Những bóng hồng trong cuộc đời và âm nhạc Đoàn Chuẩn

Trong nền âm nhạc Việt Nam từ cổ chí kim, Đoàn Chuẩn có lẽ là người nghệ sĩ hiếm có, khó tìm. Ông hội đủ các yếu tố của một chàng công tử đẹp trai, tài hoa, lịch lãm, hào phóng, phong lưu và giàu có bậc nhất xứ Bắc. Ông là con trai thứ hai của chủ hãng nước mắm Vạn Vân, nổi tiếng và lớn nhất xứ Đông Dương thời đó. Vậy nên việc có rất nhiều người đẹp vây quanh cuộc đời và âm nhạc Đoàn Chuẩn cũng là một điều dễ hiểu. Bởi một người đàn ông có sức hút như vậy, dù cho ông không chủ đích đa tình, cũng sẽ có rất nhiều cô gái chủ động tìm đến.

Tài tử Ngọc Bảo, ca sĩ có phong cách trình diễn quyến rũ và thành công với những ca khúc của Đoàn Chuẩn thời bấy giờ thừa nhận: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ, nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”.

Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ viết vỏn vẹn khoảng 20 ca khúc, trong đó hầu hết là nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi. Thực ra đó là một con số rất khiêm tốn so với nhiều nhạc sĩ lớn khác, nhưng ai cũng phải thừa nhận là những ca từ đẹp như thơ, giai điệu lả lướt, quyến rũ trong âm nhạc Đoàn Chuẩn đã chiếm trọn trái tim của nhiều thế hệ yêu dòng nhạc lãng mạn. Và dường như trong mỗi ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này đều thấp thoáng bóng dáng của một giai nhân nào đó trong cuộc đời thực của ông.

Mối tình đầu – Người vợ tào khang, hết lòng vì chồng con

Người vợ duy nhất của Đoàn Chuẩn, đã luôn bên ông tới tận những ngày cuối cùng của cuộc đời, cùng ông vượt qua những thăng trầm của thời đại, cũng chính là mối tình đầu của ông. Họ thành đôi theo một cách vô cùng chuẩn mực đúng theo kiểu “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” của những gia đình Việt Nam xưa. Đó là bà Nguyễn Thị Xuyên, một người phụ nữ xinh đẹp, nết na, gia đình dù không giàu có nhưng rất gia giáo, nề nếp.

Bà Xuyên bằng tuổi, và cũng là bạn học cùng lớp với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Đặc biệt, hai người bạn này đều rất giỏi tiếng Anh và tiếp Pháp. Năm đó, bà Xuyên vừa tròn 18 tuổi. Một bữa nọ, bà Xuyên gặp một người đàn bà ăn mặc quyền quý, ngồi xe xích lô đến trước cửa nhà mình, hỏi mua nụ vối ở quầy hàng của mẹ bà, bày bán trước cửa nhà. Điều đặc biệt là bà khách sang trọng không mua ít mà mua hết cả quầy hàng. Cho đến mấy ngày sau, bà khách kia quay lại tìm gặp cha mẹ bà, nhưng không phải để mua nụ vối, mà là để hỏi vợ cho con trai. Đến lúc đó, cả gia đình bà Xuyên mới biết bà khách quyền quý kia chính là mẹ của cậu bạn trai con nhà giàu học cùng lớp với bà, là Đoàn Chuẩn.

Vì phải lòng cô bạn học xinh đẹp, dù chưa từng một lần hẹn hò, Đoàn Chuẩn đã về thúc giục mẹ đến xin hỏi cưới bà Xuyên. Và chuyến đi mua nụ vối kia của bà mẹ thực chất chỉ là để thăm dò nề nếp, gia phong của cô con dâu tương lai. Không rõ, bà mẹ đã ưng ý điều gì ở cô bạn học của con trai mình năm đó, mà ngay lập tức quay lại hỏi cưới cho con trai mình. Chỉ biết rằng, bà đã chọn dâu không lầm.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết rất nhiều ca khúc cho những “bóng hồng” mà thoáng qua đời mình, và với vợ, ông cũng viết 2 bài. Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và bà Xuyên kể: “Chιến tɾanh ngăn cách, gia đình nhà tôi chia ra làm hai, một nửa lên chiến khu Việt Bắc, một nửa ở lại. Mẹ tôi ngày đó hay mặc áo tím, khi bố lên thăm mẹ, bồi hồi quá viết luôn ca khúc Đường Về Việt Bắc nên mới có hình ảnh người con gái áo tím trong bài hát… “.

Chiều nào áo tím nhiều quá
Lòng thấy rộn ràng nhớ người
Ðường về Việt Bắc xa cách mây
Nhìn về đường lối muôn khó khăn

Ðây núi cao, đây suối sâu
Ðây lá xanh như ngàn xưa
Ðường về ngập gió tha phương
Tiếc đời gấm hoa ta đành quên
màu sắc núi rừng…

Qua bao rừng núi anh về đây
Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây
Ðường về Việt Bắc xa xôi rừng núi
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi
Ðường về Việt Bắc xa xôi núi đồi


Click để nghe Duy Trác hát Đường Về Việt Bắc trước 1975

Nhiều người cho rằng, tình khúc “Đường về Việt Bắc” rất “nhẹ nhàng” so với những ca khúc dành cho những “bóng hồng” sau này của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nhưng điều đó rõ ràng không tỷ lệ thuận với mức độ tình cảm mà ông dành cho mỗi người.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cưới vợ từ năm 1942, tới 5 năm sau đó, ông mới bắt đầu viết ca khúc đầu tay là Ánh Trăng Mùa Thu (1947). Và khi viết ca khúc Đường về Việt Bắc (1948), ông đã có 6 năm hôn nhân với bà Xuyên. Tình yêu khi đó chắc chắn không còn bay bổng, choáng váng như thuở mới yêu nên viết như vậy cũng đã rất tình cảm. Vì trong ca khúc, nhạc sĩ không nhắc đến bà Xuyên trong tâm thế một người chồng mong nhớ vợ con, một người vợ sớm hôm kề cận, chăm lo, chu toàn mọi thứ, mà như là một chàng trai si tình mong nhớ người yêu, nhìn áo tím trên phố, màu áo người yêu thường mặc mà lòng chộn rộn nhớ thương.

Bản thân bà Xuyên cũng ý thức được điều đó, nên hài lòng với thứ tình yêu dịu nhẹ, lâu bền đó của chồng dành cho. Nghệ sĩ Đoàn Đính nói: “Mẹ tôi rất tự hào vì ca khúc Đường về Việt Bắc là bố viết riêng tặng mẹ. Mẹ bảo chỉ cần một bài đó là đủ rồi, còn những bài hát khác bố viết tặng ai hay liên quan đến ai thì mẹ cũng không phiền lòng”.

Những người con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (và chắc hẳn cả ông nữa) có lẽ là đều tự hào khi có một người vợ, một người mẹ hiền từ, bao dung, ứng xử thanh lịch, tinh tế cả với “người thứ ba” của chồng. Trong cuộc đời làm vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người đàn ông phong lưu, đa tình nức tiếng gần xa, chỉ có một lần là bà Xuyên đi “đánh ghen”. Có lẽ, đó là lần duy nhất, bà thấy “hiểm hoạ” có thể xảy đến cho gia đình êm ấm của bà. Đó là khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn si mê cô ca sĩ nổi tiếng Thanh Hằng.

Vào thời đó, với gia thế của gia đình Đoàn Chuẩn, dù ông không định tâm bỏ vợ theo tình thì việc ông lấy thêm vợ lẽ cũng không có gì khó khăn. Nhưng bà Xuyên hẳn là không chấp nhận được điều đó. Câu chuyện được những người trong cuộc kể lại rằng, từ Hải Phòng, bà Xuyên đi ô tô thẳng xuống Hà Nội tìm gặp “tình địch”, cuộc gặp gỡ đó sau này được chính ca sĩ Thanh Hằng thừa nhận. Không một lời xúc phạm sỗ sàng, bà Xuyên chỉ nhẹ nhàng hỏi cô ca sĩ: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Khi cô ca sĩ gật đầu thừa nhận, bà nói tiếp: “Em yêu anh ấy một thì chị yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ chị để đi theo em thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ em để theo người khác. Nếu em chấp nhận như vậy, thì em có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không?”. Bà thẳng thắn đặt vấn đề nếu hai người không thể rời xa nhau thì bà sẵn sàng giao chìa khoá nhà và ba đứa con của Đoàn Chuẩn cho người đẹp. Cách ứng xử rất nhẹ nhàng và tỉnh táo của bà Xuyên khiến cô ca sĩ xinh đẹp tỉnh mộng. Cô đem tất cả thư từ qua lại của hai người trả cho bà Xuyên và xé nát những ca khúc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết tặng.

Suốt cuộc đời mình, bà Xuyên là một người phụ nữ chu toàn gia đạo, chăm sóc, yêu thương chồng con nhất mực. Bà nguyện làm một hậu phương vững chắc cho sự nghiệp âm nhạc của chồng thăng hoa. Biết ông tính cách nghệ sĩ, đa tình, bà lặng lẽ nhắm mắt, che tai, chấp nhận tất cả. Bởi ngoài tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, bà còn dành cho ông thứ tình cảm ngưỡng mộ dành cho một người nghệ sĩ.

Bà Xuyên tâm sự: “Chồng tôi lãng mạn và đa tình lắm. Có vậy, ông mới viết bài hát hay như thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên: “Sao ông tài thế!”. Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông viết tình ca tặng cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy!”.

Chính nhờ sự bao dung và thấu hiểu đó mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có đủ không gian tự do để sáng tác, để lột tả hết không ngần ngại những cảm xúc trinh bạch trong lòng ông, để viết lên những lời ca tuyệt mỹ.

Bù đắp lại cho bà, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dù có những lúc không toàn tâm, toàn ý có lẽ cũng đã khá tròn vai trong cương vị một người chồng, người cha. Dù đa tình, phong lưu, ông chưa một lần hắt hủi, bạc đãi vợ con. Sau vài năm tuổi trẻ “chơi ngông” trong những cuộc phiêu lưu tình ái. Ông vẫn giữ cho mình một con đường quay lại. Khoảng thời gian sau này, hai ông bà sống rất hạnh phúc, đầm ấm cho đến tận cuối đời.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mất năm 2001 trong vòng tay của người vợ hiền hậu và 5 người con chung. Sáu năm sau, bà Xuyên cũng qua đời. Nghệ sĩ Đoàn Đính kể lại rằng, 3 ngày sau khi mẹ mất, ông nằm mơ thấy bố mẹ mình gặp nhau và ôm chầm lấy nhau. Đoàn Đính tâm sự: “Điều này khiến tôi tin rằng ở cõi bên kia cũng có sự sống, và có lẽ bố mẹ tôi đã rất hạnh phúc khi được gặp lại nhau”.

Ca sĩ Thanh Hằng – Tà áo xanh mộng mơ mê đắm

Thanh Hằng là một nữ ca sĩ xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn, nổi danh trong suốt 2 thập niên 1950-1960, được không ít công tử Hà Thành si mê theo đuổi. Cô thường lui tới biểu diễn tại rạp hát của gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ở Hà Nội. Nếu nhạc sĩ Đoàn Chuẩn si mê tài sắc và giọng hát của nữ ca sĩ trẻ trung, xinh đẹp thì ngược lại nữ ca sĩ cũng trót đem lòng yêu chàng nhạc sĩ tài hoa, lịch lãm, có gia thế lộng lẫy. Mối tình mật ngọt này đã thăng hoa vào âm nhạc Đoàn Chuẩn, là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc tuyệt hay của ông. Mối tình của chàng nhạc sĩ và nàng ca sĩ được Đoàn Chuẩn ghi lại rất thật, không giấu giếm bằng những ngôn từ giản dị, chân phương nhưng giọng điệu âm nhạc thì rất bay bổng, lãng mạn:

Rồi chiều nào băng giá
tâm hồn tìm đến nhau
Em mơ trong tiếng hát
Anh mơ trong nét bút đa tình sao (Tà Áo Xanh)

người đẹp Thanh Hằng

Rất nhiều giai thoại theo kiểu “công tử bạc liệu đốt tiền nấu trứng để lấy lòng người đẹp” được thêu dệt xung quanh cuộc đời Đoàn Chuẩn và cả mối tình này. Tuy nhiên, những người trong cuộc thì khẳng định, những giai thoại đó 10 phần thì có đến 7 phần hư, 3 phần thực.

Có một giai thoại “chơi ngông” của Đoàn Chuẩn mà nhiều người đồn thổi. Có lần, để tranh giành đưa đón người đẹp với một công tử Hà thành khác, ông đã cho người chạy hai chiếc xe hơi đến chặn đầu chặn đuôi xe của người kia để anh ta không thể chạy ra được, còn mình thì ung dung lái xe đi đón người đẹp. Tuy nhiên, giai thoại này đã bị những người trong cuộc phủ nhận. Hoặc chuyện nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có một màn tỏ tình gây sốc khi mua đến 1.000 bông hoa hồng để tặng người đẹp. Câu chuyện này cũng được cho là nói quá lên.

Một giai thoại khác đình đám cũng không kém là trong một lần ngẫu hứng đưa người đẹp Thanh Hằng đi chơi biển Đồ Sơn. Trong khi nhiều người khác để xe hơi ở trên bờ biển rồi đi bộ xuống thì Đoàn Chuẩn đánh xe ra tận mép nước, chỉ bởi câu nói vu vơ của nàng thơ: “Ước gì chỉ cần bước chân ra khỏi xe là có thể chạm ngay vào những con sóng”. Sau khi bị nhắc nhở vì xâm phạm chỗ kinh doanh của dân bản xứ, Đoàn Chuẩn không ngần ngại trả lời: “Xe chiếu bóng đến đâu thì trả tiền đến đó”. Câu chuyện đi chơi biển Đồ Sơn này sau được ca sĩ Thanh Hằng và nghệ sĩ Đoàn Đính xác nhận là có, nhưng không ly kỳ theo kiểu “chơi ngông” như đồn thổi.

Nếu người vợ đoan trang, hiền thục của Đoàn Chuẩn là bà Xuyên gắn liền với tà áo tím thuỷ chung, sắt son đợi chờ thì người đẹp Thanh Hằng lại gắn liền với tà áo xanh mộng mơ, trẻ trung, tươi mới:

Em còn nhớ anh nói rằng
khi nào em đến với anh
xin đừng quên chiếc áo xanh

Em ơi, có đâu ngờ đến rằng
có màu nào không phai
như màu xanh ái ân


Click để nghe Lệ Thu hát Tà Áo Xanh trước 1975

Nhưng chuyện tình của họ cũng không kéo dài được bao lâu. Khi bà Xuyên phát hiện sự việc và can thiệp như đã kể ở phần trên thì ca sĩ Thanh Hằng xé trả những tình khúc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã từng tặng và lặng lẽ rút lui. Câu chuyện xé nhạc tình này chính là hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Bài ca bị xé (thường được biết đến với tên Vàng phai mấy lá hay Vĩnh biệt). Kết thúc mối “tình oan trái” khiến “tình anh bẽ bàng” và “tình em lỡ làng” như lời hát:

Ai xui ta gặp nhau, để tình gây oan trái
Để tình anh bẽ bàng, và tình em lỡ làng, và ngàn sau lá vàng khóc tình ta
Từ nay bèo trôi, cầu xiêu, con đò nát
Và mây đìu hiu cây rụng lá, thân mình về đâu

Đàn chùng, dây phím lỡ, mái đổ nhà xiêu, nhẹ như tiếng khóc thầm
Mây sầu vương chót núi, đường che biên giới, người xa nhau mãi
Giấc chiêm bao đêm nào chìm trong sương khói thời gian…. (Ca khúc Vàng Phai Mấy Lá)


Click để nghe Ánh Tuyết hát Vàng Phai Mấy Lá

Ngoài bìa ca khúc này, nhạc sĩ còn viết thêm mấy dòng chữ đầy tiếc nuối: “Em đã gửi ai, bài ca em xé khi em đi lấy chồng? Thu 1955”. Sau khi vội vã đi lấy chồng, nữ ca sĩ đã đổi tên thành Lệ Hằng, từ bỏ sự nghiệp ca hát, sống an phận bên chồng con tại Hà Nội. Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau đó nữ ca sĩ đã phủ nhận mối tình với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Bỏ mặc những lời ca da diết, sầu não:

Rồi chiều nao xác pháo
bên thềm tản mác bay
em đi trong xác pháo
anh đi không ngước mắt
thôi đành em (Bài Tà Áo Xanh)

Một ca khúc khác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được cho là viết cho mối tình này là ca khúc Một Gói Nho Khô, Một Cánh Pensée, nằm trong tập nhạc Những Bài Hát Bị Xé. Đây là một ca khúc có lời ca và nhịp điệu khá lạ. Nghe lời hát, ta đoán chừng lúc này, hai người đã chia tay nhau, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gặp lại nữ ca sĩ đang trình diễn trong một rạp hát hay phòng trà nào đó mà ông là khách vip với hoa và đồ ăn vặt để trên bàn riêng.

Một gói nho khô,
Một cánh pensée
Một áo nhung đen
Lấp lánh ánh đèn
Đèn quanh màu tím

Một gói nho khô
Một cánh pensée
Một áo nhung đen

Thẫn thờ, nhạc sĩ nhớ lại những ngày đằm thắm cũ:

Nho đã nói gì
Đời nho vì em
Hoa đã nói gì
Đừng quên đợi nhau

Chiếc áo nói gì,
Màu đen thầm kín
Lá vẫn âm thầm
Mãi mãi thương nhau

Nhưng nhạc sĩ biết rằng, anh và em ngàn năm vẫn như “núi lửa” và “giếng dầu”, chỉ có thể thiêu đốt nhau và thiêu trụi tất cả xung quanh, nên “đành thôi chia mái đầu” để “tránh cho nhau”. Tránh cho anh làm kẻ bội nghĩa, bạc tình, tránh cho em làm người thứ ba, mang tội phá hoại gia đình người khác. Nên đành “theo tháng năm dần” mọi thứ rồi sẽ “vùi sâu lòng đất”:

Anh ngàn năm như núi lửa
Em ngàn năm như giếng dầu
Nên đành thôi chia mái đầu
Tránh cho nhau

Một gói nho khô
Một cánh pensée,
Một áo nhung đen
Theo tháng năm dần
Vùi sâu lòng đất

Những lời ca thì nhớ thương, da diết, sầu não như vậy nhưng trong cuốn Một thời Hà Nội hát, tác giả Nguyễn Trương Quý kể rằng, thực tế ngoài đời, sau khi chấm dứt tình yêu, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ Thanh Hằng vẫn coi nhau như những người bạn, thỉnh thoảng vẫn thư từ, tin tức cho nhau. Nhạc sĩ còn giữ một tấm ảnh của nữ ca sĩ khi đã lớn tuổi.

Mãi tận sau này, sau nhiều lần lảng tránh, không thừa nhận mối tình với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nữ ca sĩ Thanh Hằng cuối cùng đã bộc bạch lòng mình. Bà nói: “Tôi cũng biết ông ấy sáng tác ca khúc “Tà Áo Xanh” dành cho tôi vì tôi rất hay mặc áo xanh. Tôi nhớ lắm, tôi từng đến nhà ông ấy, ra ngoài ban công đứng và hỏi ông: Ơ, sao mùa xuân mà lá vẫn rơi, thế là thế nào nhỉ?”. Vậy nên, mới có câu hát:

Anh còn nhớ em nói rằng
Sao mùa xuân lá vẫn rơi?
Sao mùa xuân lá vẫn bay?

Em ơi, có hoa nào không tàn
có trời nào không mây
có tình nào không phai? (Ca khúc Tà Áo Xanh)

Những bóng hồng trong giai thoại

Trong cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, chỉ có hai mối tình được khẳng định và thừa nhận chính xác là mối tình đầu với vợ và mối tình thứ hai với nữ ca sĩ Thanh Hằng. Nhưng nhiều người nói rằng, không chỉ hai mà mỗi ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đều có bóng dáng của một giai nhân nào đó ngang qua đời ông. Những bóng hồng hư hư thực thực được kể lại qua những giai thoại về chàng “công tử Bạc Liêu” của xứ Bắc Kỳ.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến nữ danh ca Mộc Lan. Trong tập nhạc in năm 1990, bên cạnh bài Cánh Hoa Duyên Kiếp, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết: “Thu 1953 – Kỷ niệm M.L. Một số ca khúc khác cũng từng được ông đề dòng chữ “Tặng ML”. Suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chưa một lần tiết lộ danh tính thực sự của M.L. Danh ca Mộc Lan cũng chưa một lần thừa nhận mối tình này.

Dẫu vậy, những giai thoại về những màn tán tỉnh “bậc thầy” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dành cho nữ danh ca Mộc Lan vẫn luôn được kể lại theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu chung là việc sau khi say nắng người đẹp tại Hà Nội, chàng nhạc sĩ đa tình Đoàn Chuẩn đã bám đuôi theo nàng vào tận Sài Gòn. Vào tới nơi, chàng mới ngã ngửa khi biết rằng Mộc Lan là gái đã có chồng, lúc đó Mộc Lan đang là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Dù bất ngờ và hụt hẫng, chàng công tử Hải Phòng vẫn mạnh tay chi một khoản tiền lớn đặt hoa tươi gửi tặng người đẹp mỗi ngày không đề tên người tặng. Sau nhiều lần dò hỏi, Mộc Lan cuối cùng đã biết được danh tính của chàng công tử xứ Bắc. Nàng viết thư cảm ơn Đoàn Chuẩn với những lời lẽ đầy ẩn ý. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ngay sau đó đã viết một ca khúc gửi tặng nữ ca sĩ. Tuy nhiên, những thông tin này thực sự rất “tam sao thất bản”, có người khẳng định đó là ca khúc “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, có người lại nói đó là ca khúc “Gửi Người Em Gái Miền Nam”. Trong những cuộc trả lời phỏng vấn của ca sĩ Mộc Lan sau này, bà luôn khẳng định, những ca khúc đó nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi cho nhiều ca sĩ khác ở Sài Gòn để trình diễn chứ không phải chỉ gửi cho một mình bà hay viết tặng bà.

Không ai rõ giai thoại đó có bao nhiêu phần là thật. Hoặc giả những người trong cuộc có cố tình quên lãng một câu chuyện tình xa xôi, cách trở mang màu sắc bay bướm, lãng mạn của những tâm hồn nghệ sĩ hơn là những yêu đương thực sự?! Chỉ biết rằng, lời hát trong những ca khúc được cho là dành tặng cho nữ danh ca Mộc Lan xinh đẹp, quyến rũ đến mê hồn:

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng (Ca khúc Gửi Người Em Gái Miền Nam)


Click để nghe Ngọc Bảo hát Gửi Người Em Gái Miền Nam

Hay những câu hát:

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi phím tơ đồng tìm duyên
Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân
Về đôi mắt như hồ thu…

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm đa tình về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian. (Ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)


Cliᴄk để nɡhе Hà Thanh hát Gửi Gió Chᴏ Mây Nɡàn Bay trước 1975

Em tôi hay hờn lắm hay tô thâm quầng mắt
hay mua hoa màu trắng về
Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối
Rồi tan trong chiều vắng khi gió mưa về thành mưa. (Ca khúc Cánh Hoa Duyên Kiếp)


Cliᴄk để nɡhе Khánh Ly hát Cánh Hᴏa Dᴜyên Kiếρ trước 1975

Về bài hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, có người cho rằng nhạc sĩ viết cho mối tình với ca sĩ Thanh Hằng, bởi chi tiết “tà áo xanh” gắn liền với người đẹp Thanh Hằng. Tuy nhiên, rất khó để đoán được ẩn ý thực sự của người nhạc sĩ khi ông chưa từng tiết lộ.

Một ca khúc khác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thấp thoáng bóng dáng của một giai nhân nào đó ở một địa danh có thật. Đó là ca khúc Tình Nghệ Sĩ.

Trong những năm đầu của cuộc kháng Pháp, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong một lần vác đàn đi biểu diễn ở Thanh Hoá đã thường xuyên lui tới một quán cà phê mang tên Thanh Hương. Vậy nên, nhạc sĩ đã viết:

“Đây quán Thanh Hương, mây Thu vàng ấm“

Sau này, câu hát được đổi thành:

“Đây khách ly hương, mây thu vàng ấm“

Chỉ một thay đổi nhỏ, nhưnɡ ᴄâᴜ hát tɾở nên sâᴜ lắnɡ, tɾᴜyền ᴄảm hơn ɾất nhiềᴜ. Bóng hồng trong bài hát này chính là cô chủ quán cafe tên là Thanh Hương. Trong tập nhạc xuất bản năm 1990, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có ghi lời đề tựa cho bản nhạc Tình Nghệ Sĩ là: “Viết tại hàng cà phê Thanh Hương nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô hàng”.

Dù nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết tắt C.T và Đ.C, nhưng nếu ai tinh ý cũng dễ nhận ra Đ.C là Đoàn Chuẩn, C.T là Canh Thân, và “cô hàng” chính là cô hàng cà phê có tài pha cà phê ngon kì lạ của quán Thanh Hương, được nhạc sĩ Canh Thân đưa vào trong bài hát nổi tiếng Cô Hàng Cà Phê.

Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng
Mơ tới bên em em tô quầng mắt
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Nghệ Sĩ trước 1975

Trong hoàn cảnh đất nước thời đó, lại đang ở trong vùng kháng chιến, ăn diện, trang điểm như vậy hẳn là gần gũi với giới nghệ sĩ hơn là một cô gái bình thường. Và thực tế, trong cuộc đời Đoàn Chuẩn, những mối tình, bóng hồng xoay quanh ông, ngoại trừ mối tình học trò với người vợ, những mối tình khác trong đời ông dù là có thực hay đồn thổi đều liên quan đến những nữ ca sĩ, nghệ sĩ. Có lẽ vì từ khi bắt đầu với âm nhạc, nhạc sĩ dễ rung cảm với những bóng hồng nghệ sĩ có cùng tần số cảm xúc nghệ thuật như ông.

Suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dường như không để lỡ bất kỳ khoảnh khắc rung động nào mà không đưa vào âm nhạc. Ông viết nhiều về mùa thu, vốn là mùa của những tâm hồn bay bổng, lãng mạn, mùa của những đôi tình nhân dìu dặt đón đưa. Viết về bất cứ bóng hồng nào, nhạc sĩ cũng như rút hết ruột gan ra để viết, để yêu, để say tình. Các ca khúc của Đoàn Chuẩn say đắm, bồng bềnh, lãng mạn dù ngôn từ rất giản dị, chân phương. Bao nhiêu năm đã trôi qua, âm nhạc Đoàn Chuẩn vẫn đượm nồng như vậy, mê đắm, quyến rũ lòng người.

Để kết lại cho câu chuyện phiếm tản mạn về những mối tình trong đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, xin phép mượn lời của người nhạc sĩ tài hoa ấy, trong những phút giây cuối của cuộc đời: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”.

Những mối tình xưa dù hư dù thực đã theo gió bay đi. Người nhạc sĩ cũng đã đi rồi. Nhưng những lời hát của ông vẫn còn vang vọng mãi những “nét thương yêu” như chính ông đã “hứa” với người tình từ hơn nửa thế kỷ trước:

Trách sao hoa xưa còn có lúc tàn
Nhưng riêng anh dệt mấy cung đàn
Nhạc đời còn ghi những nét thương yêu
Hoa tàn tình tan theo không gian… (Ca khúc Tà Áo Xanh)

Bài: Niệm Quân (nhacxua.vn)

Exit mobile version