Trong dòng nhạc vàng, có một chủ đề nhạc có thể ít người để ý đến, nhưng có khá nhiều bài hát quen thuộc đã trở thành bất tử, đó là nhạc viết về xứ Thượng, nhắc về những sơn nữ vùng cao nguyên. Nét đẹp tự nhiên, mộc mạc và thuần khiết như những bông hoa núi rừng của các cô gái miền sơn cước thường dấy lên những xúc cảm dạt dào của những người nhạc sĩ, rồi đi vào thi ca, âm nhạc, trở thành bất tử với thời gian. Kể từ thời tiền chiến đó có những ca khúc như Sơn Nữ Ca, sau đó là Trăng Sơn Cước, Nương Chiều, Nụ Cười Sơn Cước…
Đến thời thập niên 1960 thì có hàng loạt ca khúc xứ Thượng khác nữa ra đời. Cùng nghe lại những ca khúc này sau đây:
Nỗi Buồn Châu Pha – Nhạc sĩ Lê Dinh
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh (ký bút hiệu Nhật Nguyệt Hồ) nói về một người con gái tên Châu Pha. Nàng là một sơn nữ đẹp như là bông hoa núi rừng, đã đem lòng yêu một anh lính trận khi tình cờ gặp nhau trong lần đơn vị đến thăm buôn làng:
À thì ra Châu Pha đã để ý thương anh lính trận.
Chiều nao qua buông, cùng sơn nữ duyên nồng thắm trao.
Bà con thường trêu Châu Pha, niềm riêng thường hay dấu kín.
Nhưng nay ai ai cũng hiểu nỗi buồn Châu Pha…
Click để nghe Thái Châu hát Nỗi Buồn Châu Pha trước 1975
Thương Về Xứ Thượng – Nhạc sĩ Lê Dinh
Lê Dinh là nhạc sĩ viết về xứ Thượng nhiều nhất, bên cạnh Nỗi Buồn Châu Pha còn có Thương Về Xứ Thượng, Chiều Lên Bản Thương và 1 bài hát viết chung với nhạc sĩ Minh Kỳ là Tiếng Hát Mường Luông, trong đó bài Thương Về Xứ Thượng đã được sáng tác từ cuối thập niên 1950, nói về tâm tư của một người lính đã từng đóng quân ở xứ Thượng, để khi rời xa để về lại phố thị mà vẫn còn niềm vương vấn chốn rừng núi hoang vu.
Click để nghe Thanh Thúy hát Thương Về Xứ Thượng trước 1975
Từ khi xa rừng núi cũ
Chiều sương rơi lạnh hơi thu
Sao thấy lòng thương nhớ
Khi bóng chiều vươn khói trên lưng đồi mịt mù…
Chiều Lên Bản Thượng – Nhạc sĩ Lê Dinh
Trong những bài nhạc vàng viết về xứ Thương của nhạc sĩ Lê Dinh thì Chiều Lên Bản Thượng có lẽ là bài nổi tiếng nhất. Bài hát này được ra đời vào khoảng đầu thập niên 1960, ca sĩ Phương Dung hát lần đầu trong dĩa nhựa, sang thập niên 1970 có thêm Thanh Lan và Nhật Trường & Thanh Tuyền hát trong băng magnetic.
Click để nghe Thanh Lan hát Chiều Lên Bản Thượng trước 1975
Ca khúc này nói về cuộc sống ở một bản của người Mường nơi vùng đồi núi cao nguyên hoang sơ:
Tiếng hát cô Mường vương trên rừng chiều bao la…
Câu hát này bị nhiều ca sĩ hát sai thành “Tiếng hát cô Mường Luông…”, có lẽ là vì nhạc sĩ Lê Dinh cũng có một bài hát khác mang tên Tiếng Hát Mường Luông.
Chiều Lên Bản Thượng có giai điệu rộn ràng như chim kêu, suối chảy, nghe như có gió thoảng, với chút nắng của buổi ban chiều, có sự lãng mạn và thoáng buồn trong tiếng hát sơn nữ núi rừng:
Tiếng hát ôi buồn quá bên lưng đèo cao,
tiếng suối bên ghềnh đá dư âm về đâu.
Nghe khơi bao niềm thương yêu về miền cô liêu bên bản xưa rừng chiều…
Tiếng Hát Mường Luông – Nhạc sĩ Lê Dinh & Minh Kỳ
Bài hát được sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1960, cho đến nay không có nhiều thông tin về ca khúc này, ngay cả địa danh Mường Luông cũng là một bí ẩn. Theo tra cứu thì ở vùng núi phía Bắc có một vùng đất tên Mường Luông, là một thung lũng bằng phẳng và tuyệt đẹp được bao bọc bởi những triền núi điệp trùng. Tuy nhiên địa danh này ở tận Lào Cai, là nơi mà nhạc sĩ Lê Dinh chưa từng đặc chân đến, nên có thể Mường Luông trong bài hát và Mường Luông này không liên quan đến nhau.
Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng Hát Mường Luông trước 1975
Người Tình La Lan – Nhạc sĩ Hàn Châu
Lấy bối cảnh nơi miền sơn cước, bài hát Người Tình La Lan (sau này được biết đến với cái tên Chuyện Tình La Lan) kể về một người sơn nữ có sắc đẹp truyệt trần tên là La Lan ở một nơi gọi là “sóc Ko-man” chốn rừng sâu núi thẳm…
Bài hát này được in nhạc tờ với tác giả là Vinh Sử (Hàn Ni). Tuy nhiên gần đây, nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng ông chính là người sáng tác ca khúc này theo yêu cầu của 1 hãng băng.
Bài hát này nhắc đến những cái tên liên quan đến vùng núi rừng, là những địa danh rất lạ như xứ KO-MAN, điệu vũ Tô Hô. Nhạc sĩ Hàn Châu nói rằng toàn bộ nội dung bài hát là do ông tưởng tượng ra, kể cả tên nàng La Lan, tên của sóc KO-MAN, điệu vũ Tô Hô cũng đều không có thực.
Dù cho Sóc KO-MAN chỉ có trong tưởng tượng, và dù nàng La Lan cùng mối tình sầu bi chỉ là hư cấu, nhưng chuyện tình cảm động trong bài hát này vẫn làm say mê khán giả suốt gần 50 năm qua.
Tôi xin kể ra nơi đây
Chuyện một người thiếu nữ đẹp
Đẹp như đóa hoa lan rừng
Hương sắc ơi mặn nồng.
Nàng mang tên là La Lan
La Lan người xứ KO-MAN
Chưa yêu đương chưa đau thương
Nên nàng chưa biết buồn.
Click để nghe Thái Châu hát Người Tình La Lan trước 1975
Tâm Sự Nàng Buram – Nhạc sĩ Vinh Sử & Ngân Giang
Bài hát viết về một nàng sơn nữ tên là Buram, người ở sóc PRAI, xứ Thượng. Đến tuổi yêu đương nàng biết mộng mơ và trao tình yêu cho một người, nhưng vì chàng trai vô tình không đáp lời nên nàng lúc nào cũng mang một nỗi trầm tư, lệ rưng khóe mắt, nỗi buồn sầu hiện diện trong giọng hát nỉ non của nàng ở nơi núi rừng.
Click để nghe Giao Linh hát Tâm Sự Nàng Buram trước 1975
Ít người biết rằng đây là câu chuyện của thật của nhạc sĩ Ngân Giang. Theo vợ của nhạc sĩ kể lại, câu chuyện xảy ra tại một buôn làng xứ thượng ở Long Khánh vào khoảng giữa thập niên 1960. Lúc đó nhạc sĩ Ngân Giang đóng quân tại đây có chơi thân với một người bạn người đồng bào thiểu số, và người bạn này có người em gái là một sơn nữ xinh đẹp tuổi tròn trăng. Ban đầu nhạc sĩ Ngân Giang bị nàng thu hút, đôi bên bắt đầu chớm thân thiết thì ông chợt nhận ra rằng có nhiều sự khác biệt giữa 2 người đến từ 2 nền văn hóa khác nhau, nếu đến được với nhau thì sẽ khó có được hạnh phúc. Vì vậy chàng rút lui mà không biết rằng người sơn nữ đã đem lòng yêu thương sâu đậm chàng lính người miền xuôi. Sau đó anh của cô gái (cũng là bạn của nhạc sĩ Ngân Giang) nói lại với nhạc sĩ rằng cô đã rất đau khổ vì chuyện tình không thành.
Thời gian sau này, nhớ về mối tình sơn nữ, thương cảm cho người xưa, nhạc sĩ Ngân Giang sáng tác ca khúc Tâm Sự Nàng Buram. Theo vợ của nhạc sĩ cho biết thì Buram là tên của buôn làng của cô gái.
Rồi một ngày chàng trai kia đem nhiều lễ vật kết hôn cùng người sóc PRAI.
Nào ai biết rằng có một người đau nhói trong tim đang úp mặt khóc ròng,
Thương xót duyên phận mình, đó là nàng Buram…
Nàng Buram thẫn thờ, ngồi ưu tư duới trăng lạnh mờ
Khoé mắt xanh lấp lánh lệ rưng rưng với tâm sự buồn
Có người nào hay nỗi lòng nàng không?
Chuyện Tình Sao Ly – Nhạc sĩ Vinh Sử
Một chuyện tình rất ly kỳ của nàng Sao Ly (Sau Ri), người ở làng Kong Rin. Nàng yêu một chàng trai ở làng kế bên là Kam Rây, nhưng vì giữa 2 làng Kong Rin và Kam Rây có một mối thù truyền kiếp nên đôi trai gái không thể nên duyên…
Một ngày kia, theo tiếng gọi của tình yêu, nàng Sao Ly băng ngang lưng đèo, những thác ghềnh cheo leo, dấn thân nơi rừng già để tìm thăm người yêu. Nhưng oan nghiệt thay, tại nơi núi rừng hoang vu đó, nàng đã bị gục ngã bởi mũi cung tên của một chàng trai cùng làng đã mang hờn ghen vì không được Sao Ly đáp lại tình cảm:
Đâu có ngờ tại nơi truông vắng có người đang theo chân nàng
Ôm tình si chàng trai sóc Kong Rin nhẹ nâng cánh cung lên
Buồn biết mấy khi hờn ghen quá
Nên chàng buông tên mũi tên hận thù…
Click để nghe Giao Linh hát Chuyện Tình Sao Ly trước 1975
Chuyện Tình Laonuy
Bài hát này được ca sĩ Phương Đại hát trong băng Kim Đằng 4, và không còn thông tin nào khác liên quan đến bài hát này. Không rõ tên nhạc sĩ, cũng như sau đó không có bất kỳ ca sĩ nào hát lại ca khúc này.
Click để nghe Phương Đại hát Chuyện Tình Slaonuy trước 1975
Bài hát có kết thúc thật bi thảm, là câu chuyện giả tưởng về một nàng sơn nữ tên là Slaonuy, chỉ vì nàng yêu một người Kinh của miền xuôi nên đã bị dân làng mang đi tế cho rừng thiêng.
Hoa rừng ơi, hoa còn đây, con suối hiền còn đó
Anh còn đây nhưng người em sơn nữ đi biền biệt
Ngày nào bên nhau thơ mộng làm sao
Từng chiều lên hay trăng mờ dòng suối
Slaonuy là thơ, Slaonuy là mơ, Slaonuy bé bỏng là hương hoa núi rừng.
Nhưng giờ đây em nằm nghiêng băng giá giữa lòng đất
Cho lòng anh, cho tình anh băng giá trên trần đời
Một loài hoa em chưa kịp đặt tên
Một tình yêu bao nhiêu là trìu mến
Anh không phụ em hoa tươi đẹp thêm sao ai nỡ đành đoạn ly tan mối tình.
Ôi có phải vì em không nhận tình yêu của người sơn cước
Yêu người Kinh xa vời là gieo oán hờn và đời đời như kẻ thù
Rồi một chiều Khem-lam vui hội thiêng, nàng là người được dân làng mang tế
Trong lửa reo trong nhạc gào xô đẩy em đi vào dâng tiết trinh cho thần rừng thiêng.
Ôi rừng thiêng, xin rừng thiêng thương xót giùm hiền nữ
Xin bình yên xin bình yên muôn kiếp nơi tuyền đài
Này cụm hoa anh mang về miền Kinh
Lời thề xưa anh xin tròn mộng ước
Slaonuy là thơ, Slaonuy là hoa, Slaonuy của một tình yêu chưa phỉ nguyện.
Sơn Nữ Ca – Nhạc sĩ Trần Hoàn
Trong những bài hát viết về vùng sơn cước, có lẽ bài Sơn Nữ Ca của nhạc sĩ Trần Hoàn là ra đời đầu tiên, từ năm 1948, nhắc về những hình ảnh thật đẹp và lãng mạn nơi núi rừng:
Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh
Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng
Một đêm trong rừng vắng
Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng
Click để nghe Sĩ Phú hát Sơn Nữ Ca trước 1975
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn