Những ca khúc nhạc vàng có kết thúc “happy ending”

Tình yêu là chủ đề quen thuộc trong các ca khúc nhạc vàng, và cũng chủ đề phổ biến nhất trong âm nhạc nói chung. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở trong dòng nhạc vàng thì những ca khúc viết về tình yêu thường là buồn, đổ vỡ, đau khổ và đôi khi là có kết thúc rất bi thảm. Chỉ có số ít những ca khúc nhạc vàng viết về tình yêu có kết thúc đẹp, đôi lứa được tròn mộng uyên ương và hạnh phúc bên nhau, hoặc là ca khúc không có sự khổ lụy hay là thương sầu thường thấy ở trong nhạc vàng. Nhân ngày lễ Valentine năm nay, xin nhắc đến những ca khúc như vậy.

Ngày Hạnh Phúc (Lam Phương)

Bài hát đầu tiên không thể nhắc tới là Ngày Hạnh Phúc của nhạc sĩ Lam Phương, với những giai điệu quen thuộc với hàng triệu người dân miền Nam, vì đây là nhạc hiệu trên đài phát thanh phát mỗi lúc 6h sáng (5h sáng hiện nay):

“Trời hôm nay thanh thanh
Gió đưa cành mơn man tà áo”

Đây là một trong những ca khúc ít ỏi viết về tình yêu tha thiết và hạnh phúc viên mãn của nhạc sĩ Lam Phương, được sáng tác vào khoảng năm 1959 sau khi ông được nên duyên vợ chồng cùng nữ kịch sĩ xinh đẹp Tuý Hồng. Lời bài hát vui tươi, giai điệu dập dìu nhắc về niềm hạnh phúc mà mọi đôi lứa yêu nhau trên đời này đều ao ước và hướng đến:

Mừng cho đôi uyên ương
Sống sum vầy vui trong hạnh phúc…

Mời các bạn nghe lại bài hát này qua tiếng hát Trúc Mai thu âm trước 1975:


Click để nghe Trúc Mai hát Ngày Hạnh Phúc trước 1975

Mùa Xuân Đầu Tiên (Tuấn Khanh)

Ngày Lễ Tình Nhân ở phương Tây được chọn vào những ngày đầu xuân nắng ấm, và thường là trùng với dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Có một bài nhạc vàng rất phù hợp với cả 2 sự kiện này, nhạc chủ đề xuân và nói về tự đoàn tụ của lứa đôi, đó là bài Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác vào thập niên 1960:

Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn.


Click để nghe Dạ Hương hát Mùa Xuân Đầu Tiên trước 1975

Lâu Đài Tình Ái (Trần Thiện Thanh)

Cả bài hát Lâu Đài Tình Ái đều là lời hát ca ngợi tình yêu, ca ngợi người yêu trong một cuộc tình đầy ắp những nồng nàn mê đắm, lấp lánh như những vì tinh tú trên trời. Ở một thế giới riêng tên gọi là ái tình, dường như chỉ có riêng hai người, và cả vũ trụ như là chiếu sáng chỉ cho 2 người đang yêu nhau, kết tinh thành một vùng trời sao sáng minh chứng cho cuộc tình được của 2 người: quân vương và hoàng hậu trong 1 lâu đài mang tên là Tình Ái.

Anh sẽ vì em làm thơ tình ái.

Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài…


Click để nghe Lệ Thu hát Lâu Đài Tình Ái trước 1975

Căn Nhà Màu Tím (Hoài Linh)

Nhạc sĩ Hoài Linh là một trong những tên tuổi lớn nhất của dòng nhạc vàng. Trong đời sống riêng tư, ông được biết đến như là một người đàn ông của gia đình, yêu vợ thương con, có được một tình yêu đẹp và hạnh phúc viên mãn với vợ, và ông đã có khá nhiều ca khúc viết về chính niềm hạnh phúc đó của mình.

Bên cạnh những bài hát viết về tình yêu buồn đau khổ (do tác giả tưởng tượng ra để viết) như Chuyến Đò Không Em, Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Sầu Tím Thiệp Hồng…, thì nhạc sĩ Hoài Linh cũng có những bài nhạc vàng viết về tình yêu tròn vẹn, không có sầu bi, như là Cô Bé Ngày Xưa, Hai Đứa Giận Nhau, Nhịp Cầu Tri Âm, trong đó nổi tiếng nhất là bài Căn Nhà Màu Tím, với những câu hát quen thuộc với khán giả là: “Được nghỉ 5 ngày phép mất 2 hôm làm quen”… hoặc “Cho anh bông hồng còn thắm, cho anh trái ngọt vườn cấm”.

Thời gian nhạc sĩ Hoài Linh viết bài hát này năm 1968, cũng là lúc ông xây căn nhà mới sau gần 20 năm sáng tác và dành dụm tiền. Vợ chồng nhạc sĩ đã dỡ bỏ căn nhà màu tím cũ để xây lại nhà mới 2 tầng trong một con hẻm nhỏ đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ). Vì căn nhà cũ có màu tím và chứa nhiều kỷ niệm thuở ban đầu của hai vợ chồng, nên nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác Căn Nhà Màu Tím để ghi nhớ kỷ niệm ngày cũ.

Chiều nhìn qua đầu ngõ,
dâng dâng niềm tưởng nhớ
dáng xinh xinh một người.

Bài hát có nội dung đơn giản, dung dị, lời ca đẹp và trau chuốt đúng với phong cách của nhạc sĩ Hoài Linh, suốt hơn 50 năm qua vẫn luôn được yêu thích và trở thành một trong những bài hát tiêu biểu nhất của nhạc vàng.

Căn Nhà Màu Tím phiên bản hay nhất có lẽ là phần song ca của Giang Tử, Giáng Thu trước năm 75 trong băng Sóng Nhạc 5. Giọng hát có phần nũng nịu nhưng cũng thanh thoát của Giáng Thu rất thích hợp với giọng ca mạnh mẽ, đầy nội lực và cũng ấm áp của cố ca sĩ Giang Tử. Mời bạn nghe lại bản thu âm đã tròn nửa thế kỷ này:


Click để nghe Giang Tử và Giáng Thu song ca Căn Nhà Màu Tím trước 1975

Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em (Hoài Linh – Song Ngọc)

Nhạc sĩ Hoài Linh còn viết một ca khúc khác có nội dung là tình yêu được đơm hoa kết trái ngọt lành, đó là Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, sáng tác chung với nhạc sĩ Song Ngọc). Bài hát kể về một mối tình mang tính biểu trưng thời lửa binh: Một người lính nơi biên thùy và người em nhỏ hậu phương.

Hôm ấy anh đi mình với mình vừa quen
Tình nhúm chửa thành tên
Đôi ta đều biết rằng tình yêu như hình với bóng
Tình yêu như tờ giấy trắng, như nước êm xuôi giữa dòng

Thì hôm nao người đi, nụ hoa yêu vừa hé
Chỉ xin giữ ân tình mình em nhé
Sống cho kỷ niệm
Quá khứ tuy úa màu
Tương lai mình gần nhau…


Click để nghe Phương Dung hát Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em trước 1975

Đời lính vốn gian lao, quanh năm sương gió chốn sa trường hoặc ở miền biên địa hãi hùng, nhưng người trai xem nhẹ những hiểm nguy, vì “đời chinh nhân mộng mơ, bài thơ chưa đoạn cuối”. Vì thời cuộc nên tương lai vẫn còn mịt mờ, nhưng đôi tình nhân trong bài hát luôn luôn nhớ lời cùng nguyện ước rằng một mai khi trở về sẽ viết tên đôi lứa lên chung tấm thiệp hồng. Đó là một ước mơ đẹp, một cuộc tình đẹp trong thời loạn ly.

Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé (Lê Dinh – Minh Kỳ)

Trước khi 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng kết hợp thành nhóm sáng tác Lê Minh Bằng nổi tiếng, 2 nhạc sĩ Lê Dinh và Anh Bằng đã cùng nhau hợp soạn một số ca khúc được yêu thích ngay từ đầu thập niên 1960, trong đó có 2 bài Nếu Ai Có HỏiChỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, đều là những bài mang đầy niềm tin yêu về tình cảm đôi lứa:

Chỉ hai đứa mình thôi nhé!
Đừng cho trăng nép sau hè
Chỉ hai đứa mình thôi nhé!
Đừng cho hoa lắng tai nghe.

Trong hàng ngàn ca khúc nhạc vàng nổi tiếng được sáng tác trước năm 1975, hiếm thấy ca khúc nào có lời hát nhẹ nhàng, lãng mạn và thể hiện sự quyến luyến mặn nồng của tình nhân đến như vậy.

Có lẽ chỉ những ai đã được trải qua một tình yêu đích thực thì mới cảm nhận được ý nghĩa của bài hát rằng: Chỉ cần được ở bên cạnh người yêu, và dù chỉ có 2 người bên nhau thôi, thì mọi gian khổ đều không là gì nữa. Chỉ cần được sống với người mình yêu thương, người ta có thể chống chọi được với mọi thử thách của cuộc đời.

Cho dù bài hát này có một đoạn buồn sầu như sau:

Anh ơi! Mai này nếu đời phũ phàng cách chia chúng mình
thì tìm vui trong nhớ thương.

Nhưng đó chỉ là “nếu”. Khi sống trong hạnh phúc, người ta thường lo âu đến ngày mai, sợ rằng tương lai cuộc đời không biết trước. Còn hiện tại, họ đang vui một niềm hạnh phúc hân hoan của đôi lứa đang yêu nhau tha thiết:

Hai đứa mến nhau
Mối tình tha thiết trao nhau
Hẹn đến ngày bạc mái đầu…

Và mơ về một hạnh phúc đơn sơ, dung dị:

Mình yêu mái nhà nhỏ bé
Đường hoa khuya sớm đi về
Mộng xinh có giàn thiên lý
Đời vui tay nắm vai kề…

Họ thề nguyền với nhau rằng không có gì có thể ngăn cách tình yêu dù phong ba, bão táp cuộc đời có ập đến:

Ngàn ý thơ ví sao xứng duyên đôi mình.
Vạn tiếng ca nói chưa hết câu ân tình.
Mây bốn phương trời cuồng phong gieo tan vỡ
Làm nên cơn mưa bão không xóa được tin yêu…

Có lẽ giọng hát ấm áp, dặt dìu của Hoàng Oanh rất thích hợp với ca khúc này. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chỉ Hai Đứa Minh Thôi Nhé trước 1975

Nếu Ai Có Hỏi (Lê Dinh – Minh Kỳ)

Đây là một ca khúc thật hay nhưng có ít ca sĩ hát lại::

Nếu ai có hỏi, bao giờ chúng mình đẹp đôi
Em ơi đừng tủi, đừng buồn canh vắng đơn côi…

Nội dung bài hát là một mối tình mang tính biểu tượng giữa một anh lính và một người ở hậu phương. Khi đó người trai biết rằng ra đi là để làm nhiệm vụ với non sông, và chỉ ra đi thì mới mang được một hạnh phúc tương lai cho muôn nhà, và cũng là cho riêng lứa đôi.

Nếu ai nhắc nhở, tình yêu thường hay dang dở,
Người yêu thường hay đi cách trở
Buồn chi cho má thắm hoen sầu…

Cho dù người ta có nói rằng xa mặt cách lòng, rồi tình yêu sẽ dang dở, thì người lính vẫn an ủi người yêu nhỏ đừng buồn, và anh cũng thổ lộ tình yêu tha thiết, về nỗi nhớ nhau những lúc băng rừng nơi biên trấn:

Những khi dừng chân giữa rừng,
hay ngồi lặng im trong bóng đêm,
anh nhớ em nhiều thêm

Hoàng hôn khi nhìn mây tím
Anh ngỡ mái tóc em buông dài,
Đẹp tựa như áng mây…

Người trai cũng thề nguyền là dù cho núi lở sông mòn, thì tình yêu kia vẫn khắc ghi, và hẹn một ngày vui pháo nổ, một ngày hạnh phúc khi trở về:

Dẫu cho núi lở, non mòn chúng mình còn thương
Chim khôn làm tổ vào mùa hoa lá dâng

Chớ nên nức nở ngày nay mình trong gian khổ,
Ngày mai mình trong vui pháo nổ
Đẹp đôi như ý thắm mong chờ…


Click để nghe Hoàng Oanh hát Nếu Ai Có Hỏi trước 1975

Ngoài những ca khúc nhạc vàng mang giai điệu bolero hoặc ballade nhẹ nhàng viết về tình yêu trọn vẹn đã nhắc tới bên trên, thì trong dòng nhạc phong phú đa sắc màu của miền Nam trước 75, còn rất nhiều ca khúc viết về tình yêu vui tươi khác thuộc thể loại giật gân hoặc kích động, nổi tiếng nhất là:

Anh ơi đô thành ở đây em sống không vui
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn… (Ca khúc Tàu Về Quê Hương của nhạc sĩ Hồng Vân)


Click để nghe Thanh Tuyền và Thái Châu hát Tàu Về Quê Hương trước 1975

Hoặc các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như Túp Lều Lý Tưởng, Rước Tình Về Với Quê Hương… và rất nhiều ca khúc nhạc kích động khác từng được yêu thích qua đôi song ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền.


Click để nghe Connie Kim hát Túp Lều Lý Tưởng trước 1975

Ngoài ra, nói về những ca khúc tình yêu lứa đôi lồng vào tình yêu quê hương tha thiết, không thể nhắc đến những bài hát đượm tình quê của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là Bến Duyên Lành, Đường Về Hai Thôn.


Click để nghe Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Bến Duyên Lành trước 1975

Cuối cùng, có một ca khúc vui nhộn không thể không nhắc đến là Ngày Xuân Vui Cưới. Đây là bài hát duy nhất nổi tiếng của ca nhạc sĩ Quốc Anh. Như một định mệnh, ông cũng vừa ra đi vào một mùa xuân. Từ suốt hơn 30 năm qua, bài hát này được vang lên ở hầu hết các đám cưới từ thành thị cho đến thôn quê của Việt Nam.


Click để nghe Quốc Anh hát Ngày Xuân Vui Cưới

Ô vui quá xá là vui
Nhà trai bên gái ai nấy cũng cười thật tươi
Ngày xuân hoa lá khoe màu tươi
Muôn sắc huy hoàng tô thắm cho ngày vui…

Bên cạnh rất nhiều ca khúc tình yêu buồn, chia ly, thì đó là những ca khúc về tình yêu không sầu lụy. Lâu nay, người ta thường mê mẩn những nỗi buồn rực rỡ trong nhạc vàng mà thường quên hẳn mất những ca khúc “happy ending” như đã nhắc ở trên, có lẽ cũng là bởi khi buồn người ta mới thường giải sầu bằng âm nhạc (đặc biệt là nhạc vàng), và những ca khúc nhạc vàng buồn thường được tìm nghe vì phù hợp với tâm trạng của họ.

Trong bài này, xin giới thiệu những ca khúc nhạc vàng không có nội dung u sầu như thường thấy.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version