“Những Bóng Người Trên Sân Ga” – bài thơ chia ly hay nhất của Nguyễn Bính

Nói đến Nguyễn Bính – nhà thơ “hương đồng gió nội“ – dường như người Việt Nam thuộc thế hệ 8x trở về trước, không ai là không thuộc dăm ba câu thơ của ông. Nhiều câu thơ của ông đã ru vào lòng người, làm cho nhiều người tưởng đó là ca dao.

Cuộc đời của Nguyễn Bính cùng khổ, phiêu bạt giang hồ. Ông sinh năm 1918 tại Nam Định, mất năm 1966 tại quê nhà, chỉ thọ có 48 tuổi, nhưng ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài thơ, mà bài nào cũng hay cũng rung động người đọc. Nguyễn Bính viết rất nhiều thể loại, từ kịch, truyện ký, truyện thơ. Nhưng có lẽ hay nhất là những bài thơ ông viết về nông thôn, về đồng quê.

Hầu như những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn liền với Nam bộ, với Hà Tiên, nơi có những nhà thơ Đông Hồ, nữ sĩ Mộng Điệp, nhà thơ Kiên Giang. Họ là những người bạn thân tình của ông, giúp đỡ ông từ vật chất cho đến tình cảm, trong những năm tháng phiêu bạt giang hồ. Những ngày lang bạt, giang hồ ấy đã gây cho ông nhiều cảm hứng viết nhiều bài thơ thật cảm động, và rung động lòng người. Tiêu biểu cho những cuộc chia ly đứt ruột, xé lòng này chính là bài “Những Bóng Người Trên Sân Ga”, là một trong những bài thơ hay nhất nói về sự chia ly của thi ca Việt Nam, kể từ khi xuất hiện thơ mới đến nay.

“Sân ga” cũng là hình tượng rất quen thuộc trong âm nhạc, đặc biệt là nhạc vàng. Công chúng cho đến nay vẫn say mê các ca khúc Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Buồn Ga Nhỏ, Chiều Sân Ga, Người Tình Không Đến… Ca sĩ Hoàng Oanh đã nhiều lần ngâm nột đoạn trong bài thơ Những Bóng Người Trên Sân Ga trước khi hát những ca khúc nhắc đến những tiếng còi tàu và sân ga này.

Nếu có hình ảnh nào mà khi nhắc tới là đều gợi lên một nỗi niềm chia ly buồn nhưng đầy tính lãng mạn, thì đó chính là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.

Không có gì đau khổ day dứt bằng sự chia ly. Sự chia ly của tình yêu, chia ly của tình mẹ con, chia ly của tình chị em cho đến sự chia ly của tình bạn. Đôi khi là sự chia ly của chính bản thân mình. Nguyễn Bính đã lấy sân ga, con tầu để diễn tả những cuộc chia ly thực. Sân ga trong thơ ông có khi rất thực, nhưng có khi là sân ga trong lòng ông, trong lòng người đọc.

Mở đầu bài thơ bằng vài nét chấm phá, nhà thơ cho chúng ta thấy những cuộc chia ly đau đớn đến xé lòng. Ông đã dùng hình tượng, đàn đứt dây để nói lên những cuộc chia ly này (đàn đứt dây thì làm sao nối lại được – có khác chi sự chia ly đau đớn không có gì bù đắp). Bắt đầu từ sân ga này (là thực) hay sâu thẳm của những trái tim (nghĩa bóng) – Những cuộc chia ly đã và đang diễn ra:

Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày

Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
Đường về nhà chị chắc xa xôi…

Vào bài, ta bắt gặp hình ảnh hai cô bé tiễn biệt nhau ở sân ga. Nguyễn Bính gọi là “hai cô bé” nên có thể họ nhỏ tuổi hơn nhà thơ. (Bài thơ này Nguyễn Bính viết năm 1937, lúc đó ông mới 19 tuổi). Hai cô bé còn tuổi học trò. Nhưng tại sao họ phải xa nhau? Có người cho rằng: “Họ còn rất trẻ với tình cảm thơ ngây, còn non nớt, có thể phải bỏ trường học để đến trường đời, chưa biết nơi nào sắp phải đến…” Tuy nhiên câu thơ “Đường về nhà chị chắc xa xôi…” làm cho tôi nghĩ phải chăng họ là hai chị em? Cô em tiễn cô chị đi làm ăn xa, hoặc về nhà chồng? (năm 1937 ngày đó còn tảo hôn, quả thật là những lời ru buồn).

Hình ảnh áp má, chung lưng, gợi cho ta một cảm giác vô cùng lưu luyến, day dứt thơ ngây khi họ phải tiễn đưa nhau. Tình cảm hai cô bé là hai nhưng đã quyện thành một. Sự giằng xé đó làm cho hai trái tim non nớt phải chơi vơi. Và con tầu kia sẽ đưa một trong hai cô về đâu?

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu

Rồi đây nữa, với từ “một“ được lặp đi lặp lại gợi lên sự đơn lẻ của hai con người lúc chia ly. Lời thơ trầm buồn, đâu đây mang hơi thở của âm nhạc, Nguyễn Bính đã dựng lại toàn bộ một cuộc chia ly của một người tình với một người tình. Với nỗi buồn man mác, bùi ngùi đơn lẻ.

Buổi chiều là sự báo hiệu sắp kết thúc một ngày, cũng như cuộc tình của họ sắp đi qua chăng? Họ có những chuỗi ngày sống bên nhau thật êm đềm, hạnh phúc, có lẽ nào ngày vui đã hết, giờ chia ly đã đến. Hình ảnh chiều tà, là thời gian, không gian như nghẹt lại, gợi cho ta đó là cuộc chia ly thật nặng nề. Lại một cặp láy từ “Họ cầm tay họ“ thật mong manh “Bóng liêu xiêu“. Dường như tình yêu đã vuột ra khỏi tầm tay họ.

Cũng trên sân ga ấy, Nguyễn Bính cũng bắt gặp đôi bạn thân tiễn đưa nhau. Họ quyến luyến như không muốn rời xa nhau. Người đi đã yên vị trên tầu, người tiễn muốn kéo thời gian lại. Người đi lo lắng cho bạn, nên giục bạn về ba bốn lần. Nhưng người tiễn đưa lo lắng, lưu luyến cũng không kém. Để rồi trời đã tối, bóng nhòa trong bóng, nhùng nhằng chưa chịu cất bước:

Hai chàng tôi thấy tiễn đưa nhau
Kẻ ở sân ga kẻ cuối tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu

Hình ảnh họ nhòa trong bóng tối như hòa quyện trong chung rượu đầy để cùng nhau uống cạn. Tình bạn rất đời thường, nhưng có gì đẹp hơn thế?

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn trầu anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!

Một lần khác trên nẻo đường giang hồ của mình, nhà thơ đã bắt gặp một cặp vợ chồng, tiễn biệt nhau trên sân ga. Họ thẹn thùng không dám cùng nhau sánh bước. Dường như họ sợ ai nhìn thấy, kể cả người lạ. Do vậy người chồng đi trước người vợ bẽn lẽn theo sau: “Thẹn thùng đưa nhau bóng chạy dài”. Người vợ cởi khăn trầu lấy tiền đưa cho chồng, người chồng thắt khăn lại không lấy. Họ cứ đùn đẩy nhau mãi. Hình ảnh này đã lột tả hết tình thương họ dành cho nhau. Trong cuộc tiễn đưa còn có một người thứ ba, đó là người mẹ, nhưng bà không xuất hiện trên sân ga này. Đưa tiền lại cho vợ người chồng nói: “Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi”.

Một sự lo lắng hiếu thảo đầy tính nhân văn của người nông dân Việt Nam dưới ngòi bút của Nguyễn Bính.

Một buổi chiều tà, với đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu nhầu nát, chuếnh choáng men say, Nguyễn Bính khật khưỡng trên sân ga. Trước mắt ông một cuộc chia ly thật cảm động, xót xa. Bức tranh đó đã được ông chép lại:

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi một chốn xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lẽ không có hình ảnh nào từ xưa đến nay làm xúc động chúng ta bằng hình ảnh người mẹ già tiễn con ra trận. Trấn ải xa, là nơi biên thùy xa xôi, đầy nguy hiểm. Tầu đã đưa người con trai đi rồi, nhưng bà cứ đứng như trời trồng. Bà nhìn theo mãi con tầu đầy quyến luyến. Sự đau khổ tột cùng đã làm bà gục ngã xuống sân ga. Hình tượng bà vừa thực lại vừa như ảo. Lưng còng đổ xuống bóng sân ga. Lưng bà còng xuống, hay bà cứ đứng từ lúc bóng ban trưa cho đến xế chiều tối (bóng mặt trời chiều) bóng bà đổ xuống. Nhà thơ đã quan sát và viết lại tình cảnh đau khổ của người mẹ khi người con phải đi xa.

Có sự cô đơn, lẻ loi nào hơn, khi mình phải đưa tiễn chính bản thân mình. Giai thoại kể, bà Anh Thơ viết trong hồi ký: Bà và ông Nguyễn Bính đã từng yêu nhau, nhưng gia đình bà không ưa thói lãng tử của chàng thanh niên hay thơ. Nguyễn Bính tự ái và cái chính không thích cuộc đời gò bó vào khuôn khổ gia đình nên đã có một cuộc chia ly. Ông cô đơn, lặng lẽ ra sân ga, không người tiễn đưa.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng hiểu về đâu nghĩ ngợi gì?
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly…

Thi sĩ thấy chính mình lẻ loi với cõi đời này, cô đơn không biết đi đâu, về đâu khi xung quanh trống vắng, và vô định.

Nghe tim mình giá buốt
Hồi còi xé nát không gian
Xót thương vô vàn
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn đêm… (Sầu Lẻ Bóng – Anh Bằng)

Con tầu lăn bánh báo hiệu một sự chia cắt, phân ly. Có những cuộc chia ly có ngày gặp lại, và những cuộc chia ly không bao giờ gặp lại. Phải chăng con tầu lăn bánh, nó đang lăn chính trong lòng người thi sĩ. Nhà thơ như đang thả hồn vào từng câu thơ đó:

Những chiếc khăn mầu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Nhưng đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở nơi đâu hơn chốn này…

Nguồn: Đỗ Trường

Exit mobile version