Nhớ về những mùa xuân xưa qua 2 ca khúc “Nhớ Một Chiều Xuân” và “Dáng Xuân Xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Nhắc tới cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (1932-2018), những ai yêu mến dòng nhạc Vàng đều biết đến người nhạc sĩ tài hoa với những sáng tác tuyệt vời, lãng mạn, lời ca trau chuốt, giai điệu bay bổng nhưng vẫn gần gũi, đi sâu vào lòng người nghe nhiều thế hệ như: Chiều Mưa Biên Giới, Mùa Sao Sáng, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Phiên Gác Đêm Xuân…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ngoài ra ông còn được biết đến với tư cách một nhà sản xuất nhạc có nhiều đóng góp cho Tân nhạc cũng như Cổ nhạc, một Đại tá quân đội – cấp bậc cao nhất mà một nhạc sĩ miền Nam thời bấy giờ có được.

Mùa Xuân đang nhẹ bước trở về, xen với cái lạnh nhè nhẹ của buổi đêm tựa như những dư âm còn vương lại của mùa Đông. Những khóm hoa, ngọn cỏ, lá cành lại bắt đầu mơn mởn, tươi xanh trở lại giữa trời phương Nam dịu nhẹ nắng vàng. Giữa bức tranh mùa Xuân tuyệt đẹp đó, sẽ không có gì tuyệt vời hơn việc được nhâm nhi một tách trà sáng sớm và thưởng thức những giai điệu Xuân bất tử. Trong số đó nhất định phải có những giai điệu lãng mạn quen thuộc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, với những lời ca dệt nên bức tranh đẹp đẽ của mùa Xuân, và những dáng kiều tha thướt, mê say thuở nào.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin được nhắc đến 2 sáng tác để đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Nhớ Một Chiều XuânDáng Xuân Xưa.

Nhớ Một Chiều Xuân

Ca khúc được sáng tác vào khoảng sau năm 1957, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc khóa du học Chỉ huy Tham mưu sơ cấp tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ và trở về Việt Nam. Dẫu vậy, những ký ức về mối tình dang dở với nàng thiếu nữ nơi hải đảo xa xôi kia vẫn khiến ông không thôi nhung nhớ. Đó cũng là lý do ra đời của ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân đầy xuyến xao và ngọt ngào.

Bài hát này được trình bày và thâu thanh lần đầu tiên bởi nữ danh ca Lệ Thanh trên làn sóng điện của Đài Phát thanh Sài Gòn vào khoảng đầu thập niên 1960. Điều làm nên nét đặc biệt của bản thâu đầu tiên này so với phiên bản về sau được trình bày bởi các ca sĩ khác, có lẽ là nhờ tiếng Hạ Uy cầm (đàn Hawaii) xuyên suốt phần hòa âm của ca khúc, khiến người nghe liên tưởng ngay tới khung cảnh mùa Xuân Hawaii chan chứa nắng gió. Tiếng đàn Hawaiiene diệu vợi, lãng mạn và nhẹ nhàng, nghe tựa như tiếng sóng biển vỗ rì rào bên những rặng dừa xanh.


Click để nghe Lệ Thanh hát trong dĩa nhựa

Mở đầu nhạc phẩm là cảnh sắc mùa Xuân sang tươi tắn và đẹp đẽ. Nhưng thay vì hân hoan, hạnh phúc vì được chiêm ngưỡng cảnh đẹp vì mùa Xuân đang tới, lòng người lại man mác một nỗi buồn xa vắng:

Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ
Người nơi xa xăm phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi!

Mùa Xuân đã đến với đất trời. Nàng Xuân thổi sự sống vào muôn hoa muôn loài, để cho ai nhìn vô những sắc hoa đều ngỡ rằng hoa cũng có hồn, cũng biết nở nụ cười làm duyên với con người. Phép nhân hóa “hoa cười” trong lời hát đầu tiên làm người nghe nghĩ ngay tới hình ảnh đó. Và nắng chiều Xuân cũng khơi lại bao niềm nhớ trong lòng người nghệ sĩ, làm cho chàng chạnh nhớ tới mùa Xuân chan chứa nắng gió nơi miền đảo giữa lòng đại dương và xa tít tắp, cách nửa vòng địa cầu, nhớ cả người ở lại tận “nơi xa xăm phương trời ấy”. Không biết rằng, người kia có còn buồn, còn thương, còn nhớ cho người đã ra đi hay chăng?

Đằng sau bài hát này, là một câu chuyện tình dang dở. Trong chương trình Paris By Night số 80 (Tết Khắp Mọi Nhà – 2006), nhà văn – MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã tiết lộ về “người nơi xa xăm phương trời ấy” mà cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhắc tới trong bài hát. Trong thời gian du học tại Hawaii, nhạc sĩ đã gặp gỡ một cô gái bản địa lai Pháp tên là Gina. Họ đã yêu nhau và tận hưởng những kỷ niệm đẹp trong những buổi chiều Xuân miền hải đảo ngập trong nắng vàng. Nhưng vì một số lý do, cuộc tình của họ đành chia lìa, sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kết thúc khóa học, trở về nước sau năm 1957. Đó cũng là lý do mà trên tờ nhạc gốc của bài hát này in năm 1962, ngay dưới phần tựa đề, có đôi lời nhạc sĩ nhắn nhủ tới người con gái: “Aloha! Giã từ em nhé – Kỷ niệm đảo Hạ Uy Di 1957”. “Aloha” ở đây là lời chào trong tiếng Hawaii, còn “Hạ Uy Di” là tên gọi phiên âm của đảo Hawaii.

Ngẩn ngơ trong những ký ức, xúc cảm chợt đến, anh liền thốt lên rằng: “Nắng phai rồi em ơi”. Câu nói mang tính cảm thán của tác giả, tựa như đang tâm sự với người con gái mình đang nhớ tới, khi trông thấy nắng chiều đã nhạt, đã phai đi, chứ không còn đậm nữa – báo hiệu giờ khắc ngày sắp tàn. Ngầm trong câu nói này đượm một cảm xúc hơi buồn buồn, man mác nhớ nhung, mang hơi hướng hụt hẫng – có thể tác giả tiếc nhớ cho những kỷ niệm mặn nồng, tựa như nắng Xuân miền nhiệt đới chăng?

Đảo Hawaii, cuối thập niên 1950

Lặng bước giữa chiều Xuân, trên con đường rơi rắc đầy cánh hoa, tiết trời trong trẻo dù nắng đã phai ít nhiều, người nghệ sĩ đa cảm mong ước tìm được một chút tình thương của một thuở “phương trời cũ” qua những cảnh sắc mà người trông thấy trước mắt. Mượn những hình ảnh, cảnh vật của Xuân nay mà gợi nhớ, sống lại xúc cảm nồng thắm của Xuân xưa. Người bỗng quên đi hiện tại, quên đi thời gian, ngơ ngác tìm kiếm, chỉ để sống lại một niềm yêu từ dĩ vãng. Nhưng, những cánh hoa Xuân tan tác rụng – cánh mai, cánh cúc lắc rắc, cùng màu nắng nhạt đã nhuộm vàng nẻo đường. Buổi chiều cứ trôi dần, cứ trôi, như màu nắng in trên ngàn lá cũng ngả dần sắc thắm. Nhưng người mang niềm nhớ vẫn “ngơ ngác” đi tìm. Có chăng là đi tìm một hình bóng cố nhân, trong những ký ức, kỷ niệm đẹp xưa?

Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng hình ai?

Phần điệp khúc – vốn là cao trào của một bài nhạc – bộc lộ rõ nét niềm lưu luyến, nhớ nhung của tác giả đối với những tháng ngày kỷ niệm trên đảo Hawaii nói chung, và kỷ niệm đối với cố nhân nói riêng:

Người về còn nhớ khúc hát
“Người yêu dấu bên bờ thành Vienne”
Lòng này còn quyến luyến mãi
Đêm Xuân dài mà đâu có hay

Theo chú thích của chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, in trong tờ nhạc gốc của ca khúc, “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne” là một lời hát trong bài nhạc đại chúng của người Hawaii – “A Beautiful Vienne”. Theo như lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại, đó là bài hát mà người con gái Gina rất thích, và mỗi khi ông cùng nàng gặp nhau trên bãi biển ngắm hoàng hôn, ông thường cầm đàn Hawaiine và hát cho Gina nghe bài hát này. Khi đã rời xa hòn đảo thân thương để trở về quê nhà, những tiếng tơ dìu dặt của khúc ca vẫn vang mãi trong tâm trí của người nghệ sĩ. Những giai điệu du dương đó đã nối kết hai con người, hai tâm hồn, đến từ hai nửa địa cầu lại với nhau. Người nhạc sĩ vẫn nhớ mãi kỷ niệm mùa Xuân ấy. Bên nhau một đêm thôi, là một đêm Xuân dài, nhưng đã ở bên nhau rồi, đối với người trong cuộc thì thời gian sao qua thật mau, nên “đêm Xuân dài” mà nào ai có hay. Thật là một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ và đáng quyến luyến!

Chiều vẫn chậm trôi theo từng phút, từng giây, từng cánh hoa tàn rụng rơi bên vệ đường và từng tia nắng dần bớt đi một phần sắc thắm. Duy chỉ có niềm nhớ của một người dành cho một người thì vẫn không phai:

Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
Đợi mùa Xuân sang tô màu nhớ
Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
Buồn tìm về tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây

Chiều nay, trên những cành cây trổ ra, bóng in trên lối đi, người nhạc sĩ trông thấy những loài hoa nở bung ra, in dáng trên trời xanh – những bông hoa vỡ, bung ra thành nhiều cánh. Những nụ hoa nằm trên cành, đợi mùa Xuân sang để tô thắm thêm từng cánh hoa. Nhưng đối với một số người, mùa Xuân về lại đem đến những kỷ niệm, những nhớ nhung, tuy không mạnh mẽ mãnh liệt, nhưng cũng khiến họ man mác buồn và nhớ. Như tác giả của bài hát chẳng hạn. Xuân sang, tô màu nhớ trên những đóa hoa, nhắc nhớ mùa Xuân với hình bóng cố nhân trên hải đảo năm nào. Trong phút giây chạnh nhớ, anh dừng lại ngắm nghía bông hoa Xuân hồng thắm. Nhìn hoa, chợt nhớ và buồn. Những xúc cảm đó đưa người mang tâm sự tìm về những kỷ niệm, tình cảm, với hình bóng của người con gái lúc xưa. Nhưng giờ đây, những kỷ niệm và người cũ đều đã xa cách “vun vút trời mây” rồi.


Click để nghe bài hát, do Trần Thái Hòa trình bày (Paris By Night số 80)

Với giai điệu dịu dàng, trong sáng, lãng mạn, cộng với ca từ trau chuốt, đẹp đẽ, Nhớ Một Chiều Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã vẽ lên trong tâm trí người nghe một cảnh sắc chiều Xuân thanh tịnh, yên ả và tràn đầy vẻ đẹp của nắng đào cùng muôn loài hoa đua nở. Bài hát cũng thể hiện trọn vẹn niềm nhớ man mác, nhẹ nhàng, có đôi phần kín đáo nhưng giàu cảm xúc của người nghệ sĩ nhớ tới những kỷ niệm, ký ức đẹp nơi hải đảo xa xôi, cũng như bóng hình giai nhân ở lại nơi đó. Đây là bài hát tuyệt vời để thưởng thức, cảm nhận trong những chiều Xuân ấm áp, yên ả.


Click để nghe Hà Thanh hát

Cũng theo thông tin in trên tờ nhạc gốc của bài hát, xuất bản năm 1962, Nhớ Một Chiều Xuân còn được lấy làm tựa đề và nhạc đệm cho vở bi-trường-kịch cùng tên – NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN – do ban kịch Kim Cương trình diễn tại Đô thành Sài Gòn nhân dịp Tết Nhâm Dần 1962, cách đây tròn 60 năm.

Dáng Xuân Xưa

Nối tiếp Nhớ Một Chiều Xuân, cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã sáng tác thêm một ca khúc khác cũng cùng mang cảnh sắc mùa Xuân và nỗi nhớ nhung dành cho cố nhân, cho kỷ niệm xưa. Bài hát mang tựa đề: Dáng Xuân Xưa.

Được sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1970, Dáng Xuân Xưa diễn tả cảm xúc, tâm tư của một người nhớ tới người mình từng thương, cảm xúc xao xuyến với hơi chút tiếc nuối của người mang tâm sự trong giờ khắc Nàng Xuân đang ghé thăm đất trời. Khác với Nhớ Một Chiều Xuân, bài hát này có vẻ được ít người biết đến hơn, trước 1975 chỉ có hai ca sĩ Anh Khoa và Sĩ Phú thu âm. Từ đó cho tới nay, hầu như không thấy có ca sĩ nào khác hát lại ca khúc này.


Click để thưởng thức phần trình bày ca khúc của Sĩ Phú (bản thâu trước 1975)

Mở đầu bài hát là một hình ảnh trời Xuân quang đãng, có muôn hoa lả lơi, cười đùa chào đón thời khắc giao mùa, sắp khởi đầu một năm mới:

Xuân sang lả lơi chợt thấy hoa cười
Nỗi riêng chạnh nhớ một người
Từ mùa Xuân trước tới bây giờ còn mơ

Niềm nhớ len lén, nhẹ nhàng ùa về giữa lúc người nghệ sĩ đang tản bộ ngắm hoa xuân khoe những nụ cười – đó chính là nét tương đồng trong mạch cảm xúc, trong khung cảnh của bài hát này đối với Nhớ Một Chiều Xuân. Trong những cảnh sắc rực rỡ, ươm vàng màu nắng quen thuộc mỗi buổi đầu một năm, người nghệ sĩ lại chạnh nhớ cố nhân, nhớ bóng hình xưa. Một niềm nhớ đã từ lâu rồi – từ những mùa Xuân trước, nhưng “tới bây giờ vẫn còn mơ”. Giống như là sự luân chuyển của thời gian, của bốn mùa, cứ mỗi mùa Xuân sang là kỷ niệm xưa, hình bóng cũ lại tìm về với người nghệ sĩ.

Cùng mạch cảm xúc nhung nhớ ấy, người mang niềm nhớ lần tìm về những ngày tháng xa xưa, lúc còn được ở bên nàng:

Xuân nao sánh vai cùng ngắm hoa đào
Ái ân nào chẳng lúc tàn
Vườn em thơm ngát chờ anh bước sang

Người nhạc sĩ nhớ tới những mùa xuân thắm xa xôi, khi được cùng nàng sánh vai nhau ngắm những cành đào đua nhau trổ hoa. Một khung cảnh trong sáng, lãng mạn nên thơ.

Đó hẳn phải là một ký ức đẹp và khó phai trong lòng nhạc sĩ, khi đó nhạc sĩ chỉ mới độ tuổi khoảng đôi mươi với những mơ mộng, ước vọng lớn lao. Vườn Xuân thơm ngát hương hoa, nơi nàng thường đợi chàng bước sang, là nơi tự tình, hò hẹn giữa hai người. Họ cùng bước bên nhau, sánh vai ngắm hoa đào rơi thắm bên vệ đường, đôi tâm hồn cùng đắm say mật ngọt như hoa Xuân chớm nở, nào đâu nghĩ tới rằng: “Ái ân nào chẳng lúc tàn!”

Nhiều năm sau đó, khi mùa Xuân một lần nữa lại về với đất trời, những kỷ niệm lại theo từng đàn én tìm về phương Nam, ùa về bên người nghệ sĩ:

Xuân nay mang về kỷ niệm ngày xưa thênh thang
Bâng khuâng thấy hoa mỉm cười chạnh nhớ tới người
Đầu cành oanh ăn nói hình dáng Xuân xưa

Những cảnh cũ quen thuộc, như bao Xuân trước, lại nhắc nhớ những kỷ niệm, năm tháng đẹp bên người. Những kỷ niệm ngày xưa thênh thang, hết những khoảnh khắc này tới giây phút khác ở bên nhau. Con người ta tìm kiếm những xúc cảm, niềm yêu xưa, cái đẹp trong trắng của tuổi đôi mươi trong những kỷ niệm đó. Trong những phút giây bồi hồi, sống lại những kỷ niệm đẹp lúc xưa, chợt nhìn bông hoa khoe sắc, nhạc sĩ lại nhớ tới cố nhân, tới nụ cười rạng rỡ, duyên dáng của nàng trước muôn sắc đỏ hoa đào đang khoe nhụy. Trên những cành cây, bầy chim oanh ríu rít vang khúc ca của thiên nhiên, báo hiệu mùa Xuân mới sang. Những thanh âm, cảnh vật, sắc màu khiến con người ta càng cảm thấy nhớ nhung, lòng đầy hoài cảm.

Điều đặc biệt trong các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là ông thường đưa những điển tích, điển cố trong lịch sử, thi văn Việt Nam, Trung Hoa vào các sáng tác của mình. Chi tiết “đầu cành oanh ăn nói” lại làm ta nhớ đến hai câu thơ tả cảnh sau trong Truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du:

“Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”

Con oanh “học nói” tức là đang ríu rít, hót véo von. Một hình ảnh rất đẹp, giàu tính gợi hình, để khắc họa nên khung cảnh ngày Xuân. Tuy sử dụng điển cố trong văn học, nhưng nhạc sĩ đã không sử dụng một cách gượng ép vào câu nhạc, mà khai triển rất hài hòa, khiến cho ca khúc trở nên sinh động, đặc sắc.

Sau tất cả những nhớ nhung và tiếc nuối, con người ta cũng đành phải chấp nhận một điều rằng: tình đã lỡ rồi!

Em ơi ước mơ thì cũng lỡ rồi
Trách nhau thì cũng xa rồi
Lòng ta lơ đãng mà Xuân vẫn sang

Những lời cuối của bài hát, là những lời tác giả muốn nhắn nhủ, gửi gắm đến người mình từng thương, lúc này chắc hẳn đã ở nơi nào đó xa lắm rồi. Nếu người cũng có những nhớ nhung, đôi chúc hờn trách giống như ông mỗi độ Xuân về, thì xin người hãy nhớ cho, là dù có hờn trách, ước mơ hay kỳ vọng gì đi chăng nữa, thì cuộc tình giữa họ cũng đã tan vỡ rồi, đã xa nhau rồi. Dù cuộc tình đã dang dở, đã chìm trong dĩ vãng, nhưng Xuân vẫn sang, vẫn đem lại niềm nhớ nhung, bâng khuâng, vì đó là quy luật của đất trời.

Cuộc sống thường nhật với bộn bề lo toan đã khiến ta tưởng chừng quên hẳn chuyện cũ khỏi tâm trí. Nhưng trong những lúc thanh vắng, trước cảnh sắc hữu tình, chan chứa nắng vàng lúc Xuân sang, hẳn lòng ta không thể tránh khỏi những xúc cảm ùa về. Bồi hồi vì cận kề giờ phút giao hòa của đất trời, và bồi hồi vì nhớ tới dáng kiều một thuở xưa.


Click để nghe phần trình bày của Anh Khoa (trước 1975)

Nghe Dáng Xuân Xưa, ta lại liên tưởng tới Nhớ Một Chiều Xuân, vì sự tương đồng trong mạch cảm xúc, trong những ca từ, câu chữ thể hiện nỗi nhớ nhung, nỗi buồn man mác, bâng khuâng cùng cảnh sắc Xuân sang tuyệt đẹp. Vì sự tương đồng tình cờ này, có thể người con gái trong Dáng Xuân Xưa cũng chính là người con gái trên đảo Hawaii ngập nắng mà tác giả đã nhớ nhung trong Nhớ Một Chiều Xuân chăng? Ta không thể nào biết được tác giả đã nghĩ, đã cảm nhận những gì, nhưng ở hai bài hát về mùa Xuân nói trên, cùng với những sáng tác khác của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, người nghe đều cảm nhận, đồng cảm được tâm tình của ông, và say đắm trong bầu không khí trời Xuân trong lành, lãng mạn, với muôn hoa và muôn ý thơ.

Ngoài 2 ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn có một ca khúc nổi tiếng khác mang đậm không khí ngày xuân, đó là Phiên Gác Đêm Xuân. Dù bối cảnh bài hát là mùa xuân của những ngày còn khói lửa, nhưng khung cảnh vẫn rất thơ mộng và trữ tình:

Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương…


Click để nghe Thanh Tuyền hát Phiên Gác Đêm Xuân trước 1975

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thật sự là một nhạc sĩ tài hoa, nhiều sáng tạo và có những tác phẩm bất hủ để lại cho đời. Nhiều sáng tác của ông, tuy mang hơi hướng trữ tình, ca từ trau chuốt, hoa mỹ, mang hơi hướng của nhạc tiền chiến, nhưng ông vẫn được hầu hết các tầng lớp khán giả đại chúng yêu mến, đón nhận. Nhân dịp đầu năm, ta cùng ngồi lại, và tận hưởng, thưởng ngoạn chiều Xuân ươm vàng ánh nắng dịu dàng, thanh khiết bên những giai điệu du dương, nhẹ nhàng như hai bài hát trên, để thấy được cái đẹp, cái lãng mạn của mùa Xuân.

Bài: Nguyễn Toàn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version