Những bài nhạc vàng về tuổi học trò nổi tiếng nhất trước năm 1975

Tuổi học trò, thời học sinh ở cái thời cấp 2, cấp 3 là cái tuổi mà người ta có thể phải nhớ đến suốt đời. Lý do đơn giản, vì đó là cái tuổi mới lớn, các cô cậu học trò bắt đầu có chút cảm xúc bâng khuâng đầu tiên. Những gì là “lần đầu tiên” thì thường được người ta ghi nhớ rất kỹ, đặc biệt là các nhạc sĩ có giàu sự đa cảm, nên đã có rất nhiều bài hát về tuổi học trò ra đời và sống mãi trong hơn nửa thế kỷ qua.

Đã có không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã qua, nhưng những bài hát này vẫn được hát và được yêu thích mỗi khi hàng năm mùa hè đến. Cùng nhắc lại những bài hát học trò nổi tiếng nhất của các nhạc sĩ Thanh Sơn, Song Ngọc, Anh Bằng, Duy Khánh trong bài viết này.

Nỗi Buồn Hoa Phượng

Bài hát này có thể xem là mở đầu cho sự nghiệp rực rỡ của nhạc sĩ Thanh Sơn trong dòng nhạc vàng miền Nam. Khởi đầu hoạt động văn nghệ với vai trò là ca sĩ, nhưng thành công của bài hát Nỗi Buồn Hoa Phượng đã làm cho nhạc sĩ Thanh Sơn bỏ hẳn nghề ca hát để chuyển sang viết 1 loạt ca khúc cùng mảng đề tài tuổi học trò khác. Ông tâm sự về bài hát này:

“Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy… Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác.”


Click để nghe Thanh Tuyền hát Nỗi Buồn Hoa Phượng trước 1975

Lưu Bút Ngày Xanh

Mùa chia tay đến, ai nấy cũng bịn rịn chuyền tay nhau cuốn lưu bút để viết ra những gì không thể nói thành lời… Lưu bút của tuổi xanh cũng như quyển nhật ký đáng yêu, chất chứa trong đó bao tâm tư của tuổi học trò. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã nắm bắt được cái tâm lý ngây thơ, hồn nhiên của những cô cậu áo trắng để sáng tác nên ca khúc Lưu Bút Ngày Xanh. Cùng nằm trong dòng nhạc phẩm viết về lứa tuổi học trò, nhưng Lưu Bút Ngày Xanh nhạc sĩ Thanh Sơn đều tạo cho chúng ta những cảm giác rất khác biệt so với những ca khúc cùng chủ đề khác là Nỗi Buồn Hoa Phượng, Ba Tháng Tạ Từ, Hạ Buồn…

Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái

Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ
Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường
Cùng đuổi bướm hái hoa trên cuối đường
Tiếng cười vạn tình thương…


Click để nghe Trúc Mai hát Lưu Bút Ngày Xanh trước 1975

Ba Tháng Tạ Từ

Đây là bài hát với những cảm xúc về tình bạn đẹp đẽ, thủa còn hồn nhiên, ngây thơ, và những kỷ niệm về mái trường khi mọi người cùng được ở bên cạnh nhau, cùng chung một lối, nhưng rồi kỷ niệm cũ đó chỉ lại là hoài niệm, kỷ niệm cũ cũng sẽ đi vào hư vô.

Người ơi! Thắm thoát niên học hết rồi.
Chúc nhau cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối.
Thương nhau nhiều biết gửi về mô.
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô…


Click để nghe Thanh Tuyền hát Ba Tháng Tạ Từ trước 1975

Hạ Buồn

Sau thành công với những ca khúc viết về sân trường, về hoa phượng và những chia tay lưu luyến của tuổi học trò trong các bài hát Lưu Bút Ngày Xanh, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Ba Tháng Tạ Từ, nhạc sĩ Thanh Sơn đã có 1 ca khúc khác cùng chủ đề, và cũng rất nổi tiếng, đó là bài Hạ Buồn.

Mượn một ca khúc viết lên tâm sự
Biết bao nỗi niềm phút giây tạ từ
Hình dáng những người thân yêu,
Xa rồi để thương nhớ nhiều
Giờ biệt ly ôi thấy đìu hiu…

Bài hát này dường như dành riêng cho tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, và gắn liền với giọng hát của cô cả trước và sau năm 1975:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Hạ Buồn trước 1975

Mùa Chia Tay – Trường Cũ Tình Xưa

Cố nhạc sĩ Duy Khánh cũng đóng góp cho nền âm nhạc miền Nam 2 bài nhạc về học trò nổi tiếng là Mùa Chia Tay Trường Cũ Tình Xưa. Đặc biệt với bài Trường Cũ Tình Xưa là hình ảnh người học trò năm xưa trở về nơi mái trường dấu yêu thuở xưa để tìm lại bạn cũ, thầy cũ. Nhưng có nhiều nét đổi thay, người xưa giờ đã không còn, thậm chí có người còn về đất buông xuôi. Xuyên suốt bài hát là một nỗi buồn khó gọi tên mà chắc rằng ai cũng có chất chứa nỗi niềm đó trong lòng, và dễ dàng đồng cảm với bài hát. Vì vậy đây luôn là một trong những bài hát học trò được yêu thích nhất.

Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới
Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?
Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ
Vang trong nỗi niềm nhung nhớ
Có ai đi thương về trường xưa?


Click để nghe Băng Châu hát Tình Cũ Trường Xưa trước 1975


Click để nghe Băng Châu hát Mùa Chia Tay trước 1975

Phượng Buồn

Bài hát Hoa Phượng nổi tiếng này của nhạc sĩ Tuấn Hải sáng tác năm 1974, một thời gian dài bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Thanh Sơn. Có lẽ do nội dung bài hát có nhiều nét tương đồng với các bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn nên càng làm cho nhiều người tin tưởng rằng đây là một sáng tác của Thanh Sơn.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Phượng Buồn trước 1975

Bài hát viết về mùa hè với những cánh hoa phượng rực rỡ, đẹp như cuộc tình học trò nồng thắm với nhiều ước vọng về mai sau. Tuy nhiên tình đầu thuở học sinh bao giờ cũng thường mong manh và dễ vỡ. Vì “đời thay đen đổi trắng”, và cuộc tình cũng tan theo sóng biển, nên có một người mãi ôm nỗi xót xa mỗi khi nhìn lại màu hoa phượng buồn năm cũ.

Em đến với anh vào một ngày trời đẹp nắng
Một ngày phượng hồng thắm trong đôi mắt buồn xa xăm
Phượng hay bâng khuâng tưởng chừng như cô đơn
Nên khi hè xuống thấy vấn vương tâm hồn…

Họp Mặt Lần Cuối

Bài hát nói về buổi chia tay năm học. Hay nghe tâm sự của tác giả bài hát là Song Ngọc nói vể hoàn cảnh sáng tác bài này:

“Lúc ấy tôi mới học lớp đệ lục (Lớp 7 ngày nay, khoảng 12 tuổi), trong số bạn bè cùng lớp, tôi đặc biệt chú ý một cô bạn xinh đẹp như thiên thần. Thời gian êm đềm trôi, thấm thoắt tới ngày tạm biệt để nghỉ hè, tôi ôm đàn mandoline hát tặng bạn hữu một bài tình ca, nhưng thật sự là cố ý tặng cho cô bạn đó. Mùa hè năm ấy tôi theo gia đình về miền Tây, vài năm sau mới trở lại Sài Gòn. Việc đầu tiên là tôi đi tìm nàng, lúc đó cô đã là một ca sĩ nổi tiếng trong ban nhạc thiếu nhi. Do lời kể của bạn bè, tôi đến trường nàng học và gặp lại, nhưng cũng chỉ đưa mắt nhìn chào nhau, chứ nàng không biết trong lòng tôi bao nhiêu rộn ràng, bao nhiêu điều tôi muốn nói. Có lần tôi đến nhà nàng, định vào thăm thì được biết nàng đang rất bận rộn tập dợt để trình diễn nên tôi lại ra về, và lòng tôi luôn mơ ước sẽ trở thành một nhạc sĩ để đệm đàn cho nàng hát. Nhiều năm sau, tôi đã đạt được một chút thành công, trở thành nhạc sĩ, nhưng giấc mơ đệm đàn cho nàng thì chưa bao giờ thực hiện được. Tôi vẫn nhớ buổi họp mặt cuối cùng thời niên thiếu nên sáng tác bài Họp Mặt Lần Cuối để ghi lại chút kỷ niệm thời tuổi trẻ”.

Còn buổi họp cuối cùng này thôi
Mai chúng ta giã biệt người ơi!
Tâm sự đi những gì chưa nói
Câu ca này và tiếng thơ ngâm
Mình mang một nỗi buồn xa xăm.


Click để nghe Phương Hoài Tâm hát Họp Mặt Lần Cuối trước 1975

Kỷ Niệm Một Mùa Hè

Đây là 1 sáng tác nổi tiếng khác của nhạc sĩ Song Ngọc viết về mùa hè. Trong bài hát này có thấp thoáng bóng người lính trận, luôn nhớ về kỷ niệm một mùa hè xưa cũ trên những bước đường chinh nhân:

Nhớ buổi chia tay ngày đó
Có một người lặng nhìn theo bước tôi
Mắt rưng rưng buồn bồi hồi nâng tà áo
Xa cách nhau rồi biết khi nào gặp đây…


Click để nghe Giang Tử hát Kỷ Niệm Một Mùa Hè trước 1975

Tuổi Học Trò

Một bài hát rất được yêu thích của nhạc sĩ Anh Bằng và Minh Kỳ, được biết đến qua tiếng hát Hương Lan. Bài hát là niềm vọng tưởng về tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ:

Quay về kỷ niệm lúc còn học sinh
Tà áo trinh nguyên tô thắm sân trường
Đời học sinh với nét đoan trinh
Tươi đẹp như màu hoa xinh
Có đôi khi thấy buồn một mình…


Click để nghe Giáng Thu hát Tuổi Học Trò thu âm trước 1975

Ly Ca

Ly Ca cũng là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng được ông ký bút danh Phương Trà, với những câu hát:

Biết rằng mai này xa bạn xa thầy
Cúi mặt tim buồn ngấn lệ ngắn dài
Thương cổng trường từ đây khép kín
Thương dãy bàn nằm im câm nín
Thương những bông hoa rụng bên sân…

Tuy nhiên vào thập niên 1980, khi nhạc sĩ Anh Bằng đã ra nước ngoài, nhạc sĩ Vinh Sử dùng bài nhạc này cho băng nhạc trong nước, đổi tên lại thành Giã Biệt Trường Xưa, làm cho người nghe quên mất tên gốc của bài hát là Ly Ca.


Click để nghe Thanh Tuyền hát Ly Ca thu âm trước 1975

Hoa Học Trò

Bài thơ Hoa Học Trò của thi sĩ Nhất Tuấn được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng tên nổi tiếng vào thập niên 1960. Bài hát còn mang tên khác là Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không.

Trong một dịp nói chuyện về bài thơ “Hoa Học Trò”, Nhất Tuấn kể lại như sau:

“Tôi làm bài thơ Hoa Học Trò vào thập niên 1960. Thành thật mà nói, tôi bị ảnh huởng bởi mấy câu thơ của nhà thơ đàn anh, thi sĩ Nguyễn Tố, đại khái là tôi thích mấy câu lục bát này của Nguyễn Tố như sau:

Nàng rằng hoa rụng mình ơi
Nhặt cho đầy giỏ rồi chơi vợ chồng
Thế mà khi tới loan phòng
Thì ai? tôi có là chồng nàng đâu…

Và tôi làm bài thơ của tôi khi nhớ lại là cái thuở ngày xưa còn bé cũng chơi với mấy đấng bạn nhi đồng nam nữ xoa hoa dâm bụt, hoa phượng vào má nhau cho đỏ cho đẹp như cô dâu ngày đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Rồi cái số của tôi là ngay từ những bài thơ đầu, tự dưng ưa làm thơ mà nhiều xui xẻo khi vào đoạn kết những bài thơ, để cho có vẻ lâm li bi đát buồn vơi trong các tập “Truyện Chúng Mình” của những ngày xa xưa đó lại có bài thơ “Hoa Học Trò”.

Ca khúc Hoa Học Trò – Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không trở thành 1 trong những ca khúc học trò được yêu thích nhất thập niên 1960.

Bây giờ còn nhớ hay không?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu
Sợ phải lên trên trời…


Click để nghe Nhật Trường & Hoàng Oanh hát Hoa Học Trò trước 1975

Tiếng Hát Học Trò

Trong số những ca khúc viết về tuổi học trò nổi tiếng trước năm 1975, ca khúc Tiếng Hát Học Trò của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Nguyễn Hiền có thể không được nhiều khán giả nhớ đến như nhiều bài nhạc học trò phổ biến khác, nhưng ca khúc này vẫn luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng khán giả với lời ca và giai điệu rất khác biệt.


Click để nghe Thanh Lan hát Tiếng Hát Học Trò trước 1975

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version