Những bài nhạc vàng nổi tiếng bị ghi sai tựa đề – Phần 2: Em Là Tất Cả, Ngỏ Hồn Qua Đêm, Trả Tôi Về…

Sau khi đăng phần 1 và được nhiều người ủng hộ, xin nối tiếp loạt bài đính chính về tựa đề những bài hát nổi tiếng mà lâu nay bị nhiều người ghi sai. Ở phần tiếp theo này là những tên bài hát bị ghi sai chính tả, hoặc bị người khác cố tình đổi tên bài.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

1. Ngỏ Hồn Qua Đêm – nhạc sĩ Hoàng Trang (Bị nhầm tên thành Ngõ Hồn Qua Đêm)

Có lẽ có đến 99% trường hợp các hãng băng đĩa, ca sĩ, và cả người yêu nhạc ghi sai tên bài hát này. Tên bài hát đúng phải là Ngỏ Hồn Qua Đêm (Ngỏ ở đây là Ngỏ Ý), nhưng hầu hết các băng đĩa nhạc hải ngoại ghi thành Ngõ Hồn Qua Đêm (Ngõ là Ngõ Hẻm).

Khi nhìn lại tờ nhạc phát hành trước năm 1975 của nhà xuất bản Minh Phát, tên bài hát ghi rõ là Ngỏ chứ không phải là Ngõ. Sẽ có nhiều người nghi ngờ đó là “lỗi đánh máy” ngày xưa nên ghi sai chính tả. Tuy nhiên khi người viết hỏi lại người nhà của nhạc sĩ Hoàng Trang (tác giả sáng tác bài này) thì được xác nhận chính xác tên bài hát là Ngỏ Hồn Qua Đêm, có ý nghĩa là lời tự sự trong đêm của tác giả.

Bài hát có 2 câu đầu là:

Chiều bàn giao cho vùng đêm đen biên giới
Theo cánh quân, anh đóng ven lưng chừng đồi…

Tuy nhiên rất nhiều nơi ghi là “Chiều Bản Giao”, với ý nói là một bản làng nào đó ở miền núi. Ý nghĩa này sai hoàn toàn so với lời nhạc in trong tờ nhạc gốc. Ngoài ra các ca sĩ trước 1975 cũng hát rất rõ là “bàn giao”. “Chiều bàn giao cho vùng đêm đen” có ý nghĩa là một khung cảnh của một chiều hoàng hôn chạng vạng, chuẩn bị được bóng đêm phủ xuống ở một vùng biên giới được nhắc tới trong bài hát.


Click để nghe Ngỏ Hồn Qua Đêm trong băng Shotguns, tiếng hát Thanh Thúy

Khi được phát hành, Ngỏ Hồn Qua Đêm được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên ghi tên sáng tác cho bài hát này là Triết Giang – Hàn Châu, trong đó Triết Giang là Hoàng Trang, còn Hàn Châu là bút danh mới của Lê Đình Nam. Hàn Châu sau đó trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và sáng tác những ca khúc mượn hình ảnh hỏa châu trong bài Ngỏ Hồn Qua Đêm để sáng tác Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Đêm Hỏa Châu…

2. Đôi Ngả Chia Ly – nhạc sĩ Khánh Băng (Bị nhầm tên thành Đôi Ngã Chia Ly)

Trường hợp ghi sai chính tả tên bài hát gần tương tự với Ngỏ Hồn Qua Đêm, đó là bài Đôi Ngả Chia Ly, thường bị ghi sai chính tả thành Đôi Ngã Chia Ly.


Click để nghe Thanh Tuyền hát Đôi Ngả Chia Ly trước 1975

Có lẽ vì văn nói của người miền Nam thường không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã, nên hai chữ Ngã và Ngả nói giống nhau, gây ra sự nhầm lẫn. Ngả nghĩa là Ngả Đường, còn Ngã là bị Ngã (té) xuống. Vì vậy Đôi Ngả Chia Ly có nghĩa là đôi tình nhân sẽ chia ly 2 ngả đường, mỗi người đi mỗi ngả. Nếu nhìn lại tờ nhạc phát hành trước 1975 thì thấy ghi đúng là Đôi Ngả. Tuy nhiên trong các hình bìa băng nhạc trước 1975 thì lại ghi sai chính tả thành Đôi Ngã Chia Ly.

3. Tình Nào Trong Mắt Em – nhạc sĩ Ngân Giang (Bị nhầm thành tên Đôi Mắt Người Xưa)

Chuyện tình của tôi,
tan vỡ từ lâu rồi
tưởng không bao giờ còn nhớ
Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị,
tôi gặp người yêu ngày nào.

Đó là lời của một ca khúc rất quen thuộc đối với những người yêu nhạc vàng có tựa đề là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, nhưng sau này thường bị ghi sai tên thành Đôi Mắt Người Xưa, và tên nhạc sĩ cũng đổi thành Trúc Phương.

Sự nhầm lẫn nghiêm trọng này có lẽ xuất phát từ lời của bài hát, có nhắc nhiều lần câu: “đôi mắt người xưa”, nói về đôi mắt của một người con gái đã làm cho người tình cũ bị ám ảnh không nguôi khi vô tình gặp lại trên phố sau một thời gian dài xa cách. Vì vậy sau 1975, khi các ca sĩ hát lại ca khúc này tại hải ngoại thì tưởng rằng bài hát này tên là Đôi Mắt Người Xưa, trùng tên với một bài hát do nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác (ít người biết đến và không nổi tiếng bằng bài Tình Nào Trong Mắt Em). Từ đó xảy ra tình trạng có thể gọi là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ca sĩ hát bài Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang nhưng lại để tên bài hát là Đôi Mắt Người Xưa, ghi tên sáng tác là Trúc Phương.

Trong cuốn băng Premier 3 phát hành trước 1975, Chế Linh hát ca khúc này và ghi rõ là Tình Nào Trong Mắt Em của nhạc sĩ Ngân Giang, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Chế Linh hát Tình Nào Trong Mắt Em trước 1975

4. Trả Tôi Về – nhạc sĩ Mặc Thế Nhân (Bị nhầm tên thành Xin Trả Tôi Về)

Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân được ca sĩ Thiên Trang hát lần đầu trong dĩa nhựa. Trong bản in tờ nhạc cũng như hình bìa dĩa nhạc đều ghi tên bài hát là Trả Tôi Về.

Bìa dĩa nhựa có bài Trả Tôi Về của Thiên Trang hát


Click để nghe bản thu âm đầu tiên của Thiên Trang trong dĩa nhựa (chất lượng không được tốt)

Tuy nhiên thời gian sau này, bài hát lại được biết đến nhiều hơn với cái tên Xin Trả Tôi Về, là cụm từ lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài hát:

Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Ôi tình quê trìu mến…

5. Chia Ly – nhạc sĩ Đỗ Lễ (Bị nhầm tên thành Chuyện Buồn Tình Yêu)

Nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Lễ, nhiều người yêu nhạc nhớ đến ca khúc thất tình nổi tiếng Sang Ngang, viết cho mối tình đơn phương đẫm nước mắt của ông với nữ ca sĩ nổi tiếng Lệ Thanh:

Thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi!
Em hỡi đôi mình, mộng nay đã tan, tình đã dở dang…

Nội dung bài hát là đêm cuối gặp nhau của đôi tình nhân, là lần gặp nhau cuối cùng để hôm sau người con gái lên xe hoa về nhà người. Ít người biết rằng nhạc sĩ Đỗ Lễ còn có 1 ca khúc khá nổi tiếng khác có nội dung tương tự như Sang Ngang, đó là bài hát mang tên là Chia Ly, có lời nhạc như sau:

Nói đi em câu chuyện buồn tình yêu
Nói đi em vì mình thương quá nhiều
Khóc làm chi cho hoen úa rèm mi
Cho héo úa xuân thì
Nhớ thương nhau rồi đi…

Nhiều người biết đến ca khúc này với cái tên Chuyện Buồn Tình Yêu của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. Đây có lẽ là một sự nhầm lẫn rất của những người làm công việc sản xuất băng đĩa, dẫn đến hầu hết các băng nhạc, CD nhạc ở hải ngoại đều ghi tên ca khúc này là Chuyện Buồn Tình Yêu của Mặc Thế Nhân.

Thái Châu hát bài này tại trung tâm Asia, trên bìa ghi tên Chuyện Buồn Tình Yêu của Mặc Thế Nhân

Tên đúng của ca khúc này là Chia Ly, mời các bạn nghe lại qua giọng ca của Mỹ Thể thu live trong băng nhạc Jo Marcel trước 1975:


Click để nghe Mỹ Thể hát trước 1975

Sau đây là nhạc tờ bản gốc ca khúc này:

6. Em Là Tất Cả – nhạc sĩ Lam Phương (Bị nhầm tên thành Thao Thức Vì Em)

Em Là Tất Cả là một trong những bài nhạc vàng quen thuộc nhất của nhạc sĩ Lam Phương, và theo MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại thì ca khúc này để ghi dấu tình cảm mà nhạc sĩ dành cho nữ ca sĩ xinh đẹp Minh Hiếu.

Hình Minh Hiếu trên bìa tờ nhạc Em Là Tất Cả


Click để nghe Minh Hiếu hát Em Là Tất Cả trước 1975

Sau năm 1975, một thời gian dài nhiều nơi ghi sai tên bài hát này thành Thao Thức Vì Em, nguyên nhận là vì bị 1 nhạc sĩ trong nước đổi tựa đề, đổi cả tên nhạc sĩ để lưu hành trong nước.

Trong một bài viết về nhạc sĩ Lam Phương, MC Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại:

Bài này quá phổ biến, quá nhiều ca sĩ hát, nhất là trong các đĩa karaoke. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người tự động đổi tên nó thành: “Thao Thức Vì Em”.

Tôi nhớ có lần đi show, tôi hỏi cô ca sĩ sắp ra sân khấu:

– Cháu hát bài gì để chú giới thiệu?

– Thưa chú bài Thao Thức Vì Em của Lam Phương.

Tôi ngạc nhiên bảo:

– Theo chú biết thì Lam Phương không có bài nào tên là Thao Thức Vì Em…

Mà quả thật, trên nhiều đĩa karaoke và thậm chí trên bản nhạc in lại, người ta thản nhiên ghi tựa là Thao Thức Vì Em! Hễ có dịp, tôi đều đính chính lại để tôn trọng tác giả, bởi tác giả đã đặt tên bài hát đó là Em Là Tất Cả.

7. Đêm Không Ngủ – nhạc sĩ Anh Bằng (Bị nhầm tên thành Bao Đêm Không Ngủ)

Cùng chung số phận giống như Em Là Tất Cả, bài hát mang tên Đêm Không Ngủ của nhạc sĩ Anh Bằng cũng bị nhạc sĩ trong nước nọ đổi tên thành Bao Đêm Không Ngủ, đổi lại cả tên nhạc sĩ thành Vinh Sử.


Click để nghe Nhật Thiên Lan hát Đêm Không Ngủ trước 1975

Trước năm 1975, ca sĩ Nhật Thiên Lan từng nổi tiếng với Đêm Không Ngủ, nhưng từ thập niên 1990, các ca sĩ trong nước lại hát bài này với tên Bao Đêm Không Ngủ, kể cả các ca sĩ và trung tâm tại hải ngoại như Thúy Nga với Hoàng Lan, Lam Anh…

CD nhạc Lam Anh – Quang Lê ghi tên tác giả Bao Đêm Không Ngủ là Vinh Sử

Một điều trớ trêu hơn nữa là sự sai lầm đó lại diễn ra ngay tại trung tâm Asia (trung tâm do chính nhạc sĩ Anh Bằng sáng lập). Vào năm 2015, khi nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn tại thế, ca sĩ Trúc Mi hát bài Đêm Không Ngủ và lại ghi tên tác giả là Vinh Sử.

Chính trung tâm Asia cũng ghi sai tên bài hát của “người sáng lập” Anh Bằng thành của Vinh Sử

Sau đây là tờ nhạc gốc bài Đêm Không Ngủ của nhạc sĩ Anh Bằng:

8. Ly Ca – nhạc sĩ Phương Trà (Bị nhầm tên thành Giã Biệt Trường Xưa)

Tương tự như 2 bài hát Em Là Tất CảĐêm Không Ngủ, trường hợp bài hát Ly Ca cũng tương tự: Bị 1 nhạc sĩ trong nước đổi tên cả bài hát lẫn tên nhạc sĩ.

Biết rằng mai này xa bạn xa thầy
Cúi mặt tim buồn ngấn lệ ngắn dài
Thương cổng trường từ đây khép kín
Thương dãy bàn nằm im câm nín
Thương những bông hoa rụng bên sân.

Đó là những lời hát của ca khúc đã nổi tiếng với giọng hát Phượng Mai khoảng thập niên 1990 với tên bài hát là Giã Biệt Trường Xưa. 


Click để nghe Phượng Mai hát

Bài hát này được nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng) sáng tác vào đầu thập niên 1970 với bút danh Phương Trà, tên gốc bài hát là Ly Ca, đã được ca sĩ Thanh Tuyền hát lần đầu trong băng nhạc Premier 6 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.


Click để nghe ca sĩ Thanh Tuyền hát trước 1975

Sau năm 1975, nhóm 3 nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng mỗi người một nơi: Nhạc sĩ Anh Bằng sang Mỹ, nhạc sĩ Lê Dinh sang Canada, còn nhạc sĩ Minh Kỳ ở lại trong nước và qua đời trong trại tập trung vào tháng 8 năm 1975. Từ đó cho đến tận những năm 2010, hầu hết nhạc của nhóm Lê Minh Bằng, hoặc của 2 nhạc sĩ Lê Dinh, Anh Bằng đều bị cấm phát hành ở trong nước.

Khoảng thập niên 1980, bài hát Ly Ca được được sử dụng trong các băng nhạc trong nước, nhưng đổi tên bài hát thành Giã Biệt Trường Xưa, đổi cả tên người sáng tác để ca sĩ trong nước được phép hát.

Ca khúc này sau đó nổi tiếng sang đến hải ngoại và được nhiều ca sĩ hải ngoại hát lại, nhưng một điều đáng buồn là ngay tại hải ngoại, cái tên gốc Ly Ca bị lãng quên, thay vào đó là cái tên sai là Giã Biệt Trường Xưa được sử dụng một thời gian dài gây ra sự nhầm lẫn với nhiều người. Gần như không còn ai nhớ đến Ly Ca của Phương Trà nữa, mà chỉ còn Giã Biệt Trường Xưa của Vinh Sử.

CD nhạc Giao Linh của trung tâm Làng Văn, ghi tên bài hát Giã Biệt Trường Xưa của Vinh Sử

Dưới đây là tờ nhạc bài Ly Ca phát hành trước 1975:

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version