Phần 2 của loạt bài viết về ký ức Saigon, viết về tiệm cho mướn sách nổi tiếng nhứt nhì Sài Gòn hồi đó.
Đọc lại phần 1: https://nhacxua.vn/nho-sai-gon-chon-cu-duong-xua/
Trên đường Phan Đình Phùng Saigon (nay là Nguyễn Đình Chiểu), kề bên chợ Vườn Chuối có đường xe lửa chạy ngang và bên kia đường rầy, có căn nhà 3 từng, đó là nhà “cho mướn sách” Cảnh Hưng, cho mướn sách là cho đọc giả mượn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chưn” bằng 1/2 giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trừ tiền mướn vô tiền thế chưn, tiền mướn, cứ 1 cuốn 1 đồng 1 ngày… răng rắc!
Mấy nhà bán sách và tác giả có sách xuất bản, hỏng vui với Cảnh Hưng…
Nhà Cảnh Hưng chứa sách để cho mướn hỏng biết mấy chục ngàn cuốn, vì sách nằm trong kệ đen nghẹt, bít kín từng trệt và 2 từng lầu.
Ông Cảnh Hưng tướng tá hơi nhỏ con nhưng vui tánh, học trò khoái lắm!
Thằng học trò nào mê Kiếp Hiệp, muốn luyện chưởng hay, muốn đột nhập “cái ban vài ba túi” thì tới đây tìm bí kíp!
Ông Cảnh Hưng biết tẩy học trò hết ráo nhen, thấy mặt, ổng cười hì hì, liền cho mượn cả tuần mới trả, với 2 đồng một tuần là cái “giá-ghẻ-ghề”.
Bởi vậy, học trò “mê đọc sách” Cảnh Hưng quá xá cở là vậy đó đa!
Phụ việc ông Cảnh Hưng là bốn năm đứa nhỏ, chuyên môn chạy đi lấy sách theo sự “chỉ chỗ” của ông chủ hay lấy sách đọc giả trả, rồi đem sách để “chỗ cũ”.
Ông Cảnh Hưng có trí nhớ… siêu phàm tàn canh gió lốc.
Khi ai tới mướn sách, chỉ cần nói tên sách là ông Cảnh Hưng nói liền, thí dụ:
– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2.
– Ủa? Ông chủ có cả chục bộ lận mà?
– Thì ờ… người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3. Cuốn 1 và 2 mai trả.
– vậy đi, lấy tui cuốn 3 cũng được!
Ông Cảnh Hưng ra lịnh:
– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai!
Học trò Đệ Lục nghe ông Cảnh Hưng, nhớ từng vị trí cuốn sách nằm ở đâu trong rừng sách từ trên lầu xuống tới đất, thấy mà xám hồn luôn!
Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi đang sách in, ông được ưu tiên “thộp” một mớ đem về cho mướn trước, khi nào in đủ số, sách mới phát hành! Bởi vậy, coi sách “nóng hổi” là vậy!
Mỗi loại sách, Cảnh Hưng có ít lắm 15 bộ mới đủ cho mướn.
Đặc biệt, những cuốn sách hồi xưa, xa lắc, xa lơ xuất bản từ hồi bà cố hỉ cố lai 8 đời vương ông hoãnh, nhà Cảnh Hưng cũng có!!!
Như cuốn Tôi Kéo Xe của Tam Lang hay cuốn Con Trâu của Trần Tiêu in năm 1940 hoặc cuốn Chồng Con in năm 1941!
Biết “rõ” như vậy là do Cô dạy Việt Văn cho “thuyết trình” ở lớp những Tiểu Thuyết xưa, mà sách xưa ơi là xưa, thì chỉ có ở nhà Cảnh Hưng!
Thế là học trò Đệ Lục tức tốc mượn về, để mần thuyết trình trong lớp.
Sách cho mướn, được bao thêm bìa giấy xi măng, trên đó, viết chi chít ngày mượn.
Ngoài ra, học trò muốn mượn “cuốn nào hây hây”, thì hỏng hiểu “do đâu”, ông Cảnh Hưng liền nói tuốt luốt một lèo cho nghe, cái nội dung cuốn “sách hây” hoặc là bất kể cuốn nào mà học trò còn mù mờ, nghe xong, thế là học trò mượn liền!
Ông Cảnh Hưng còn quảng cáo cuốn sách thứ dữ, “chỉ tao mới có”.
Sách nầy thuộc loại “cái bang môn phái” mà học trò khi ấy đang muốn luyện thử!
Đó là cuốn Lục Tàn Ban (quên tên tác giả)
Đây là cuốn sách viết về cái bang bảy tám túi, coi hay hết kỵ luôn:
Lục Tàn là 6 nhân vật (tàn tật) gồm: Thằng đui, thằng điếc, thằng mất 2 giò, thằng mất 1 tay, thằng mất 1 chưn, thằng cụt 2 tay.
Thằng đui làm Ban Trưởng Lục Tàn!!! (ối trời… *&%#?><… ). Sáu ông cố tàn nầy luyện chưởng, luyện gồng, luyện nghe, luyện thấy, luyện chạy… thuộc hàng cao thủ võ lâm để trả thù cho sư phụ bị sát hại năm xưa. Giới giang hồ cho rằng “môn phái” đó bị tiêu diệt, khi 6 đệ tử sau cùng bị thương nặng trong rừng, không ai cứu chữa và ai cũng tưởng chết hết rồi! Mấy thằng học trò Đệ Lục coi say mê Lục Tàn Ban luôn! Có thằng còn “luyện thử” cách dòm xuyên màn đêm của cao thủ Lục Tàn Ban! Bởi vậy, thằng nào non tay ấn, luyện nhản riết, tới độ mang kiếng cận dầy cui, chớ ở đó mà đổ thừa “tại bị” rồi nói dóc là “tao lo học” tới cận thị! Ba-xạo quá nha mấy cha!
Nguồn: Chàng Hiu (dansaigon.com)