Hầu hết những học sinh, sinh viên và trí thức ở Sài Gòn trước năm 1975 đều biết đến và ít nhất một lần đến hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi (nay là nhà sách FAHASA Sài Gòn).
Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam được bán theo kiểu “tự chọn”, khách vào có thể lấy sách đọc thỏa thích rồi có thể đi về dù mua hay không mua. Hiện nay hầu hết các nhà sách lớn đều có hình thức này, nhưng vào thời điểm thập niên 1950 thì đó là một sự đột phá đi trước thời đại. Bởi vì thời đó người ta thường bán sách theo kiểu người mua nói tên cuốn sách rồi chủ tiệm lấy ra bán, chứ người mua không được vào trong để lật giở từng cuốn để đọc như sau này.
Nhà sách Khai Trí được mở tại Sài Gòn từ năm 1952 trên đại lộ Bonard, là con đường mà chỉ chưa đầy 3 năm sau đó đổi tên thành Lê Lợi và vẫn giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
Thời trước năm 1975, đại lộ Lê Lợi ở đoạn Pasteur – Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) được mệnh danh là “phố sách”. Ngoài nhà sách Khai Trí nổi tiếng chiếm hết mặt tiền 2 căn nhà ở số 60-62 đường Lê Lợi, thì sau đó ở bên cạnh còn mọc lên một loạt nhà sách như Dân Trí, Thanh Tuân và Phúc Thành nằm chen nhau.
Đi vài bước nữa về hướng ngã 4 Lê Lợi – Công Lý (đúng ra là Ngã 5 vì có thêm đường Nguyễn Trung Trực) là khu vực bán sách cũ nổi tiếng nhất của Sài Gòn, nằm sau bờ tường của Bộ Công Chánh. Nơi này được ký giả thời đó mô tả trong trang báo năm 1972 đăng trên Đời như sau:
“Các khu bán sách báo cũ nằm rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn ngày nay đã trở nên gần gũi với một phần lớn dân chúng thành phố. Thường lệ và đặc biệt vào các chủ nhật và ngày lễ, khách hàng thuộc đủ giai cấp xã hội tấp nập đến các khu sách báo cũ chọn mua những món ăn tinh thần với giá rất hạ”.
Phố sách Lê Lợi lúc nào cũng tấp nập quanh năm, mà khách đa số là thuộc giới trí thức bình dân, những “mọt sách” là sinh viên hay học sinh có thể tìm được hầu hết sách mình cần, từ cũ đến mới ở phố sách này. Còn đối người mê sách thuộc giới “quý tộc” thì thường tìm đến nhà sách Xuân Thu bên đường Tự Do. Nhà sách Xuân Thu được mở trước Khai Trí khá lâu, có tên cũ là Albert Portail, là nhà sách sang trọng có máy lạnh, chuyên bán sách ngoại văn nhập từ nước ngoài.
Khi ông Nguyễn Hùng Trương mở nhà sách Khai Trí ở đại lộ Bonard thì sách Việt văn chưa phong phú. Sau một thời gian bán sách, ông chủ Khai Trí bắt đầu tự tổ chức biên soạn sách báo rồi phát hành, với những đầu sách được chính ông thực hiện được lựa chọn kỹ càng và phong phú, phù hợp với hầu hết các lứa tuổi, từ thiếu nhi cho đến trung niên, lão niên.
Có thể nói “ông Khai Trí” (tên mà người ta thường gọi ông Nguyễn Hùng Trương) là một trong những người góp công lớn nhất trong việc “khai trí” cho người Việt thời thập niên 1950-60-70. Ngay từ khi mở nhà sách năm 1952 và chọn tên, hẳn là ông đã ấp ủ giấc mơ khai dân trí nên lấy tên đặt cho hiệu sách, và chỉ trong vài năm ông đã hiện thực hóa được điều đó.
Ông Nguyễn Hùng Trương sinh năm 1926 tại tỉnh Biên Hòa, ngày nay thuộc địa giới Thủ Đức. Thuở nhỏ ông thường nhịn ăn sáng, để dành tiền để mua sách báo đọc. Lên trung học, ông vào học trường Petrus Ký và mỗi cuối tuần phải đạp xe đạp về nhà vài chục cây số, đầu tuần trở lại học với số tiền gia đình cho đủ để chi tiêu dè sẻn. Niềm đam mê sách đối với ông mãnh liệt đến nỗi cứ chiều thứ 2 là ông dùng hết tiền đó để mua sách báo rồi nhịn ăn sáng nguyên tuần.
Cũng nhờ mê sách mà ông dần dần bước vào lĩnh vực kinh doanh sách. Quá trình từ một học sinh nghèo trở thành ông chủ tiệm sách từng là lớn bậc nhất Việt Nam được ông kể lại trên báo như sau:
“Tôi mê sách từ hồi nhỏ, khi trưởng thành, niềm đam mê cũng lớn theo, trong nhà chung quanh tôi chỗ nào cũng sách là sách. Tôi nhớ có một lần mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi mua hộ các anh 5 cuốn sách về văn học Pháp. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, vì cuốn đó rất hiếm, xuất bản tại Pháp, nên các nhà sách ở trong nước không có. Tôi bèn gửi thư cho nhà xuất bản xin mua 6 cuốn. Ông giám đốc nhà xuất bản gởi thư cho biết nếu tôi mua từ 10 cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa. Nhẩm tính tôi thấy nếu mua luôn 10 cuốn thì giá tiền chẳng hơn 6 cuốn chưa chiết khấu là bao, nên đã mượn tiền gởi mua đủ 10 cuốn để được giảm giá.
Sách gửi về, tôi đưa mấy anh bạn năm cuốn, tôi giữ 1 cuốn, còn 4 cuốn đem ra nhà sách để ký gởi. Tưởng là còn lâu mới bán được, ai dè gửi được 2-3 ngày tôi ra thăm chừng thì sách đã bán hết, ông chủ tiệm trả tiền và nói rằng nếu có sách gì cần bán thì cứ đem đến ký gởi…
Thấy bán hết số sách, vừa lời được một cuốn để đọc, vừa còn lại một số tiền kha khá, thế là tôi nảy ra ý định tìm các loại sách báo có giá trị, quý hiếm đặt mua ngay tại cơ sở rồi mang ra hiệu sách ký gởi. Tôi trở thành “nhà phát hành” nghiệp dư từ đó. Tiền lãi bán sách tôi ky cóp để dành, rồi lại tất tả đi làm thuê, dạy học, tất cả tiền kiếm được tôi dành dụm trong 4-5 năm, khi có vốn rồi tôi mới mở nhà sách Khai Trí vào năm 1952. Nếu không có niềm đam mê về sách báo, không có nghị lực và lòng quyết tâm thì tôi đã không thể có nhà sách Khai Trí như mọi người đã biết”.
Trước khi đủ vốn để mở một nhà sách lớn như Khai Trí, thời gian đầu ông khởi nghiệp bằng một chiếc xe đẩy bán sách dừng trước trường Chassesloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn). Là một người mê sách, tìm tòi mua sách đã nhiều năm, nên ông Khai Trí có khả năng chọn được nhiều loại sách hiếm, có giá trị, đặc biệt là phù hợp với người Việt Nam, phù hợp với thời điểm mà nhiều người cần tìm, cần mua. Đó là khả năng mà ít người có được giống như ông. Nhờ vậy mà sau nhiều năm cần mẫn thì ông Khai Trí cũng để dành được đủ vốn để mở một nhà sách lớn năm 1952.
Kể từ đó, cái tên Khai Trí đã gắn liền với cả cuộc đời của ông chủ hiệu sách, người ta quen gọi ông với cái tên là “ông Khai Trí” nên thậm chí có nhiều người quên mất tên thật của ông là Nguyễn Văn Trương (bút danh Nguyễn Hùng Trương).
Suốt trong hơn 2 thập niên ở Sài Gòn, hiệu sách Khai Trí như là một trung tâm văn hoá của đất Sài Gòn, kinh doanh rất phát đạt và trở thành nhà sách lớn nhất Sài Gòn và toàn cõi Việt Nam chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Để đạt được thành công lớn như vậy, có thể nói ông chủ Khai Trí đã có triết lý và mô hình kinh doanh đi trước thời đại và được hầu hết các cửa hiệu buôn hiện nay áp dụng, được kể lại như sau:
“…hai căn nhà rộng thênh thang trên đại lộ Bonard của nhà sách Khai Trí luôn mở toang các cửa, sách được phân chia từng loại trưng bày rộng rãi trên các kệ sắt. Người mua tha hồ lấy xem, lựa chọn và dù khách mua hay không mua, khi ra về đều nhận được cái nghiêng đầu nhẹ nhàng và cụ cười cảm ơn rất thân tình, lịch sự của những cô nhân viên trẻ đẹp, mặc áo dài màu xanh dương thanh lịch. Sách mua được nhân viên bao gói bằng loại giấy đặc biệt có in tên nhà sách và sách được đóng dấu tên của tiệm, nên nhà sách Khai Trí mau chóng được nổi tiếng, giới sinh viên học sinh, giới nhân sĩ trí thức, những người thích đọc sách ở các tỉnh phía Nam hầu như ai cũng từng nghe danh bảng hiệu Khai Trí”.
Một điều nói lên cái tâm của ông Khai Trí là những cái ông làm cho thế hệ thiếu nhi của Sài Gòn năm xưa. Trong nhà sách Khai Trí có một gian sách thiếu nhi, có sẵn băng ghế ngồi cho những đứa trẻ vào đọc thoả thích. Những đứa trẻ nghèo có thể đến gặp ông để được cho những tấm thiếp và được vào Khai Trí mua sách miễn phí.
Ông Khai Trí còn chủ trương in tuần báo Thiếu Nhi (Chủ nhiệm: Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên: Nhật Tiến). Về hình thức, trang bìa và trang cuối của tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kỹ thuật tân tiến (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ. Trang bìa thường in hình vẽ của họa sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau.
Sau đây, xin chép lại một câu chuyện khác để nói lên cái tâm của ông Nguyễn Hùng Trương trong việc kinh doanh, cũng đồng thời là công việc “khai trí”:
Vào khoảng năm 1960, báo chí đăng tin về một câu học sinh trường trung học danh tiếng là Petrus Ký chừng 14-15 tuổi bị bắt quả tang ăn cắp sách ở nhà sách Khai Trí và cách xử lý đi vào lòng người của ông chủ Nguyễn Hùng Trương. Câu chuyện như sau:
Một buổi sáng cậu học sinh này cứ lang thang mở coi hết cuốn này đến cuốn khác ở các giá sách tiếng Pháp. Việc lấm lét nhìn tới nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs rất quý.
Cậu học sinh sợ hãi khi nghe rằng sẽ bị báo cảnh sát, nên khóc lóc van xin nhân viên thu ngân:
– Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em đừng gọi cảnh sát…
Cậu bé khóc quá khiến cô thâu ngân viên cũng thấy mủi lòng:
– Ba má em làm gì mà nghèo?
– Ba em không còn, má em quét chợ An Đông…
– Mẹ quét chợ An Đông mà con học Pétrus Ký? Em học đến đâu rồi?
– Dạ thưa quatrième année (lớp tư). Chị tha cho em, nếu cảnh sát bắt, đưa giấy về trường em bị đuổi học tội nghiệp má em…
Nói rồi cậu bé khóc nấc. Lúc đó có một ông khách lớn tuổi đã theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối, đến nói:
– Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…
Trước lời đề nghị đó, cô thu nhân lúng túng chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông Nguyễn Hùng Trương đi từ ngoài vô.
Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thu ngân viên thuật lại sự việc. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói với ông khách:
– Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…
Ông đưa cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu:
– Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…
Ông bắt tay, cám ơn ông khách lần nữa rồi đi vào trong.
Ba năm sau, cậu bé nọ thi đậu xong Tú tài phần II, được học bổng du học nước ngoài.
Ông chủ Khai Trí thành công với nghề kinh doanh sách, trước tiên là vì ông rất mê sách. Việc một người làm đúng đam mê của mình, làm bằng cái tâm và cái tầm khó ai bì kịp nên việc đạt được thành công lớn là điều hiển nhiên. Tuy nhiên những thành tựu cả đời đó của ông bị sụp đổ chỉ sau hơn 20 năm, cùng chung số phận với cả miền Nam, làm cho nhiều người phải xót xa.
Sau tháng 4 năm 1975, nhà sách phải đóng cửa, rồi 1 năm sau đó, toàn bộ sách giá trị mà ông đã dành tâm huyết cả đời để thực hiện đã bị đốt vì mang tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ. Bản thân ông Nguyễn Hùng Trương cũng bị đi tù.
Năm 1991, ông Nguyễn Hùng Trương được con bảo lãnh sang Mỹ định cư. Tại hải ngoại, ông rất ngạc nhiên khi thấy tất cả những đầu sách của Khai Trí thực hiện trước năm 1975 bị người ta tái bản rồi phát hành, bán sách thu lợi một cách công khai, vi phạm bản quyền của ông một cách nghiêm trọng.
Khi đó ông Nguyễn Hùng Trương bị thiếu cả vốn lẫn nhân lực để gầy dựng lại Khai Trí tại nước ngoài, lại bị thất vọng khi thấy 90% sách của mình đang bị in lậu tại đây, nên ông quyết định hồi cư về nước chỉ sau 5 năm.
Năm 1996, khi nghe nói nhà nước Việt Nam đang có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu sau năm 1975 nên ông Khai Trí về, đề nghị nhà nước trả lại cơ sở cho ông, cũng như xin lại 1 phần sở hữu nhà sách đường Lê Lợi, nhưng không thành. Những gì ông nhận được chỉ là 1 ngôi nhà cũ được xây từ thập niên 1930 trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Ông sống tại đây cho đến khi qua đời năm năm 2005, hưởng thọ 80 tuổi. Nguyện vọng của gia đình là tiền phúng điếu sẽ tặng cho quỹ từ thiện thành phố.
nhacxua.vn biên soạn