Những điều ít người biết về 2 tòa nhà Quốc Hội của Sài Gòn trước năm 1975

Từ năm 1967 đến 1975, miền Nam từng có một Quốc Hội với lưỡng viện riêng biệt: Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện. Trụ sở Hạ Nghị Viện của Sài Gòn xưa, ngày nay là Nhà Hát Thành Phố, còn trụ sở Thượng Nghị Viện hiện nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TpHCM nằm trên đường Võ Văn Kiệt (trước đây là đường Bến Chương Dương).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Quốc hội lưỡng viện là hình thức lập pháp trong đó các nhà lập pháp phân ra thành hai hội đồng phân biệt nhau: Thượng viện và Hạ viện. Bài viết này sẽ tìm hiểu rõ hơn về 2 toà nhà Quốc Hội rất đẹp ở Sài Gòn được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20.

Có một thực tế rằng chính quyền VNCH đã sử dụng 2 toà nhà nghị viện này không đúng với chức năng ban đầu khi xây dựng, và hiện nay chính quyền mới đã đưa 2 toà nhà trở về đúng với mục đích ban đầu của nó.

Trụ sở Hạ Nghị Viện khởi đầu là 1 nhà hát đầu tiên của miền Nam, sau năm 1955 bị chuyển thành trụ sở Quốc Hội, từ năm 1967 chuyển thành trụ sở Hạ Nghị Viện. Đến sau năm 1976, toà nhà này mới được trả lại đúng công năng là một nhà hát.

Trụ sở Thượng Nghị Viện được chính quyền Pháp xây dựng với chức năng là một phòng Thương Mại của Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1955, toà nhà này bị chuyển thành phòng Hội Nghị, đến năm 1967 chuyển thành trụ sở Thượng Nghị Viện. Sau 1975, nơi này được chuyển về đúng công năng là phục vụ cho những hoạt động thương mại.

Trước tiên, xin nói cụ thể về lịch sử của Opera House (Nhà Hát Thành Phố), nơi từng là Trụ Sở Quốc Hội (1955-1963) và Trụ sở Hạ Nghị Viện (1967-1975).

Đây là Nhà Hát Lâu đời nhất ở Sài Gòn, được chính quyền Pháp xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1900 ở vị trí trung tâm thành phố, có mặt tiền hướng ra đường Catinat/Tự Do (nay là Đồng Khởi) và đường Bonnard/Lê Lợi. Từ năm 1955 đến nay, quảng trường trước Nhà Hát được gọi là công trường Lam Sơn.

Mặc dù đây là một công trình để phục vụ cho nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người Pháp ở Đông Dương, nhưng nhà hát này lại không được người Pháp ở Sài Gòn ủng hộ vì chi phí bỏ ra quá lớn (2.5 triệu francs). Cuối cùng dự án này vẫn được tiến hành vì ông thị trưởng người Pháp muốn một thành phố lớn như Sài Gòn phải có nhà hát lớn, xứng tầm với vị thế vốn có.

Đến năm 1955, khi Ngô Đình Diệm nắm quyền ở Việt Nam, ông chuyển Nhà Hát thành trụ sở của Quốc Hội thời đệ nhất cộng hoà. Khi đó mặt tiền của trụ sở này được thay đổi cho phù hợp với chức năng mới. Các hoạ tiết, hoa văn trang trí được dỡ bỏ. Lối kiến trúc chuyển thành đường nét vuông vức, phù hợp với một trụ sở mang tính chính trị.

Sau khi nền đệ nhất cộng hoà kết thúc năm 1963, từ đó cho đến năm 1966, miền Nam được điều hành bởi một chính quyền quân sự, không còn quốc hội nữa. Qua năm 1964, toà nhà này lại được đổi lại thành nhà hát như cũ với tên gọi là Nhà Văn Hoá.

Được 2 năm, đến năm 1966, chính quyền mới đã thành lập Quốc Hội lập hiến. Sau đó cuộc Tuyển cử năm 1967 đã bầu lên Quốc Hội chính quy, và Quốc Hội này chia thành 2 viện giống như nhiều nước phương Tây khác là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Chính quyền chọn Trụ sở Quốc Hội cũ (tức Nhà hát) để làm Trụ sở Hạ Nghị Viện, và chọn Hội Trường Diên Hồng làm trụ sở Thượng Nghị Viện.

Sau 1975, nhà hát được trả lại công năng cũ là biểu diễn các chương trình nghệ thuật sân khấu, hòa nhạc, thậm chí cả biểu diễn xiếc… nhưng lại vẫn tiếp tục bị kèm thêm công năng phụ để phục vụ chính trị, đó là dùng để làm các cuộc hội họp, mít-tinh chính trị thường xuyên.

Đến khi hoàn thành việc phục chế nhà hát năm 1998, các cuộc hội họp chính trị đã không còn được tổ chức tại đây nữa. Các hoa văn trước mặt của Nhà Hát cũng được phục chế lại cho giống như nguyên thủy thời Pháp.

Hội Trường Diên Hồng – Thượng Nghị Viện

Trụ sở Thượng Nghị Viện nguyên là một toà nhà mang tên Chambre de Commerce được Pháp xây năm 1928 trên đường Quai de Belgique, góc nhã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Chambre de Commerce nghĩa là Phòng Thương Mại. Đây là toà nhà thương mại thứ 2 của Pháp xây ở Sài Gòn. Toà nhứ nhất đã được xây dựng năm 1867 tại số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh. Đến nay, toà nhà này vẫn còn và đã trở thành một quán bar.

Năm 1927, chính quyền Pháp quyết định xây 1 trụ sở phòng thương mại lớn hơn, hoành tráng hơn ở ngay bên rạch Bến Nghé và khánh thành năm 1928 với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ. Toà nhà này được thiết kể phong cách tân cổ điển, có chút ảnh hưởng từ cả kiến trúc Chăm và Khmer.

Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.

Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng, gợi nhớ đến hội nghị nổi tiếng nhất trong lịch sử là Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Có lẽ vì vậy mà con đường phía trước Hội nghị Diên Hồng cũng được đặt tên lại là đường Bến Chương Dương, nhắc lại trận đánh thắng quân Mông năm xưa. Hội trường Diên Hồng đã trở thành nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.

Thời đệ nhị cộng hoà, sau sự thay đổi hiến pháp năm 1967, Quốc Hội chia làm 2 viện, khi Hạ Nghị Viện được đặt ở trụ sở Quốc Hội cũ thì Hội trường Diên Hồng đã trở thành trụ sở Thượng Nghị Viện cho đến năm 1975.


Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.


Năm 2000, toà nhà được tân trang lại để trở thành Trung tâm giao dịch chứng khoán TpHCM (HoSTC), là nơi đầu tiên có các hoạt động giao dịch chứng khoán một cách đầy đủ tại Việt Nam. Năm 2007 cho đến nay, nơi này được đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version