Chợ Lớn vẫn còn ngăn cách bởi một vùng đồng không mông quạnh, chỉ có thể đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn qua con đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng) đến Route Haute (đường Nguyễn Trãi ngày nay). Đến tận thập niên 1920 thì một đại lộ lớn được mở để nối Chợ Lớn đến Chợ Bến Thành (vừa được xây dựng từ năm 1912), đó là đại lộ mang tên Galliéni. Năm 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam tách đại lộ Galliéni ra làm đôi, phần địa phận Sài Gòn vẫn giữ tên Galliéni, còn phần đại lộ thuộc địa phận Chợ Lớn đổi thành đại lộ Trần Hưng Đạo, nối với đường Rue des Marins.
Đường Rue des Marins ngăn cách với đại lộ Trần Hưng Đạo bằng con đường mang tên An Bình (tên đường vẫn được giữ lại cho đến ngày nay), và đại lộ Trần Hưng Đạo và đại lộ Galliéni ngăn cách nhau bằng đường Nancy, tức đường Cộng Hòa sau này, nay là đường Nguyễn Văn Cừ.
Sau năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa nhập 2 đại lộ Trần Hưng Đạo và Galliéni lại thành một đại lộ duy nhất mang tên Trần Hưng Đạo, còn đường La Rue des Marins đổi tên thành đại lộ Đồng Khánh, là con đường huyết mạch của Chợ Lớn. Sau năm 1975, đại lộ Đồng Khánh mang tên đường Trần Hưng Đạo B.
Vì khu Chợ Lớn đông đúc người Hoa, nên từ năm 1955, các đường Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử được đặt tên. Đại lộ Khổng Tử ngày nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, còn đường Trang Tử, Lão Tử vẫn còn cho đến nay.
Đại lộ Khổng Tử đã có từ cuối thế kỷ 19, ban đầu là một bến gần rạch nước nên mang tên quai Gaudot, đó đó rạch nước bị lấp nên đường này mang tên là boulevard (đại lộ) Gaudot, sau đó đổi tên thành đại lộ Bonhoure. Từ 1955-1975, đổi tên thành đại lộ Khổng Tử. Sau năm 1975 thì đổi tên thành Hải Thượng Lãn Ông.
Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh Chợ Lớn vào thập niên 1950:
–
–
–
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn