Những chuyện tình buồn trong lạnh giá trong 2 ca khúc “Mùa Đông Của Anh” và “Mùa Xuân Không Còn Nữa”

Những ngày cuối cùng của một năm sắp sửa qua đi. Đây cũng là lúc mà mùa Đông, với những đợt gió bấc, những quầng mây xám nhợt nhạt đã phủ kín bầu trời. Bước đi trong tiết trời se lạnh, giữa những hàng cây khô trơ cành đan trong màn sương mỏng, đôi lúc lòng ta lại chợt nhớ đến đôi mắt, nụ cười một người, nhớ tới cuộc tình tưởng chừng đã trôi theo dĩ vãng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thoáng trong tâm trí lúc đó vang lên những giai điệu, những câu ca khiến chúng ta sống lại một lần nữa cái cảm giác lạnh tê tái, buốt giá, “cay đắng tuyệt vời” của tình yêu. Những xúc cảm tưởng chừng như chẳng còn khiến mình bận lòng bao giờ nữa, lại ùa về. Khi ta nhận ra cuộc tình của mình, bao nhiêu mộng mơ, kỷ niệm đẹp đẽ bên người, trong một chốc chỉ còn lại cơn gió đông vút qua lòng bàn tay. Khi đứng trước tương lai, ta không còn ước vọng, không còn niềm tin nữa. Tất cả chỉ là những ngày, những tháng, những năm in trên tờ lịch vô hồn. Không sắc màu. Không ý vị.

Đó chính là nỗi lòng, là xúc cảm được gửi gắm trong hai ca khúc: “Mùa Đông Của Anh”, sáng tác bởi cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và “Mùa Xuân Không Còn Nữa”, một cảm tác của cố nhạc sĩ Lam Phương. Một bài được sáng tác trước 1975, và một bài được viết tại hải ngoại. Nhưng tựu trung, cả hai đều diễn tả sâu sắc niềm đau, tiếng lòng, sự hụt hẫng của những người thất tình, khi họ nhìn lại những kỷ niệm với người mình yêu và đều diễn ra trong khung cảnh mùa đông lạnh lẽo, đơn côi – Mùa mà đáng lẽ con người ta phải tìm đến với nhau trong cái ấm áp của sum vầy, hạnh ngộ và tình cảm.

Mùa Đông Của Anh – Trần Thiện Thanh

Được sáng tác vào năm 1970, “Mùa Đông Của Anh” đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán thính giả và làm nên một trong những sáng tác được yêu thích nhất của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Với ca từ da diết, chân thành rất đỗi lãng mạn, người nhạc sĩ tài hoa đã nói lên nỗi cô đơn cũng như tình cảm thắm thiết dành cho cố nhân, dù cuộc tình ấy đã tan vỡ. Đó là một tình cảm nồng thắm, đạt đến tột đỉnh của sự yêu thương và đớn đau, buốt giá tận con tim.

Mở đầu bài hát, là lời của tác giả nhớ lại chuyện tình:

Ngày nào anh yêu em, anh đã quên trong cay đắng tuyệt vời.
Ngày nào em yêu anh, em hẳn quên với trời hạnh phúc mới

Em ơi Đông lại về từ trăm năm lạnh giá
Tim anh như ngừng thở, từ sau ân tình đó
Em nghe không? Mùa đông, mùa đông


Nghe ca khúc “Mùa Đông của anh” do chính tác giả, ca sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh trình bày

Tình đến rồi tình đi, một thoáng mong manh. Khi đã quen mắt quen lòng với nửa kia, theo thời gian, chẳng mấy ai để tâm tới giây phút họ đến bên nhau, cũng như tơ duyên nào đã dẫn đưa họ đến với nhau. Chỉ đến khi mất đi, người ta mới thấy trân quý những gì mình đã từng có. Nhưng cả khi đã chìm trong “cay đắng tuyệt vời”, trong tận cùng của sự hối tiếc và nhung nhớ hay say đắm trong “trời hạnh phúc mới”, họ cũng không nhớ nổi khi nào, vì đâu họ đã đến bên nhau.

Bìa và nội dung tờ nhạc gốc ca khúc “Mùa Đông của anh” (1970)

Mùa Đông lại một lần nữa đem lạnh giá về với thế gian. Trăm năm, muôn đời, Đông vẫn lạnh. Cái lạnh mùa đông cùng với cái lạnh lẽo của cô đơn, nó khiến con tim người ta tưởng như ngừng thở. Cái cảm giác quặn thắt, nghèn nghẹn con tim đó, hẳn ai từng trải qua sẽ chẳng còn xa lạ. Ân tình đó dường như đã là ân tình duy nhất, tình yêu mà sau này không thể khỏa lấp được bằng hạnh phúc mới. Trong phút giây bồi hồi, anh muốn hỏi người yêu cũ rằng, liệu người có nghe thấy mùa đông, có cảm thấy nỗi giá lạnh và nhung nhớ như anh đang cảm nhận không?

Ngày nào ta xa nhau, anh bước sâu trong vũng tối nhạt nhòa
Từng mùa đông theo qua, anh đã quen với đỉnh đời băng giá
Xưa hôn em một lần, rồi đau thương tràn lấp
Anh yêu em một ngày và xa em trọn kiếp
Nên anh yêu mùa đông, nên anh yêu mùa đông, ôi Mùa Đông của anh.

Trong niềm nhớ da diết, người ta tiếp tục hồi trưởng về khoảnh khắc cuộc tình vỡ làm đôi. Ngày họ xa nhau, người trai bước trong những ngày tháng tăm tối, nhạt nhòa, chìm sâu trong sự u buồn ví như bước trong một vũng tối. Mỗi mùa đông đi qua, dần dà anh cũng quen với việc thiếu hình bóng nàng, cái giá lạnh thấu tâm can, tột đỉnh của đau thương – tựa như lạc lõng trên tận chốn đỉnh đời. Từng mùa đông về, anh lại nhớ tới những kỷ niệm ngọt ngào, nồng ấm ngày đó lúc còn bên người và dư hương của người con gái giờ đã là cố nhân. Tình yêu thật là một thoáng mong manh. Yêu em một lần, hôn em một lần để rồi đau thương và chia phôi luôn hằn mãi trong tâm trí. Trong phút giây cuồng nhớ, anh cảm thấy yêu vô cùng khung trời kỷ niệm một thuở, yêu vô cùng những mùa đông thuở còn bên nhau. Vẫn yêu, dù hình bóng người con gái đó đã đem đến lạnh giá đến tái tê cho anh – nàng là mùa Đông của lòng anh. Lời ca cuối của đoạn này với điệp từ “anh yêu” và lời cảm thán “ôi mùa Đông của anh” khiến cho người nghe cảm nhận rõ được niềm xao xuyến đến da diết của người trong cuộc tình.

Ba câu đầu của phần điệp khúc, là khi lời trần tình đạt đến cái cao trào của một con tim cuồng yêu, cuồng nhớ. Đây cũng là những lời ca nghe qua, hẳn nhiều người cũng cảm thấy đôi chút khó hiểu:

Anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái.
Anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy.
Em đi đi, người điên không biết nhớ và người say không biết buồn

Đúng thật! Anh chỉ là người điên, ảo vọng, ngất ngây một cuộc tình chẳng hề phai theo thời gian, luôn tưởng rằng mùa Đông của “trăm năm lạnh giá” sẽ để yên cho cuộc tình của anh với nàng. Anh ta chỉ là người say, kẻ chếnh choáng men say tình ái, ngỡ rằng cuộc tình đó là cuộc tình vẹn tròn đến thiên thu, chỉ dành riêng cho mình.

“Em đi đi, người điên không biết nhớ và người say không biết buồn”

Một lời trần tình đầy bi ai của một trái tim đau đớn, nhưng cũng không kém phần tha thiết tình yêu thương sum vầy khi lứa đôi đã ly tan. Người điên không biết nhung nhớ, vì còn mải ngất ngây trong cơn mộng ảo xa xôi của ái tình, chưa hề nghĩ tới lúc phải nhung nhớ. Người say nào biết buồn, khi còn mải say đắm men nồng của cuộc tình ngỡ như trăm năm.

Những lời ca tiếp theo trong phần điệp khúc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho ta thấy góc nhìn triết lý, sự thật về cái được gọi là “tình yêu” ở trên dương gian này:

Những cuộc tình dương gian, muôn đời không nghĩa lý
Nhưng người vẫn tìm nhau trong vòng tay tình ý
Như đôi ta… niềm yêu xưa chỉ còn một vì sao anh lẻ loi.

Rõ ràng là, có hợp rồi ắt sẽ có tan. Chẳng có mấy cuộc tình được bền chặt, mặn nồng đến trọn đời. Khi tơ duyên đã hết rồi thì cũng đến lúc chia phôi, và thường là trong những cảm xúc chẳng lấy gì làm vui vẻ ở cả hai người. Như dã tràng xe cát bể Đông, thật vô nghĩa lý! Nhưng chẳng hiểu sao, con người ta vẫn đến với nhau, đôi trai gái vẫn lao vào vòng yêu đương – ở đây được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nói tới bằng hình ảnh hoán dụ “vòng tay tình ý”. Con người chúng ta không thể nào hiểu rõ, hiểu tường tận chính bản thân mình. Nghịch lý đó cũng là điều mà con người đã thắc mắc hàng bao đời nay.

Sau những mộng ước, say đắm xa xôi bên tình nhân, người ta bỗng nhận ra mình chẳng còn gì nữa. “Như đôi taniềm yêu xưa chỉ còn một vì sao anh lẻ loi”. Đó là khi người ta nhận ra cuộc tình của mình cũng không tránh khỏi cái quy luật hợp-tan vô nghĩa lý. Giữa trời Đông lạnh giá, anh còn gì ngoài một vì sao đêm le lói. Và “vì sao” ở đây cũng có thể hiểu là sự thắc mắc, dằn vặt rằng, sau cuộc dạo chơi “vườn hoa tình ái”, vì sao rốt cuộc ta chỉ còn lại mỗi mình ta, lẻ loi giữa giá băng?

Phiên khúc cuối của bài hát, là những hình ảnh rất độc đáo, rõ nét nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình, khi một lần nữa mùa đông của cô đơn, “từ trăm năm lạnh giá” lại tìm đến:

Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi
Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới.
Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc
Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc
Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian

[…]

Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình nồng hai chúng ta

Mùa Đông lại về, lại đem nhung nhớ về từng nẻo đường cũ, cùng những nguyện ước thầm kín nhưng mỏng manh rằng, người yêu xưa sẽ đến với mình trên góc phố xưa như thuở còn bên nhau. Nhưng tình yêu đã tan vỡ thành trăm mảnh rồi, và người vẫn lang thang bước đi trong tận cùng nỗi nhớ, trong niềm yêu muộn màng, mùa giá buốt. Hình ảnh “lũ dơi ngủ vùi” qua mùa Đông đối lập với hình ảnh kẻ buồn tình lang thang được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh khắc họa rất công phu. Mặc thế nhân, thậm chí muôn loài vùi mình tìm êm ấm, anh ta vẫn bước đi trong lạnh căm – luôn suy tư trên đỉnh đời băng giá, từ ngày người ra đi.

Anh không khỏi nhớ đến hình ảnh cuối cùng của nàng, trước khi rời xa nhau. Đêm chia ly, trước khi đường ai nấy đi, nàng đã bật khóc. Thế là người đã xa người rồi, nhưng dư hương, nhất là mùi tóc thơm tho của người con gái, làm sao có thể phai đi trong tâm trí


Click để nghe bản thâu bài hát của Thanh Lan (trước 1975)

Cuộc tình nào cũng có cay đắng và ngọt ngào. Nhưng có lẽ cuộc tình băng giá – tức cuộc tình dù đã tan vỡ nhưng niềm yêu vẫn còn sâu sắc, dù là chỉ ở một hoặc cả hai người – là cuộc tình đẹp nhất trên thế gian. Những cuộc tình như vậy cho ta trải nghiệm một chiều kích xúc cảm rất mãnh liệt, mạnh mẽ, điều mà ta có thể không cảm thấy khi tình còn mặn nồng. Nếu khi yêu, họ được trải nghiệm cái tột đỉnh của sự ngọt ngào,  thì khi chia phôi, họ đạt đến cái tột đỉnh của sự cay đắng. Đó là cái cảm giác của niềm yêu đơn lẻ, không tan biến theo cuộc tình, nhưng vẫn nhung nhớ, vẫn khát khao và pha chút hối tiếc. Hình bóng người xưa vẫn còn mãi trong tim. Đó chính là lý do vì sao bài hát có câu “Có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian” hay “tình nồng hai chúng ta”.


Click để nghe bản thâu bài hát của Ngọc Lan (sau 75 ở hải ngoại)

Với thể điệu Bolero nhưng viết theo cung Trưởng, giai điệu lãng mạn, diệu vợi cùng lời ca da diết, đẹp như thơ, mang đôi chút hơi hướng triết lý về sự hòa hợp và tan vỡ của tình yêu, “Mùa Đông Của Anh” đã để lại trong lòng người những cung điệu vương vấn. Ai từng trải qua đổ vỡ trong tình yêu, nghe lại bản nhạc này hẳn sẽ thấy được câu chuyện, thấy được bóng hình một thời của mình và người từng thương trong đó. Bài hát sử dụng rất nhiều hình ảnh rất đẹp, lãng mạn, giàu tính biểu tượng như “đỉnh đời băng giá”, “vườn hoa tình ái”, “trăm năm lạnh giá”, “mùa Đông của anh” hay “làm sao quên mùi tóc” – những hình ảnh thật độc đáo, làm cho người nghe, và ngay cả các nhạc sĩ đồng nghiệp của Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, đều công nhận và nể phục tài năng sáng tạo của ông, thông qua những hình ảnh độc đáo nói trên.

Mùa Xuân Không Còn Nữa – Lam Phương

Được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác vào khoảng thập niên 1980 ở hải ngoại, “Mùa Xuân Không Còn Nữa” dường như được ít người biết đến hơn so với “Mùa Đông Của Anh”. Tuy vậy, giai điệu và lời ca, cùng hình ảnh trong bài hát, một khi đã nghe, sẽ để lại ấn tượng rất mạnh trong lòng người nghe.

“Mùa Đông Của Anh” đã qua đi và không bao giờ trở lại. Đó chính là giây phút người trong cuộc nhận ra rằng mãi mãi “Mùa Xuân Không Còn Nữa”.

Thật thú vị là, hai bài hát này đều có những điểm chung đáng chú ý. Ngay cả tên hai bài hát, khi so sánh, ta cũng thấy có gì đó khá là “hợp ý” với nhau – “mùa đông” được nối tiếp bởi “mùa xuân” – đúng theo thứ tự của thời gian, của tự nhiên . Cả hai đều là bài hát viết về niềm yêu da diết của một người dành cho nửa kia, dù cuộc tình cũng đã tan vỡ, đều được viết theo điệu Bolero cung Trưởng với giai điệu thiết tha, lãng mạn, và đều viết về những cái lạnh buốt giá của mùa đông chia ly. Nhưng nếu “Mùa Đông Của Anh” là cái lạnh giá, cay đắng đến tận cùng của niềm yêu muộn màng, thì “Mùa Xuân Không Còn Nữa” là sự ngỡ ngàng của người khi nhận ra cuộc tình mình đã không còn, người yêu của mình đã tìm được hạnh phúc mới, và từ đây về sau, phút giây thắm đượm tình cảm yêu đương tựa như mùa Xuân sẽ không còn nữa.

Đã có nhiều ca sĩ trình bày, thâu thanh ca khúc này, từ khi nó được sáng tác. Nhưng theo cá nhân người viết, bản thâu hay nhất có lẽ là do cô Thanh Tuyền hát trong chương trình ASIA 81. Phần hòa âm sâu lắng, diệu vợi mang hơi hướng phong cách Latin, kết hợp với giọng hát cao vút, vang vọng của cô Thanh Tuyền, sẽ gieo vào hồn người nghe cái buồn, cái nhớ nhung nuối tiếc đầy lãng mạn của bài hát.


Nghe “Mùa Xuân không còn nữa” của Thanh Tuyền ca, trích trong chương trình ASIA 81

Mở đầu bài hát là lời tự tình muộn màng, bẽ bàng của người tự sự:

Anh biết em hững hờ để rồi mùa xuân không còn nữa
Anh đã nghe mong chờ đi vào bóng tối bơ vơ
Xa tiễn chân em về đường khuya vắng ánh trăng thề
Ngoài hiên gió rít lê thê tình ơi sao quá não nề.

Người trai biết rằng sự vô tâm trong tình cảm đã đẩy cuộc tình đến chỗ tan vỡ. Vì người con gái đã hững hờ, đã chán chường, nên cuộc tình – ở đây được ví như mùa xuân – đã không còn nữa. Bao nhiêu mong chờ, bao nhiêu ước mộng được vun đắp nay đã chìm trong dĩ vãng, trong “bóng tối bơ vơ” khi cuộc tình đã không đi đến đoạn kết đẹp như lòng mong muốn. Khung cảnh đêm đông buồn buồn, bầu trời nhợt nhạt tối tăm, ánh trăng thề sáng soi đôi tình nhân thuở trước, nay cũng chẳng thấy xuất hiện. Tất cả những gì con người ta có thể cảm nhận lúc đó, là từng cơn gió lạnh ùa bên tai, len lỏi rít vào tận cõi lòng. Thật não nề, buồn bã!

Anh biết em vô tình lạc vào vòng tay yêu người mới
Hạnh phúc đâu xa vời lại tìm sóng gió chi em
Anh tiếc thương vô cùng lời xưa ước muốn chung đường
Niềm vui nỗi nhớ chia đôi giờ đây mỗi người một nơi.

Trong giây phút u sầu, người trai nhớ tới người yêu, nhớ tới khoảnh khắc cuối nàng ở bên mình. Anh bẽ bàng nghĩ đến việc người yêu mình giờ đã ở “vòng tay yêu người mới” vì đã vô tình lạc bước. Không có gì đau đớn hơn việc phải chứng kiến điều đó. Sau bao năm gần gũi, quen mắt môi, quen với dáng hình của nhau, người ta hẳn đã không còn thú vị với “hạnh phúc” nơi cận kề, nên quay sang đi tìm hạnh phúc ở xa vời, đầy sóng gió. Có một nỗi tiếc thương vô cùng cho tình yêu, cho ước mộng thuở ban đầu, thuở còn cùng nhau dệt bao mộng ước. Nhưng giờ đây, đôi người không còn bước chung đôi nữa, niềm vui nỗi nhớ đã tan biến, như đôi chim lìa nhau. Có còn lại chăng chỉ là những tiếc nhớ, những ký ức chợt hiện lên trong tâm trí.

Mùa đông đã về trong đêm nay. Trời lập đông, với từng cơn giá bấc sắt se cõi lòng vốn đã hoang tàn, u buồn sẵn. Cái rét căm căm của đêm khuya dường như đã thấm qua da thịt, và ùa vào từng mảnh hồn. Lần đầu tiên người trai mới cảm nhận lại cái lạnh thấu tâm can, kể từ khi mùa Xuân của mình đã mất đi. Lòng anh tràn ngập nỗi nuối tiếc – niềm nuối tiếc to lớn được thể hiện qua từ “mênh mông”, ví như biển lạnh mù sương hay bình địa vậy. Anh tự hỏi lòng mình rằng, ở bến mơ ấy, liệu nàng có hiểu được cảm xúc của anh ngay lúc này không? Một thời yêu xa vắng, và những cay đắng hiện tại, thật quá mong manh.

Phần điệp khúc được chuyển qua tiết tấu nhanh hơn một chút, mang âm điệu dìu dặt, tha thiết, thể hiện cao trào cảm xúc của người giãi bày nỗi lòng.

Đêm nay trời lập đông vài cơn gió se sắt lòng
Anh nghe hồn lạnh câm đi vào nuối tiếc mênh mông
Một thời yêu xa vắng còn chăng cay đắng
Còn nhớ thương này em biết không?

Ngày nào ta đưa đón trời giăng giăng tuyết
Lạc lối đi tìm làm sao ngăn giòng nước mắt
Kỷ niệm vẫn còn là lòng vẫn còn yêu.

Từng kỷ niệm với người xưa kéo nhau về trong đêm thâu lạnh lẽo, tĩnh mịch. Anh lạc lối, tìm trong những ký ức đẹp đẽ mái tóc bóng hình xa xưa. Tận cùng của xúc cảm, của nỗi lòng chính là giọt nước mắt. Đó không phải là giọt nước mắt ủy mị, yếu đuối, mà những giọt nước mắt đó ai rồi cũng sẽ có lúc trải qua – đó là một phần của con người. Tuy tình đã vỡ đôi, nàng đã có người mới, nhưng kỷ niệm tình yêu một thuở dành cho nàng, anh vẫn giữ mãi. Yêu trong kỷ niệm – kỷ niệm còn thì tình yêu vẫn sẽ vẹn nguyên. Đó chính là thông điệp làm nên ý nghĩa, làm nên cái đẹp của ca khúc.

Trong giây phút ngập dâng nhớ nhung, anh hỏi cố nhân, hay có lẽ đúng hơn là anh tự hỏi mình lần nữa rằng, liệu nàng có còn nhớ tới mình, trong lòng có thoáng nghe thấy hương yêu của thuở ban đầu hay chăng?

Giây phút vui bên người rượu nồng tràn dâng men tình mới
Em có nghe bao giờ tâm hồn thoáng chút hương xư
a
Hay đã quên câu thề mặc anh sớm tối đi về
Mặc anh đếm bước lang thang nghìn năm mối sầu còn mang.

Hình ảnh một người “rượu nồng trào dâng men tình mới” và “một người đếm bước lang thang” thật sự làm nên nét tương phản giữa hai thái cực, hai cảm xúc trái ngược lẫn nhau. Dù gì đi nữa, ta chẳng thể đoán định được suy nghĩ, cảm xúc của ai một cách chính xác được. Trong lòng người trai, bên cạnh niềm yêu âm ỉ, da diết, hẳn cũng có chút giận hờn, trách móc cố nhân, đã vui tình mới để mặc anh “sớm tối đi về”, “đếm bước lang thang”.

Và rồi mối sầu nghìn năm, người vẫn còn mang!

Một ước lệ rất công phu tương tự cụm từ “đỉnh đời băng giá” mà ta đã được nghe trong bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nó diễn tả cho người nghe hiểu được nỗi lòng, đoạn buồn mà người viết đã phải bước qua to lớn, mênh mang đến dường nào. Không mùa Xuân nào kéo dài vô tận cả. Nhưng đâu ai ngờ rằng, kết thúc của mùa Xuân mộng mơ đó lại chính là mối sầu tha thiết kéo dài tới hơn ngàn năm?


Click để thưởng thức phần trình bày bài hát của cô Phương Hồng Quế

Thời điểm bài hát được ra đời, cũng là lúc nhạc sĩ Lam Phương sống những năm tháng đầy sóng gió trong buổi đầu nơi đất khách quê người, trong đó có cả những chia ly, đau đớn trong đời sống tình cảm. Ông đã ly dị vợ – tức kịch sĩ Túy Hồng – vào khoảng thời gian này. Có lẽ những u uất, đau buồn cho cuộc hôn nhân tan vỡ đã là nguồn cảm hứng tác để nhạc sĩ Lam Phương viết nên bài ca chân thành, đầy xúc cảm này.

Giây phút cuộc tình vỡ tan sẽ diễn ra chỉ trong giây phút, nhưng những đau thương, nuối tiếc cùng những ký ức đẹp một thuở giữa hai tâm hồn sẽ luôn sống mãi theo thời gian, cho đến suốt một đời. Cả những lời ca gắn liền với những cảm xúc, hình ảnh trong đó cũng vậy – sẽ sống mãi với thời gian. Nhân mùa đông đến và Giáng Sinh cận kề, ta cùng ngồi lại bên ly trà ấm, lắng nghe những ca khúc dạt dào tình cảm, thiết tha niềm yêu như hai bài hát trên, để thấy được cái đẹp, cái thi vị, ý nghĩa trong từng lời ca – “có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian?”

Bài: Toàn Nguyễn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version