Những bài nhạc vàng đã ra đời cách đây trên dưới nửa thế kỷ, trong quá trình hát và truyền miệng đã bị tam sao thất bản, biến đổi lời. Bản gốc không được lưu giữ dẫn đến mỗi ca sĩ hát một lời mà không có cơ sở để đối chứng, chỉnh sửa. Thông thường, những trường hợp này, lời ca khúc được truyền nhau hát từ thế hệ này sang thế hệ khác, một người hát sai thì dẫn đến nhiều người sau đó cũng hát sai theo.
Trong đó, việc hát sai lời gốc của bài hát được chia thành 3 trường hợp chính sau đây.
1. Sai lời do không hiểu nội dung bài hát
Trường hợp các ca sĩ hát sai lời so với bản nhạc gốc của nhạc sĩ thường là các ca sĩ trẻ hát dòng nhạc vàng. Họ là thế hệ sau nên thiếu kiến thức hoặc thiếu sự trải nghiệm đối với hoàn cảnh sáng tác nên hiểu nhầm ý nghĩa của câu, từ của bài hát. Một số trường hợp ca sĩ hát sai những chữ thông thường, không ảnh hưởng tới nội dung câu hát, bài hát. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chỉ cần hát sai 1 chữ cũng làm cho ý nghĩa sai hoàn toàn, hoặc câu hát trở thành tối nghĩa, làm bối rối người nghe nhạc.
Các trường hợp điển hình ca sĩ hát sai lời làm sai ý nghĩa của câu hát:
Trong bài hát nổi tiếng Đà Lạt Hoàng Hôn, có 1 câu hát mà nhạc sĩ Minh Kỳ sử dụng chữ tương đối lạ, làm cho nhiều ca sĩ không hiểu và hát sai lời nhiều nhất là:
“…bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn THÙA màn đêm…”
Trước năm 1975, Thanh Tuyền là người duy nhất hát bài Đà Lạt Hoàng Hôn. Cho đến nay, cô cũng là người duy nhất hát đúng lời gốc của bài hát, đặc biệt là ở cụm từ “hoàng hôn thùa màn đêm” (là khoảng thời gian chạng vạng, chuyển chiều sang tối). Sau này các ca sĩ trẻ hát thành “thua màn đêm” hay “khua màn đêm” đều vô nghĩa.
Xem lời gốc của bài hát, được in trong tờ nhạc phát hành trước 1975, bản in ghi rõ là “thùa màn đêm”. Ngoài ra một điểm lưu ý trong bài này, cũng được in trong tờ nhạc, là 1 số chữ trong bài Đà Lạt Hoàng Hôn có 2 cách hát khác nhau, và cách nào cũng đúng so với lời gốc của tác giả:
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố PHƯỜNG…
hoặc:
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố NHỎ…
Và câu:
Giờ đây HƠI SƯƠNG giá buốt…
hoặc
Giờ đây ĐI TRONG giá buốt…
Một trường hợp khác là bài Thành Phố Buồn, tác giả Lam Phương ghi lời là: “Rồi từ đó, TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người”. Ca sĩ Phương Dung đã xác nhận lời chính xác là “TRỐN phong ba…”, cô cũng cho rằng hầu hết ca sĩ trẻ đều hát sai lời ở câu này vì hiểu nhầm ý nghĩa câu hát.
Khi xem lại tờ nhạc phát hành trong thập niên 1960, lời chính xác được in ấn là “trốn phong ba…”, có nghĩa là nhân vật “em” đã trốn cuộc tình phong ba để về làm dâu nhà người. Trong khi đó, nếu hát “chốn phong ba”, nghĩa là “ở nơi chốn phong ba, em làm dâu nhà người…”, làm cho ý nghĩa câu hát bị khác hoàn toàn với ý của tác giả Lam Phương. Khi nghe lại bản thu âm của ca sĩ Chế Linh trước năm 75, người nghe có vẻ như Chế Linh hát “chốn phong ba…”, tuy nhiên đó chỉ là cách phát âm bị lai của ca sĩ, hát “trốn” mà nghe như là “chốn”. Khi nghe Thanh Tuyền hát, cũng trước năm 75, có thể thấy Thanh Tuyền phát âm rõ là TRỐN. Nghe lại bên dưới:
Để biết chắc chắn là tác giả sử dụng chữ gì trong câu này, cách tốt nhất là xem lại tờ nhạc gốc dưới đây, hoặc hỏi trực tiếp tác giả Lam Phương hiện đang ở Pháp.
Ngoài ra, bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn là Diễm Xưa cũng bị ca sĩ hát sai lời rất nhiều ở câu hát:
Nhỡ mai trong cơn đau vùi…
Thông thường, từ thường dùng là “lỡ mai…”, nhưng ngôn ngữ ngày xưa, người ta cũng hay dùng từ “nhỡ” thay cho từ “lỡ”. Trong câu hát này, nhiều ca sĩ lại hát là: NHỚ MÃI trong cơn đau vùi… làm cho câu hát bị sai ý nghĩa và “tầm thường hóa” một câu hát trách móc rất hay và nhẹ nhàng của tác giả: Chiều này còn mưa sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi…
Xem lại thủ bút của Trịnh Công Sơn dưới đây để biết chắc chắn tác giả sử dụng chữ nào:
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh” trong bài Một cõi đi về (con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…) Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một cõi đi về mà ông yêu thích nhất nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát không còn gì đặc biệt.
Cũng tương tự như “con tinh” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài Vết Thương Cuối Cùng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Để (Diên An) có chữ “tay ma” (từ đây xa rồi đôi cánh tay ma…) Có lẽ ca sĩ sau này thấy bài hát mà có chữ “ma” thì không hay lắm, nên tự ý đổi thành “tay mơ” cho nó thơ mộng, làm cho câu hát sai ý nghĩa so với lời gốc của nhạc sĩ.
Bài hát Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trong thập niên 1950 có câu: “qua phên vênh có hai mái đầu…” Nếu là ca sĩ trẻ thì ít người biết “phên” là gì nên tự ý đổi chữ trong câu hát này thành “chênh vênh”.
“Phên” là tấm che được đan bằng tre của những nhà nghèo thời những năm 1950 ở Sài Gòn. Trong con ngõ nhỏ, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.
2. Trường hợp ca sĩ tự ý đổi lời bài hát vì khác biệt hoàn cảnh khi sáng tác và khi hát.
Những bài nhạc vàng sáng tác trước năm 1975 trong hoàn cảnh chiến tranh, trong khi các ca sĩ hát sau 1975 ở hải ngoại với hoàn cảnh tha hương nên có xu hướng tự đổi lại lời hát cho phù hợp. Đó là trường hợp bài Tôi Chưa Có Mùa Xuân của nhạc sĩ Châu Kỳ:
Ôi đất nước HAI NƠI, xuân đi làm sao tới…
được đổi thành:
Ôi đất nước XA XÔI, xuân đi làm sao tới
Bài hát Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ của 2 nhạc sĩ Hà Phương và Anh Việt Thanh rất nổi tiếng với giọng ca Mạnh Đình sau năm 1975 với câu mở đầu:
Trời đổ mưa cho phố vắng mênh mông, khơi lòng bao nỗi nhớ…
Ít người biết rằng bài nhạc này trước 1975 là lời tâm sự của 1 người lính chiến với câu mở đầu:
Trời đổ mưa cho ướt áo chinh nhân, mưa về trên đồn vắng…
Có lẽ là khi Mạnh Đình hát bài này vào đầu thập niên 1990, không còn “chinh nhân” với “đồn vắng” nữa nên đổi lại lời khác để hát. Các ca sĩ hát sau này cũng hát theo lời như Mạnh Đình hát.
Một trường hợp khác nữa là bài nhạc bất hủ Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương, từng gây xôn xao một thời gian vì câu hát trong lời gốc:
Chiến trường anh bước đi…
Sau 1975, cả ca sĩ hải ngoại lẫn ca sĩ trong nước đã đổi lại lời mới, hát thành: “lối mòn anh bước đi…” để tránh nhắc tới chữ “chiến trường”, vốn nhạy cảm. Lúc sinh thời, không thấy nhạc sĩ Châu Kỳ có ý kiến gì về việc đổi lời này. Tuy nhiên một tin đáng vui là sau khi bài hát Con Đường Xưa Em Đi bị cấm lưu hành rồi lại được lưu hành trở lại vào năm 2016, các ca sĩ trong nước đã hát đúng với lời gốc là: “chiến trường anh bước đi” và “nơi đây phiên gác canh dài…” thay vì hát sai lời: “lối mòn anh bước đi” và “nơi đây thao thức canh dài…”
Bài Đám Cưới Đầu Xuân của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có câu hát dành cho người lính: “xuân nay lại trở về, đường rừng hành quân sương xuống…” Khi ca sĩ Thái Châu hát ở trung tâm Làng Văn, anh đổi thành: “xuân nay lại trở về, chạnh lòng anh nghe xao xuyến…” làm cho câu hát trở nên “sến xúa” và ít nhạc tính hơn.
3. Trường hợp chính tác giả đổi lời bài hát cho hợp hoàn cảnh mới
Đây là một trường hợp đặc biệt, chính nhạc sĩ tự đổi lời và hát bài hát do mình sáng tác khi hát ở hải ngoại sau năm 75, đó là nhạc sĩ Duy Khánh với bài Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.
Lời bài hát trước năm 1975 của bài này là:
Biên cương xa vời, mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Hơn hai mươi năm, chinh chiến điêu tàn…
Sau khi sang hải ngoại, nhạc sĩ Duy Khánh hát thành:
Xa xôi quê người mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Bao nhiêu năm qua, chinh chiến điêu tàn…
Trên đây là một số trường hợp điển hình về việc bài hát nhạc vàng bị hát sai lời hoặc bị cố ý đổi lời. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác mà tác giả bài viết không kể hết. Nếu bạn biết có trường hợp nào khác, xin vui lòng để lại ý kiến.
Đông Kha