Những chuyện tình của nhạc sĩ Anh Bằng – Một đời đào hoa nhưng luôn chung thủy với vợ

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Anh Bằng là một người điềm đạm, hiền từ, vui vẻ và đặc biệt là rất đào hoa, thường có nhiều người phụ nữ vây quanh, ngay cả khi ông đã có gia đình. Điều này được xác nhận bởi những người xung quanh ông.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Lê Dinh, người viết chung với Anh Bằng trong rất nhiều ca khúc nổi tiếng, đã nói như sau:

“Tính anh Anh Bằng rất hiền lành, bãi buôi, vui vẻ, nhưng so với chúng tôi, anh rất ít nói. Mà những người ít nói thường hay được lòng của phái nữ. Anh lại có duyên dáng trong lời nói, cái duyên dáng đáng yêu đó đã bộc lộ trong một số lời ca của anh. 

Trong việc giao thiệp hàng ngày, anh cũng thường ít xuất hiện và nếu có xuất hiện cũng thường hay làm thinh và nếu nói thì những lời nói nào anh đưa ra cũng duyên dáng và vì lẽ đó mà anh rất… đào hoa. Bạn bè thường bảo rằng anh có duyên ngầm. Vì cái duyên đó mà có rất nhiều cô mến anh, thích anh và rồi yêu anh, và anh cũng yêu lại người ta, nhưng anh không bỏ bê gia đình, vẫn chăm lo, săn sóc người vợ anh cưới từ khi chưa di cư.

Ở địa hạt tình cảm, Anh Bằng là người trái ngược với Minh Kỳ, cho nên chúng tôi thường hay nói Anh Bằng là người ướt át nhất, và tuy là người tình cảm mà không mất cảm tình khi vì hoàn cảnh mà chia tay với ai đó, bởi vì anh đã “nhắn nhủ” qua bài “Sầu Lẻ Bóng”:

“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm…”.

Hờn giận người ta thế nào được khi người đó vẫn còn nhớ đến mình.”

Ông Trần An Thanh, con trai của nhạc sĩ Anh Bằng cũng mô tả về sự đào hoa cha mình như sau:

“Ngày trước, ở khu phố gần nhà tôi có một cô gái khá xinh tên là Tiên. Cô Tiên thường lui tới nhà tôi và coi mẹ tôi như người chị. Tính cô rất vui vẻ nhưng cô ăn nói rất bạo dạn. Tôi chứng kiến, một buổi sáng ba tôi sửa soạn ra xe đi làm thì đúng lúc cô Tiên từ ngoài bước vào. Sau khi chào hỏi mẹ tôi: ”Thưa chị à”, rồi cô nắm chặt lấy tay ba tôi hỏi với dáng điệu nũng nịu: “Anh Bằng đi đâu sao không cho em đi với”? Rồi xoay qua phía mẹ tôi cô nói: ”Chị ơi, cho em đi với anh Bằng hôm nay nhé”. Mẹ tôi cũng cười vui trả lời: “Thì cô đi với anh có sao đâu, nhưng lúc về nhớ phải có quà bánh đấy nhé”.

Tôi biết rằng vì mẹ tôi coi cô Tiên cũng như là người trong nhà, cho nên đó chỉ là câu nói giỡn chơi thôi, nào ngờ cô Tiên bước lại gần ba tôi và tỉnh bơ nắm tay ông cùng đi ra nhà xe như một đôi tình nhân chính hiệu. Tôi vẫn len lén nhìn về cả hai phía để theo dõi xem sự thể sẽ diễn biến ra sao. Khi đến nhà xe, ba tôi nói gì đó với cô Tiên tôi không được nghe, nhưng thấy cô Tiên dần dần xịu mặt xuống và có vẻ như mếu máo. Ba tôi bước vào xe giơ tay vẫy vẫy mấy cái rồi lái xe đi trước thái độ phụng phịu, hờn dỗi của cô Tiên”.

Nhạc sĩ Anh Bằng là một người hiền lành, trầm tính, vui vẻ, được lòng nhiều người. Một điều dễ nhận thấy khi xem lại các hình ảnh hay video có mặt nhạc sĩ Anh Bằng, đó là nụ cười của ông. Hiếm thấy có khoảnh khắc nào mà ông… không cười. Điều đó thể hiện sự vui vẻ thường trực trên gương mặt của ông. Vì lẽ đó mà ông “được lòng phái nữ” như Lê Dinh nói ở trên cũng là lẽ thường.

Tuy đã yên bề gia thất từ trước khi vào miền Nam năm 1954, nhưng sau đó nhạc sĩ Anh Bằng vẫn có rất nhiều mối tình khác, cũng bởi vì ông có quá nhiều người mến mộ. Ca sĩ Phương Dung kể về một trong những mối tình như vậy sau đây:

“Tôi là bạn thân của ca sĩ Mỹ Dung. Mơ ước lớn nhất trong đời cô ấy là có một đứa con với Anh Bằng. Nhưng chính anh ấy nói với tôi, anh yêu Mỹ Dung rất nhiều, nhưng không thể bỏ vợ con. Chính vì vậy, anh đành cắt đứt chuyện tình đó vì nếu cứ tiếp tục sẽ khiến bốn đứa con và vợ đau khổ. Sau đó hai người chia tay, một thời gian sau Mỹ Dung mất, anh Bằng tự tay làm đám tang cho cô. Có hai bài tôi biết Anh Bằng viết dành cho Mỹ Dung là ‘Anh còn yêu em’ và ‘Anh còn nợ em’. Cho tới khi mất, anh không có thêm mối tình nào”.

Ca sĩ Mỹ Dung mà Phương Dung nhắc ở trên là một nữ ca sĩ thập niên 1960. Cũng bởi vì trùng tên như vậy nên ca sĩ Trương Thị Mỹ Dung (học trò của nhạc sĩ Anh Bằng), ban đầu đi hát với tên Mỹ Dung, nhưng sau đó đã đổi lại thành Trang Mỹ Dung, vì không muốn dùng nghệ danh trùng với “người yêu của thầy”, cũng như là tôn trọng đàn chị đã đi hát trước.

Ảnh ca sĩ Mỹ Dung trong tờ nhạc bài Sầu Lẻ Bóng của nhạc sĩ Anh Bằng

Tuy đào hoa như vậy nhưng nhạc sĩ Anh Bằng vẫn làm trọn vẹn vai trò người chồng, người cha trong gia đình với người vợ duy nhất sống chung trong hơn 60 năm. Vợ của nhạc sĩ Anh Bằng là bà Trần Khiết, sống chung với nhạc sĩ Anh Bằng suốt hơn 60 năm trước khi nhạc sĩ qua đời năm 2015. Vào đầu năm 2020, bà Trần Khiết cũng đã qua đời ở tuổi 92.

Dù đã có gia đình từ sớm, nhưng cũng như nhiều nhạc sĩ khác, Anh Bằng có tính bay bướm lãng mạn và dễ rung động trước cái đẹp, đó cũng là chất xúc tác để có thể viết thành những ca khúc bất hủ. Người vợ của các nhạc sĩ thường biết điều đó và chấp nhận một khi đã lấy chồng nghệ sĩ.

Ông Trần Anh Thanh nói về tính bay bướm lãng mạn của cha mình như sau:

“Những chuyện lãng mạn, đáng yêu thoáng quá như thế tôi nghĩ không thiếu trong cuộc đời của ba tôi. Nó chỉ là niềm vui tạo hứng khởi cho người nghệ sĩ. Nếu nó được gọi là chuyện “bay bướm” thì ba tôi quả là con bướm bay hoài trên những bông hoa xinh đẹp nhưng chỉ đậu xuống một bông hoa duy nhất, đó là bông hoa gia đình, một tổ ấm mà ông không bao giờ thiếu trách nhiệm, không bao giờ ông bỏ bê. Cha mẹ tôi sống hạnh phúc bên nhau trên 60 năm là một bằng chứng hiển nhiên nói lên tấm lòng tôn trọng đạo nghĩa, đức hạnh con người và tôn trọng gia đình của ba tôi…”

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version