Những địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn đã biến mất vĩnh viễn

Trong một hội hảo về khoa học di sản đô thị ở Sài Gòn vào tháng 10 năm 2019, TS Nguyễn Minh Hòa – người có thêm niên 25 năm làm việc trong hội đồng quy hoạch – kiến trúc đã thông báo 18 địa điểm lịch sử đã bị con người phá bỏ một cách đáng tiếc.

  1. Thung lũng xanh ở khu vực trung tâm, theo trục Lê Duẩn
  2. Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và Ụ tàu
  3. Cây cầu sắt trong Thảo Cầm viên
  4. Tháp quan sát PCCC đầu tiên của thành phố ở khuôn viên sở Cảnh sát PCCC
  5. Cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, quận 6
  6. Tòa Đại sứ quán Mỹ
  7. Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất
  8. Công viên Chi Lăng
  9. Quán cà phê nổi tiếng Sài Gòn Givral
  10. Thương xá Tax
  11. Hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng,
  12. Dãy nhà Shophouse hình ống của người Hoa, theo phong cách Nam Trung Hoa ở đường Trần Văn Kiểu
  13. Nhà đèn Chợ Quán
  14. Chợ gạo đầu tiên của Sài Gòn, chợ Trần Chánh Chiếu
  15. Một số tháp nước hình nấm
  16. Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm
  17. Cầu Nhị Thiên Đường
  18. Vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn

Rất nhiều báo chí đã đăng tải tên của 18 địa điểm này, nhưng chưa có nơi nào ghi rõ thông tin về nó. Trong bài này, người viết xin thu thập những dữ liệu, hình ảnh về 18 nơi này để bạn đọc được rõ.

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, dẫn lời lại 1 kiến trúc sư danh tiếng của thế kỷ 20, nói đại ý rằng diện mạo của 1 thành phố lâu đời giống như gương mặt của người già, có đầy nếp nhăn, vết nám, thậm chí là vết sẹo. Có những cái đó thì mới là khuôn mặt tự nhiên của một người đã trải qua bao nhiêu thăng trầm. Nếu không có chúng, thì đó chỉ như là gương mặt giả tạo của 1 con ma nơ canh bóng mịn vô hồn. Những di sản về văn hóa, kiến trúc lâu đời cũng chính là những nếp nhăn của thành phố. Nếu không có nó, thành phố chỉ như là 1 con ma nơ canh bóng bẩy giả tạo.

1. Thung lũng xanh ở khu vực trung tâm, theo trục Lê Duẩn

Đây là trục xanh đi xuyên trung tâm thành phố. Trước 75, đây là con đường mang tên là Thống Nhứt (Thống Nhất) đi từ Thảo Cầm Viên đi qua Nhà Thờ, xuyên qua công viên Thống Nhất rồi kết thúc ở dinh Độc Lập. Đây là trục đường quan trọng, có công trình tôn giáo là Nhà Thờ, đến điểm cuối công trình mang tính chính trị là dinh Norodom, sau này thành dinh Độc Lập, nên được quy hoạch rất nhiều mảng xanh. Tuy nhiên sau này quá trình đô thị hóa đã làm thu hẹp cây xanh.

2. Khu vực cảng Ba Son được xây dựng từ thời Pháp, nằm trên ngã ba sông, nơi tiếp giáp giữa sông Sài Gòn với rạch Thị Nghè, được lập ra từ năm 1890. Đây là nơi đóng và sửa chữa tàu, là di sản hàng hải lâu đời của Sài Gòn.

Ba Son là một khu di tích quan trọng trong lịch sử xây dựng Sài Gòn, chứng kiến và trải qua nhiều biến cố của thành phố này. Những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu trong khu Ba Son không chỉ đơn thuần là những công trình phục vụ cảng tàu. Chúng là những tài sản vô giá, góp phần giữ những ký ức đô thị của Saigon, cũng như tạo nên bản sắc của thành phố.

Tuy nhiên từ năm 2016, Vincom đã xây dựng 1 khu đô thị hoành tráng ngay trên nền Ba Son cũ, và ụ sửa tàu hơn 130 năm tuổi cũng chỉ còn lại 1 phần, để thay vào đó là những cao ốc và biệt thự mà chúng ta có thể gặp ở bất kỳ nơi đâu.

Ụ tàu Ba Son

Sài Gòn đã mất đi cái hồn trăm năm cũ mà không phải thành phố nào cũng có được, thay vào đó là những tòa nhà hào nhoáng mà rất nhiều năm nữa chúng ta cũng không bằng được các nước phát triển. Vì vậy sự đánh đổi này vô cùng đáng tiếc.

Ảnh năm 1968, khu vực Ba Son bên dưới, góc trái hình

3. Cây cầu sắt bên trong Thảo Cầm Viên

Nhiều người tưởng nhầm cây cầu sắt trong Thảo Cầm Viên mà TS Nguyễn Minh Hòa nhắc tới là cầu Thị Nghè hiện nay, nhưng thật ra không phải. Cây cầu này ở phía sau sở thú, nối qua Thị Nghè.

Năm 1924, khuôn viên của Vườn Bách Thảo sáp nhập thêm bên bờ bắc của rạch Thị Nghè diện tích là 13 ha, đồng thời chính quyền cho xây một cây cầu đúc được bắc qua rạch Thị Nghè để nối liền hai khu vực, hoàn thành năm 1927. Đây chỉ là cầu bộ hành nội bộ để người tham quan Vườn Bách Thảo. Tuy nhiên cây cầu này gắn liền với một sự cố kinh hoàng năm 1957, khiến cho nó vĩnh viễn bị khóa lại, rồi sau đó bị tháo dỡ.

Cầu bộ hành băng ngang rạch Thị Nghè, nối 2 bờ Vườn Bách Thảo

Đó là dịp quốc khánh năm 1957, khuôn viên Vườn Bách Thảo bên phía Thị Nghè tổ chức hội chợ hoa, muốn vào xem hoa thì phải mua vé vào cổng phía Vườn Bách Thảo rồi đi qua cầu bộ hành. Khi dòng người đông đúc, chen lấn đang đi qua cầu thì có một người ngứa miệng la lên: “cọp xổng chuồng”, có lẽ chủ yếu là chỉ muốn giỡn chơi, không ngờ gây hậu quả rất nghiêm trọng, dòng người chạy tán loạn dẫm đạp lên nhau gây ra thương vong lớn.

Cầu bộ hành từ Thị Nghè đi qua Sở Thú, khi này đã bị khóa nhưng chưa tháo dỡ

Sau đó cơ quan hữu trách cho khóa cầu lại. Ngày nay ở gần đó vẫn còn 3 cái miếu nhỏ để tưởng niệm.

Đến những năm 1990, cầu đã xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ nên đã bị dỡ bỏ.

4. Tháp quan sát PCCC đầu tiên của Sài Gòn

Đây là ngọn tháp được người Pháp xây từ thập niên 1940, nằm trong khuôn viên sở cứu hỏa Sài Gòn trên đường Gallieni, sau năm 1955 đến nay, đường này mang tên Trần Hưng Đạo.

Thời xưa, các công trình xây dựng ở Saigon có độ cao thấp, nên từ đỉnh tháp này, người lính cứu hỏa có thể quan sát được thành phố dễ dàng, dễ dàng định vị nơi xảy ra sự cố để triển khai đội cứu hỏa.

Tuy nhiên theo chủ trương xây dựng công trình và trụ sở mới của Sở cảnh sát PCCC TpHCM, ngọn tháp mang tính biểu tượng này đã bị phá dỡ.

5. Cầu Ba Cẳng

Cây cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, quận 6, là cây cầu đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn, nằm ở góc đường Bãi Sậy. Cầu có tên tiếng Pháp là Pont des 3 arches, được dân gian gọi là Cầu Ba Cẳng dựa theo hình dáng thiết kế của nó là có 3 cái chân, đồng thời cũng là 3 lối bậc thang đi lên dành cho người đi bộ đi tắt qua kênh.

Hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành, còn chân kia ở bến Vạn Tượng. Đây không phải là cây cầu quan trọng phục vụ giao thông ở khu Chợ Lớn, nhưng nó thân thuộc với người dân trong gần 1 thế kỷ, trước khi bị sập năm 1990.

6. Tòa đại sứ quán Mỹ (1967-1995). Tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trước năm 1975 ở địa chỉ số 4 đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn).

Trước đó, đại sứ quán Mỹ ở tòa nhà góc đường Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu.

Đại sứ quán Mỹ cũ bên đại lộ Hàm Nghi

Đến năm 1965, công trình tòa đại sứ quán Mỹ mới được xây dựng và khánh thành 2 năm sau đó với chi phí 2,6 triệu USD, là một trong những tòa Đại sứ quán lớn nhất, được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới thời điểm đó.

Tòa nhà là một khối vuông vức có 6 tầng được bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo, có 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ và 60 lính gác thường trực. Tuy nhiên tòa nhà này chỉ hoạt động được trong 8 năm thì bị xảy ra biến cố 1975.

Sau đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã sử dụng tòa nhà này làm cơ sở cho tới thập niên 1980. Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, toàn bộ khu vực này được trao trả lại cho phía Mỹ. Sau đó chính phủ Mỹ quyết định đập bỏ tòa nhà này để xây tòa lãnh sự quán mới như hiện nay, với quy mô nhỏ hơn.

7. Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất

Trại Davis là trại quân sự của Hoa kỳ nằm ở phía Tây Nam Căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn trước năm 1973.

Ban đầu, đây là một trại cư trú của một nhóm công tác an ninh quân đội Hoa Kỳ, được xây dựng vào khoảng giữa năm 1961. Tuy được xây dựng tạm theo tiêu chuẩn lính thường, nhưng cơ sở vật chất cũng tạm đủ với khu nhà ở, làm việc, nhà ăn, sân thể thao, tháp nước… trên diện tích khoảng 33.000m2. Trại có khoảng 45 căn nhà để ở rộng 5m, dài 15m, mái lợp tôn ximăng, được thiết kế theo kiểu nhà sàn gỗ cách đất khoảng nửa mét.

Trại này được đặt theo tên của một người hạ sĩ chuyên viên tên là James Thomas Davis, từng làm việc trong trại, đã bị giặc ám hại. Để tưởng niệm, ngày 10 tháng 1 năm 1962, các bạn bè trong Tổ đã đặt trại cư trú của mình theo tên ông.

Sau hiệp đinh Paris, quân Mỹ rút hết về nước, trại Davis bị bỏ hoang từ năm 1973. Sau năm 1975, nơi này thời gian được sử dụng làm nơi làm việc của tướng Trần Văn Trà, với tư cách là Tư lệnh quân quản Sài Gòn. Một thời gian dài trại bị bỏ hoang và hiện nay hầu như bị hư hại hoàn toàn.

8. Công viên Chi Lăng

Từ thời Pháp, trên con đường đẹp và đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn là Catinat có một công viên xanh mát nằm ngay trong lòng quận 1, được mệnh danh là “vườn treo” độc đáo. Sau năm 1955, đường Catinat đổi thành tên đường Tự Do, công viên này được mang tên là Chi Lăng, là điểm dừng chân quen thuộc của người Sài Gòn đến nghỉ ngơi và thư giãn. Ở đây có hàng cổ thụ và bãi cỏ có phong cách rất Tây. Dù nằm giữa con đường sầm uất bậc nhất thành đô nhưng công viên có không gian tĩnh lặng và xanh rợp mảng cây.

Tuy nhiên vào năm 2010, khi tòa nhà Vincom góc đường Đồng Khởi – Lý Tự Trọng xây dựng thì đã xâm chiếm và lấn đất công viên để làm mặt tiền, xây dựng lối đi từ công viên xuống tầng hầm tòa nhà. Sự việc này đã được thảo luận sôi nổi ở HĐND Thành Phố kể từ khi tòa nhà này vừa khởi công và được đưa lên báo chí nhiều lần. Nhưng cuối cùng, công viên Chi Lăng cũng bị biến bất, để lại niềm tiếc nuối vô bờ cho người Sài Gòn.

9. Quán cafe nổi tiếng Sài Gòn Givral ở Eden

Sài Gòn Givral là một trong những quán cafe lâu đời nhất của Sài Gòn, nằm ở trong thương xá Eden ở ngay mặt tiền góc đường Lê Lợi – Tự Do, nơi nhìn ra đối diện có thể thấy trọn Công trường Lam Sơn ở đầu đại lộ Lê Lợi, hoặc nhìn qua phía đường Tự Do có thể thấy được Continental Palace, Opera House, và sau này còn có thêm Caravelle Hotel. Nhà hàng Givral được một người Pháp sống lâu năm ở Việt Nam là Alain Poitier mở ra vào khoảng giữa thập niên 1950, khai trương cùng một thời điểm với thương xá Eden.

Quán Givral (thương xá Eden) tọa lạc trên một phần nền cũ của “Grand Café de la Musique”, một quán giải khát nổi tiếng vào những năm 1900. Sau đó quán cà-phê nhường chỗ cho nhà thuốc Tây được xem là đầu tiên ở Sài Gòn là Pharmacie Solirène.

Grand Café de la Musique
Pharmacie Solirène – Nhà thuốc Tây đầu tiên của Sài Gòn, là khu đất sau đó xây dựng Eden

Đến năm 1950, khu phố này được tái thiết, cao ốc Eden được xây lên giữa đường Lê Lợi, 2 bên là Tự Do và Nguyễn Huệ. Nhà thuốc Solirène biến mất, từ đó quán cà-phê Givral ra đời.

Quán Givral nằm ở trung tâm thành phố, ngay con đường sầm uất bậc nhất và rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm (trong Eden), chờ tới giờ vào rạp chiếu phim (Eden cinema), hóng tin tức nghị trường vì quán nằm ngay đối diện trụ sở Quốc Hội, hoặc ghé mua sách báo ngoại văn ở tiệm sách Xuân Thu ở cách đó chỉ vài căn rồi mang vào quán café chọn một góc yên tĩnh để ngồi đọc.

Sau năm 1975, quán Givral vẫn còn tồn tại đến tận năm 2010, khi tòa Eden cũ bị giải tỏa để mọc lên một trung tâm thương mại lớn. Khi đó sự biến mất của Givral để lại sự nuối tiếc lớn đối với nhiều người, vì đó không chỉ là một quán café đơn thuần, mà còn là một địa điểm văn hóa lịch sử, đã lưu dấu bao nhiêu thăng trầm của Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ.

Năm 2012, quán Givral mới được khai trương trở lại cùng lúc với trung tâm thương mại mới vừa được xây xong.

Mặt tiền của Givral sau khi trở lại với diện mạo mới vào năm 2012. Ảnh chụp dịp Tết năm 2013

Givral vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Thiết kế mới với tông màu nâu, vàng kem chiếm phần chủ đạo, nội thất gỗ thể hiện cho mang nét hoài cổ, nhưng vẫn mang nét hiện đại và sang trọn. Givral mới đã xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ.

Givral “mới”

Sau gần một năm gắng gượng để tồn tại, đến đầu tháng 9/2013, Givral đóng cửa trong lặng lẽ vì không chịu nổi tiền thuê mặt quá cao giữa lúc kinh tế đang lao dốc, chấm dứt gần 60 năm tồn tại. Dù thương hiệu Givral vẫn hiện diện khắp nơi ở Sài Gòn, nhưng Givral ở Eden thì đã vĩnh viễn kết thúc.

Vị trí của Givral khi đóng cửa vào năm 2013

10. Thương Xá Tax

Thương Xá TAX là trung tâm thương mại lớn và lâu đời nhất của Sài Gòn. Tại vị trí giao lộ lớn nhất của Sài Gòn là Bonard và Charner (nay là Lê Lợi – Nguyễn Huệ), vào năm 1880, người Pháp xây dựng một tòa nhà thương mại ngay gần Dinh Xã Tây (sau này gọi là Tòa Đô Chánh).

SGMC lúc còn tháp đồng hồ trên chóp

Đến năm 1914, công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC), và đến năm 1924, tòa nhà được sửa lại theo phong cách Art Deco, trở thành tiệm bách hóa GMC (Grands Magasins Charner) và đón tiếp khách hàng thượng lưu của đô thị lớn nhất Liên bang Đông Dương.

Năm 1942, nơi này được xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC.

Thập niên 1940, tháp đồng hồ bị đập bỏ, nâng thêm lầu

Đến năm 1960, tòa nhà GMC chính thức đổi tên thành Thương Xá TAX, có địa chỉ 135 đại lộ Nguyễn Huệ. Mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới bắt đầu xuất hiện và bày bán trong Thương Xá TAX.

Sau năm 1975 Thương xá TAX bị giải thể vì chính sách tập trung kinh tế và cấm tiểu thương buôn bán.

Thương xá TAX cuối thập niên 1970 
Thương xá TAX thập niên 1980

Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá TAX trở thành một công ty quốc doanh mang tên “Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố”. Đến năm 1981, khu nhà này đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” do Sở Thương Nghiệp Thành phố sở hữu. Từ năm 1997, tòa nhà đổi tên thành “Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn” do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.

Thương xá TAX năm 1991, lúc này mang tên “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố”

Đến năm 1998 thì cái tên Thương xá TAX mới được phục hồi. Đến năm 2003, tòa nhà được đại tu để trở thành một trung tâm thương mại sầm uất.

Đến năm 2014, Thương xá TAX bị đập bỏ trong niềm luyến tiếc vô bờ của người Sài Gòn. Ngày 12 tháng 10 năm 2016, quá trình đập bỏ khu Thương xá được bắt đầu tiến hành để nhường chỗ cho một cao ốc mới có 40 tầng.

Thương xá TAX năm 2016, ngay trước thời điểm bị đập bỏ
Thương xá TAX thời khắc cuối cùng

11. Hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng

Đường Tôn Đức Thắng hiện này là tuyến đường lớn và lâu đời hàng đầu của Sài Gòn. Thời Pháp (trước năm 1955), đường Tôn Đức Thắng gồm 3 đoạn riêng biệt và có tên khác nhau:

Đoạn 1: là đoạn xưa nhất có từ thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ cầu Khánh Hội đến công trường Mê Linh.

Sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ, họ đổi tên đoạn đường này nhiều lần:

Năm 1865 mang tên là Quai de Donnai, sau đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers.

Đoạn 2: Từ công trường Mê Linh đến nhà máy Ba Son. Năm 1965 đoạn này mang tên Primauguet, đến năm 1920 đổi là Quai d’Argonne.

Đoạn 3: Từ đoạn Ba Son vào đến đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Đây cũng chính là đoạn đường có hàng cây cổ thụ trăm năm mà bài viết này muốn nhắc tới sau đây.

Năm 1865, người Pháp trồng rất nhiều cây và đặt tên cho đoạn này là de la Citadelle. Đến năm 1901 trở thành tên đường Luro.

Năm 1955, chính quyền VNCH nhập Đoạn 1 và Đoạn 2, rồi đặt tên cho đoạn đường dọc theo bờ sông Sài Gòn này là Bến Bạch Đằng.

Còn đường Luro (Đoạn 3) thì đổi là đường Cường Để – là tên của tôn thất nhà Nguyễn, cháu đích tôn 5 đời của vua Gia Long.

Sau năm 1975, chính quyền nhập 2 đường Bến Bạch Đằng và Cường Để thành tên đường Tôn Đức Thắng như hiện nay. Riêng đoạn ngắn từ Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) đến Thống Nhất (Lê Duẩn) – là đoạn trước trường Đại học Văn Khoa – nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng.

Vì vậy, khi nhắc đến hàng cây cổ thụ trăm năm trên đoạn đường này, xin gọi bằng cái tên là đường Luro – Cường Để, để chỉ đích xác đoạn đường từ Ba Son trở vô trong, với hàng cây rợp bóng mát như bạn thấy trong hình bên dưới, ở đoạn cắt ngang đường Nguyễn Du.

Với những người Sài Gòn sống trước năm 1975, cho đến tận cách đây vài năm, thì hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Cường Để này là hình ảnh không thể nào quên được.

Với những sinh viên trường Văn Khoa, tan học ra trước cổng trường, quẹo tay trái và đi mấy bước nữa là tha hồ được soải bước dưới hàng cây mát rượi, là nơi hẹn hò lý tưởng của những cô cậu sinh viên.

Sau năm 1975, cho dù con đường này đã trở nên tấp nập, nhưng hình ảnh về 1 con đường rợp cây xanh vẫn còn in đậm sâu trong trí nhớ những người Sài Gòn. Giữa cái nắng chói chang của đô thành, hàng cổ thụ nơi đây là lá phổi xanh hiếm hoi nằm giữa các cao ốc chen chúc mọc lên chung quanh.

Giữa trưa nắng, nơi này trở thành chỗ tạm ngã lưng nghỉ ngơi của những bác xe ôm, em bé bán vé số, anh đánh giày, và nhiều người mưu sinh hè phố khác.

Có tổng cộng 258 cây cổ thụ có tuổi hơn 100 năm trên đoạn đường Cường Để ngắn ngủi đó.

Năm 2018, để lấy chỗ xây cầu Thủ Thiêm 2, 258 cây cổ thụ này bị đốn hạ, làm cho người Sài Gòn ngơ ngẩn tiếc thương.

Dải ruy băng thương tiếc cho cây được những người trẻ gắn lên trước khi cây bị đốn

12. Dãy nhà Shophouse hình ống của người Hoa, theo phong cách Nam Trung Hoa ở đường Trần Văn Kiểu

Dãy nhà của người Hoa trên bến Trần Văn Kiểu hình ống rất đặc trưng này ở Chợ Lớn nay đã không còn.

Ở các thành phố lớn của châu Âu, Bắc Mỹ và ở cả một số nước châu Á như Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, đều có một khu tập trung người Hoa sinh sống, được gọi là “Phố Tàu”, tức là China town, và nơi này luôn được coi là một đặc sản của văn hóa – du lịch, và niềm tự hào không chỉ của người Hoa mà còn của các cộng đồng khác sinh sống trên cùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, người Hoa sinh sống chủ yếu ở Chợ Lớn, khu này được hình thành từ thế kỷ 18 mà tiền thân là làng Minh Hương của những người Hoa chạy trốn Mãn Thanh.

Hầu như toàn bộ nhà ở trong khu này là kiểu nhà hình ống phố thị mà người phương Tây gọi là shophouse. Người Hoa đã mang kiểu nhà này từ Nam Trung Hoa đến thành phố Sài Gòn vào đầu thế kỷ 18. Đó là kiểu nhà có chiều ngang hẹp 3-4m và chiều dài gấp 4-5 lần chiều ngang, tầng trệt là nơi buôn bán, tầng lầu là nơi ở của gia đình chủ nhân, ngay phía sau dãy nhà là những nhà kho rộng lớn, sâu vào trong có khi tới cả trăm mét, là nơi chứa hàng hóa, lúa gạo của các thương gia người Hoa ở đây.

Khu nhà ống nổi tiếng nhất ở Chợ Lớn là bến Trần Văn Kiểu, nhưng sau khi xây đại lộ Đông Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) thì khu nhà đã hiện diện hơn 1 thế kỷ ở nơi đây đã bị giải tỏa toàn bộ.

Bến Trần Văn Kiểu thời Pháp có tên là Quai de Mytho (Bến Mỹ Tho) nằm dọc kênh Tàu Hủ.

Sau năm 1955 đổi tên thành bến Bình Đông và bến Lê Quang Liêm, và sau 1975 đổi thành tên là bến Trần Văn Kiểu. Thời điểm này khu nhà ống phong cách Nam Trung Hoa vẫn còn khá nguyên vẹn cho đến khi bị san bằng để xây đại lộ Đông Tây vào khoảng cuối thập niên 2000.

13. Nhà Đèn Chợ Quán

Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện quan trọng nhất của Sài Gòn từ thập niên 1920 cho đến năm 1975. Năm 2008, khu vực Nhà đèn Chợ Quán này đã bị khai tử khi đại lộ Đông Tây được xây dựng.

Chợ Quán là tên gọi của khu dân cư hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18 ở khu vực dọc kênh Tàu Hủ. Địa danh Chợ Quán gắn liền với hai công trình dân sinh, đó là Nhà đèn Chợ Quán và nhà thương Chợ Quán. Hai “nhà” này nằm kế nhau trên bến Hàm Tử (nay là Võ văn Kiệt), nơi giáp ranh quận 1 và quận 5.

Từ năm 1867 ở khu trung tâm của Sài Gòn đã có đèn thắp sáng đường phố bằng dầu dừa. Đến năm 1870 thì có đèn thắp sáng bằng dầu lửa và sử dụng liên tục mấy chục năm. Đến đầu thế kỷ 20, Nhà đèn được xây dựng, bắt đầu có đèn điện chiếu sáng từng khu vực rồi mở rộng sang vùng Chợ Lớn.

Nhà đèn Chợ Quán được xây dựng vào năm 1922 với công suất đủ cho nhu cầu của Sài Gòn – Chợ Lớn và vùng lân cận như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, đồng thời từ lúc này này hầu hết các đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều được chiếu sáng bằng điện của công trình này nên tên gọi “Nhà đèn Chợ Quán” được nhiều người biết và nhớ cho đến nay.

Nhà đèn Chợ Quán nằm bên sông Bến Nghé nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển nhiên liệu chính của máy phát điện là than, sau này nhà máy có máy phát điện bằng dầu Diesel.

Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện lớn và quan trọng nhất của Sài Gòn trước năm 1975. Lúc mới hoàn thành, nhà máy được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp và là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương. Trong ký ức đô thị của người Sài Gòn xưa, luôn hiện diện nguồn ánh sáng từ Nhà đèn như một biểu tượng của nếp sống văn minh.

Nhà đèn Chợ Quán nhìn từ cầu Chữ Y

Sau 1975, Công ty Điện lực TP.HCM quản lý Nhà đèn này, và đến đầu những năm 2000 thì Nhà đèn ngừng phát điện.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu viết:

Khi đại lộ Đông – Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) đang xây dựng thì từ đầu năm 2008, khu vực nhà đèn Chợ Quán rộng 6,5 ha được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng – trung tâm thương mại – khách sạn – căn hộ (gọi tắt là khu phức hợp). Nhà máy điện Chợ Quán đã ngừng phát điện, những tòa nhà đồ sộ hồi nào xây bằng gạch lâu ngày ám khói đen, những ống khói vươn cao không còn nữa, nhà thương Chợ Quán cũng xây mới và đổi tên thành Bệnh viện nhiệt đới.

Một khu nhà cũ của Nhà đèn xưa còn sót lại

Cảnh quan nơi này đã thay đổi hoàn toàn. Địa danh Chợ Quán chắc không lâu nữa ít người biết đến, bởi vì thế hệ cư dân gắn liền với địa danh này đã vào lứa tuổi xưa nay hiếm. Ký ức của họ về nhà đèn Chợ Quán mà họ muốn kể cho con cháu có chăng chỉ còn trong trí nhớ, trên vài tấm bưu ảnh. Ngay cả cái tên nôm na “nhà đèn”, “nhà thương”, “nhà giây thép” (bưu điện) chỉ còn đâu đó trong vài đoản văn nhớ về xưa cũ. Với những người phải rời chốn này sinh sống ở phương xa, nhớ về Sài Gòn là nhớ những gì gắn bó thân thuộc hàng ngày, con đường góc phố, quán cà phê nhỏ, cây điệp vàng, hoa dầu hai cánh xoay xoay… tất cả thuộc về đời sống bình thường nhưng cũng là “chứng nhân” của bao thăng trầm của đô thị Sài Gòn.

14. Chợ gạo đầu tiên của Sài Gòn, chợ Trần Chánh Chiếu

Chợ Trần Chánh Chiếu là ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên và lâu đời nhất của Sài Gòn. Chợ này được ra đời từ năm 1750, được gọi theo tên đường. Hơn 100 năm sau đó, khi Pháp quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn, đường này được đặt tên là Des Tamariniers, từ năm 1955 mang tên Trần Chánh Chiếu và chợ mang tên mới từ đó đến hơn 60 năm.

Trần Chánh Chiếu là tên nhà văn, nhà báo và là nhà cải cách tại Việt Nam, đứng đầu phong trào Minh Tân.

Chợ này có địa thế rất phù hợp với một chợ đầu mối, bởi chợ gần với bến Bình Đông – nơi bốc dỡ hàng đường thủy, lại gần với Bến xe Chợ Lớn – một trung tâm vận chuyển đường bộ trong khu vực.

Sài Gòn ngày xưa, trước thời Pháp thuộc, có kênh rạch chằng chịt, nó nền giao thương “trên bến dưới thuyền”, rất thuận lợi cho giao thông đường thủy nhộn nhịp. Một số con đường ở ven rạch Bến Nghé không gọi là đường mà gọi là bến, như bến Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Trần Văn Kiểu…Chữ “Bến” đó thực ra đã có từ thời Pháp quy hoạch và đặt tên đường, như Bến Bạch Đằng từng mang tên quai de Donnai, quai Napoleon, quai du Commerce, quai Francis Garnier, quai le-Myre-de-Vilers, Bến Chương Dương – Bến Hàm Tử (tức Võ Văn Kiệt ngày nay) từng mang tên quai de l’Arroyo Chinois, quai de Belgique, quai de Cho-Quan, Bến Trần Văn Kiểu tên là quai de Mytho… Chữ “quai” trong tiếng Pháp là “bến tàu”.

Bến Mỹ Tho (quai de Mytho) năm xưa, sau này là bến Trần Văn Kiểu

Đó là những bến tàu để bốc dỡ hàng hóa lên các nhà kho, đồng thời là chỗ buôn bán khiến mô hình phố-chợ-bến nổi bật.

Về sau, việc mua bán ngày càng thuận lợi, diễn ra quanh năm, không chỉ bán sỉ mà còn bán lẻ, nên những dãy nhà ven rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ không chỉ làm kho chứa hàng hóa mà chuyển dần thành dạng nhà ống đô thị. Đó là những dãy nhà ống vừa là chỗ ở, nơi sản xuất, gian phía trước dùng để mua bán, gian sau để ở, cách nhau một khoảng sân chính giữa, là những dãy nhà đặc trưng thường thấy ở một số đường ở Chợ Lớn.

Việc buôn bán lúa gạo là một trong những tác nhân quan trọng góp phần tạo dựng nên sự phồn thịnh và phát triển của Sài Gòn ban đầu. Sự tập trung của việc buôn bán nông sản, trong đó có lúa gạo, bao gồm thuyền bè theo kênh rạch và xe trâu bò theo đường bộ dọc kênh Tàu Hủ. Sau này hàng loạt nhà máy xay xát được xây dựng tập trung dọc theo bến Bình Đông để đón lúa miền Tây chở lên, sau khi xay xát, đóng bao tiếp tục chuyển đến khu vực Chợ Lớn để phân phối. Chính quy trình chế biến kết hợp buôn bán khép kín này đã tạo ra ngôi chợ chuyên doanh đầu tiên bán lúa gạo tại Sài Gòn, sau này mang tên Trần Chánh Chiếu.

Ban đầu chợ gồm các vựa gạo, khi mật độ giao dịch mua bán tăng vọt bởi nhu cầu thị trường, các vựa gạo phân hóa, phát triển và hình thành các dãy phố chợ bán gạo. Trên phố, mỗi căn nhà đều trở thành cửa hàng, ban đầu mỗi gian hàng bán một loại gạo khác nhau, dần dần bạn hàng đông, đa dạng hơn nên mật độ buôn bán cũng gia tăng, các cửa hàng đều bán nhiều loại gạo. Thậm chí số hộ kinh doanh gạo còn nhiều hơn cả số căn hộ, vì nhiều căn hộ được những người trong gia đình hay bạn bè cùng hùn thuê, mỗi người bán một khoảng nhỏ.

Một vựa gạo ở chợ Trần Chánh Chiếu

Sau hơn 250 năm tồn tại, mặc dù vẫn sầm uất nhưng chợ gạo Trần Chánh Chiếu bị đóng cửa năm 2008, các tiểu thương phải dời ra chợ đầu mối nông sản Bình Điền.

15. Một số tháp nước hình nấm

Đó là những thủy đài nước hình nắm rất quen thuộc với người Sài Gòn suốt nửa thế kỷ qua.

Những thủy đài cao khoảng 30m, có kết cấu bê tông cốt thép với dung tích 1.200 m3 đến 8.500 m3, được xây dựng trước năm 1975 với mục đích là để điều tiết áp lực nước từ nhà máy nước ở Thủ Đức cấp cho Sài Gòn – Gia Định.

Thủy đài nước ở quận 4

Phía dưới những thủy đài này được xây tường kín hay là những khung cột bê tông cốt thép đỡ bồn nước hình tròn bên trên. Không gian khu vực thủy đài thường rất rộng để đảm bảo an toàn khi thủy đài vận hành. Vị trí của các thủy đài cho biết mật độ dân cư ở đó khá tập trung, nhu cầu nước sạch lớn nên cần có “áp lực” mạnh và khối lượng lớn để cung cấp.

Tuy nhiên có một điều ít người biết là dù được xây dựng từ rất lâu nhưng những thủy đài hình nấm này chưa bao giờ được sử dụng. Lý do là thủy đài được xây trong thời gian 1966-1969, khi thử nghiệm thì xảy ra sự cố. Công tác khắc phục kéo dài đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành. Sau năm 1975 thì công tác khắc phục đó bị dừng vô thời hạn.

Dù các thủy đài này chưa bao giờ được sử dụng, nhưng nó trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc với người Sài Gòn.

Năm 2017, chính quyền đã cho gỡ bỏ các thủy đài này. Khi thi công tháo dỡ, người ta thấy rằng các thủy đài này được xây dựng rất kiên cố với bê tông cốt thép nên quá trình tháo dỡ mất rất nhiều thời gian, chậm tiến độ. Hiện nay, hầu hết các thủy đài này đã không còn, chỉ còn sót lại một vài cái.

16. Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm

Chùa Liên Trì được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ ở phường An Khánh, Quận 2 ngày nay. Đây là một trong số ít ỏi những ngôi chùa còn giữ được truyền thống thuần túy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kể từ sau năm 1975.

Ngôi chùa này nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nên đã bị cưỡng chế và phá dỡ vào năm 2016.

17. Cầu Nhị Thiên Đường 

Cầu Nhị Thiên Đường được xây dựng từ năm 1925, dài khoảng 1km, nằm trên đường Tùng Thiện Vương và bắc qua kênh Đôi thuộc địa bàn Quận 8.

Dù cầu Nhị Thiên Đường được Pháp xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của những cây cầu sắt, nhưng nó mang dấu ấn đặc biệt với kết cấu hoàn toàn bằng bê tông cốt thép. Nét kiến trúc nổi bật của cầu Nhị Thiên Đường là hai hàng cột màu xanh, xếp song song, từ đầu đến cuối 2 bên thành cầu.

Ngoài ra, phần mái vòm dưới dạ cầu cũng được thiết kế theo nhiều cây cầu hiện đại của Pháp vào thời điểm đó, tạo nên sự khác biệt giữa Nhị Thiên Đường với các cây cầu khác sau này.

Cầu Nhị Thiên Đường ngày xưa
Năm 2003, cầu Nhị Thiên Đường xuống cấp, thành phố đã cho xây dựng thêm 1 cây cầu mới song song với cầu cũ và đặt tên là Nhị Thiên Đường 2 để giảm tải, cây cầu cũ được gọi là Nhị Thiên Đường 1.

Sau gần 1 thế kỷ, cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, phương án ban đầu là tháo bỏ và xây dựng cây cầu mới với kiến trúc giống với cầu Nhị Thiên Đường 2. Tuy nhiên việc này gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều người về việc sẽ làm mất đi một di tích lịch sử hàng trăm năm. Cuối cùng cầu Nhị Thiên Đường 1 được xây lại hoàn toàn mới, với kiến trúc giữ một phần của cầu Nhị Thiên Đường cũ, đó là hàng cột màu xanh hình thanh kiếm như nguyên thủy.

18. Bùng binh Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn

Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ thập niên 1960 ở khu vực quảng trường Quách Thị Trang (trước đó mang tên là công trường Diên Hồng) đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người Sài Gòn.

Lịch sử của công trường Quách Thị Trang gần như song hành với lịch sử của chợ Bến Thành từ đầu thế kỷ 20. Thời Pháp thuộc, bùng binh trước chợ Bến Thành được gọi chính thức là Place d’Eugène Cuniac (“công trường Eugène Cuniac”).

Năm 1955, chính quyền quốc gia cho đổi tên địa điểm này thành công trường Diên Hồng. Năm 1964, tượng Quách Thị Trang được dựng ngay chính giữa bùng binh, từ đó người dân Sài Gòn bắt đầu gọi khu vực này là công trường Quách Thị Trang.

Tượng Quách Thị Trang khi chưa có tượng Trần Nguyên Hãn

Không bao lâu sau đó, binh chủng truyền tin của VNCH cho dựng tượng của Trần Nguyên Hãn, người được binh chủng này suy tôn là thánh tổ.

Cuối năm 2014, để lấy chỗ xây dựng ga tàu điện, chính quyền giải tỏa khu vực công tường Quách Thị Trang, tượng Trần Nguyên Hãn được đưa về công viên Phú Lâm, còn tượng Quách Thị Trang được đưa về công viên Bách Tùng Diệp, từ đó người dân Sài Gòn bị mất đi hình ảnh quen thuộc ở trước chợ Bến Thành suốt nửa thế kỷ.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version