Những ca sĩ, nhạc sĩ đã sống ở hải ngoại trước thời điểm tháng 4 năm 1975

Thời điểm tháng 4 năm 1975 là một cột mốc lịch sử, mà những sự kiện xảy ra sau đó đã hình thành nên một khái niệm chưa từng có trong lịch sử: “nhạc hải ngoại” và “ca sĩ hải ngoại”.

Sau thời điểm đó, hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam, bằng nhiều cách khác nhau, đã chuyển sang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng có một vài ca sĩ, nhạc sĩ đã rời khỏi Việt Nam từ trước tháng 4 năm 1975 để đi du lịch, đi du học hoặc là đang sinh sống, hoạt động âm nhạc ở nước ngoài.

Bài viết này điểm danh lại những nghệ sĩ đang ở nước ngoài trong thời khắc lịch sử tháng 4 năm 1975.

Ca sĩ Bạch Yến

Danh ca Bạch Yến là nữ danh ca miền Nam nổi danh từ rất sớm. 8 tuổi đã làm quen với âm nhạc, 14 tuổi đã là ca sĩ của các phòng trà tại Sài Gòn, 15 tuổi thành danh với ca khúc Đêm Đông rồi lại trở thành ca sỹ Việt Nam đầu tiên đi lưu diễn khắp châu Mỹ. Nữ danh ca Bạch Yến là một hiện tượng âm nhạc Việt cho đến tận hôm nay.

Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì năm 1961, khi mới 19 tuổi, Bạch Yến cùng với mẹ bán căn nhà để lấy tiền sang Paris, Pháp, với mong ước được học hỏi những tinh hoa của âm nhạc Tây phương. Bạch Yến được ông Phạm Văn Mười thu nhận làm ca sĩ, hát tại nhà hàng sang trọng La Table Du Mandarin do ông làm chủ trên đường Rue de l Echelle, quận 1, Paris. Trong thời gian này, Bạch Yến được hãng Polydor của Pháp mời thâu đĩa và lưu diễn một số nước châu Âu.

Bạch Yến trên bìa đĩa của hãng Polydor của Pháp, năm cô 20 tuổi

Nói về lý do bỏ lại mọi tiếng tăm để đi du học dù sự nghiệp đang ở đỉnh cao, Bạch Yến nói: “Chính vì đã có những thành công đó nên tôi mới phải đi học. Sự nổi tiếng đó cũng chỉ là nổi trong một cái ao thôi, không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, kêu vang trong cái ao làng nhà mình mà phải đi học kỹ thuật hát bài bản để hát được bền. Phải biết cách giữ khán giả lại cho mình bằng sự nâng cấp trong sự nghiệp. Khi ra đi, tôi quyết được thành công giống như danh ca Edith Piaf, từng làm mưa làm gió sân khấu mọi thời đại với nhạc khúc La vie Rose”.

Khi sống tại Châu Âu, có thu nhập lý tưởng, nhưng Bạch Yến không hài lòng. Trong mắt khán giả, cô chỉ là một khuôn mặt Á Đông xa lạ. Thế là năm 1963, Bạch Yến quay về Việt Nam và trụ lại phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường, một người từng sống lâu năm ở Pháp. Bấy giờ Bạch Yến đã bước sang tuổi 21, và đã trải qua 7 năm sống đời ca hát với những thành công rực rỡ. Cô được nhiều phòng trà, vũ trường mời gọi.

Năm 1965, cô được Ed Sullivan mời sang Mỹ. Show Ed Sullivan lúc ấy cực kỳ ăn khách, giới thiệu tất cả những ban nhạc và ca sĩ hàng đầu của Mỹ, Anh và thế giới, có show thu hút đến 35 triệu người xem. Bạch Yến lên hát show này và rồi được mời nán lại đi lưu diễn khắp Mỹ châu thêm 12 năm nữa, bên cạnh những nghệ sĩ lừng danh của Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone… Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất hiện diện bên cạnh những nghệ sĩ quốc tế trong hơn một thập niên.


Danh ca Bạch Yến trong 1 show truyền hình Mỹ năm 1966, khi cô 24 tuổi

Bạch Yến kể: “Được hát trong Ed Sullivan Show là một vinh dự, nhất là tôi được hát cùng nhiều tên tuổi lớn như Bob Hope, Bo Crosby, Pat Boone, Frankie Avanlon…. Tôi nhớ tôi được hát 2 ca khúc là Đêm đông và If I had a hammer và được nhiều người khen. Từ chương trình, một ông đạo diễn đã mời tôi về thu âm ca khúc trong phim The Green Berets (Mũ nồi xanh). Rồi có nhà sản xuất mới tôi đi lưu diễn tại Mỹ, thế là dự tính đi Mỹ 2 tuần của tôi đã kéo tới hơn 12 năm. Tôi đi khắp nước Mỹ, đi các nước Nam Mỹ để hát”.

Như vậy trong vòng 12 năm, tính từ 1965 đến 1977, ca sĩ Bạch Yến đi khắp nước Mỹ để trình diễn. Trong quãng thời gian đó, thỉnh thoảng Bạch Yến có về Việt Nam để hát ở một vài shows lớn, nhưng không ở lại lâu mà đi ngay. Trong những lần về vội vã đó, cô đã để lại những vấn vương trong lòng người nhạc sĩ tài ba Lam Phương, người mà trước đó từng hỏi cưới Bạch Yến nhưng bị từ chối. Kết quả của sự vấn vương trong những lần đi đi về về đó của Bạch Yến là các bài hát bất hủ với những câu hát đầy lưu luyến:

Bài hát Tình Bơ Vơ:

Về làm chi rồi em vội vã ra đi…

Bài hát Chờ Người: 

Chờ em, chờ đến bao giờ, mấy thu thuyền đã xa bờ.

Mười năm trời chẳng thương mình, để anh thành kẻ bạc tình (lúc đó Lam Phương đã cưới vợ nên tự nhận mình là kẻ bạc tình).

Như vậy, tại thời điểm tháng 4 năm 1975, ca sĩ Bạch Yến không ở Việt Nam mà đang sinh sống tại Mỹ. Đến năm 1978, cô về lại Paris và gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải tại đây và cả 2 quyết định làm đám cưới chỉ sau 1 ngày gặp gỡ.

Ca sĩ Kim Loan

Ca sĩ Kim Loan được ông bầu là nhạc sĩ Nguyễn Đức nhận dạy từ lúc còn nhỏ khi mới vừa được 8-9 tuổi. Qua sự dẫn dắt này, Kim Loan đã trở thành một giọng ca đầy triển vọng. Năm 1966, khi mới 17 tuổi, Kim Loan đã ra mắt công chúng với bài hát “Căn Nhà Ngoại Ô” của nhạc sĩ Anh Bằng và ngay lập tức trở nên nổi tiếng.


Click để nghe Kim Loan hát Căn Nhà Ngoài ô trước 1975

Thời điểm đó Kim Loan còn rất trẻ nhưng nổi trội về nhan sắc, có khuôn mặt đẹp, nụ cười thật tươi, sóng mũi thanh tú, vầng trán băng sương, mái tóc buông dài và cài nơ thật đẹp. Vóc mình cô cao nhưng không thanh, bàn tay cô hơi thô, dáng đi cô không yêu kiều uyển chuyển. Nhưng cô ăn mặc đẹp, lộng lẫy mà không lố bịch.

Tiếng hát Kim Loan tuy nồng ấm nhưng vẫn còn hơi thô ráp. Cô hát rất chân phương nên không biết bào mỏng ở vài chỗ để tiếng hát được mịn màng. Mặc dù vậy, chất giọng đặc biệt cùng với gương mặt khả ái này vẫn nhận được sự ái mộ đặc biệt qua các bài hát Ngoại Ô Buồn, Gõ Cửa, Căn Nhà Ngoại Ô…

Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì năm 1969, khi mới 20 tuổi, cũng giống như danh ca Bạch Yến, ca sĩ Kim Loan đã đột ngột ra nước ngoài du học. Từ đó đã xuất hiện không biết bao nhiêu lời đồn đại trong công chúng và báo giới về sự việc này, nhiều người cho rằng Kim Loan phải “chạy trốn” vì liên quan đến bê bối tình ái với đương kim tổng thống.

Tuy nhiên, sau này Kim Loan có giải thích về việc cô bỏ lại sau lưng ánh hào quang sáng chói của sự nghiệp ca hát để sang Tây Đức du học và lấy chồng rồi định cư tại đây từ năm 1969 cho đến tận về sau này. Lúc đó cô mới 20 tuổi, cảm thấy không còn thích hợp với nghề ca hát với nhiều sự đua chen, cộng với việc gia đình không khuyến khích nên cô đã bỏ sang Đức, nơi có người cậu ruột ở đó.

Những ngày mới đến nước Đức, Kim Loan học khoa Xã hội Sư phạm, sau đó vào làm ở Bộ Xã Hội của chính phủ Đức trong nhiều năm. Cô cũng vừa đi làm vừa học thêm, nhờ học được mấy năm ở Khoa Cosmotology, cô đã vào làm việc ở những mỹ viện rồi sau đó mở một Thẩm Mỹ Viện riêng.

Ca sĩ Kim Anh

Ca sĩ Kim Anh tên thật là Mạch Kim Anh, sinh 1953 trong một gia đình gốc Hoa tại Sa Đéc, Đồng Tháp.

Gia đình Kim Anh không có truyền thống về nghệ thuật. Tất cả ba, mẹ, anh không ai nói rành được tiếng Việt. Ngay từ nhỏ cô đã được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và gia đình. Năm 14 tuổi Kim Anh mới biết cầm đũa ăn cơm. Chính vì điều đó, Kim Anh luôn là một cô bé nhõng nhẽo, suốt ngày chỉ ăn chơi quậy phá, “ăn vạ”.

Năm 1969, khi mới 16 tuổi, ca sĩ Kim Anh sang Mỹ học và ở tại đây nhiều năm về sau này, ngay cả khi người cha hết mực yêu thương của cô qua đời, cô cũng không thể về được.

Nói về cơ duyên của việc du học này, ca sĩ Kim Anh kể lại trên báo chí như sau:

“Hồi tôi học cấp một, chiều nào, tôi cũng chạy ra sân banh chơi. Tôi thấy một ông người Mỹ chạy cái xe Jeep đến đậu ở sân banh. Tôi rất tinh nghịch, phá phách mở xe của người ta chạy. Xe chạy, tôi không biết cách dừng lại nên xe rớt luôn xuống mương. Tôi nghĩ ông người Mỹ này sẽ bắt mình ở tù nhưng không ông ấy cười hắt hắt, rồi tự câu xe lên. Tuần sau, ông lại đi xe khác đến, tôi cũng lái thử. Ổng khen tôi thông minh. Ông thấy vậy mới xin ba cho tôi đi du học, chứ để ở Việt Nam uổng lắm, tiếc lắm. Ông ấy khen đầu óc tôi mạo hiểm, ham thích phiêu lưu phải cho đi nước ngoài.

Năm 16 tuổi, ba đồng ý cho tôi đi du học ở Mỹ với diện trao đổi du học sinh, được tài trợ hoàn toàn. Một mình sang nước Mỹ, tôi sợ lắm. Đó là chuyến phiêu lưu thực sự. Tôi sang Mỹ bằng máy bay quân đội. Lên máy bay, tôi nhìn quanh quất mà không tìm được một người quen. Lúc này, người ở quê đồn đại, ba ham giàu nên cho tôi đi lấy Mỹ. Bởi vậy, tôi ở nhà không yên, đi cũng không biết thế nào. Sang Mỹ, tôi chưa có bằng tú tài nên người ta đòi trục xuất tôi về. Người đàn ông bảo lãnh tôi đi Mỹ du học, làm trong quân đội được 20 năm. Thế nhưng, tình thế cấp bách, ông chấp nhận hy sinh cả sự nghiệp để giữ đúng lời hứa với ba tôi. Ông ấy cho tôi biết, ông đã hứa với ba phải đảm bảo cho tôi học xong đại học mới về nước. Bằng mọi giá, ông không để tôi bị trục xuất”.

Sau một thời gian bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu, Kim Anh cũng đã dần hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người và trở thành một ca sĩ tiếng tăm ở hải ngoại. Cô nói rằng: “Đó chính là số phận”. Số phận đã đưa đẩy cô đến với một quốc gia xa lạ. Số phận đưa cô vào nghiệp cầm ca và bước sang nhiều nhánh rẽ khác nhau trên những chặng đường của thân thận hào quang và bóng tối.

Ca sĩ Julie Quang

Ca sĩ Julie sinh năm 1951, mang hai dòng máu Việt và Ấn, nói và hát được thông thạo tiếng Pháp và Anh. Cô là con cả trong một gia đình gồm sáu chị em. Mẹ của Julie là bà Nguyễn Thị Hoài, cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc Mái Tóc Chị Hoài nổi tiếng qua chính giọng hát Julie.

Cha Julie là lính trong quân đội viễn chinh Pháp, lúc cô mới 11 tháng thì cô và mẹ cô phải theo cha sáng Pondichery, Ấn Độ. Sau năm năm, mấy mẹ con phải quay về lại Việt Nam sống với ông bà ngoại ở Cần Thơ.

Julie kể trong hồi ký rằng mẹ cô một mình nuôi các con ăn học, và cho dù rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ nhưng người mẹ vẫn tằn tiện cho con theo học trường Pháp vì không muốn con mình bị thiệt thòi, và không hề tiếc tiền khi phải chắt chiu từng đồng mua cho cô rất nhiều bài nhạc hoặc tuyển tập thuộc dạng xa xỉ để nuôi dưỡng âm nhạc trong con người Julie từ thuở thiếu thời. Sau đó, Julie đã chính thức bước vào con đường nghệ thuật với sự ủng hộ hết mình của người mẹ.

Từ cuối thập niên 1960, Julie hát nhạc ngoại tại các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất… trong một số ban nhạc trẻ, trong đó có  ban The Free Ones. Cũng trong ban nhạc này, Julie đã gặp ca sĩ Duy Quang, họ cùng nhau hát chung tại Nha Trang trong khoảng thời gian 1968-1970 và trở thành một cặp đôi đẹp cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.

Julie chuyển sang hát nhạc Việt kể từ những năm đầu của thập niên 70 và ngay lập tức tạo được dấu ấn nhờ sự dẫn dắt của nhạc sĩ Phạm Duy, đặc biệt là với ca khúc Mùa Thu Chết. Cũng vào thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy chọn cho Julie nghệ danh đi hát là Julie Quang, ghép từ tên của Duy Quang sau khi Julie và Duy Quang làm đám cưới.

Người nghe nhạc Việt Nam hẳn vẫn nhớ những phút giây thăng hoa của Duy Quang và Julie trên sân khấu, khi 2 người trong ban nhạc The Dreamers, họ là cặp đôi đẹp dưới cả ánh đèn màu và cả dưới ánh mắt của những người hâm mộ tiếng hát họ.

Nhưng rồi, Julie đã chia tay với Duy Quang một cách bất ngờ mà theo Duy Quang tâm sự: “Do khi ấy chúng tôi còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời, huống gì tính đến chuyện trăm năm”.

Họ ly thân với nhau, Julie Quang lấy lại tên Julie, rồi tách khỏi nhóm The Dreamers, thay thế Julie trong Dreamers là cô em Thái Hiền của Duy Quang. Mùa Giáng Sinh năm 1974, Julie sang Pháp du lịch giữa lúc tình hình miền Nam đang chao đảo và không thể ngờ rằng chỉ vài tháng sau đó, cô không còn cơ hội để về lại Sài Gòn nữa.

Duy Quang và Julie sống với nhau không có hôn thú, có một người con gái là Phạm Ly Lan. Tuy là đang ly thân nhưng năm 1978, Julie vẫn bảo lãnh Duy Quang sang Pháp, rồi đến năm 1982 thì họ mới chính thức chia tay.

Khi Duy Quang lâm bệnh nặng hồi năm 2012, tình xưa nghĩa cũ, Julie chính là người kề cận chăm sóc Duy Quang vào những giờ phút cuối cùng.

Ca sĩ Khánh Hà

Ca sĩ Khánh Hà tên thật là Lã Thị Khánh Hà, sinh năm 1952 tại Đà Lạt. Cha cô là nghệ sĩ nổi tiếng Lữ Liên. Do ảnh hưởng của cha, ngoài cô, 6 anh chị em trong gia đình cô về sau đều theo nghiệp ca hát và đều trở thành những danh ca ở hải ngoại, gồm Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.

Chỉ vài tháng sau khi sinh, Khánh Hà cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Cô đi hát lần đầu tiên vào năm 16 tuổi trong một chương trình văn nghệ phụ diễn Xổ Số Kiến Thiến Quốc Gia tại rạp Thống Nhất với bài Chiến Sĩ Của Lòng Em. Một năm sau đó (1969), Khánh Hà xuất hiện lần đầu tiên với loại nhạc trẻ trong chương trình “Hippies À GoGo” do Trường Kỳ tổ chức hàng tuần tại vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ. Cũng trong cùng năm đó, cô chính thức đến với nhạc trẻ cùng anh trai là Anh Tú, gia nhập ban nhạc “The Flowers” để đi trình diễn tại các club Mỹ. Năm 1970, 3 anh em ruột là Anh Tú, Khánh Hà và Thúy Anh thành lập ban nhạc mang tên “The Blue Jets”, được một thời gian thì đổi tên thành “The Uptight”, đến năm 1972 thì đổi thành ban Thúy-Hà-Tú.

Khánh Hà lập gia đình từ rất sớm, vào năm 1970 khi mới 18 tuổi, bất chấp sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên cô cho biết đó là cuộc hôn nhân sai lầm vì tuổi trẻ bồng bột và chấm dứt chỉ sau vài năm. Lấy nhau về rồi mới biết không hợp nhau trong cả cách sống, sinh hoạt hàng ngày đến cách nghĩ.

Tháng 3 năm 1975, Khánh Hà rời Việt Nam đến Hoa Kỳ, đó có thể xem là một bước rẽ định mệnh. Trước đó, vào đầu năm 1975, khi đang hát tại phòng trà “Đêm Màu Hồng” trên đường Nguyễn Huệ, trong số những người khách Hoa Kỳ thích giọng ca của Khánh Hà có một ký giả tên George, người mà cô gọi là một “quý nhân”. Ông cho biết là tình hình Miền Nam đã rất nguy ngập nên đã đề nghị làm giấy tờ để cô rời khỏi Việt Nam đến Hoa Kỳ với vai trò là một du khách. Khánh Hà nhận lời và rời Việt Nam tháng 3 năm 1975, chỉ 1 tháng trước biến cố lịch sử.

Ca sĩ Khánh Ngọc

Nữ ca sĩ, minh tinh điện ảnh Khánh Ngọc sinh năm 1937, đã thành danh trong làng nhạc Sài Gòn từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Ngoài nổi tiếng với vai trò ca sĩ, bà còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên của làng điện ảnh Sài Gòn cùng với những cái tên tài danh Trang Thiên Kim, Mai Trâm, Thu Trang…

Lâu nay, người ta hay nhắc đến Khánh Ngọc với vẻ đẹp quyến rũ và là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhưng cũng thật bất công khi ít người nhắc đến tài năng của bà trong cả âm nhạc lẫn điện ảnh.

Biến cố lớn nhất trong cuộc đời Khánh Ngọc là vào khoảng đầu thập niên 1960, khi vẫn còn đang thăng hoa trong sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh, bà chia tay chồng vì bị phát hiện ngoại tình, dư luận lúc đó khó có thể chấp nhận bà ở trong làng nghệ thuật. Bỏ hết những vinh quang, những yêu thương, những lầm lỡ tại Việt Nam, Khánh Ngọc sang Mỹ, theo học ngành Điện ảnh. Sau bốn năm tu nghiệp tại một trường đại học kịch nghệ ở Hoa Kỳ, bà có tham gia một số phim ở Hollywood, phần lớn thời gian bà dành để đi hát rất nhiều ở các tiểu bang của Mỹ.

Trong một chuyến lưu diễn, Khánh Ngọc gặp một du học sinh Việt Nam, hai người đã kết hôn và có ba người con. Từ đó Khánh Ngọc trở nên bận rộn việc nhà, điều này đã ngăn cản con đường nghệ thuật, nhưng bà nói rằng vẫn mãn nguyện với sự lựa chọn của mình.

Ca sĩ Công Thành

Từ đầu thập niên 1960, Công Thành đã là một trong những ca sĩ tiên phong hát nhạc trẻ, pop-rock ở Sài Gòn, tuy nhiên sau này nhiều người tưởng rằng Công Thành là ca sĩ xuất thân từ làng nhạc hải ngoại sau năm 1975. Nguyên do của việc này là Công Thành đã vắng mặt trong sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn từ năm 1970.

Công Thành và người vợ người Úc (ca sĩ Lyn)

Thời điểm đó, nếu như danh ca Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam duy nhất đi lưu diễn khắp các bang nước Mỹ và cả Châu Âu, thì Công Thành cũng là người duy nhất từng trình diễn với những ban nhạc ngoại quốc tại khắp các thành phố lớn ở Úc Châu và hầu hết những quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Ông rời Việt Nam từ năm 1970 để định cư tại Úc Châu và quen thuộc với những tour diễn cùng bạn nhạc ở khắp các thành phố lớn của Châu Á như Bali, Jakarta, Okinawa, Bangkok, Hongkong, Singapore hay Kuala Lumpur…

Ca sĩ Ngọc Mỹ

Cũng giống như Công Thành, ca sĩ Ngọc Mỹ đã rời Việt Nam từ năm 1970 để hát nhạc ngoại trên xứ người. Nhắc đến Ngọc Mỹ, giới mê nhạc ngoại quốc ở Saigon thập niên 1960 vẫn còn nhớ thời gian cô cộng tác với ban nhạc Shotguns cùng ca sĩ Elvis Phương và Pat Lâm, đã trình diễn liên tục ở U.S.O vào khoảng năm 1968-1969.

Từ trái qua: Elvis Phương, Ngọc Mỹ, Pat Lâm, Hoàng Liêm

Đang lúc nổi tiếng nhất, cô quyết định rời khỏi quê hương để sang lưu diễn tại Hoa Kỳ. Trong những ngày đầu tại xứ người, ca sĩ Ngọc Mỹ đã cộng tác tại Honolulu với chương trình The Martin Denny Show cùng với dàn nhạc The Beach Comber’s tại Waikiki. Cũng từ ngày đó, cô đổi nghệ danh Ngọc Mỹ thành Mimi Nguyen để người Mỹ dễ đọc và dễ nhớ.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, những người yêu thích nhạc vàng ai cũng biết đến tên tuổi của ông với nhiều bài nhạc vàng bất hủ: Đường Xưa Lối Cũ, Tà Áo Cưới, Duyên Quê, Tạ Tình… Ông cũng là một trong những nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc vàng.

Ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng, Hoàng Thi Thơ còn biết đến như là một “ông bầu” của làng nhạc miền Nam trước 75. Năm 1967, ông thành lập tiếp Đoàn Văn Nghệ Maxim, gồm 70 diễn viên ca-vũ-nhạc-kịch, tổ chức những chương trình ca vũ nhạc kịch đặc biệt tại nhà hàng Maxim. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người duy nhất được Bộ Thông tin và Tổng cục Chiến tranh Chính trị nhiều lần cử thành lập và dẫn các đoàn văn nghệ Việt Nam sang Châu Âu trình diễn.

Đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ trên đường lưu diễn

Tháng 4 năm 1975, Hoàng Thi Thơ dẫn đoàn văn nghệ sang lưu diễn ở Nhật Bản thì xảy ra sự kiện lịch sử ngày 30-4. Ông không thể trở về nước được và từ đó phải định cư ở Hoa Kỳ.

Đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ trong studio của đài truyền hình ở Nhật Bản

Giáo sư – nhạc sĩ Trần Văn Khê

Trần Văn Khê là một giáo sư – nhạc sĩ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Trần Văn Khê hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu nên ít sáng tác bài hát. Ông từng tham gia kháng chiến một thời gian cùng Việt Minh, tuy nhiên đến năm 1949 thì sang Pháp du học, rồi trở thành giáo sư âm nhạc, sinh sống ở nước ngoài trong gần 60 năm. Ông đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đến năm 2006, ông chính thức trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam.

Ngoài những ca sĩ, nhạc sĩ đã kể trên, có thể nhắc đến thêm những nhạc sĩ đã rời Việt Nam từ thập niên 1950 để du học Pháp, sau đó định cư tại xứ người mà chưa lần về Việt Nam, đó là nhạc sĩ Lê Trạch Lựu (tác giả bài Em Tôi) và nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên (tác giả bài Trăng Mờ Bên Suối).

Đông Kha (biên soạn)

Exit mobile version