Từ xưa đến nay, tiếng mưa thường gợi nên niềm thương cảm và buồn tủi, như trong một câu hát nhạc vàng nổi tiếng: “Đời từ muôn thuở, tiếng mưa có vui bao giờ…”
Mưa đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi đối với những người nhạc sĩ ngày xưa vốn nhạy cảm với khung cảnh chung quanh, đặt biệt là với những tiếng mưa buồn. Hơn nữa, các bài nhạc vàng thì thường mang nhiều tâm trạng buồn, vì vậy mà giọt mưa + nỗi buồn đã xuất hiện trong rất nhiều bài hát nhạc vàng trước năm 1975.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số bài hát nhạc vàng mưa nổi tiếng.
Click để nghe Playlist nhạc Mưa thu âm trước 1975
Hai Mùa Mưa (nhóm Lê Minh Bằng)
Nhắc đến những bài nhạc vàng về mưa hay nhất, không thể nhắc đến ca khúc Hai Mùa Mưa của nhóm Lê Minh Bằng, bài hát làm nên tên tuổi của ca sĩ Trang Mỹ Dung, cũng là người học trò nổi tiếng của lớp nhạc Lê Minh Bằng.
Hai Mùa Mưa là bài hát đầu tiên được Trang Mỹ Dung thu âm vào đĩa của hãng Sóng Nhạc và được khán giả rất yêu thích. Nhiều người vẫn còn nhớ về bản thu âm trước 75 này với tiếng còi tàu buồn man mác ở đoạn kết bài hát do cố nhạc sĩ Y Vân phối âm.
Click để nghe bài hát Hai Mùa Mưa qua tiếng hátTrang Mỹ Dung
Sau thành công với bài Hai Mùa Mưa, nhạc sĩ Anh Bằng còn giao cho ca sĩ Trang Mỹ Dung hát các bài hát về mưa khác là Mưa Đầu Mùa và Cuối Mùa Mưa. Vì vậy, ca sĩ Trang Mỹ Dung còn có một biệt danh là “Giọt Buồn Trong Mưa”.
Sau 1975, một nam ca sĩ rất được yêu thích với bài hát này là Bảo Tuấn trong bản thu trên chương trình Asia.
Click để nghe Hai Mùa Mưa của ca sĩ Bảo Tuấn
Nội dung bài hát nhắc đến tình bạn gắn bó của hai người bạn thân, một người ở lại đưa tiễn một người ra sa trường, giống như nội dung của nhiều bài nhạc vàng khác như Quán Nửa Khuya, Mười Năm Tái Ngộ, Trăng Tàn Trên Hè Phố…
Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.
Chuyện Ba Mùa Mưa (nhóm Lê Minh Bằng)
Đây cũng là một sáng tác nổi tiếng của nhóm Lê Minh Bằng, cũng được Trang Mỹ Dung hát trước năm 1975. Sau năm 1975, bản thu của Tuấn Vũ song ca cùng Hương Lan đến nay vẫn được xem là bản thu thành công nhất của bài hát này.
Nội dung của bài hát là một câu chuyện tình buồn trải qua 3 mùa mưa. Năm đầu là cuộc tình đẹp như giấc mộng, yêu nhau như bướm say hoa. Qua đến năm thứ 2 thì cuộc tình dần tàn phai, rồi cuối cùng chia tay nhau vào năm thứ 3.
Câu chuyện tình trong bài hát như hoa nở thắm tươi nhưng nhanh tàn, giống như hàng triệu cuộc tình khác trên thế gian này. Bối cảnh của bài hát là những mùa mưa, dễ gợi nỗi niềm buồn thương cho những ai cùng tâm trạng với bài hát:
Nhìn trời mưa đổ thấy đau buốt thêm trong lòng
Tình là hoa nở thắm tươi đó nhưng rồi phai
Khi xưa nếu chẳng đem tình dâng hết cho người
Thì nay có đâu buồn…
Click để nghe Chuyện Ba Mùa Mưa của ca sĩ Trang Mỹ Dung
Click để nghe Chuyện Ba Mùa Mưa của Tuấn Vũ và Hương Lan
Mưa Nửa Đêm (nhạc sĩ Trúc Phương)
Mưa thường mang lại những cảm xúc lưu luyến, buồn tủi. Mà mưa rơi về đêm thì càng buồn hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà có khá nhiều bài hát nhạc vàng diễn tả tâm trạng cô đơn lúc đêm về của người nhạc sĩ. Đó là những bài như Ướt Mi (Đừng khóc trong đêm mưa. Đừng than trong câu ca…), Lạnh Trọn Đêm Mưa (Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng. Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm…), Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ (Những đêm mưa tỉnh nhỏ gợi nhớ thuở học trò…)…, trong đó nổi tiếng nhất là bài hát Mưa Nửa Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương:
Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi,
gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang.
Anh gối tay tôi để ôn chuyện xưa cũ
gói trọn trong tuổi nhớ.
Click để nghe Mưa Nửa Đêm được Thanh Thuý hát trước năm 1975
Mưa Nửa Đêm là một bài hát đặc biệt của ông hoàng nhạc bolero Trúc Phương, vì đây là lời khác của bài hát Một Người Đi Xa (Sau những lần gối mỏi tìm cuộc vui tàn từng đêm…) của cùng một tác giả. Nghĩa là 2 bài hát này có cùng một giai điệu nhưng là 2 bài hát có nội dung độc lập.
Click để nghe Duy Khánh hát Một Người Đi Xa – bài hát có cùng giai điệu với Mưa Nửa Đêm
Nhạc sĩ Trúc Phương cũng có 2 bài khác tương tự, mà có thể ít người để ý là bài hát có cùng giai điệu với nhau, đó là Trên Bốn Vùng Chiến Thuật và Chuyện Ngày Xưa 2 (Hôm nào em đến chơi mà quên mang tiếng cười…).
Hầu như những bài hát của nhạc sĩ Trúc Phương đều mang tên trạng buồn. Mưa Nửa Đêm không phải là trường hợp ngoại lệ. Cái buồn trong nhạc của Trúc Phương dường như đã vận vào cuộc đời ông, đặc biệt là những năm cuối đời. Trúc Phương là nhạc sĩ tài hoa hơn rất nhiều nhạc sĩ miền nam khác, vào thời vàng son của nhạc vàng trước 1975, nhạc của Trúc Phương rất ăn khách. Đó là thời điểm mà cuộc sống của ông rất phong lưu, nhưng nhạc của Trúc Phương thì vẫn rất buồn. Buồn như những năm cuối đời của ông vậy:
Khi trót gửi những hình ảnh của tim vào lòng đêm
những kỷ niệm cho nhau nếu mất đi xin đừng quên
Tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt
những giọt mưa cuối cùng.
Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thuỵ Khương)
Mưa thì buồn, mà xứ Huế cũng buồn nữa. Hai tác nhân này hợp tác với nhau trong bài hát Mưa Trên Phố Huế, trở thành một trong những bài hát buồn nhất của nhạc vàng.
CLick để nghe Mưa Trên Phố Huế được Hoàng Oanh hát trước năm 1975
Lúc mới ra mắt, trong bản nhạc tờ phát hành ghi tác giả của bài hát này là Minh Kỳ và Tôn Nữ Thuỵ Khương, làm cho cả làng nhạc miền Nam xôn xao, không biết nàng Tôn Nữ Thuỵ Khương là nàng nào, dung nhan ra sao mà sáng tác được những lời nhạc buồn, lãng mạn đến thế. Cái tên Tôn Nữ Thuỵ Khương còn xuất hiện trong một bài hát về xứ Huế khác, cũng đứng tên chung với nhạc sĩ Minh Kỳ, đó là bài Người Em Vỹ Dạ.
Sau này, nhóm Lê Minh Bằng xác nhận rằng Tôn Nữ Thuỵ Khương là 1 trong rất nhiều bút danh mà nhóm này sử dụng khi sáng tác nhạc, bên cạnh những cái tên nữ tính khác như Trúc Ly, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ.
Có lẽ với riêng với các bài hát viết về xứ Huế, nhóm Lê Minh Bằng muốn sử dụng một cái tên nào đó thật đặc trưng cho xứ Thần Kinh, nên đã lấy tên một nàng Tôn Nữ, ghép chung với nhạc sĩ sáng tác chính của bài hát là Minh Kỳ (là một người con của xứ Huế, và là một người ở trong hoàng tộc nhà Nguyễn).
Mùa Mưa Đi Qua, Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ, Mưa Qua Phố Vắng (nhạc sĩ Hà Phương)
Nếu gọi tên một nhạc sĩ thích viết nhạc về chủ đề mưa, và có nhiều bài hát về mưa nổi tiếng nhất, thì đó có thể là nhạc sĩ Hà Phương – một người nhạc sĩ gắn bó cả đời với vùng đất Mỹ Tho. Chùm 3 bài hát về mưa mà ông sáng tác được yêu thích gần 50 năm qua xuất phát từ mối tình đầu không thành.
Click để nghe Mùa Mưa Đi Qua được ca sĩ Duy Khánh hát trước năm 75
Nhắc đến ba bài hát về mưa nổi tiếng của mình, nhạc sĩ Hà Phương tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ!”.
Mối tình đầu đó tên là Duyên, nên ông đã tách tên này ra thành Du Uyên để ký tên trong bài hát Mùa Mưa Đi Qua. Với trường hợp bài Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ được ca sĩ Giang Tử hát trước năm 1975, nhạc sĩ Hà Phương viết chung với nhạc sĩ Anh Việt Thanh. Lời gốc của bài hát là viết về người chinh nhân (người lính), có lời như sau đây:
Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng.
Trời làm mưa cho ướt áo em thơ mưa rơi từ bao giờ?
Mùa mưa đó anh đi vào sương gió
những đêm mưa tỉnh nhỏ gợi nhớ thuở học trò, tâm tình thường hay ngỏ
trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa.
Mưa, mưa rơi qua phố buồn chạnh lòng bao nhớ thương, từ ngày đi viễn phương.
Ngày xưa đường mưa ướt ê chề, cùng đưa đón nhau về ấm đôi nhân tình trẻ
Một người đi xây cuộc đời, một người đêm tay gối chia ly có gì vui.
Trời mưa nghe giá buốt con tim xua anh vào kỷ niệm thao thức tròn cả một đêm
Gửi về em đêm vắng với cô đơn nỗi buồn trai thời chiến.
Dù ngàn phương nhưng vẫn nhớ nhau luôn biết em giờ có buồn
Người nơi đó những đêm trời mưa gió có thương người tỉnh nhỏ
nuôi nấng trong cuộc đời, những ngày tàn lửa khói
đường đi về chung lối mưa có buồn mình cũng vui.
Click để nghe Giang Tử hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ trước năm 1975
Tuy nhiên, sau năm 1975, do còn ở trong nước, nhạc sĩ Hà Phương đã đổi lại lời khác cho bài hát để ca sĩ trong nước hát, tránh không nhắc tới người lính. Phần lời thứ 2 này phổ biến hơn và được hầu hết các ca sĩ sau này hát, kể cả trong nước lẫn hải ngoại:
Trời đổ mưa, cho phố vắng mênh mông khơi lòng bao nỗi nhớ.
Trời làm mưa cho ướt áo em thơ, mưa rơi từ bao giờ.
Tình yêu đó phôi pha vào sương gió, những đêm mưa tỉnh nhỏ
Gợi nhớ thuở học trò, tâm tình thường hay ngỏ
Trường tan về chung phố, những lúc trời chiều đổ mưa.
Mưa mưa rơi qua phố buồn,
chạnh lòng bao nhớ thương
Chuyện tình yêu vấn vương
Ngày xưa đường mưa ướt ê chề
Cùng đưa đón nhau về ấm đôi nhân tình trẻ
Một người sang ngang cuộc đời
Một người đêm tay gối
Chia ly có gì vui
Trời mưa nghe giá buốt tim
Đưa anh vào kỷ niệm thao thức trọn cả một đêm .
Chờ em đêm vắng với cô đơn ngõ hồn mưa ngập lối
Tình hợp tan nhưng vẫn nhớ nhau luôn, biết em giờ có buồn
Và từ đó những đêm trời mưa gió
Thấu chăng người tỉnh nhỏ
Nuôi nấng cả một đời mối tình thời xa ấy
Giờ đây đường hai lối mưa gió về buồn nào nguôi.
Click để nghe Trường Vũ hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ
Mưa Rừng, Lạnh Trọn Đêm Mưa (nhạc sĩ Huỳnh Anh)
Nếu nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng có các bài hát mưa nổi tiếng là Hai Mùa Mưa, Chuyện Ba Mùa Mưa, Mưa Đầu Mùa…, còn nhạc sĩ Hà Phương cũng có chùm 3 bài hát Mưa nổi tiếng như đã nói bên trên, thì nhạc sĩ Huỳnh Anh cũng có 3 bài hát mưa nổi tiếng: Mưa Rừng, Lạnh Trọn Đêm Mưa và Kiếp Cầm Ca. Ít người biết rằng cả 3 bài hát này đều được nhạc sĩ Huỳnh Anh viết cho một người, một giai nhân của miền Nam, đó là nghệ sĩ Thanh Nga.
Những khán giả yêu nhạc vàng không ai là không biết bài hát “Mưa Rừng” nổi tiếng với giai điệu và lời hát nỉ non tâm sự: Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…
Khởi đầu của bài hát Mưa Rừng không phải là tân nhạc, mà được ra mắt lần đầu dưới dạng tuồng cải lương vào năm 1961, góp phần khẳng định tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Nga.
Nội dung của Mưa Rừng là câu chuyện tình cảm, tâm lý, ly kỳ hư cấu nổi tiếng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng. Ngoài thành công ở thể loại cải lương, Mưa Rừng còn nổi tiếng khi được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch nói và đặc biệt là tân nhạc.
Nguồn gốc của câu chuyện Mưa Rừng: Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga là Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trỗi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó.
Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa Rừng” được soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề. Năm 1961 cũng là thời điểm nhạc sĩ Huỳnh Anh đang tập cho Thanh Nga hát tân nhạc. Ông đã “đo ni, đóng tấc” cho Thanh Nga khi sáng tác Mưa Rừng. Bản này được viết đặc biệt để chủ ý giảm thiểu những sở đoản của một nghệ sĩ cải lương khi hát tân nhạc, và Huỳnh Anh đã dành nhiều thời giờ để tập hát cho Thanh Nga bài này.
Click để nghe Thanh Nga hát Mưa Rừng
Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 1961 và bộ phim năm 1962, khẳng định tên tuổi nhạc sĩ Huỳnh Anh. Mưa Rừng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.
CLick để nghe Thanh Thuý hát Mưa Rừng
9 năm sau sự hợp tác thành công của nhạc sĩ Huỳnh Anh và Thanh Nga trong Mưa Rừng, đến năm 1970, Huỳnh Anh lại có cơ hội làm việc chung với Thanh Nga, tập cho Thanh Nga hát tân nhạc. Người ta đồn đoán rằng giữa 2 người đã nảy sinh tình cảm sau một thời gian. Những buổi Thanh Nga không phải hát, người ta thấy hai người sóng đôi đi chơi. Có khi họ từ hậu trường đi vòng ra rạp ngồi xem trước các cặp mắt tò mò của mọi người. Huỳnh Anh viết bài hát Kiếp Cầm Ca tặng riêng cho Thanh Nga trong dịp này:
Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ
Đời ca hát cho người mua vui
Nhưng khi cánh nhung khép im lìm
Ánh đèn lặng tắt, gởi ai nỗi niềm…
Nội dung của bài hát là nỗi niềm của người ca sĩ sau cánh màn nhung. Từ bài hát Mưa Rừng, đến Lạnh Trọn Đêm Mưa, rồi trong Kiếp Cầm Ca, Huỳnh Anh luôn đưa hình ảnh mưa buồn vào bài hát:
Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca sĩ khóc đời quạnh hiu…
Click để nghe Julie Quang hát Kiếp Cầm Ca
Sự quan tâm mà Huỳnh Anh dành cho Thanh Nga thì ai cũng nhận thấy, nhưng giữa họ chưa bao giờ công khai mối quan hệ tình cảm, cho đến khi Thanh Nga lên xe hoa cùng ông Đổng Lân ít lâu sau đó.
Mỗi tình dở dang, mộng không thành, Huỳnh Anh viết tiếp một ca khúc Mưa, như nối tiếp nỗi buồn trong bài Mưa Rừng, đó là Lạnh Trọn Đêm Mưa với những lời nhạc thở than:
Mưa ơi, mưa gieo sầu nhân thế, mưa nhớ ai?
Biết người thương có còn nhớ hay quên
riêng ra vẫn u hoài
đêm đêm tiếp đêm nhớ mong người đã cách xa…
mưa buồn rơi rơi ngoài phố
nghe như tiếng nhạc buồn triền miên
đêm nao chốn đây ta dìu nhau
trao muôn ngàn lời thơ
chờ mong đến kiếp nào?
Click để nghe Elvis Phương hát Lạnh Trọn Đêm Mưa
Nghe lại và đọc lại những câu cuối trong bài Lạnh Trọn Đêm Mưa, mới thấy tấm chân tình “chờ mong đến kiếp nào” của người nhạc sĩ đa cảm.
Ngoài những bài hát được nhắc đến trong bài này, còn rất nhiều bài hát nhạc vàng về mưa nổi tiếng khác nữa, xin phép được nói đến trong một bài viết sau.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn