Những chuyện tình trong các bài nhạc Giáng Sinh nổi tiếng trước năm 75

Một mùa Noel nữa lại về, những giai điệu du dương thiết tha về tình yêu trong đêm Giáng Sinh sau một thời gian ngủ vùi đã thức giấc cuốn hồn ta vào những cảm xúc lãng mạn của thế giới nhạc tình đầy mộng mơ!

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Từ một kỷ niệm đẹp!

Đã qua biết bao mùa Noel trong cái se lạnh của Hà Nội. Đã qua vài mùa Noel trong không khí hân hoan tràn trề tuổi xuân ở Sài Gòn. Đã đọng lại trong tâm hồn một thời tuổi đôi mươi với những đêm Noel gắn với hai thành phố thân thương trong hành trình cuộc đời nhưng tôi vẫn không sao quên được một mùa Noel ở Đà Lạt.

Năm ấy, tiết trời không se lạnh như Hà Nội, cũng không ấm áp như Sài Gòn, Đà Lạt đang vào đợt rét ngọt. Khách sạn nơi chúng tôi ở là một ngôi biệt thự cổ, nghe nói chủ nhân của nó thời xưa rất nổi tiếng khắp phương Nam, ngôi biệt thự này nằm ngay ngã ba rất gần với nhà thờ lớn nhất Đà Lạt mà dân gian quen gọi nhà thờ Con Gà. Cái lạnh tê tái không ngăn được dòng người đổ về thành phố sương mờ từ khắp nẻo đường. Có cả những đoàn xe ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và nhiều nơi khác cũng đổ về nơi đây. Từ sớm, chúng tôi dạo một vòng quanh khu vực trung tâm thành phố, ghé qua một vài quán café nhạc. Và những giai điệu của “Bài thánh ca buồn” cứ vút vào hồn người nghe không sao mà quên được.

Bỗng nhiên thích ngắm nhìn những đôi tình nhân đang hạnh phúc bên nhau và chìm trong những giai điệu âm nhạc lãng mạn. Chợt nghĩ, không biết, người viết nên những giai điệu kia có đã từng một thời được sống trong khoảnh khắc đẹp của tình yêu trong những đêm Noel mộng mơ ấy hay không mà lại viết được những giai điệu tình cảm như rút ra từ trong hoài niệm.

Bài thánh ca đó còn nhớ không em?
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân…

Hẳn nhiên rồi, đó là một thời tuổi trẻ đã qua, khi ấy, “nàng” thướt tha trong tà áo dài trắng đồng phục của những nữ sinh trung học và chắc hẳn “chàng” cũng chỉ chừng ấy tuổi đời. Hóa ra, “Bài thánh ca buồn” chính là câu chuyện tình đẹp nhưng dang dở và có một điều thú vị, Đà Lạt mộng mơ chính là nơi chứng kiến câu chuyện tình này, để rồi sau nhiều năm chàng trai trong cuộc tình đã biến kỷ niệm đẹp đó thành khoảnh khắc bất tử trong ca khúc “Bài thánh ca buồn”.

“Chàng” khi ấy mới 14 tuổi, là dân gốc Hà Nội nhưng gia đình sống tại Đà Lạt. “Nàng” lớn hơn “chàng” chừng một hai tuổi, là một cô gái xinh đẹp và ngoan đạo. Nhà “nàng” ở trong ngõ, ngày ngày vẫn thường đi qua nhà “chàng”. Cũng vì cảm mến với “nàng” thành ra đi lễ nhà thờ Con Gà trở thành thói quen với “chàng” lúc nào không hay. Thế rồi, trong một lần sau lễ Giáng sinh trên đường về thì trời đổ mưa. “Nàng” và “chàng” cùng trú bên hiên một ngôi nhà, văng vẳng đâu đó âm thanh của ca khúc “Đêm Thánh vô cùng”. Có thể “nàng” không hề biết về mối tình đơn phương của chàng trai kém tuổi nhưng với “chàng” thì khoảnh khắc đó như một mồi lửa cứ âm ỉ “cháy” trong trái tim. Để rồi chừng 14 năm sau đó, vào tháng 10 năm 1972, khi “chàng” đã thực sự trở thành một chàng trai trưởng thành với tâm hồn nghệ sĩ, “Bài thánh ca buồn” đã ra đời chỉ vẻn vẹn trong khoảng chừng 2 giờ. Không lâu sau bài hát được hãng đĩa Sơn Ca nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời ấy mua độc quyền và nó đã nhanh chóng đến với công chúng yêu nhạc qua giọng hát Thái Châu. Sau đó, bài hát còn được gắn với giọng ca Evils Phương.

Hơn bốn chục năm sau, khi đã bước sang những năm 2000, câu chuyện tình hờ thành bất tử này mới được nhạc sĩ Nguyễn Vũ chia sẻ với báo giới. Ông sáng tác không nhiều và gần hết cuộc đời sống lặng lẽ cùng với gia đình tại quận Tân Bình. Dẫu không xuất hiện trước công chúng nhưng cả cuộc đời vẫn lấy âm nhạc làm bạn, ông mở lớp dạy nhạc ngay tại tư gia.

Nhiều tình khúc hay gắn liền với Noel

Cùng với “Bài thánh ca buồn” trong đời sống âm nhạc Việt bao năm qua còn có không ít những ca khúc hay viết về tình yêu gắn liền với các mùa Noel trở thành người bạn tâm tình của biết bao đôi lứa yêu nhau.

Có một bài hát khác có giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng, đầy quyến rũ trong một câu chuyện tình gắn liền với Noel khác, cũng rất nổi tiếng trong lòng người yêu nhạc Việt Nam bao nhiêu năm qua. Đó là nhạc phẩm “Hai mùa Noel” của nhạc sĩ Đài Phương Trang.

Đây là câu chuyện được tác giả kể về hai người trẻ gặp nhau và quen nhau bên giáo đường trong một mùa Noel, cùng quỳ bên hang Bê Lem để nghe lời kinh thánh và cùng nguyện ước cho ngày mai sẽ mãi cùng sánh bước bên nhau trong những mùa Noel. Nhưng rồi mùa Noel lại đến mà cuộc tình thì đã chia xa, chỉ còn lại những khoảnh khắc đẹp của những giây phút bên nhau dù ngắn ngủi nhưng sẽ mãi được giữ trong trái tim của chàng trai:

Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường
Mùa Noel đó anh đón em vào tình yêu

Mùa Noel qua chúng ta chia tay giã từ
Hẹn nhau năm tới khi Giáng Sinh về muôn nơi

Mình trao cho nhau hoa lồng nhẫn cưới thiệp hồng
Dìu nhau xem lễ đêm đông, bên nhau muôn đời anh ơi

“Đặc quyền” của nhạc Việt!

Từ lâu rồi tôi vẫn có ý nghĩ vui vui như thế khi nhắc đến những ca khúc viết về đề tài Noel trong dòng ca khúc Việt Nam. Chủ yếu các ca khúc đều nói về tình yêu đôi lứa. Nhiều trong số đó là những cuộc tình đã chia xa. Và những ca khúc này rất dễ dàng được người yêu nhạc cả nước đón nhận. Có một điều lẽ ra sẽ phải là lạ, nhưng cái lạ đó đã biến mất để rồi nó mặc nhiên trở thành điều tất yếu trong mỗi người khi chợt nhắc đến nhạc Noel đó là nhạc tình yêu. Trong khi Noel là một ngày lễ lớn trong sinh hoạt tôn giáo. Lẽ thường, như nhiều ca khúc về Noel trên thế giới nói đơn thuần về đề tài tôn giáo; hoặc không thì ca ngợi Noel là một ngày lễ mang lại niềm vui, hạnh phúc, tình yêu cho mọi người. Ca khúc Việt Nam cũng vậy, nhưng trong đó, rất nhiều nhạc sĩ dành Noel để giãi bày hạnh phúc – khổ đau – nhớ nhung riêng tư trong tình yêu đôi lứa.

Những câu chuyện tình trong đêm Noel ấy sau khi ra đời thường nhanh chóng được công chúng đón nhận và lan tỏa trong đời sống tâm hồn người Việt. Để rồi nó sẽ mãi là những câu chuyện tình nói thay cho tâm trạng yêu đương của những đôi lứa yêu nhau. Và như thế, nó sẽ mãi khiến ta nhớ và luôn bên ta trong suốt quãng đường đời, cho dù tình yêu đó có thể đã không còn ở lại bên ta.

Nguyễn Quang Long 

Exit mobile version