2021 có lẽ là năm buồn nhất đối với người Việt nói chung và đối với làng văn nghệ nói riêng. Bên cạnh những tang thương do con vi rút bé nhỏ gây ra cho hàng vạn người, năm 2021 cũng chứng kiến sự ra đi của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, để lại nhiều thương tiếc đối với những người mến mộ.
Nhạc sư Vĩnh Bảo
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, cây đại thụ cuối cùng của cổ nhạc Việt Nam – nhạc sĩ Vĩnh Bảo – đã rời xa dương thế ở tuổi 103 vào ngày 8/1/2021. Nếu tính theo âm lịch, ông hưởng thọ 104 tuổi.
Tiếng đàn của ông được xem là độc nhất vô nhị, được gói gọn chỉ trong 4 chữ nhưng lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế. Cách sống nhẹ nhàng, thanh tao của ông đã vận vào tiếng đàn làm nên những âm thanh làm say lòng người.
Từ lúc 5 tuổi ông đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc. Tuổi thiếu niên, vì gia đình sa sút nên ông lang bạt kỳ hồ để kiếm sống, lưu lạc sang tận Cao Miên. Năm 20 tuổi, ông quay lại Sài Gòn, được hãng đĩa Béka mời thu thanh một số bản đờn.
Từ năm 1955, ông cùng một số người bạn (Michel Nguyễn Phụng, Nguyễn Hữu Ba…) trở thành những người thầy đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc danh tiếng từ thuở mới khai sinh. Thập niên 1970, nhạc sư Vĩnh Bảo cùng 2 tài hoa khác của nền âm nhạc Việt Nam là GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã được ĐH IIlinois (Mỹ) mời sang giảng dạy.
Danh ca Lệ Thu
Cũng trong tháng 1 năm 2021, người yêu nhạc chứng kiến sự ra đi của một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của tân nhạc, đó là danh ca Lệ Thu.
Cô qua đời vì bị nhiễm n-covi vào ngày 15/1/2021, dù được điều trị tích cực trong hơn 1 tháng nhưng không qua khỏi. Theo lời kể của con gái danh ca Lệ Thu là chị Cẩm Tú, trước khi nhiễm bệnh, cô chỉ sống một mình và có thói quen sinh hoạt rất sạch sẽ, cẩn thận. Khi ra ngoài Lệ Thu luôn đeo khẩu trang, khi về nhà luôn rửa tay và thay đồ khác. Điều đau buồn là chỉ 2 tháng sau khi Lệ Thu qua đời thì người con gái của cô là Cẩm Tú cũng ra đi vì bạo bệnh.
Trong thể loại nhạc trữ tình kể từ thập niên 1960, cùng với Khánh Ly và Thái Thanh, Lệ Thu là một trong ba tên tuổi nổi tiếng được yêu thích nhất ở miền Nam tại các phòng trà âm nhạc. Nhắc đến Lệ Thu, người ta nhớ đến “giọng hát vàng mười” rất sang trọng, giàu năng lượng, truyền cảm và sâu lắng. Giọng hát đã thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến…
Cho đến những ngày tháng cuối cùng trước khi bị bệnh, danh ca Lệ Thu vẫn sinh hoạt âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trên sân khấu.
Ca sĩ – nhạc sĩ Quốc Anh
Ca sĩ – nhạc sĩ Quốc Anh, tác giả ca khúc Ngày Xuân Vui Cưới quen thuộc mà ai cũng có thể nghe tại các đám cưới từ thôn quê đến thành thị, hoặc là vào dịp Tết đến xuân về. Như một định mệnh, ông cũng qua đời vào một ngày đầu xuân (19/1/2020).
Ca sĩ – nhạc sĩ Phượng Vũ
Ngày 16/4/2021, ca – nhạc sĩ Phượng Vũ qua đời tại bệnh viện Orange Coast – Quận Cam, hưởng thọ 73 tuổi. Ông là tác giả của các ca khúc nhạc vàng quen thuộc là Áo Nhà Binh, Cánh Thư Mùa Hạ, Rừng Ái Ân…, ông cong có người em gái nổi tiếng là nhạc sĩ Khúc Lan – người chuyên viết lời Việt cho các ca khúc nhạc ngoại nổi tiếng vào thập niên 1980 ở hài ngoại.
Ca sĩ – minh tinh Khánh Ngọc
Danh ca Khánh Ngọc, một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn thập niên 1950 đã qua đời vào ngày 14/5/2021 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 85 tuổi.
Không chỉ là một danh ca tân nhạc nổi tiếng, bà Khánh Ngọc còn là một diễn viên điện ảnh, kịch nghệ, là một trong những ngôi sao điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên của làng điện ảnh Sài Gòn cùng với các minh tinh Trang Thiên Kim, Mai Trâm, Thu Trang…
Khánh Ngọc thường được nhắc đến với sắc đẹp quyến rũ lúc còn xuân, và là vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhưng ít người biết rằng bà đã có những đóng góp lớn trong cả âm nhạc lẫn điện ảnh vào thuở nghệ thuật Miền Nam còn sơ khai hồi thập niên 1950.
Click để nghe giọng hát Khánh Ngọc
Ca sĩ – nhạc sĩ Trường Hải
Sau nhiều năm bị mắc căn bệnh Parkinson làm cho sức khỏe yếu dần, ca nhạc sĩ Trường Hải đã trút hơi thở cuối cùng vào 5h sáng ngày 11/6/2021 (giờ địa phương), hưởng thọ 83 tuổi.
Trong số những ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975, Trường Hải không phải là một tên tuổi quá nổi bật và quen thuộc với công chúng, tuy nhiên ông cũng để lại nhiều dấu ấn với những ca khúc Hận Đồ Bàn, Tình Như Mây Khói, Tôi Đưa Em Sang Sông… Ngoài ra ông cũng là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc quen thuộc đã trở thành bất tử là Những Chiều Không Có Em, Mimosa, Tình Ca Người Đi Biển…
Click để nghe Trường Hải hát Những Chiều Không Có Em
Đặc biệt nhất là Trường Hải cũng là người thực hiện những cuốn băng nhạc Trường Hải Không Chủ Đề rất ăn khách từ trước năm 1975 mà đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe. Có thể thấy ca nhạc sĩ Trường Hải là một người đa tài và thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật so với các đồng nghiệp cùng thời.
Click để nghe 1 băng nhạc Trường Hải trước 1975
Sau năm 1975, dù phải trải qua những khó khăn trong nhiều năm, đến khi có mặt ở hải ngoại thì ông đã thực hiện những cuốn băng video đầu tiên tại hải ngoại từ đầu thập niên 1980 và cũng rất ăn khách, điều đó thể hiện được sự nhạy bén trong kinh doanh của ca nhạc sĩ Trường Hải.
Click để nghe tiếng hát Trường Hải trước 1975
Danh ca Châu Hà
Danh ca Châu Hà, một trong những ca sĩ thế hệ đầu của làng nhạc Sài Gòn vào thập niên 1950 đã tạ thế vào ngày 15/8/2021.
Bà được xem là ca sĩ có giọng hát trời phú, chuyên trình diễn những ca khúc yêu cầu trình độ cao về nhạc thuật. Danh ca Châu Hà tên thật là Trần Thị Hồng Tâm, sinh năm 1935, xuất thân trong một gia đình trí thức ở Hải Phòng. Khi mới 5 tuổi, bà đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc, có thể hát các ca khúc của nhiều danh ca Pháp. Song gia đình không ủng hộ theo đuổi con đường ca hát, bà tự trau dồi giọng hát, không qua trường lớp đào tạo.
Năm 1963, danh ca Châu Hà kết hôn với nhạc sĩ Văn Phụng. Ông đã sáng tác cho vợ nhiều ca khúc nổi tiếng như Suối Tóc, Tiếng Dương Cầm, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Yêu Và Mơ, Yêu, Tình, Tiếng Hát Với Cung Đàn, Giã Từ Đêm Mưa…
Ca sĩ Phi Nhung
Cho đến nay, nhiều người vẫn còn cảm thấy đau xót khi nhớ về sự ra đi bất ngờ của nữ ca sĩ Phi Nhung vào cuối tháng 9 năm 2021. Cô là một trong những nạn nhân của đại dịᴄh bùng phát tại Việt Nam kể từ giữa năm 2021 đến nay. Sau khoảng 1 tháng rưỡi được điều trị, Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 28/9/2021. Bệnh viên đã thông tin như sau: “Tất cả các loại thuốc cao cấp nhất đã được bệnh viện sử dụng để điều trị cho ca sĩ Phi Nhung. Tất cả các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng đã không thể cứu sống được ca sĩ và rất đáng tiếc trước sự ra đi này”.
Ca sĩ Phi Nhung có giọng hát ngọt ngào đã nổi tiếng với thể loại nhạc vàng, nhạc quê hương từ thập niên 1990. Trong suốt thời gian gần 30 năm, tiếng hát Phi Nhung đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, là một phần tuổi thơ của nhiều người. Những ca khúc như Chiều Lên Bản Thượng, Ba Tháng Tạ Từ, Chiều Qua Phà Hậu Giang, Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Sông Quê… đã gắn liền với sự nghiệp ca hát của Phi Nhung.
Click để nghe 30 bài hát của Phi Nhung do trung tâm Thúy Nga tuyển chọn
Nhạc sĩ Phú Quang
Tác giả của những ca khúc trữ tình hay nhất về Hà Nội thời kỳ sau 1975 là nhạc sĩ Phú Quang qua đời vào ngày 8/12/2021 sau 2 năm trị bệnh.
Ông nổi tiếng với những bản tình ca đẹp và lãng mạn là Em Ơi Hà Nội Phố, Đâu Phải Bởi Mùa Thu, Mơ Về Nơi Xa Lắm, Nỗi Nhớ Mùa Đông…, đều là tình ca buồn. Trong cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Phú Quang đã lý giải vì sao ông hay viết về cảm xúc buồn: “Đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính”.
Ca sĩ Ngô Quốc Linh
Cùng như Phi Nhung, nam ca sĩ dòng nhạc quê hương là Ngô Quốc Linh cũng qua đời vì dịch bệnh vào ngày 11/12/2021.
Ca sĩ Ngô Quốc Linh đã quen thuộc với khán giả ở các tỉnh lẻ, vùng quê nhiều năm qua, đặc biệt được yêu thích với các ca khúc trữ tình, quê hương. Dù không phải là một ngôi sao hạng A được truyền thông quan tâm, nhưng anh vẫn có lượng khán giả đông đảo nhờ giọng hát giàu cảm xúc và đã kiên trì theo đuổi dòng nhạc anh yêu thích từ thuở nhỏ. Một số ca khúc làm nên tên tuổi Ngô Quốc Linh là Cát Bụi Cuộc Đời, Chiều Hạ Vàng, Tình Em Xứ Quảng, Hồng Ngự Mang Tên Em, Chuyện Tình Hoa Muống Biển, Chuyện Tình Ao Cá…
Giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải
Những ngày cuối cùng của năm 2021, người yêu nhạc lại vĩnh biệt một trong những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, đó là giáo sư Trần Quang Hải (chồng của danh ca Bạch Yến).
Nhạc sĩ Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại tỉnh Gia Định, là Giáo sư – tiến sĩ Dân tộc nhạc học nổi tiếng. Ông là con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn trường nữ trung học Gia Long.
Giáo sư Trần Quang Hải là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế, Trần Quang Thọ (1830-1890), đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà, Trần Quang Diệm, đời thứ 3 của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn kìm và dây Tố Lan Trần Quang Triều (tự Bảy Triều).
Cha của Trần Quang Hải là giáo sư Trần Văn Khê – là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp, có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, và có công rất lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Đến đời thứ 5, giáo sư Trần Quang Hải nối tiếp sự nghiệp của cha mình, trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền (ethnomusicologist – ethnomusicologue) chuyên về nhạc Việt, Á châu và hát đồng song thanh từ năm 1968, đồng thời cũng là thuyết trình viên, nhạc sĩ sáng tác, chuyên gia về sư phạm âm nhạc, và thành viên của Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique).
nhacxua.vn biên soạn