Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa: Xe Velo Solex với áo dài

Những cô nữ sinh thanh mảnh trong áo dài trắng, điệu đàng hai chân khép nép đi Solex đã từng làm thằng con trai mới lớn mê mẩn cái thần hồn.

Solex trên đường phố Sài Gòn

Năm 69, vừa vào năm học lớp đệ tứ (lớp 9), má tôi mua cho tôi một chiếc xe Velo Solex (còn gọi là xe Velo) cũ – màu đen nguyên thủy không còn như xưa nữa – cái màu đen đặc trưng của xe Solex.

Lúc ấy, lũ bạn con trong lớp chúng tôi có đứa đã có xe hon da C50, xe PC thì xe Solex thuộc loại “cà ràng ông táo”, có từ thời Bảo Đại. Dù xe cũ nhưng tôi vẫn đắm đuối với nó và nghĩ rằng khi mình ngồi trên chiếc Solex thì sẽ rất là… mục diện thư sinh.

Hình dáng chiếc Solex đã ám ảnh tôi từ thời tiểu học khi tôi thấy cô giáo của mình rất đáng nể trên chiếc xe đen trùi trũi chạy lẹ hơn xe đạp.

Rồi khi vào trung học, hình ảnh những cô nữ sinh thanh mảnh trong chiếc áo dài trắng, điệu đàng hai chân khép nép đặt trên chỗ để chân nằm chính giữa thân xe, hoặc hờ hững đặt trên bàn đạp để gió vờn vòng eo thân áo làm cho những thằng con trai mới lớn mê mẩn cái thần hồn.

A, cái xe nầy ngộ ta!

Xe Velosolex do hai nhà sản xuất Pháp là Maurice Goudard và Marcel Mennesson cho ra đời tại Paris năm 1946.

Thời ấy, nước Pháp tự hào với “chiếc xe đạp tự động – la bicyclette qui roule toute seule”.

Xem lại báo Pháp cũ thấy hình nhiều ông tây to thù lù thượng nguyên người trên chiếc Solex thấy mà thương.

Có hai cách khởi động xe Solex.

Một là – như các tiểu thư từ tốn gắn đuôi áo dài vào phía sau “bọt ba ga”(yên sau), leo lên chiếc xe, đạp nhẹ “pe đan” vài cái lấy trớn rồi từ từ thả nguyên cái ề động cơ phía trước xuống để cục đá cạ vào bánh xe cho máy nổ.

Còn cách thứ hai thường dành cho bọn con trai “cu bồi”, muốn lấy le với mấy em gái tỉnh lẻ là đẩy cho xe chạy rồi nhảy lên yên (có cảm giác như phi ngựa) rồi đẩy động cơ ra.

Nếu gặp may thì chiếc Solex nổ ngay, còn nếu không thì xe Solex sẽ trở thành xe vừa “xô” (đẩy) còn chủ của nó thì “lết” theo.

Bây giờ xe Solex đã trở thành xe vừa xô vừa lết.

Xe Solex trông rất nữ tính nên loại xe này các cô thiếu nữ đi rất đẹp.

Bởi vậy, từ những năm 50 đến gần cuối 70, nữ giới Sài Gòn rất thích đi xe Solex vì phơi bày được cái đẹp nữ tính của mình.

Tôi rất đồng tình với một nhận xét “Có điều lạ, cũng là xe gắn máy, nhưng nhìn một cô gái ngồi trên chiếc Solex thấy rõ sự khác biệt với cô gái ngồi trên chiếc Mobylette. Hình như có đôi nét thanh tao, duyên dáng ở Solex mà ở Mobylette thì dứt khoát không có. Cũng vì lý do đó mà Sài Gòn thời ấy phụ nữ ít đi xe Mobylette.”

Và cũng Không nhà văn, nhà thơ nào ca ngợi những chàng trai đi Solex dù cho chàng trai đó đầy… nữ tính. Họ chỉ ca ngợi những nàng thiếu nữ mặc áo dài trắng, đầu đội nón lá và sau bọt ba ga có ràng một chiếc cặp da.

Tại sao thiếu nữ đi Solex lại là hình ảnh đẹp?

Hãy nghe nhà văn Nguyễn Trọng Văn bình luận “Con gái đi Solex trông đẹp hơn Mobylette.Thế ngồi gợi cảm và kín đáo nhất là thế ngồi chân co chân duỗi trên Solex tà áo sau tung bay….

Mông đùi người con gái dừng Solex chờ đèn xanh trở thành gros plan qua khung cửa xe taxi. Biết có người nhìn, cô lấy tay che vạt áo trước, sửa lại khuy và vuốt nhẹ tà áo sau nhưng không che được gì cả” (Văn học Sài Gòn số 76).

Không biết giữa chiếc xe sản xuất từ Pháp và cái áo dài Việt Nam có “mối quan hệ biện chứng” nào không?

Cũng có thằng bạn không còn trẻ ngồi nhớ lại quá khứ nhận định: Xe Solex đẹp nhờ phụ nữ mặc áo dài. Anh ta cũng cho biết thêm bà vợ của anh khi còn trẻ thích đi Solex vì đang mặc chiếc áo dài. Còn tôi đã từng mơ được ngồi yên sau xe Solex mà nhìn ngắm bờ eo thon – dù ngồi phía sau rất là “ông cái mê” – nhưng vẫn không có cơ hội đạt được dục vọng thấp hèn đó.

Những cặp tình nhân chở nhau bằng xe Solex thì chắc chắn rất thanh tao, không có màn áp má, ôm eo được vì yên sau xe Solex thấp hơn yên người cầm lái rất nhiều. Người ngồi sau chỉ thấy được lưng chẳng thấy gì…

Tụi con trai mới lớn thì không thích xe Solex vì “xe nầy dành cho con gái”, có điểm yếu là đi chậm và do động cơ lại nằm ở phía trước tay lái nên đầu xe hơi nặng.

Nam giới thì khoái những loai xe bốc hơn như Puch, Gobel, Sachs , Lambretta, Vespa rồi sau nầy đến triều đại của các loại xe Nhật như Honda, Kawasaki, Suzuki… nên chẳng thèm ngó ngàng gì đến chiếc Solex chậm rì, trời mưa thì coi như thất thủ vì bánh xe trơn không cọ vào cục đá được.

Đến khi xe Honda C50 – loại xe dành cho nữ giới xuất hiện thì xe Solex dần dần lui vào mấy tiệm sửa xe để họ lấy cái đầu biến xe Solex thành xe đạp.

Nhưng vì hình dạng chiếc Solex đẹp, nữ tính và được giới nữ ưa chuộng nên sau nầy hãng Honda nhạy bén cho ra đời chiếc PC và mobylet thì có chiếc Candy có hình dáng từ tựa chiếc Solex.

Nhưng thời gian ơi, xe Solex chỉ còn nằm trong tay những nhà sưu tập để nhìn ngắm, vuốt ve, lau chùi và ca ngợi vẻ đẹp của loại xe này.

Solex chỉ còn được trưng bày trong một vài quán cà phê mang danh hoài cổ, cho những người già nhớ lại thời đã qua, còn người trẻ nhìn để biết chiếc xe chậm chạp nầy có thời đã tung hoành đường phố Sài Gòn.

Dù đẹp và dễ yêu cỡ nào đi nữa thì Solex vẫn không còn phù hợp với thời đại này vì tốc độ chậm chạp, không tiện lợi bằng xe đời mới.

Xe Solex đã thuộc về thời đại áo dài khép nép còn bây giờ quần Jean Short khoe đùi trắng nõn mà ngồi trên chiếc xe đen như dế than chạy chậm rì thì các cô gái Sài gòn thời nay đâu chịu.

Đâu còn em Sài gòn Solex áo dài, cho tôi nhớ một thời tuổi ngọc. Thời hiện đại, Sài gòn Solex không còn nhanh, nhà thơ Nguyên Sa ơi!

Theo Lê Văn Nghĩa (báo Tuổi Trẻ)

Các xe gắn máy như Mobylette, Honda, Goebel… đều có bộ máy nổ nằm chính giữa thân xe và để xe chạy được thì cần phải có bộ sên kéo bánh xe sau khi máy nổ.

Nhưng xe Solex thì ngược đời – chính cái bánh xe trước chạy để kéo bánh sau, ngay phía trước tay lái là một động cơ, có bình xăng con chứa chừng 1 lít rưỡi xăng treo trên tay lái. Động cơ này khi nổ sẽ làm cục đá gắn trong động cơ quay tròn.

Muốn cho xe chạy thì người lái thả động cơ ra để cục đá cạ vào bánh xe trước . Cục đá lăn thì bánh xe trước lăn. Bánh xe trước lăn thì kéo theo bánh sau chạy.

Nếu xe không nổ máy vì lý do nào đó thì chỉ cần kéo động cơ gắn vào một cái chốt cố đinh phía ghi đông thì bây giờ chiếc Solex đã trở thành chiếc xe đạp.

Giống như chiếc xe đạp nhưng Solex nặng hơn vì khung sườn làm bằng sắt để cân bằng cái đầu và đít xe. Nếu không cân bằng thì khi lái xe sẽ chỏng gọng.

Vì vậy Solex được người Pháp xem là một loại xe gắn máy “đờ mi” xe đạp.

Exit mobile version