Những hàng cây cổ thụ của Saigon

Hồi thời Pháp mới qua và bắt đầu quy hoạch Sài Gòn, họ cho trồng rất nhiều cây dọc hai bên những con đường lớn. Đường nào cũng đầy bóng râm bóng mát, là chỗ nghỉ trưa lấy sức của những người lao động và giới bình dân.

Trước 1975, cây cổ thụ còn rất nhiều và đã đi vào nhạc với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”. Giờ vì viện cớ quy hoạch, mở rộng đường nên đã chặt phá dần dần, nhiều con đường rợp bóng cây giờ đã trở thành hoài niệm. Hồi 2003, toàn bộ hai hàng cây cổ thụ từ đoạn ngã 3 Bà Quẹo đến cầu Tham Lương bị hạ, để rồi con đường đó giờ thênh thang… nắng gắt.

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) thời Pháp

Hàng me trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng)

Năm 2015, hàng trăm cây cổ thụ trong công viên Gia Định (còn có tên khác là công viên Cây Xanh) bị chặt hạ, công viên cây xanh nay đã kém xanh hơn.

Cây trong công viên Gia Định 

Gần đây hơn là năm 2018, vì xây cầu Thủ Thiêm 2, đã triệt hạ hơn 260 cây cổ thụ ở đường Cường Để xưa đầy kỷ niệm học trò với “Trưng Vương khung trời kỷ niệm”, với Văn khoa dập dìu giai nhân tài tử; để rồi con đường thơ mộng bỗng chốc trở nên mất hồn và xơ hoá như cung đường giữa sa mạc nắng gay!

Cây trên đại lộ Nguyễn Huệ thời trước 75

Những hàng cây còn lại cũng đang chết dần chết mòn vì lòng tham và sự ích kỷ của “người thành phố hôm nay”! Đại gia tham đất, gian thương tham cây, người dân tham mặt tiền… Họ tìm mọi cách để đốn lén, bức tử những gốc cổ thụ hiếm hoi còn lại, những chứng nhân lặng thầm của một Sài Gòn hoa lệ.

Đường Chasseloup-Laubat, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai

Cây trên đường Tôn Đức Thắng nay đã bị đốn hạ

Nhìn hàng cây sao cổ thụ trên một con đường nhỏ ở xã Phú Khánh, Thạnh Phú, Bến Tre (dài chừng 3-4 cây số) lòng chợt dịu lại giữa cái ồn ào phố thị với niềm đau đáu về sự mất còn của những hàng cổ thụ Sài Gòn… Một bạn quê này đã viết:

“Lâu rồi không về quê nội, lúc nhỏ chỉ biết về quê rồi đi lang thang trên con đường này, hàng cây thật đẹp…”

Chợt nhói lòng khi nhớ lại cái tin người ta đốn toàn bộ hai hàng cây cổ thụ ở Trà Vinh – một biểu tượng thơ mộng của thành phố bé nhỏ này để trồng cây mới. Mong sao những gốc cổ thụ ở ao Bà Ôm – nơi truyền thuyết thi tài của nam nữ trong vùng, cũng là điểm hẹn của trai gái và khách thập phương khi đến vùng đất nhiều chùa tháp cổ nhứt miền Tây, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cho con cháu đời sau.

Hàng cây ở Bến Tre

Nguồn: Saigontrongtim

Exit mobile version