Nhớ lại những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học thập niên 1950-1960 ở miền Nam

Trong quan điểm tâm hồn tuổi thơ như một trang giấy trắng, những nhà giáo thời xưa (những năm giữa thập niên 1950) ở miền Nam đã dạy cho trẻ em những bài học đơn giản đầu đời. Tới hôm nay, những cô cậu học trò thời đó, khi có dịp hàn huyên với bạn bè nhiều người vẫn còn nhắc đến với nhiều rung động:

Bà ơi cháu rất yêu bà,
Đi đâu bà cũng mua quà về cho.
Hôm qua có chiếc bánh bò,
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.

Mỗi lần cháu chạy chơi xa,
Mẹ cháu có đánh thì bà lại can.
Cháu không nói bậy nói càn,
Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà.

Trong một biến chuyển hầu như rất vô tình, những bài học cũ ấy đã ít nhiều thay thế văn chương truyền khẩu của tổ tiên để làm hành trang trao lại cho thế hệ kế tiếp. Nhiều bài học vốn dĩ là bắt buộc của học trò khi còn nhỏ thì lớn lên thành những bài hát để ru con và với người ở xa quê hương thì còn là những câu tiếng Việt căn bản dạy cho đàn cháu bi bô để chúng khỏi quên nguồn gốc.

Bài viết này là sưu tầm những bài học thuộc lòng làm theo thể thơ, được sưu tập rải rác từ trong những sách giáo khoa Quốc văn bậc tiểu học cũ của miền Nam thời trước, vốn đã quen thuộc với các thế hệ học trò ngày trước:

Tình nhân loại

Sau một trận giao tranh ác liệt,
Giữa sa trường xác chết ngổn ngang.
Có hai chiến sĩ bị thương,
Hai người hai nước hiện đương nghịch thù.

Họ đau đớn khừ khừ rên siết,
Vận sức tàn cố lết gần nhau.
Phều phào gắng nói vài câu,
Lời tuy không hiểu, hiểu nhau nỗi lòng:

Họ hai kẻ không cùng Tổ quốc,
Nhưng đã cùng vì nước hi sinh.
Cả hai ôm ấp mối tình,
Yêu thương đất nước, gia đình, quê hương.

Đêm dần xuống, chiến trường sương phủ,
Một thương binh hơi thở yếu dần.
Trước khi nhắm mắt từ trần,
Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng.

Anh cởi áo đắp trùm lên bạn,
Rồi tắt hơi! thê thảm làm sao!
Cho hay khác nghĩa đồng bào,
Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều!

ĐẶNG DUY CHIỂU (Quốc văn mới)

 

Giờ quốc sử

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc Sử.

Thầy tôi bảo:
“Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của Giang San,
Đã đổ máu vì lợi quyền Dân tộc.

Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí Tiền Nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân Tộc Việt vẫn là dân hùng liệt.

Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc!”

 

Nhà cửa

Tránh cơn gió táp mưa sa,
Loài chim có tổ, người ta có nhà.
Anh em, cha mẹ, ông bà,
Cùng nhau sum họp một nhà yên vui.
Nhưng ta không khỏi ngậm ngùi,
Đầu đường xó chợ bao người bơ vơ.

V.D.H.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

 

Làm vườn

Giữa vườn một nếp nhà tre,
Ba gian lợp cỏ trông về hướng nam.
Trước nhà dây mướp một giàn,
Rung rinh trước gió, hoa vàng lá xanh.

Hai bên nào ớt nào hành,
Nào cam xã Thượng, nào chanh bốn mùa.
Ngoài vườn mấy luống khoai ngô,
Quanh năm vun xới, tha hồ bán, ăn.

Tăng gia sản xuất góp phần,
Nước nhà nông nghiệp đang cần mở mang.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

 

Vườn cà tím

Trong ánh nắng gió đồng quê mát rợi,
Giọt sương mai lấp lánh lá cà xanh.
Những trái cà chen chúc bám trên cành,
Căng nhựa ngọt, da non khoe sắc thắm.

Vườn cà tím của nhà ai xinh lắm?
Kìa! Anh Tam đang cặm cụi vun trồng.
Vuốt mô hôi, nhìn ánh mặt trời hồng,
Lòng tràn ngập một niềm vui chiến thắng.

ĐỀ QUYÊN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

 

Người nông phú

Đôi cánh tay rắn chắc,
Anh xới lúa vun dâu.
Mô hôi rơi thấm đất,
Tình anh tràn ruộng sâu.
Tóc anh vương vấn gió chiều,
Hồn anh thấm lúa, lan vào hương quê.

Đôi trâu bạn bè,
Cuốc cày tri kỷ.
Khỏe làm mệt nghỉ,
Đời đẹp như thơ.
Lòng anh hòa với lũy tre,
Hòa trong lòng đất, đem về nguồn vui.

CAO THÀNH NHÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1-2.1957)

 

Gà mẹ và gà con

Bên góc trại có đôi gà nọ,
Cùng anh em một ổ sinh ra.
Ngày ngày sát cánh vui hòa,
Cùng nhau bới đất, gần xa kiếm mồi.

Một bữa nọ, sâu rơi hạt đổ,
Hai con cùng đâm bổ tranh nhau.
Đánh nhau đến nỗi sày đầu toạc da.
Gà mẹ biết liền ra mắng nhiếc,
“Chẳng thương nhau chỉ thiết miếng mồi!
Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau”.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

 

Em bé và con chim

– Chim ơi! Hãy xuống cùng ta, 
Lồng son, ống sứ, đệm hoa sẵn sàng.
Có gạo trắng, có kê vàng,
Ở đây no ấm, vẻ vang một đời.

– Thôi, thôi! Ta đã biết rồi,
Lồng son cũng thể là nơi ngục tù.
Hay gì cái kiếp ăn nhờ,
Cánh ràng chân buộc quyền do ở người.
Chi bằng rừng nọ thảnh thơi,
Tổ tuy bé nhỏ, nhưng đời tự do.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

 

Trên đồi

Có năm mái nhà tranh,
Trên đồi Tăng Nhơn Phú.
Giữa nền trời xanh thằm,
Đưa làn khói cuộn quanh.
Có một nàng thôn nữ?,
Bên cạnh bờ suối trong.
Có năm, ba mục tử,
Ngơ ngác nhìn mênh mông.

Mây trắng quyện lưng đồi,
Chiều tà, nhạt nắng hanh.
Đường chiều, sương chắn lối,
Văng vẳng khúc quân hành.

TRẦN QUANG NGHĨA
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

 

Chim Việt

Con chim Việt đậu cành Nam,
Dẫu cay dẫu đắng cũng cam tấm lòng.
Cành Nam chim Việt cùng chung,
Cùng đàn cùng giống mà cùng nước non.
Chim lớn thì bảo chim con,
Nghìn đời muôn thuở vẫn còn cành Nam, 
Chăm lo, chăm học, chăm làm,
Cố sao giàu mạnh, vẻ vang tổ nhà.

THTC.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1957)

 

Buổi sáng trong thành phố

Đèn điện vừa mới tắt,
Kẻ gánh gồng thoăn thoắt.
Từ ngoại ô kéo vào,
Bán sớm mai cho đắt.

Hàng quà cùng hàng cháo,
Tiếng rao, mời huyên náo.
Một em bé đạp xe,
Đến từng nhà mua báo.

Cửa hàng mở sáng choang,
Xe đi lại ngập đường.
Người công nhân đến xưởng,
Các em bé ra trường.

Rộn rã khắp phố phường,
Lao động cùng doanh thương.
Sau một đêm thư thái,
Mạch sống lại tăng cường.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1957)

 

Bác phu xe

Trời mưa như trút nước,
Đường nhựa bóng như gương.
Gió rung, gào, gió thét,
Nhìn cây cối mà thương.
Giờ chỉ còn mấy bác.

Phu xe cứ chạy đều. 
Chân đạp, tay bẻ lái,
Gắng lướt gió ngược chiều.
Dưới trời mưa ướt át,
Dưới gió rét căm căm.
Người phu xe cảm thấy,
Cả thân thể như dần.
Trong cơn mưa gió đó,
Ai ngồi ở trong nhà.
Có để ý nhìn qua,
Những con người lao khổ.

Theo XUÂN CHINH
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1957)

 

Công nghệ làng tôi

Làng tôi chuyên nghiệp canh nông,
Nhưng dân còn giữ mấy công nghệ thường.
Sẵn tre, đan thúng đan sàng,
Làm bàn, làm ghế làm giường bằng mây.

Lại nghề dệt cói xe đay,
Chiếu hoa, chiếu đậu, đó đây ưa dùng.
Quay tơ, kéo chỉ ra công,
Dệt the, dệt lụa bán trong xóm làng.

Từ ngày công nghệ mở mang,
Xem ra đời sống dễ dàng hơn xưa.
Cố công học hỏi thi đua,
Hàng ta tinh xảo há thua kém người.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

 

Mùa hè

Ai yêu cánh đồng?
Ai yêu bãi cát?
Ai yêu những ngọn đồi cao ngất,
Hãy mừng đi! Chờ đón buổi hè sang.
Hãy mừng đi! Sửa soạn bước lên đường!
Ra biển rộng, núi ngàn, đồng bát ngát.
Mùa hè! Mùa hè!
Cảnh trời muôn sắc,
Xa mái trường yêu.
Giã từ bạn tác,
Hẹn gặp ngày mai.
Mây nước cỏ cây,
Đợi chờ bạn trẻ.
Mùa hè: xinh tươi!
Hoa phượng rợp trời.
Đón hè muôn tiếng reo cười,
Mừng hè thêu dệt vạn lời thơ hoa.

PHƯỢNG HẢI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

 

Các nghề

Mỗi người một nghệ xưa nay,
Nghề buôn, nghề thợ, nghề thầy, nghề nông.
Nghề nào cũng phải gắng công,
Nước nhà mới được cậy trông sau này.

Một nghề chẳng có trong tay,
Mong gì no ấm những ngày khó khăn.
Có nghề là sẽ có ăn,
Lại còn ích quốc lợi dân sau này.

N.S.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1957)

 

Rỡn nắng [Giỡn nắng]

Em ra rỡn nắng hồng tươi,
Cho gân cứng cáp cho người nở nang.
Tay chân vận động nhịp nhàng,
Nhảy êm như chiếc lá vàng nhẹ bay.

Đàn chim núp ở trong cây,
Thấy em tập võ chúng ngây mắt nhìn.
Máu hồng chảy ở trong tim,
Đời tươi đẹp quá! Phải tìm đâu xa?

TRẦN TRUNG PHƯƠNG
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

 

Lời khuyên

Các em cắp sách đến trường,
Chớ nên thơ thần bên đường rong chơi.
Mặt mày lau rửa hẳn hoi,
Áo quần chớ có để mùi hôi tanh.
Ngồi trong lớp, cố học hành,
Chớ làm ầm hoặc nhổ quanh chỗ ngồi.
Ra vào đều xếp hàng đôi,
Chơi cầm dao kéo, lỡ thời nguy nan!
Làm bạn tốt, học trò ngoan,
Rồi ra trong xóm, ngoài làng đều khen.

BẢO VÂN
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thư, lớp Ba)

 

Toét mắt

Tẹo năm nay mười tuổi,
Học lớp ba trường làng.
Quần áo thật là sang,
Nhưng phải cái mắt toét!

Tẹo ra ngồi bàn bét,
Mắt hấp háy, lim dim.
Mỗi khi ngước mắt nhìn,
Y như nước mắt chảy.

Mắt bị toét như vậy,
Vì Tẹo bẩn vô cùng!
Đất cát bốc lung tung,
Tay bẩn sờ lên mắt.

THI THI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

 

Trăng thu

Dưới vầng trăng sáng tỏ,
Ánh vàng đẹp rung rinh.
Bên tôi đàn em nhỏ,
Mỉm nụ cười xinh xinh.

Nhìn đàn em thơ dại,
Ánh mắt ngời long lanh.
Nắm tay cùng nhảy mãi,
Vũ khúc “Trăng thanh bình”.

Các em cười ríu rít,
Ca vang dưới trời thanh.
“Đêm nay trăng thu đẹp,
Như ngày xanh thơm lành…”.

THÚY MAI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

 

Mấy điều khuyên vệ sinh

Khi chơi đừng chạy quá nhanh,
Khi đau ốm gặp đô lành hãy ăn.
Ban đêm đắp bụng khi nằm,
Gặp mưa quần áo ướt đầm phải thay!

Ăn cho ra bữa ra ngày,
Người tham lam quá lại hay ốm nhiều.
Mô hôi càng chảy bao nhiêu,
Lại càng nên tránh những chiều gió qua.

Còn nước bẩn, phải kiêng xa,
Nếu theo đúng thế ắt là khỏe luôn…

BẢO VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

 

Vệ sinh về răng

Các em nên nhớ ăn xong,
Xỉa răng sạch sẽ thì không hôi mồm.
Khi sáng dậy, lúc chiều hôm,
Trước khi đi ngủ nhớ còn đánh răng.

Dùng bàn chải, hoặc lấy khăn,
Cọ kỳ rồi súc miệng bằng nước trong.
Tiện ta dùng thuốc, xà phòng,
Nếu mà có thiếu cũng không hề gì!

Điều cần nhất phải nên ghi,
Giữ răng cho sạch, bất kỳ gái trai.

BẢO VÂN
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thư, lớp Ba)

 

Cây dứa

Một em bé ra đường chơi bậy,
Gai dứa đâu, đâm chảy máu ra.
Chạy về khóc mếu kêu cha,
Dứa chi thổ tả, thực là lắm gai!

Sao mà lại trồng ngay đường cái?
Chẳng ích chi thêm hại cho người!
Cha rằng: trồng để răn đời,
Những nơi gai góc là nơi chớ gần.

Quốc văn độc bản
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9&10.1957)

 

Xinh xinh

Có khu vườn xinh xinh,
Và khoảnh sân nho nhỏ.
Chim đâu về làm tổ,
Trên cành cây xinh xinh.

Có vườn rau xinh xinh,
Luống cà chua chín đỏ,
Những cành hoa nho nhỏ,
Theo làn gió rung rinh.

Có đường đi xinh xinh,
Theo vườn cau nho nhỏ.
Lối vào nhà em đó,
Sum họp với gia đình.

VĨNH HUYỀN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1958)

 

Ngọn cờ lau

Hoa Lư một ngọn cờ lau,
Trẻ thơ cùng lũ chăn trâu tập tành.
Lớn lên, võ nghệ tinh nhanh,
Theo Trần Minh Chủ dẹp bình Sứ quân.

Đánh đâu được đấy, xa gần,
Hơn năm trời đã về phần Thắng Vương.
Mười hai sứ họp một phương,
Đinh Tiên Hoàng đã dẹp đường phân tranh.

Đại Cồ Việt nức uy danh,
Ngàn năm ghi dấu nơi thành Hoa Lư.

BẢO VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1958)

 

Hưng Đạo Vương

Ban đầu ít tướng thưa binh,
Nên quân Mông Cổ chiếm thành Thăng Long.
Vua, tôi đều dốc một lòng,
Vào Thanh tổ chức trong vòng ít lâu.

Toa Đô trước trận rơi đầu,
Thoát Hoan vội trốn về Tầu trông sang…
Lần sau trên Bạch Đằng Giang,
Thoát Hoan lại trốn theo Hoằng Thao xưa.

Quân ta chém tướng, cướp cờ,
Mã Nhi bị trói, bên bờ giặc tan…
Thăng Long lại hiện bóng vàng,
Tiếng anh hùng vẫn còn vang muôn đời…

BẢO VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 1.1958)

 

Cái Sắn tốt tươi

Cái Sắn gió mát, trăng trong,
Sẵn kênh cá lặn, sẵn đồng cò bay.
Người làm vui vẻ đêm ngày,
Bên kia vỡ ruộng, bên đây dựng nhà.

Họp thành trại ấp gần xa,
Người Nam, kẻ Bắc mặn mà hả hê.
Canh nông sẵn nếp đồng quê,
Thêm nghề chài lưới, xen nghề chăn nuôi.

Xe đò buôn bán, ngược xuôi,
Dưới sông, trên chợ, muôn người ganh đua.
Rồi đây, trường học, đình chùa,
Dân y, bưu chính chẳng thua nơi nào.

Đ. Q.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1958)

 

Nghề nông

Non cao cũng có đường leo,
Đường dẫu khó trèo, cũng có lối đi.
Cao nguyên đất tốt lo gì,
Cày cấy kịp thì, chồng vợ ấm no.

Đất mầu trồng đậu, trồng ngô,
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn.
Nghề nông ra sức khuếch trương,
Cao nguyên phá rẫy, làm nương ven đồi…

Tưởng rằng đá rắn thì thôi,
Ai ngờ đá rắn nung vôi lại nồng.
Tưởng rằng đất núi gai, chông,
Ai ngờ đất núi cấy trồng nở hoa…

DÂN VIỆT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1958)

 

Mạ xanh

Mạ xanh thơm ngát khắp nơi,
Lúa non sóng gợn chân trời rung rinh.
Đồng quê ấp ủ bao tình,
Mưa nhiều thấm đất, vươn mình lúa cao.

Lúa lên cao, chứa bao hi vọng,
Nhìn cánh đồng nằm võng ru con:

“Mạ xanh trổ lá tươi non,
Gió mưa hòa thuận, khoai ngon, thóc đầy.
Cái ngủ, mày ngủ cho say,
Có công cày cấy, có ngày ấm no…”

ĐỀ QUYÊN
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thư, lớp Ba)

 

Cố học

Mười ngày nghỉ Tết qua rồi,
Chúng em chăm gấp mấy mươi dạo nào.
Nhớ hôm mùng một phong bao,
Lời Bà dặn: “Cố sao nên người”.

Khoanh tay thưa: “Cháu nhớ lời
Từ nay chăm học làm vui cả nhà…”
Rồi em vịn lấy tay Bà,
Cùng đi lễ Tết, trẻ già bên nhau.

Mười ngày nghỉ Tết đến mau!
Chúng em cố học, mai sau nên người.
Mùa xuân hoa cỏ tốt tươi,
Chúng em chăm chỉ không lười như xưa!

THI THI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1958)

 

Lam Sơn khởi nghĩa

Bao năm sắm sửa, đợi chờ,
Lam Sơn gióng trống, mở cờ ra binh.
Quyết lòng tận diệt quân Minh,
Giữa hàng tướng tá xưng Bình Định Vương.

Mười năm lận đận bốn phương,
Gian nan rồi mới lên đường vinh quang.
Trận cuối cùng, ải Chi Lăng,
Vương Thông nộp giáo, Liễu Thăng rơi đầu.

Hồ Gươm xanh ngắt một màu,
Tưởng chừng kiếm quý còn đâu chốn này!

BẢO VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1958)

 

Đồng quê thanh bình

Đường đê uốn khúc quanh co,
Cánh diều sáo vẫn vo vo giữa trời.
Đàn cò trắng toát như vôi,
Theo mây vàng lững lờ trôi… lững lờ.

Trên trời mấy dải mây tơ,
Dưới ruộng đương bừa, mấy cọng rơm trôi.
Đồng quê vừa nhọ mặt người,
Chiếc vạc tìm mồi “quang quác” kêu đêm.

Xóm làng khi đã ngủ yên,
Chỉ còn tiếng trống luân phiên điểm giờ.
Thanh bình êm tựa giấc mơ,
Đồng quê là một bài thơ thanh bình.

XQ.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1958)

 

Trận mưa rào

Hôm qua có trận mưa rào,
Mưa ra ngoài ruộng, mưa vào luống rau.
Lúa em ngọn héo lá rầu,
Nhờ mưa xanh lúa, tốt rau vườn nhà.

Công phu dãi nắng dầm mưa,
Em mong lúa tốt: “Là thừa ấm nơ”.
Cha em đi sớm về trưa,
Be bờ, tát nước, được mùa năm nay?

Mẹ em cũng cấy cũng cày,
Ra công xây dựng lại ngày vui xưa…

Theo THU HOÀI
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1958)

 

Chờ mong mẹ về

Trưa hè chói nắng chang chang,
Chùm hoa phượng thắm trên hàng cây cao.
Gió, tre nói chuyện rì rào,
Có đàn chim sẻ bay vào mái tranh.

Rập rờn sóng lúa lượn xanh,
Con sông đào nhỏ uốn quanh cánh đồng.
Sáo diều văng vằng trên không,
Reo vang khúc hát “Chờ mong hè về”.

Mai đây trên cánh đồng quê,
Chúng em mải miết, say mê nô đùa.
Thông reo, sóng vỗ, gió lùa,
Giục đàn trẻ nhỏ thi đua đón hè…

TRƯỜNG SƠN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 5.1958)

 

Em đau

Những khi trái nắng, trở trời,
Em đau, là mẹ đứng ngồi không yên.
Tìm thầy, lo chạy thuốc men,
Đêm ngày săn sóc, vì em nhọc nhằn.
Hết bóp trán loại xoa chân,
Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành.

Em ho: ngực mẹ tan tành,
Em sốt: lòng mẹ như bình nước sôi.
Em nằm khấn Phật, cầu Trời,
Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, em vui.

ĐẶNG DUY CHIẾU
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 10.1958)

 

Đừng tham ăn

Ăn quen rồi nhịn chẳng quen,
Ngồi ăn nghiêng ngả ai khen bao giờ.
Bụng no, con mắt chưa no,
Ăn nhai nói nghĩ phải cho đường hoàng.

Chớ đừng nhai, nuốt vội vàng,
Hóc xương bội thực nhỡ nhàng khổ thân.
Cái gì không biết đừng ăn,
Uống ăn càn bậy, có lần oan gia.

VŨ HUY CHÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 10.1958)

 

Mẹ chợ về

Mẹ em đi chợ đã về,
Em ra đón mẹ, em bê rổ vào.
Hôm nay nhiều thứ làm sao!
Nào tôm, nào cá, bí đao, cua đồng.

Lại thêm mấy mớ cải ngồng,
Lá xanh che kín mấy bông hoa vàng.
Bé Vân chạy đến vội vàng,
Mẹ đưa cho gói ngô rang, em cười.

NHƯ TUYẾT
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 10.1958)

 

Đan áo

Chị ơi, em nhớ ngày xưa lắm,
Chị thích ngồi đan chiếc áo lam.
Chị ngồi đan áo, em ngồi ngắm,
Tay nhẹ nhàng đưa đếm… vạn hàng.

Ngoài kia gió lộng thêm băng giá,
Xơ xác cây khô, trống trải buôn.
Trong này em thấy vui… vui lạ,
Mặc vừa chiếc áo chị vừa đan.

VẠN LINH VÂN
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 11.1958)

 

Ao ước

Trong góc tường ướt át,
Nhìn mưa tí tách rơi.
Vai chị, em kề sát,
Gió lộng tóc tơi bời.

Bên phòng học ấm êm,
Giọng cô giáo êm đềm.
Trong ánh đèn hớn hở,
Xanh đỏ nhiều áo len.

Em bé nhìn ngây thơ,
Chị em mình bao giờ.
Sướng vui như họ nhỉ?
Êm ấm bên thầy, cô.

Ủ em trong đôi tay,
Chị nghẹn ngào mơ ước.
Một chiếc áo len dày,
Ấm em giờ lạnh buốt.

VƯƠNG KIỀU THU
(Tiểu học Nguyệt San, tháng 11.1958)

 

Nên dùng nội hóa

Người ta, dùng của nước ta,
Những đồ ngoại hóa xa hoa chớ dùng.
Để cho con Lạc, cháu Hồng,
Sẵn công, sẵn việc có đồng mà tiêu.

Giấy rách phải giữ lấy lề,
Người Việt phải biết yêu nghề Việt Nam.
Muốn cho nước mạnh dân sang,
Phải dùng nội hóa chớ ham hàng người.

Trích báo T.D.
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 11.1958)

 

Tấm áo

Tiếng đồng hồ chậm chậm,
Tích tắc điểm trong đêm.
Em nhìn thấy cha em,
Đọc báo và suy nghĩ.
Mẹ cũng không ngồi nghỉ,
Vẫn cắt cắt khâu khâu…
Tiếng kéo giữa đêm thâu,
Đều đều chia thớ vải.
Tay mẹ đưa mềm mại,
Từng đường chỉ, mũi kim.
Và nói với cha em:
“May cho con tấm áo”.

THI THI
(Bùi Văn Bảo, Việt văn toàn thu, lớp Ba)

 

Nhớ ơn tổ tiên

Sung sướng như chúng ta,
Thực là nhờ ông cha.
Giếng sâu mạch nước tốt,
Cây cao bóng rợp xa.

Nước giếng uống đỡ khát,
Bóng cây, ngồi râm mát.
Ơn cây, mong càng cao,
Ơn giếng, mong đừng cạn.

Ta ơn sự học này,
Như giếng lại như cây.
Ông cha để lại đó,
Ta mong ngày càng hay.

TẢN ĐÀ
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 12.1958)

 

Lòng thương con

Mẹ là cây, chuyển nhựa đời,
Nuôi cho là những nụ cười nở hoa.
Mẹ là biển rộng bao la,
Trào muôn đợt sóng, chính là các con.

Mẹ là rừng thẳm núi non,
Chúng con, tiếng hót véo von trên cành.
Đẹp như bát ngát trời xanh,
Lòng thương của mẹ, mẹ dành cho con.

HƯƠNG THU
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 12.1958)

 

Chị tôi

Chị tôi chiều tôi lắm,
Vì chúng tôi mồ côi.
Thầy mẹ đều mất sớm,
Còn hai chị em thôi.

Ngày ngày một buổi chợ,
Chị gánh hàng bán buôn.
Trưa về, trên khung cửi,
Chị dệt tới hoàng hôn.

Chị cho tôi lên tỉnh,
Trọ học nhà người quen.
Và cứ mỗi đầu tháng,
Chị gửi ra gạo, tiền.

Mỗi lần thấy tôi về,
Chị vui mừng hả hê!
Hỏi han bài vở học,
Và thưởng bánh đa kê.

THÙY HƯƠNG
(Tiểu Học Nguyệt San, tháng 12.1958)

 

Em bé đánh giày

Mai vàng đua nhau nở,
Báo hiệu xuân về đây.
Bao nhiêu người vui vẻ,
Buồn riêng em đánh giày.

Em xách chiếc thùng cây,
Mang tấm thân ốm gầy,
Len khắp đường phố chợ,
Tìm đánh một đôi giày.

Em lê tấm thân tàn,
Vào các tiệm cao sang,
Đánh giày ăn qua bữa,
Thân trẻ sớm cơ hàn.

Xuân này em lang thang,
Đi khắp các phố phường,
Mang quần áo tả tơi,
Rước xuân bằng đau thương.

ĐỘC LINH (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9.1961)


Non cao cũng có đường leo,
Đường dẫu khó trèo, cũng có lối đi.
Cao nguyên đất tốt lo gì,
Cày cấy kịp thì, chồng vợ ấm no.

Đất mầu giòng đậu, giòng ngô,
Đất lầy cấy lúa, đất khô làm vườn.
Nghề nông ra sức khuếch trương,
Cao nguyên phá rẫy, làm nương ven đồi…

Tưởng rằng đá rắn thì thôi,
Ai ngờ đá rắn nung vôi lại nồng.
Tưởng rằng đất núi gai, chông,
Ai ngờ đất núi cấy trồng nở hoa…

DÂN VIỆT (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 2.1958)

Trời tang tảng, sương đào bay lớp lớp,
Cánh đồng quê mờ ngập khói sương mờ.
Từ cổng làng, từng bọn kéo nhau ra,
Tiếng quang hái, đòn cân va lách cách.

Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất,
Rồi tạt ngang, tản mát khắp đồng quê.
Họ dừng chân bên ruộng ướt sương khuya,
Lúa rạp rạp ngã, theo gió thổi…

BÀNG BÁ LÂN (Tiểu Học Nguyệt San, số 5. 1957)

Em có biết, học sinh, em có biết,
Các tiện nghi em thụ hưởng hằng ngày,
Là công trình vô số những bàn tay,
Chai dắn lại sau những ngày lam lũ?

Trong cơ xưởng, khắp nơi trên hoàn vũ,
Bánh xe quay, máy móc chuyển rầm rầm.
Bao công nhân, ngày hai buổi, âm thầm,
Lo phận sự chu toàn, không mệt mỏi.

Công nhân hỡi! Người anh hùng không tên tuổi!
Nhờ có anh, còi nhà máy vang rền.
Nhờ có anh, nhân loại mãi vươn lên,
Đến tột đỉnh nền văn minh cơ khí.

NGỌC LUYỆN (Nhóm Lửa Việt, Việt ngữ, lớp Bốn)

Da mồ hôi tưới nắng đào bóng loáng,
Gân ngoằn ngoèo, cùng năm tháng dẻo dai.
Thớ thịt căng, mọi nét máu chạy dài,
Pho hoạt tượng, hình của người lao động.

Còi nhà máy rộn lên, vang sức sống!
Khói tung bay, cuồn cuộn bốc mây xanh.
Tay vung lên, ôm giữ mộng hiền lành,
Tiếng kèn kẹt xoay nhanh vòng xã hội…

Những thanh sắt vang lời ca dữ dội,
Tia lửa bừng, hôi hổi sức công nhân.
Đẹp hiên ngang, một sắc đẹp tuyệt trần!
Tô non nước, thêm muôn phần rực rỡ.

Người lao công, ngươi là người muôn thưở,
Xây hình hài cho bờ cõi quê hương!
Người lao công! kìa tráng lệ huy hoàng!
Thay tạo hóa điểm trang toàn thế giới…

HIỆP NHÂN (Tia Sáng)

Trong túp lá bên đường qua xóm chợ,
Tiếng “băng! băng!” từng chập dội vang rền:
Bác thợ rèn làm việc, ở ngay bên,
Nào đe, búa, nào than, nào sắt, bễ.

Một đứa bé, ngồi cao trên chiếc ghế,
Rướn thân gầy thụt bễ chẳng khi lơi.
Lò than hồng, hừng hực đỏ, reo vui,
Mưa bụi lửa từng cơn bay tới tấp.

Cứ mỗi lần vươn vai giơ búa đập,
Là một lần thanh sắt ở trên đe,
Lại oằn đi, dưới sức mạnh tràn trề,
Của bắp thịt người cần lao kiên nhẫn.

NGUYỄN NGỌC (Nhóm Lửa Việt, Việt ngữ, lớp Bốn)

Có những con người đang thời hoa nở,
Sống trong niềm đau khổ: kiếp lầm than.
Cặp chân non ngày tháng những lang thang,
Trên đường phố ngút đầy bao gió bụi.

Tuổi niên thiếu dệt trong ngàn sầu tủi,
Không gia đình, cha mẹ, khát tình yêu.
Ôi long đong, thân trẻ nhỏ sớm chiều,
Ngàn cực nhục cũng chỉ vì cơm áo!

Tuổi niên thiếu lớn dần trong khổ não,
Mặt trẻ trung đầy những nét đau thương.
Sống lầm than, dầu dãi nắng mưa sương,
Thân còm cõi không đủ đầy nhựa sống.

Những trẻ ấy dưới bầu trời cao rộng,
Đưa mắt nhìn thèm khát cảnh yên vui.
Có chăng ai, chỉ một phút ngậm ngùi,
Cho thân phận con người xấu số.

XUÂN CHÍNH (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1959)

Hai đứa trẻ
Trên vỉa hè,
Dòng đời đã bước lê thê,
Chúng đi, đi mãi biết về nơi đâu?

Chúng đã cùng chung một nỗi sầu,
Khi mùa ly loạn rắc thương đau.
Gặp nhau trong buổi chiều đông giá,
Mỗi dải khăn tang, mỗi mái đầu.

Hôm nay mưa gió lắm,
Chúng sát lại gần nhau,
Hòng san hơi thở ấm,
Cho đỡ lạnh lòng đau.

Dật dờ trong bóng tối,
Hai trẻ dắt nhau đi.
Đêm nay chúng sẽ về đâu nhỉ?
Hay vẫn bơ vơ kiếp lạc loài!

H.H. (Hà Mai Anh, Tiểu học Quốc văn, lớp Nhất)

Quê em nhà cửa liền nhau,
Mái tranh, mái ngói chen màu xinh xinh.
Quê em có miếu, có đình,
Có con sông nhỏ uốn mình trong tre.

Có đồng có ruộng bao la,
Nông dân làm lụng hát ca bên đồng.
Lúa xanh đang trổ đòng đòng,
Một mùa mơn mởn đẹp lòng dân quê.

Nương dâu xanh ngắt bốn bề,
Bắp, mì, khoai, đỗ, lang, mè tốt xanh.
Sớm hồng trời đẹp trong lành,
Sương mai rung động trên cành chim ca.

Vàng son lơ lửng chiều tà,
Đồng quê thơ mộng bao la xanh rờn.

THANH GIANG (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 10.1958)

Quê tôi có một con sông,
Có nương khoai thắm, có đồng lúa xanh.
Bốn mùa gió mát, trăng thanh,
Bốn mùa lúa tốt, dân lành vui tươi.

Đó đây vang tiếng nói cười,
Câu hò, giọng hát của người nông dân.
Ngày đêm chẳng quản tấm thân,
Nắng mưa dầu dãi bao lần nào than.

Mồ hôi đem tưới mùa màng,
Chân tay xới mảnh đất vàng thân yêu.
Quê tôi trong ánh nắng chiều,
Vi vu thoáng tiếng sáo diều nhặt khoan.

HÀN GIANG (Nhóm Lửa Việt, Việt ngữ, lớp Bốn)

Tôi đã đi,
Từ Cà Mau ra Bến Hải.
Tôi đã dừng lại,
Khắp các nẻo đường.

Nước xanh màu bát ngát đại dương,
Hay trùng điệp núi rừng cao nguyên đất đỏ.
Tôi đã qua,
Khắp các đô thành nguy nga, to nhỏ,
Bãi biển, đồi thông.

Lúa Hậu Giang bát ngát ngập đồng,
Dừa Bình Định tô xanh miền cát trắng.

THNS. (Nhóm Lửa Việt, Việt ngữ, lớp Bốn)

Dưới cảnh sắc chiều vàng bóng ngả,
Thành Huế như bức họa muôn màu.
Xa xa ngọn chuối, tàu cau,
Ngàn thông vi vút, bóng dâu chập chờn.

Cảnh cung điện vàng son chói lọi,
Dải tường thành vòi vọi quanh co.
Nguy nga tòa sở nhỏ to,
Nếp xưa bộ viện dư đồ còn nguyên.

Thiên Mụ cố lánh niềm trần tục,
Tẩm lăng còn y thức ngựa voi.
Sông Hương đáy hiện khuôn trời,
Ngự Bình lồng bóng giữa vời chon von.

VŨ HUY CHÂN (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 8.1960)

Bao năm sắm sửa, đợi chờ,
Lam Sơn gióng trống, mở cờ ra binh.
Quyết lòng tận diệt quân Minh,
Giữa hàng tướng tá xưng Bình Định Vương.

Mười năm lận đận bốn phương,
Gian nan rồi mới lên đường vinh quang.
Trận cuối cùng, ải Chi Lăng,
Vương Thông nộp giáo, Liễu Thăng rơi đầu.

Hồ Gươm xanh ngắt một màu,
Tưởng chừng kiếm quý còn đâu chốn này!

BẢO VÂN (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 3.1958)

Mưu thần một trận ra oai,
Kinh hồn Tống tướng, khiếp tài Nam binh,
Trời Nam yên hưởng thái bình,
Nghìn thu công đức Đại Hành chớ quên.

Ỷ nước mạnh, hiếp dân hèn,
Bắc Nam còn lại lắm phen tranh hùng.
Chi Lăng sau vẫn một vùng,
Là nơi giặc Liễu bước cùng bỏ thân.

Kìa ai mật nếm, gai nằm,
Một thân gánh vác, mười năm dãi dầu.
Tấm gương ái quốc còn lâu,
Ngàn năm để cháu con sau học đời.

Có thân phải biết giống nòi,
Rồng Tiên quyết chẳng kém người năm châu?

DƯƠNG ĐÌNH TẨY (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 4.1957)

Băng băng đuốc lửa, rừng gươm giáo,
Khí thế quân Nam nước lũ tràn.
Khuya tối mồng năm, liên tiếp sáng,
Hà Hồi thất thủ, Ngọc Hồi tan.

Đoàn quân giải phóng tràn xô đến,
Ngựa thét lừng mây, súng đổ thành.
Sĩ Nghị, nửa đêm quăng ấn tín,
Mình không gươm, giáp, chạy về Thanh.

Một lũ tàn quân theo chủ tướng,
Tranh nhau, cầu đổ, vỡ cường chinh.
Sông Hồng ngập ngụa thây quân Mãn,
Máu đỏ trôi về tận Bắc Kinh.

Cờ Việt thượng lên tầng soái phủ,
Quang Trung dừng ngựa giữa Thăng Long.
Áo bào khói súng pha đen xạm,
Chiến thắng dân, quân: nức một lòng.

TỪ TRẨM LỆ (Bùi Văn Bảo, Quốc văn toàn tập, lớp Nhất)

Ôi! êm ái là thời đang cắp sách!
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ!
Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ,
Và thắm đậm như một mùa xuân mới.

Có những lúc hồn nhẹ nhàng phơi phới,
Cũng đôi khi nặng trĩu bởi lo âu.
Nhưng một khi bài đã thuộc lầu lầu,
Lo lắng biến, nhường phần cho vui vẻ.

Rồi những phút đời vô cùng đẹp đẽ,
Hưởng tình trong của bạn hữu thân yêu.
Những truyện vui, rồi những truyện vui theo,
Cứ mau chóng chạy qua cùng ngày tháng.

Những tình cảm nơi học đường xán lạn,
Quên làm sao, tuy dĩ vãng xa xôi?
Vì đó là những kỷ niệm của thời,
Thời cắp sách, thời vô ngần trong sạch.

LÂM NGỌC SĨ (Hà Mai Anh, Tiểu học Quốc văn, lớp Nhất)

Nô nức hôm nay, buổi tựu trường,
Như chim ríu rít sáng tinh sương.
Các em tấp nập ra trường học,
Lê guốc giày vang khắp phố phường.

Nét mặt ngây thơ miệng mỉm cười,
Áo quần mới mẻ dáng vui tươi.
Tay cầm cặp sách đi chân sáo,
Lòng vẫn lâng lâng, mặt sáng ngời.

Giữa đám mây xanh hiện mái trường,
Một hồi trống giục đã ngân vang.
Cổng trường mở rộng như chào đón,
Những đám trò em bước vội vàng.

Bạn cũ gặp nhau lại nghịch tinh,
Vui đùa, cười nói, chuyện tâm tình.
Trời thu mây kéo như thông cảm,
Với nỗi niềm vui của học sinh.

VŨ TIẾN THU (Tiểu Học Nguyệt San, tháng 9-10.1959)

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!

Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã,
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu.
Chờ đêm nay: sáng sớm bước lên tàu,
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ,
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng, huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

XUÂN TÂM (Lời tim non)

Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.

Từng nơi, Thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp,
đây cầu Hiền Lương, Biển Đông,
trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo Thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…

Rồi với giọng trầm hùng, Thầy giảng:
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.

Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.

Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc Thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông!

Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con …

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version