Trong tất cả những công trình kiến trúc đã được xây dựng ở Đà Lạt trong thế kỷ 20, có thể nói là không có bất kỳ nơi nào có thể sánh bằng Langbiang Palace (Dalat Palace) về quy mô, vị trí và sự xa hoa của nó.
Vào lúc 15 giờ 30 ngày 21 tháng 6 năm 1893, bác sĩ Yersin lần đầu được nhìn thấy cao nguyên Lâm Viên. Đó là một khoảnh khắc lịch sử, bởi vì chỉ vài mươi năm sau đó, người Pháp đã xây dựng và quy hoạch nơi này thành một nơi được kỳ vọng là “đô thị nghỉ dưỡng”, thủ phủ mùa hè ở Đông Dương.
Trong nhật ký hành trình, vị bác sĩ nổi tiếng, đồng thời cũng là nhà thám hiểm Yersin chỉ ghi vắn tắt: “3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”.
40 năm sau đó, tức là vào đầu thập niên 1930, bộ mặt của đô thị Đà Lạt dần được hình thành với hàng loạt công trình hành chánh, biệt thự, khách sạn vẫn còn lại cho đến ngày nay. Năm 1932, tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm được thông tuyến. Năm 1933, tuyến đường bộ Đà Lạt – Sài Gòn được thông xe. Cũng trong cùng năm đó, phi trường Liên Khương được xây dựng và đi vào hoạt động. Cả 3 đường bộ, đường sắt, hàng không cùng hoàn thành gần như cùng thời điểm để thuận tiện cho giao thông kết nối Đà Lạt đến Sài Gòn.
Trước thời điểm đó, để đi đến được Đà Lạt người ta chỉ có thể đi theo tuyến đường bộ từ Phan Thiết – Di Linh (hoàn thành năm 1913), và từ Di Linh đi Đà Lạt (năm 1914). Đây là con đường lưu thông bằng xe đầu tiên kết nối Đà Lạt với vùng đồng bằng, trước đó để đến Đà Lạt chỉ có thể đi bộ hoặc đi ngựa.
Tuy nhiên, ngay trước khi giao thông được kết nối thì rất nhiều công trình đã được xây dựng ở Đà Lạt vào thập niên 1920, như Chợ, Nhà Thờ, Trường, Bưu Điện, Biệt Thự Nghỉ Dưỡng,… Về những khách sạn đầu tiên ở Đà Lạt, trong đó có Hôtel du Parc xây dựng từ năm 1922 và vẫn còn cho đến hiện nay. Tuy nhiên về mức độ quy mô và tuổi đời thì không khách sạn nào sánh bằng Dalat Palace, tên nguyên thủy là Langbiang Palace, tọa lạc ở ngay cửa ngõ vào Đà Lạt, có tuổi đời đúng 100 năm.
Langbian Palace là đại khách sạn được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt, với ý định trang bị cho “đô thị nghỉ dưỡng” một nơi đón tiếp du khách có đầy đủ tiện nghi. Công trình này được xây năm 1916 và hoàn thành sau 6 năm.
Khuôn viên của Langbian Palace rộng đến hơn 40 nghìn mét vuông, chung quanh là vườn hoa, thảm cỏ, rừng thông. Có thể nói sự đồ sộ của Langbiang Palace hoàn toàn áp đảo mọi công trình của Đà Lạt về sau này.
Vào thuở sơ khai của Đà Lạt, Langbiang được xây dựng ở vị trí quy hoạch dành riêng, có rất nhiều lợi thế. Cận cảnh là hồ Xuân Hương, đồi Cù,… Ở phía xa là dãy núi Lang Biang xanh thẳm. Khách sạn này có hệ thống bậc thang trải dài theo sườn đồi, từ phía Hồ Xuân Hương đến tận lối vào chính. Chi tiết này làm cho khách sạn Palace thêm phần uy nghi, duyên dáng mà không khách sạn nào có được.
Langbiang Palace được xây dựng theo hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp với trường phái cổ điển, gồm 3 tầng, phần tầng trệt nhô cao hơn mặt sân để tạo thêm một tầng hầm. Khách sạn có 43 phòng, tất cả đều được trang bị thiết bị, đồ dùng sang trọng.
Khách sạn được trang bị đầy đủ tiện nghi và xa hoa nhất, như dàn nhạc, rạp chớp bóng, phòng khiêu vũ, phòng tập thể dục, sân tennis, cỡi ngựa, vườn rau riêng và một nhà hàng Pháp. Ngoài ra còn 2 phòng họp với sức chứa 100 người.
Về nhà hàng Pháp trong Langbiang cũng có một câu chuyện thú vị, đó là theo quy định đối với khách sạn có quy mô như thế này thì phải có quản lý và bếp trưởng người Pháp sẵn sàng trước khi khách sạn đi vào hoạt động.
Từ năm 1920, một người Pháp tên là Marc Desanti đã quản lý khách sạn khi nó vẫn còn đang được xây dang dở, và Desanti cũng chiêu mộ một bếp trưởng từ Pau ở miền Nam nước Pháp để sang Đà Lạt. Đó là đầu bếp tên là Henri Passiot, kiêm luôn vị trí phụ trách phòng, đã ký hợp đồng 3 năm để bắt đầu làm việc từ ngày 1/1/1921.
Tuy nhiên sau ngày ký hợp đồng 10 tháng mà khách sạn vẫn chưa hoàn thiện phần nội thất, bếp trưởng Passiot làm đơn kiện Desanti đòi trả đủ tiền lương, cũng như chi phí đi lại giữa Pháp và Đông Dương cho cả 2 vợ chồng ông.
Năm 1943, mặt tiền của Langbiang Palace được thay đổi phần mặt tiền, ngoại thất trở nên rất giống với dinh Bảo Đại được xây vào các năm 1934, 1937, không còn mang nét cổ điển nữa mà trở nên hiện đại hơn. Sở sĩ như vậy là vì toàn quyền Đông Dương lúc đó là Jean Decoux không thích những đường nét cổ điển mà ông xem là “lỗi thời” của Langbiang Palace trước đó. Vì vậy, kiến trúc cổ điển bị loại bỏ, đơn giản hóa các đường nét và cắt bỏ các chi tiết mang phong cách nghệ thuật rococo vốn thịnh hành từ thế kỷ 18 ở Pháp.
Từ thập niên 1950, khách sạn đổi tên thành Dalat Palace, sau 1975 có thời gian được mang tên Dalat Sofitel Palace, rồi lại đổi thành Dalat Palace Hotel như hiện nay.
Một số hình ảnh của Langbiang Palace với kiểu dáng nguyên thủy (trước năm 1943):
Hình ảnh Langbiang Palace sau khi thay đổi ngoại thất (sau 1943):
Hình ảnh lúc đã đổi tên thành Dalat Palace (sau thập niên 1950):
Hình ảnh từ Langbiang Palace (Dalat Palace) nhìn về phía trước:
Nội thất của Langbiang Palace:
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn
Hình ảnh từ manhhai flickr