Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu kể về những kỷ niệm khó quên với Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Thúy…

Trước năm 1975, có lẽ ông Đinh Tiến Mậu là nhà nhiếp ảnh có may mắn được làm việc với nhiều nghệ sĩ nhất, ở các lĩnh vực từ tân nhạc, cổ nhạc đến sân khấu và điện ảnh.

Ông đã bắt đầu chụp ảnh cho nghệ sĩ từ năm 1960, khi cùng với một số người bạn cùng mở hiệu ảnh King’s Photo ở Chợ Lớn, có nhiều khách hàng thân thiết là người Hoa. Trước đó không lâu, quái kiệt Trần Văn Trạch hợp tác với người Hoa thành lập hãng phim Việt Thanh, nhờ đó mà King’s Photo trở thành nơi chuyên chụp ảnh cho các diễn viên của hãng phim. Mỗi khi có phim mới, cần có ảnh nghệ sĩ để quảng cáo trên các báo hoặc treo trước rạp thì hãng phim mới ông Mậu đến chụp, tử đó ông bắt đầu quen biết với các nghệ sĩ thời danh.

Sau khi đã có uy tín trong lĩnh vực này, Đinh Tiến Mậu được cộng tác với hãng phim nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc đó là Mỹ Vân của ông Lưu Trạch Hưng. Được làm việc với 2 hãng phim, Đinh Tiến Mậu được quen biết với những diễn viên nổi tiếng, trong đó có 2 nữ nghệ sĩ tài năng và xinh đẹp nhất Sài Gòn: Thanh Nga và Thẩm Thúy Hằng.

Nhắc đến Thẩm Thuý Hằng, sau đây có tấm hình ảnh lịch trên bìa lịch Xuân 1967 của báo Phụ nữ Ngày Mai, do nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu chụp. Sau lưng “Người đẹp Bình Dương” là dòng suối Lồ Ồ xanh mát, trong vắt, nơi được mệnh danh là có cảnh thiên nhiên thơ mộng bậc nhất ở Biên Hoà, giáp ngoại thành Sài Gòn, nay thuộc địa phận Dĩ An – Bình Dương.

Ông Đinh Tiến Mậu nói trong cuốn sách Ảnh Viện Sài Gòn của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên như sau:

“Các tờ báo thời bấy giờ thường đòi hỏi cao, hoặc chụp trong ảnh viện có phông nền thật đẹp hoặc phải đi chụp ngoại cảnh xa. Khổ nhất là chụp ngoại cảnh, vì thời bấy giờ khó tìm một chỗ an toàn ở nơi xa. Có lần tôi đưa Thẩm Thuý Hằng lên suối Lồ Ồ. Chủ của tờ báo giao xe riêng cho tôi cầm lái chở diễn viên đi chụp ảnh. Thiệt tình là rất lo lắng, vì thời bấy giờ chỉ cần bị “bên kia” phục kích bắt là rắc rối to”.

Tấm ảnh này được xem là táp bạo vì chụp bikini 2 mảnh, và chụp ảnh ở vùng thiên nhiên thơ mộng như vậy đã tôn được vẻ đẹp hình thể của một giai nhân nổi tiếng Sài Gòn.

Suối Lồ Ồ đã từng là một điểm du ngoạn nổi tiếng của vùng Biên Hòa – Sài Gòn. Trong Biên Hòa sử lược toàn biên soạn vào thập niên 1950, cụ Lương Văn Lựu đã viết: “Suối Lồ Ồ mấy chục năm trước hãy còn hoang vu, là một mục tiêu du ngoạn của giới thanh niên nam nữ, dẫn nhau đến nghỉ trưa, tắm mát”.

“Mấy chục năm trước” mà cụ Lương Văn Lựu viết tức là đã cách nay đã gần trăm năm. Nhìn lại bức ảnh Thẩm Thúy Hằng ở trên thì có thể thấy thời điểm trước 1975 suối Lồ Ồ vẫn còn rất đẹp. Đầu thập niên 1990, khi mà Sài Gòn chưa có nhiều điểm vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên… thì suối Lồ Ồ vẫn còn là một cảnh quan lý thú để du ngoạn. Cho đến nay, suối Lồ Ồ vẫn còn ở Dĩ An, nhưng chỉ là một rãnh nước nhỏ.

Suối Lồ Ồ hiện nay

Với “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga, ông Đinh Tiến Mậu cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cũng trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn, ông kể lại:

“Hồi đó mẹ Thanh Nga thương tôi lắm, coi tôi như người trong nhà, thành thử tôi với Thanh Nga cũng như anh em trong nhà. Con người cô ấy cốt cách chừng mực, lại thẳng thắng và duyên dáng, vì thế mà thời đó công chúng yêu quý lắm.

Ngoài Thanh Nga thì các nghệ sĩ khác cũng thường xuyên tới Viễn Kính để chụp những bộ ảnh chân dung in tặng người ái mộ và để in báo. Mỗi lần có một minh tinh xuất hiện ở hiệu ảnh là dân chúng kéo đến xem. Nhớ có lần nọ, Thanh Nga vừa đến Viễn Kính thì dân chúng để xô đến đứng kín cả đoạn đường phía trước, xầm xì bàn tán về ngôi sao sân khấu đã xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mặt họ. Lần đó, chụp xong, vợ tôi phải xách xe máy chở cô diễn bvieen luồn đường hẻm sau nhà để chạy thoát khỏi vòng vây công chúng”.

Trong giới ca sĩ, có lẽ ông Đinh Tiến Mậu thân thiết nhất với nữ ca sĩ Thanh Thuý từ khi cô còn thuê nhà trọ bên khu cư xá Đô Thành, cách không xa hiệu ảnh của ông, và ông đã nhìn thấy rõ được sự lặng lẽ cô đơn phía sau ánh hào quang. Có những đêm khuya sau khi hát xong ở các phòng trà, về đến nhà vội vã rũ bỏ lớp phấn điểm trang, bỏ sau lưng ánh đèn hào nhoáng, cô ca sĩ đến hiệu ảnh đập cửa rủ chàng thợ ảnh đi ăn khuya. Ông kể lại:

“Đó là giờ chúng tôi lang thang những quán vỉa hè trên đường Phan Đình Phùng ăn bánh cuốn nóng, cháo gà… và đấu láo những chuyện vui. Khi ấy chúng tôi ít nói chuyện nghề. Phòng trà hay ảnh viện là những thứ chúng tôi muốn quên đi vì đó là mưu sinh, mà mưu sinh nào chẳng có nhọc nhằn, thậm chí là buồn tủi. Những cuộc tán gẫu có khi kéo đến 1-2 giờ sáng, rồi ai về nhà nấy.

Nhắc về ca sĩ Hoàng Oanh, nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu nói:

Ngay khi tôi gặp Hoàng Oanh thì nghĩ ngay cô này chụp áo dài là tuyệt vời. Hoàng Oanh có tính cách nhuần nhị, dịu dàng của một phụ nữ Việt Nam. Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo, tốt nghiệp Văn Khoa, dòng nhạc cô ấy thấm đẫm tình tự quê hương. Khi tôi nắm bắt được những điểm chung đó thì biết cách để tạo dáng cô ấy trong bộ áo dài sao cho toát lên vẻ nữ tính, đậm nét truyền thống của phụ nữ Việt Nam vừa truyền thống vừa tân thời.

Ngoài chụp ảnh diễn viên, các nghệ sĩ để đăng báo, ông Đinh Tiến Mậu còn chụp ảnh cho hãng đĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và khá gần gũi với nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng này. Trước một loạt đĩa mới, thường ông Đông đặt hàng Viễn Kính thực hiền. Đĩa nhựa 45 vòng thời đó thường để ảnh chân dung của các nghệ sĩ. ca sĩ là chính, đòi hỏi người chụp phải thạo về ảnh chân dung. Ông Nguyễn Tiến Mậu kể lại:

“Chúng tôi thân thiết từ trước năm 1975 nhờ hợp tác công việc. Sau năm 1975, chúng tôi càng thân nhau hơn, nhờ hiểu nhau sau những biến cố thăng trầm trong đời. Lúc nào tôi cũng thấy ông ấy gần gũi, trung thực và có đời sống rất nghệ sĩ, Ông ấy làm quan chức cao cấp cho chính quyền cũ, tôi không quan tâm. Sau này khi ông bị đưa vào trại cải tạo suốt 10 năm, tôi vào ra thăm bạn. Năm 1985 ông ấy đổ bệnh nặng, người ta đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy nằm, tôi cũng đến thăm. Còn nhớ lúc đó tôi bị hạch hỏi là gì của ông Đông, tôi cười bảo chỉ là bạn thân.

Với tôi, ông ấy là một người bạn tốt, một người giàu trí tuệ và khí chất mà cuộc đời mang đến cho mình”.

(nhacxua.vn biên soạn, dựa theo cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn)

Exit mobile version