Những bài nhạc vàng nổi tiếng bị nhầm lẫn tên nhạc sĩ: Tàu Về Quê Hương, Phượng Buồn, Huế Xưa…

Trong số hàng ngàn bài hát nổi tiếng của nhạc trữ tình miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975, có không ít bài hát bị ghi nhầm tên nhạc sĩ trên bìa băng đĩa nhạc, dẫn tới sự nhầm lẫn của công chúng nghe nhạc.

Sự nhầm lẫn này thường do vấn đề in ấn sau năm 1975 tại hải ngoại, với lý do là tam sao thất bản, hoặc do vấn đề phát hành nhạc trên xứ người nên không còn văn bản để đối chiếu, chỉ dựa theo thông tin truyền miệng nên không thể tránh khỏi sai sót. Một số trường hợp khác đến từ sự cố tình ghi sai tên nhạc sĩ, cụ thể hơn sẽ được nhắc đến trong bài viết.

Tàu Về Quê Hương (nhạc sĩ Hồng Vân)

Bài hát này một thời gian dài bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thậm chí là gần đây, trong chương trình Âm Nhạc Việt Nam Những Chặng Đường được phát trên VTV, người dẫn chương trình còn khẳng định Hồng Vân là một bút hiệu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây là một nhầm lẫn rất tai hại của những người biên tập chương trình này, vì Hồng Vân là một nhạc sĩ có tiếng và hoàn toàn không liên quan gì tới nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Nhạc sĩ Hồng Vân tên thật là Trần Công Quý, ông cũng có sáng tác 1 số ca khúc với bút hiệu là Trần Quý là Chuyện Lính, Giận Nhau Một Tuần…

Những bài hát nổi tiếng nhất của ông ký bút hiệu Hồng Vân là Tàu Về Quê Hương, Chuyện Phim Buồn, Tôi Mất Người Yêu… đặc biệt là ông có thời gian dài sống ở Đà Lạt trước khi chuyển vào Sài Gòn nên đã sáng tác một số bài hát về xứ Đà Lạt nổi tiếng: Đồi Thông Hai Mộ, Chuyện Hồ Than Thở, Trăng Sáng Đồi Thông… 

Ít người biết rằng bút hiệu Hồng Vân là tên của vợ của ông, và người vợ này cũng chính là một nhạc sĩ sáng tác, lấy bút hiệu là Như Phy với những bài nhạc vàng quen thuộc là Người Mang Tâm Sự, Hai Đứa Nghèo…

Sau 1975, nhạc sĩ Hồng Vân và sợ sống âm thầm ở Sài Gòn, đến nay không còn rõ tung tích.

Sau đây mời các bạn nghe lại bài Tàu Về Quê Hương:


Click để nghe Thái Châu và Thanh Tuyền song ca Tàu Về Quê Hương trước 1975

Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau luôn
Về đây mình sống vui hơn
Về đây mình có nhau luôn chẳng bao giờ buồn.

Giã Biệt Sài Gòn (nhạc sĩ Hoài Nam)

Đây là một bài nhạc lính nổi tiếng được nhiều người yêu thích:

Cùng trang cùng lứa chúng tôi cùng đơn vị thương mến nhau chung một toán
Giã từ Sài Gòn yêu nửa đêm tâm sự lính kiếp tha hương độc hành
Vui chung cuộc hành trình phong sương chưa lần bước ba tháng dài được là bao
Hỏi em em lại khóc bàn tay xin níu lại xin thời gian chưa qua mau.

Hiện nay trên internet ghi tên người sáng tác bài này là Tú Nhi (tức ca sĩ Chế Linh). Trong một lần trình diễn bài này, ca sĩ Phương Dung cũng từng giới thiệu là của Tú Nhi. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ trực tiếp với danh ca Chế Linh, ông nói rằng đây là không phải là bài của ông sáng tác, và chính ông cũng không rõ tác giả bài này là ai.

Cũng có một vài người khẳng định đây là một bài hát của nhạc sĩ Nam Lộc, tuy nhiên thông tin này hoàn toàn không đúng. Thứ nhất, đây không phải là bài hát thuộc dòng nhạc mà nhạc sĩ Nam Lộc sở trường, vì ông vốn chỉ nổi tiếng với dòng nhạc trẻ. Ngoài ra, chính nhạc sĩ Nam Lộc từng khằng định rằng trước năm 1975, ông chưa từng tự sáng tác nhạc, mà chỉ viết lời cho nhạc nước ngoài. Ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Nam Lộc tự sáng tác cả nhạc lẫn lời là Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt (còn có tên khác là Vĩnh Biệt Sài Gòn) với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Có lẽ vì nhiều người nhầm 2 cái tên Giã Biệt Sài GònVĩnh Biệt Sài Gòn nên cho rằng Giã Biệt Sài Gòn là một sáng tác của Nam Lộc.

Mời các bạn nghe lại ca khúc này được thu âm trước 1975:


Click để nghe Thái Châu hát Giã Biệt Sài Gòn trước 1975

Một thời gian dài bài hát này xem như là “khuyết danh”, không rõ tên nhạc sĩ. Tuy nhiên sau khi bài viết này được đăng tải, nhạc sĩ Hà Phương (tác giả Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ) cho biết tác giả sáng tác Giã Biệt Sài Gòn là cố nhạc sĩ Hoài Nam (cũng là tác giả của Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường). Trước năm 1975, 2 nhạc sĩ Hà Phương và Hoài Nam có sinh hoạt văn nghệ chung, nên thông tin mà nhạc sĩ Hà Phương cung cấp rất đáng tin cậy.

Thương Về Miền Trung (nhạc sĩ Duy Khánh)

Bài hát Thương Về Miền Trung được biết đến là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Duy Khánh, được sáng tác và phát hành nhạc tờ lần đầu tiên vào năm 1962. Tuy nhiên nhiều nơi khác lại ghi bài hát này là của Châu Kỳ, hoặc Minh Kỳ.

Nếu dựa theo văn bản cụ thể của ngày xưa còn lưu lại, thì các tờ nhạc phát hành trước năm 1975, ở mặt sau đều ghi rõ Thương Về Miền Trung là một sáng tác của Duy Khánh được viết vào năm 1962 (xem hình bên dưới).

Tờ nhạc ghi rõ các tác phẩm do nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác theo các năm

Vì sự thành công ngoài mong đợi của bài hát Thương Về Miền Trung, nhạc sĩ Duy Khánh đã viết tiếp bài Thương Về Miền Trung 2 với tên khác là Sao Không Thấy Anh Về, cũng rất được yêu thích.

Thương Về Miền Trung 2 do nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác

Theo một bài viết của cố nhạc sĩ Phượng Vũ lúc sinh thời, Phượng Vũ có mối quan hệ thân tình với Duy Khánh từ hồi còn đi học, Phượng Vũ cho biết ông biết rõ văn phong, ý tình và nét lãng tử phong lưu của Duy Khánh, nên Phượng Vũ đã quả quyết rằng nét nhạc của bài Thương Về Miền Trung chắc chắn của Duy Khánh sáng tác.

Nhạc sĩ Phượng Vũ (giữa) và nhạc sĩ Duy Khánh

Ngoài ra, trong một clip phỏng vấn Duy Khánh ở ở ngoại năm 1988 (ngay sau khi ông qua Mỹ), ông đã xác nhận tình cảm sâu đậm của ông dành cho xứ Huế nên ông đã sáng tác nhiều bài nhạc về Huế như Thương Về Miền Trung, Sao Không Thấy Anh Về, Bao Giờ Em Quên, Sầu Cố Đô… (xem ở giây thứ 20, video bên dưới).


Đoạn phỏng vấn Duy Khánh năm 1988 (xem ở giây 20)

Lúc còn sinh tiền, nhạc sĩ Châu Kỳ chưa bao giờ nói rằng bài hát Thương Về Miền Trung là của ông. Tuy nhiên thời gian gần đây, gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ lên tiếng trên báo chí là bài hát này của Châu Kỳ sáng tác. Dĩ nhiên là mỗi người đều có lý do riêng để khẳng định, tuy nhiên cả 2 nhạc sĩ Duy Khánh và Châu Kỳ từ lâu đã trở thành người thiên cổ, nên khó có thể khẳng định chắc chắn ai là tác giả thật sự.

Có một thời gian mà hầu như tất cả băng đĩa nhạc trong nươc thập niên 1990 đều ghi Thương Về Miền Trung là của nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác, dù ông không liên quan gì đến bài hát này. Lý do của việc này, đó là vì nhạc sĩ Duy Khánh lúc đó vẫn còn bị cấm về nhân thân, nên những tác phẩm bất hủ của ông không được lưu hành ở trong nước. Để lách luật, các nhà sản xuất băng đĩa của Việt Nam thời đó đã đổi tên người sáng tác từ Duy Khánh thành Minh Kỳ (một người đã qua đời từ năm 1975) để băng đĩa nhạc được cấp phép phát hành. Việc này đã dẫn đến sự hiểm lầm trong công chúng về tác giả thật sự của Thương Về Miền Trung suốt một thời gian dài.

Thư Về Em Gái Thành Đô (nhạc sĩ Duy Khánh)

Bài hát Thư Về Em Gái Thành Đô của nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác, và ông cũng là người hát bài này thành công nhất. Tuy nhiên đã có sự nhầm lẫn của nhiều người khi nói rằng bài hát này của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em
Về kể chuyện rừng xanh
Chuyện vui buồn quân ngũ, chuyện quân hành đất đỏ
Nhiều đêm dài mưa đổ
Nhưng ngại em nhớ tôi chăng?


Click để nghe Thư Về Em Gái Thành Đô qua tiếng hát của chính tác giả

Xuân Này Con Không Về (nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân)

Ngược lại với bài Thương Về Miền TrungThư Về Em Gái Thành Đô, dù của nhạc sĩ Duy Khánh nhưng lại ghi tên của nhạc sĩ khác, thì bài Xuân Này Con Không Về của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh – Nhật Ngân), nhưng nhiều người tưởng rằng bài hát này của Duy Khánh sáng tác. Có người còn lầm tưởng rằng bút hiệu Trịnh Lâm Ngân là của Duy Khánh, có lẽ là vì ca nhạc sĩ Duy Khánh đã quá thành công với ca khúc này. Có nhiều người kể lại rằng vào thập niên 1960, mỗi dịp đầu năm ở nơi tiền đồn, anh lính nào mà nghe Duy Khánh hát bài này là chỉ muốn buông súng để về ngay dưới mái tranh nghèo:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…


Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975

Huế Xưa (nhạc sĩ Anh Bằng)

“Huế Xưa” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về xứ Huế, được sáng tác sau năm 1975. Tác giả thật sự của bài hát này là Anh Bằng, nhưng thường bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Châu Kỳ:

Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
của lũy tre Thôn Vỹ hiền từ, của kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá, cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
lũ chim quyên ngất ngây từ xa…


Click để nghe Huế Xưa – Thiên Trang hát

Nguyên do của việc này cũng gần tương tự bài hát Thương Về Miền Trung. Thời điểm thập niên 1990-2000, nhiều ca sĩ trong nước hát bài Huế Xưa, nhưng lúc đó tác giả là Anh Bằng vẫn bị cấm về nhân thân tại Việt Nam, nếu ghi tên nhạc sĩ Anh Bằng thì sẽ không được phát hành. Vì vậy tên nhạc sĩ đã bị đổi, từ Anh Bằng thành Châu Kỳ, là nhạc sĩ ở lại trong nước sau năm 1975.

Cẩm Ly hát Huế Xưa, ghi tên nhạc sĩ là Châu Kỳ

Từ thập niên 1980, nhạc sĩ Anh Bằng là người sáng lập ra trung tâm băng nhạc Dạ Lan (sau này là trung tâm Asia). Những năm đó, khi ca sĩ Thiên Trang vừa sang đến hải ngoại, đích thân nhạc sĩ Anh Bằng mời Thiên Trang về Asia cộng tác và chỉ dẫn thêm cho cô về nhạc lý, đồng thời đưa cho Thiên Trang hát ca khúc mà ông vừa sáng tác, chưa có ai hát trước đó, chính là bài Huế Xưa, trong một băng nhạc toàn những bài do ông sáng tác: băng Asia 31 chủ đề Tình Khúc Anh Bằng:

Phượng Buồn (nhạc sĩ Tuấn Hải)

Một thời gian rất dài khoảng hơn 20 năm, trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc trong nước vào thập niên 1990-2000, nếu có bài hát Phượng Buồn, thì hình bìa sau đều ghi tác giả của bài này là nhạc sĩ Thanh Sơn – Phương Vũ (hoặc Nguyên Vũ).

CD nhạc Bảo Yến của Hãng Phim Trẻ phát hành ghi Phượng Buồn của Nguyên Vũ

Tệ hơn nữa, khi Đàm Vĩnh Hưng hát bài này trong Album CD vol.6 của Cẩm Ly, tên nhạc sĩ được sáng tạo thành Phương Sơn (ghép từ 2 cái tên Phương Vũ – Thanh Sơn).

CD Cẩm Ly cũng của Hãng Phim Trẻ lại ghi Phượng Buồn của Phương Sơn

Thực tế, không có tên nhạc sĩ nào là Phương Vũ, chỉ có nhạc sĩ Phượng Vũ (tác giả bài Cánh Thư Mùa Hạ), cũng như không có tên nhạc sĩ nào là Nguyên Vũ, chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Vũ (tác giả Bài Thánh Ca Buồn).

Còn nhạc sĩ Thanh Sơn là tác giả của rất nhiều bài hát về mùa hạ, hoa phượng như là Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn, Ba Tháng Tạ Từ… nhưng ông không phải là tác giả của Phượng Buồn nổi tiếng với lời hát: “Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng…”


Click để nghe Hoàng Oanh hát Phượng Buồn trước 1975

Lúc nhạc sĩ Thanh Sơn còn sinh tiền, có 1 người bạn “xúi” ông nhận đại là tác giả của ca khúc này để nhận tiền bản quyền, tuy nhiên với bản tính tự trọng của một nhạc sĩ lớn, Thanh Sơn kiên quyết từ chối và nhiều lần khẳng định ông không phải là tác giả của Phượng Buồn.

Thời gian sau này, nhờ có internet, nhiều khán giả yêu nhạc vàng đã biết rằng tác giả chính xác của Phượng Buồn là nhạc sĩ Tuấn Hải hiện vẫn đang định cư ở Úc.

Nguyên do của việc này, theo chính nhạc sĩ Tuấn Hải kể lại, là vì hồi thập niên 1990, khi một số bài nhạc vàng và trữ tình bắt đầu được cho phép thu âm trở lại ở trong nước, các hãng băng nhạc trong nước đã mời nhạc sĩ Vinh Sử làm biên tập để thực hiện một số băng nhạc, trong đó có sử dụng bài hát Phượng Buồn, nhưng tên tác giả là Thanh Sơn để tiện cho việc kiểm duyệt và phát hành. Bởi vì lúc đó nhạc sĩ Tuấn Hải đã ra hải ngoại, nếu ghi tên ông trong bìa băng nhạc thì sẽ không được phát hành.

CD nhạc Ngọc Sơn của Hãng Phim Trẻ ghi Phượng Buồn của Nguyễn Vũ

Kể từ đó, trong gần 30 năm, công chúng vẫn tưởng là bài hát Phượng Buồn của nhạc sĩ Thanh Sơn, Nguyên Vũ, Nguyễn Vũ hay là Phương Vũ.

Ngoài những bài hát đã kể ở trên, còn rất nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng bị nhầm lẫn tên nhạc sĩ, đó là Hoa Biển, Lời Tình Viết Vội, Rong Rêu, Ngỏ Hồn Qua Đêm, Đôi Mắt Người Xưa… Câu chuyện về những trường hợp này sẽ được nhắc đến trong một bài viết sau.

Đông Kha biên soạn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version