Tôi quen Ngọc Lan qua sự giới thiệu của Duy Quang, trong thời gian cô mới bắt đầu cộng tác với vũ trường Ritz của Ngọc Chánh vào năm 1985.
Lúc này Duy Quang là một trong những người thân của Ngọc Lan, thường đi chơi chung một nhóm hoặc thường họp mặt tại nhà Duy Quang, khi còn ở trên đường Hunter Lane, Midway City. Trong những lần tụ tập với bạn bè đó, Ngọc Lan lúc nào cũng tỏ ra khép nép, trong khi mọi người đùa giỡn thật vui vẻ. Cũng chính vì bản tính nhu mì và kín đáo như vậy cô đã dược bạn bè dành cho nhiều cảm tình và lòng thương mến.
Trong thời gian này Ngọc Lan chưa được biết đến nhiều, tên tuổi chỉ mới đươc nhắc nhở đến trong phạm vi quanh vùng Little Saigon. Cũng trong thời kỳ đó tôi thường hay tổ chức show tại Montréal nên Duy Quang đã đề nghị tôi mời Ngọc Lan trình diễn khi có dịp. Trên cương vị một người tổ chức, tôi thật sự hơi e ngại vì tên tuổi Ngọc Lan chưa mấy ai biết tới ở Montréal. Tuy nhiên sau một vài lần tiếp xúc trực tiếp cũng như qua điện thoại, tôi cảm mến tính tình hiền hậu, thật thà và giọng nói dễ thương cúa cô nên quyết định mời cô trình diễn trong một chương trình văn nghệ và dạ vũ vào khoảng cuối năm 1985.
Đúng như tiên đoán, số luợng khán giả tham dự dêm đó chỉ được khoảng nửa rạp, nhưng họ đã dành cho Ngọc Lan một cảm tình thật nồng nàn khiến cho tôi cảm thấy vui và hãnh diện lây khi đã mang đến cho khán giả Montréal một giọng hát đầy triển vọng với một khuôn mặt thật dịu dàng và khả ái.
Đêm hôm đó trở về nhà chúng tôi, Ngọc Lan có vẻ không được vui qua nét mặt đượm nhiều đăm chiêu. Trước khi vào phòng nghỉ, Ngọc Lan kéo tôi ra một góc nhà, vừa trao cho tôi một bao thư vừa nói với một giọng nói nhỏ nhẹ: “Anh Kỳ! Em thông cảm cho anh lắm. Em rất buồn vì đêm nay không có đông khán giả, vì em chưa phải là một ca sĩ nổi tiếng. Em gửi lại anh một chút gọi là chia sẻ với ạnh”
Bất ngờ quá – vì chưa bao giờ gặp một trường hợp như vậy – tôi chưa kịp nói lời nào thì Ngọc Lan đã mở bao thư trao cho tôi một số tiền bằng một nửa số thù lao dành cho cô. Tôi nhất định từ chối. Chủ trương “có làm có chịu” đã không cho phép tôi nhận sự chia sẻ đó. Nhưng Ngọc Lan cương quyết dúi vào tay tôi bắt nhận, cùng với câu nói: “Anh cho em chia sẻ thì em mới vui dược, nếu không em sẽ cảm thấy áy náy vô cùng! Anh mà không nhận thì không còn tình anh em nữa đâu.”
Trước sự cương quyết đó, tôi nhận lại số tiền với tất cả sự xúc động đến từ sự thông cảm của một người nghệ sĩ.
Trong những năm sau đó cho đến khi Ngọc Lan giảm bớt những hoạt động, tôi thường nghe nhiều người tổ chức cho biết cô luôn luôn chia sẻ với họ trong những lần tổ chức bị lỗ lã, bất cứ do nguyên nhân nào. Mỗi lần nhớ đến chuyến lưu diễn đầu tiên của Ngọc Lan tại Montréal, tôi vẫn cảm thấy trong lòng dang lên một niềm xúc động. Vài năm sau đó, Ngọc Lan trở lại Montréal để nhận được cảm tình nồng hậu của khán giả.
Những kỷ niệm khó quên cúa Ngọc Lan
Trong những năm 1992, 1993, 1994, những chuơng trình ca nhạc do tôi và một số thân hữu tổ chức tại Montréal với sự có mặt của Ngọc Lan đã là những chương trình thu hút được rất nhiều khán giả. Trong thời gian nầy được biết cô đă bắt đầu bị nhuốm một căn bệnh mà khi đó chưa ai được biết một cách chính xác. Tuy nhiên ảnh hưởng của căn bệnh mới chỉ ở mức nhẹ nên tinh thần của Ngọc Lan vẫn còn sáng suốt trong những lần nói chuyện. Cô tỏ ra rất yêu thích thành phố Montréal nên mỗi lần đều lưu lại ba bốn ngày để đề nghị được dẫn đi xem những di tích và thắng cảnh tại đây.
Trong những lần gặp gỡ, qua những câu chuyện trao đổi, Ngọc Lan cho biết là cô có một kỷ niệm rất khó quên trong cuộc đời đi hát, xẩy ra trong một lần lưu diễn ở Calgary, tỉnh bang Alberta (Canada). Đêm hôm đó sau khi trình diễn xong, một nguời đàn ông ở lớp tuổi trung niên dẫn một cô bé gái lại gặp cô để xin chữ ký. Ông ta chỉ Ngọc Lan và nói với con “Đây là mẹ con đó!”.
Qua câu chuyện, Ngọc Lan được biết vị khán giả đó là một nguời góa vợ, thường cùng với con gái, khoảng ba bốn tuổi, xem những chương trình video có mặt Ngọc Lan, là một nguqời ông rất mến mộ. Khi đứa bé hỏi về mẹ, ông vẫn chỉ hình ảnh Ngọc Lan trên video và nói với con đó là mẹ của bé gái. Từ đó đứa bé đinh ninh Ngọc Lan là mẹ mình nên khi gặp Ngọc Lan, bé đã rất vui, mừng, xà ngay vào lòng cô.
Vì khán giả cho biết, vợ ông đã qua đời, nên phải sống trong cảnh gà trống nuôi con. Vì muốn cho đứa con mang một hình ảnh tuyệt vời về người mẹ nên ông đã lấy hình ảnh khả ái hiền dịu của Ngọc Lan làm điển hình, tạo một ấn tuợng thật đẹp nơi đứa bé gái sớm mồ côi mẹ. Khi kể câu chuyện này, Ngọc Lan đã không tránh khỏi những xúc cảm khiến đôi mắt cô rưng rưng lệ.
Chỉ 2 năm sau khi cô sang Montréal trình diễn năm 1994, tôi gặp lại Ngọc Lan tại Studio 42C của đài CBC (Radio Canada) trong dịp cô sang đây thu hình cho trung tâm Asia vào năm 1996. Lần này do sự tác hại của bệnh nên đã có một người em gái đi theo phụ giúp trong việc đi đứng vì thị lực và trí nhớ của cô đã trở nên kém hơn trước rất nhiều.
Trước đó vào năm 1995 cũng tại studio này, cô vẫn tỉnh táo chuyện trò vui vẻ và chụp hình lưu niệm với tôi. Nhưng lần này tôi đã ngạc nhiên khi cô không còn nhận ra mình. Nhắc đến 2, 3 lần Ngọc Lan mới nhận ra và chỉ chuyện vãn qua loa rồi mỏi mệt bước vào phòng dành riêng cho cô với sự dìu đỡ của người em gái. Tôi thấy nao nao trong lòng khi thấy hình ảnh của một Ngọc Lan đã khác xưa rất nhiều do căn bệnh hiểm nghèo gây ra. Tôi buồn cho Ngọc Lan khi thấy tên tuổi của cô đang ở trong thời kỳ sáng chói nhất đã phải giảm bớt những hoạt động và sau đó đã phải ngưng hẳn vài năm trước khi lìa đời…
Tôi không còn viết được gì thêm vì hình bóng Ngọc Lan như đang hiện ra trong căn phòng này với chiếc “Giường Nghệ Sĩ” đã nhiều lần được cô dùng làm chỗ nghỉ ngơi. Thành thật chia buồn cùng Kelvin Khoa, người chồng đã chia sẻ với cô từ năm 1994 những tháng ngày tăm tối trong vực sâu bệnh hoạn, với song thân cô vì đã mất đi đứa con yêu quí, với chị em cô vì đã không bao giờ còn được nhìn thấy lại bóng hình của một người thân mang số phận hồng nhan bạc mệnh. Chúng ta hãy cầu cho linh hồn Maria Lê Thanh Lan được sớm thấy dung nhan Chúa, như những thiên thần mà cô là một biểu tượng khi còn ở trần gian.
Nguồn: Nhà báo Trường Kỳ