Những giai thoại về hoàn cảnh sáng tác các bài nhạc Trịnh Công Sơn

DIỄM XƯA…

Có hai chị em đều đẹp và quý phái. Tôi theo cô Diễm. Mối tình học trò, có lẽ đơn phương, kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc vào Sài Gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm, bởi Diễm cũng chưa có biểu hiện nào xa lánh tôi và cũng không có lời lẽ cự tuyệt. Năm đó tôi thi trượt Bac II. Diễm đậu và vào Sài Gòn để vào đại học Văn Khoa. Còn tôi thì về lại Huế, bỏ ngang việc học vì gia đình đang lâm cảnh sa sút. Phần buồn, phần tự ái, tôi không còn tìm cách liên lạc với Diễm nữa. Có lẽ vì vậy mà Diễm cũng lơ luôn.

Diễm đâu biết rằng trong thời gian này tôi đau khổ nhất. Tôi đã cố nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự khổ đau và nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã phải viết nên bài “Diễm Xưa” để trút bớt nỗi khổ đau trong lòng. Nhưng có điều lạ là khi tôi viết xong bản nhạc này, tôi lại thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu. Trong lòng tôi bấy giờ chỉ còn một chút tình mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước kia. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá nơi Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp được Diễm. Tôi nhờ mấy cô bạn gái đang đứng ngoài cổng trao lại dùm. Khi tôi quay lưng đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên “ban công” gọi theo:

– Anh Sơn! Anh Sơn! Anh Sơn ơi!

Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi tên tôi vẫn còn văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng, sẽ không bao giờ tìm gặp lại Diễm nữa.

(Bút ký của Trịnh Công Sơn)

LỜI BUỒN THÁNH…

Từ ngày Nguyễn Văn Ba chết, chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa.

Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài, nhìn đăm đắm ra con đường đất đỏ. Mùa này bông lau nở trắng khắp nơi. Lau trắng dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, gió nồm thổi nhẹ từng cơn, lướt qua rừng lau, xô chúng ngã nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn. Chiều xuống dần. Những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên những ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần. Không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất. Thật hắt hiu buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ chiều. Chuông nhà thờ đang vang vang, dồn dập từng hồi, thúc dục con chiên đến giáo đường.

Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà. Người mãnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, với khuôn mặt phảng phất nhiều nét như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi. Mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Thánh Kinh trước ngực, đầu hơi cuối xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi? Cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái màu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí! Chẳng là, cứ ba giờ chiều, chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà, mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi, mới biết.

Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà, hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ, để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm Lời Buồn Thánh.

(Nguyễn Thanh Ty)

ƯỚT MI…

Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi mười bảy tuổi, đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì nhiều mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời.

Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát bục sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán thính giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay gót về hậu trường. Đêm đó tôi nôn nao không ngủ được. Trong lòng nổi dậy biết bao là mộng mơ, thắc mắc. Những câu hỏi cứ hiện ra trong đầu, nhưng tôi không dám trả lời dễ dàng cho mình thỏa mãn. Nhưng câu hỏi cứ trở đi, trở lại trong tôi là: – Liệu nàng có để ý gì đến bản nhạc mà tôi đã thao thức bao đêm để làm nên vì nàng không? Hay nàng chỉ khách sáo cầm hờ rồi vứt bỏ nó ở đâu đó! Vứt đi! Tim tôi đau nhói khi nghĩ đến hai chữ ấy.

Suốt gần một tuần, tôi hồi hộp theo dõi nàng mỗi đêm, đón từng ánh mắt nàng nhìn xuống khán giả thử xem nàng có dừng lại nơi tôi không, để tôi hy vọng. Nhưng không, vẫn như mọi lần. Một cái nhìn chung để gây cảm tình chung. Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho ban nhạc tạm im tiếng cho nàng nói vài lời.

– Thưa quí vị! – Nàng bắt đầu nói và tôi hồi hộp chờ đợi. – Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm mới của một nhạc sĩ rất lạ, tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm “Ướt Mi” của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng rằng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn.

Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động. Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước tới bục, ngước lên và nói: – Xin cám ơn Thanh Thúy đã hát bài nhạc của tôi. Nàng a lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói tiếp: – Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện riêng với anh được không?

Tôi luống cuống gật đầu. Lúc ấy tôi sung sướng quá, hạnh phúc quá nên không tìm ra được lời nào để đáp lại. Tôi cùng nàng đón taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẽm. Căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi: tủ lạnh, quạt máy. Mọi vật dụng trong nhà đều sang trọng, đắt tiền. Tối hôm ấy nàng cùng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi không còn nhớ chuyện gì ra chuyện gì. Tôi kể cho nàng nghe hoàn cảnh của tôi từ Huế vào trọ học. Nàng kể cho tôi nghe cuộc đời nàng từ Phan Thiết lớn lên…

CÁT BỤI

Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim.”Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6. Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói: có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.

Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở : “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi.Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.

Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát bụi”

Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu.

Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay.
Người viết Zorba đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tỉểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.
“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi…

HẠ TRẮNG

Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 – 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó.

Đến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai. Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu.

Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.

Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ Trắng”.

Tổng hợp

Exit mobile version