Trần Thiện Anh Châu là con út của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với người vợ đầu – bà Trần Thị Liên. Từ ngoại hình đến giọng nói, phong cách sáng tác nhạc và hát của Trần Thiện Anh Châu đều rất giống bố, anh được ví như “bản photocopy” của cố nhạc sĩ tài hoa Nhật Trường – Trần Thiện Thanh.
“Sự chia tay của bố mẹ tôi là duyên số”
- Anh sinh năm 1966, đó cũng là thập niên mà cái tên ca sĩ Nhật Trường – nhạc sĩ Trần Thiện Thanh lừng lẫy ở Sài Gòn. Có một người bố nổi tiếng như thế, tuổi thơ của anh được gần gũi bố nhiều không?
Công việc của bố tôi rất bận. Ông mướn một bác đạp xích lô, cứ 5h sáng là có mặt tại nhà tôi để chở 4 anh em đi học. Tuy nhiên, mỗi kỳ rảnh rỗi, bố vẫn đưa anh em tôi đến trường.
Sau khi bố mẹ chia tay, bố quen ca sĩ Kim Dung và có em Trần Thiện Anh Chính. Trước khi có em Chính thì tôi là người được bố thương nhất, cưng nhất, có lẽ vì mình là con út trong nhà.
Năm 1985, tôi về ở với bố cho tới ngày bố rời Việt Nam và dắt theo em Chính vì lúc đó em còn rất nhỏ. Tôi ở lại vì mình đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng.
- Cuộc hôn nhân không trọn vẹn của bố mẹ có khiến anh buồn nhiều không?
Sự chia tay của bố mẹ tôi là duyên số. Có lẽ tới đó thì hết. Chuyện của người lớn, tôi không được rõ ngọn ngành cũng không có quyền bình luận, nhận xét. Đương nhiên, mình là con cái thì buồn nhưng anh em tôi đón nhận, chấp nhận vì hiểu ba mình là người của công chúng.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (đeo kính) và con trai, nhạc sĩ Lê Châu (Trần Thiện Anh Châu) đứng hàng sau bên trái.
- Nhưng ngay cả việc chấp nhận được việc bố là người của công chúng khiến ông không thể trọn vẹn với gia đình đã là điều không hề dễ dàng?
Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong là con của bố tôi bởi vì bố là người rất tuyệt vời. Ông thương con hết mực nhưng cũng rất nghiêm khắc và dạy con điều hay lẽ phải chứ không phải theo kiểu xướng ca vô loài. Bởi trước khi là danh ca Nhật Trường, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thì bố tôi là giáo sư Pháp văn, từng dạy con trai Phạm Đình Chương và con trai Phạm Duy.
Vụ tai nạn thảm khốc, 8 tháng nằm viện
- Anh bắt đầu theo nghiệp cha mình từ khi nào?
Bố tôi đặc biệt không có học trò, đệ tử ăn ở dầm dề trong nhà để học nghề. Chỉ có tôi và anh Hai – Trần Thiện Anh Chương vừa là con vừa là học trò của bố. Hai anh em cũng bị bố đánh dữ lắm vì mình ngu, dạy mãi mà không vỡ ra.
Hồi đó, tôi tham gia nhóm ca khúc chính trị cho quận 10. Bố thấy tôi “múa gậy rừng hoang” nên lôi về dạy cho nhạc lý, từ căn bản đến nâng cao. Về nhạc lý, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bao nhiêu phần công lực thì dồn hết cho con trai là tôi.
Tôi theo nghiệp bố từ năm 1985 và tôi là học trò cuối cùng của bố. Tôi hoàn thành khóa học về nhạc lý với bố sau 1 năm rưỡi. Bài hát tốt nghiệp của tôi với bố là “Cho anh xin số nhà”. Bố là người cầm tay chỉ dạy, chỉnh sửa và công bố phát hành ca khúc đó.
Thời điểm ấy, tôi mới 19, 20 tuổi. Với sáng tác đầu tay ấy, bố bảo “bố đã cho con chiếc chìa khóa để mở toang cánh cửa đến với thế giới nghệ thuật”.
Nhạc sĩ Lê Châu trong studio.
- Tiếc là sau đó không lâu, khi thế giới âm nhạc vừa mới mở ra thì một biến cố lớn đã xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời anh?
Đúng vậy. Năm 1989 tôi bị tai nạn giao thông và làm tan nát luôn cái xe của bố. Thời điểm đó, tôi yêu ca sĩ Thanh Trúc, thành viên nhóm nhạc Sóc Nâu cùng với Vũ Hà và Thủy Tiên hải ngoại bây giờ.
Thanh Trúc đẹp lắm và có rất nhiều chàng trai theo đuổi, còn tôi khi đó là gã thanh niên lãng tử, con nhà nòi nghệ thuật với bao hoài bão và mơ mộng.
Chúng tôi chuẩn bị làm đám cưới. Thiệp đã phát hết. Hôm đó, tôi lái xe lên Đà Lạt để mời bà nội xuống làm chủ hôn cho mình. Sau khi mời bà nội, tôi ở lại chơi đàn và hát trong chương trình âm nhạc của chú ruột tôi – nhạc sĩ Trần Thiện Thanh Tâm tại Nhà văn hóa Bảo Lộc.
Khi tan về khoảng 11h đêm, xe bị hỏng. Tôi dừng xe, xuống kiểm tra. Đang lúi húi cầm ống xăng xem thì phát hỏa. Tôi bị bỏng nặng, hư luôn bàn tay phải.
Tôi nằm viện Chợ Rẫy 6 tháng rồi về làm đám cưới, xong vào viện điều trị tiếp 2 tháng nữa mới khỏi. Tôi chơi đàn dây, guitar, bass và đánh drum rất ổn nhưng vụ tai nạn làm bàn tay phải của tôi co rút lại, không chơi đàn được nữa. Tôi rất buồn, sốc và hụt hẫng.
Lúc đó, bố tôi nói “con không việc gì phải buồn, con nên chuyển qua chơi keyboard”. Sau khi vợ chồng tôi sinh đứa con trai đầu lòng là Trần Thiện Châu Lãm, tôi mới đủ can đảm và suy nghĩ để đi học keyboard như lời khuyên của bố.
Bố tôi viết vài dòng chữ vào chiếc card visit đưa cho tôi tới gặp nhạc sĩ Lê Chấn. Bác Lê Chấn là 1 trong những cây cổ thụ về piano cùng thời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để nhờ dạy tôi keyboard.
Với lời gởi gắm của bố, bác Lê Chấn đã truyền dạy cho tôi những kiến thức cơ bản và kỹ năng của 1 người khuyết tật có thể sử dụng và chơi được keyboard. Tôi hoàn thành khóa học sau 6 tháng.
Bằng nghị lực của mình cùng với sự động viên chân tình của bố, tôi đã vượt qua cú sốc ấy.
Thật sự, cậu con trai đầu chính là động lực để tôi đi học lại đàn và làm nghề. Và sau này, tôi truyền lửa nghề cho con. Châu Lãm giờ chơi guitar rất tốt. Cậu con út Châu Lữ thì chơi piano. Cả hai đều tốt nghiệp Nhạc viện ra.
- Tại sao anh lại lấy nghệ danh Lê Châu khi làm nghề?
Nghệ danh Lê Châu là do bố tôi đặt. Khi còn bé, lúc 5,6 tuổi, mỗi lần tôi chú tâm nhìn vào vật nào đó thì 2 mắt bị lé. Mọi người trong nhà gọi tôi là Châu lé. Chữ “lé”, khi viết đọc giống chữ “lê” trong tiếng Pháp nên bố đặt là Lê Châu.
Nhạc sĩ Lê Châu cùng vợ và hai con.
“Lê Châu chỉ là hạt bụi nhỏ trong tảng đá lớn Trần Thiện Thanh”
- Cái tên Trần Thiện Thanh được khán giả cả nước biết tới nhưng Lê Châu thì khác, giống như một người vô danh trong nghề. Điều này có khiến anh buồn vì cái bóng quá lớn của bố không?
Lê Châu chỉ là hạt bụi nhỏ trong tảng đá lớn Trần Thiện Thanh. Những tác phẩm tôi viết về sau đều mang hơi hướng của Trần Thiện Thanh. Tôi vừa là học trò vừa là con ruột của ông nên chất Trần Thiện Thanh gần như ngấm vào máu mình.
- Đã bước chân vào nghệ thuật, ai cũng muốn có một dấu ấn riêng, một sự nghiệp riêng cho mình nhưng cái tên Trần Thiện Thanh quá lớn, vô tình làm anh bé lại. Anh có bao giờ suy nghĩ về điều đó?
Tôi không suy nghĩ gì hết. Đôi lúc tôi cảm thấy với cái mác con trai Trần Thiện Thanh, với cái bóng lớn như vậy của bố, tôi cảm thấy quá tốt cho mình.
Anh em tôi, ai cũng mang dấu ấn của bố rất nhiều, từ vóc dáng, khuôn mặt đến giọng nói đều giống bố. Ngày xưa, lúc tôi điện về, mẹ tưởng bố. Khi bố gọi thì mẹ lại tưởng tôi. Cả tôi và anh Chương đều có giọng nói y hệt bố.
Thậm chí, cả khi hát hay viết nhạc, tôi quá giống bố. Tôi không sợ người ta nói mình bắt chước bởi điều đó tự nhiên trong máu mình. Bố cũng muốn tôi không phải là bản sao của bố nhưng biết sao được, tôi vừa là con ruột vừa là học trò ông.
Hơn nữa, trong mấy người con tôi ít nói và sống nội tâm nhiều. Những sáng tác sau này, tôi không công bố mà chỉ tự hát và thâu lại, gởi cho bạn bè thân nghe, làm thành bài giảng cho các con mình.
- Nhắc tới bố mình, anh có gì nuối tiếc, ân hận, day dứt không?
Hồi bố còn ở Việt Nam, bố con tôi gần gũi lắm. Tôi lấy dầu bóp chân, bóp lưng cho bố suốt. Khi tôi bị tai nạn, bố tái sinh tôi lần thứ hai. Vào năm 1989, nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy là ghê gớm lắm. Tôi nằm viện suốt 8 tháng, tiền nong, thuốc thang bố lo hết.
Từ năm 1993 khi bố rời Việt Nam cho tới ngày mất là năm 2005, tôi chỉ còn được nghe giọng nói của bố qua điện thoại.
Suốt thời gian bố bệnh, tôi trục trặc giấy tờ nên không gần bố được. Chị em tôi ở Việt Nam theo dõi sức khỏe bố hàng ngày qua anh Chương. Điều tôi tiếc nhất trong đời là không được thăm bố lần cuối, không được hôn bố lần cuối trước khi mất. Đó là điều tôi đau nhất.
Anh Châu và Đức Tuấn
- Vậy còn cuộc sống hiện tại của anh?
Về đời sống kinh tế, tôi không có gì phải lo lắng. Tôi có hai đứa con trai ngoan, giỏi và nối nghiệp ông nội, nối nghiệp bố. Tôi có một người vợ tuyệt vời, cô ấy là tất cả cuộc đời tôi. Tôi nằm viện 8 tháng nhưng cô ấy vẫn chăm sóc, yêu thương với tư cách 1 người vợ.
Sau tai nạn đến giờ, cô ấy vẫn ở bên tôi. 30 năm qua, cô ấy lo cho tôi từ cái quần cái áo đến bữa ăn, giấc ngủ. Giống như ông trời bù đắp cho tôi hết mọi bất hạnh, thiệt thòi, nhất là về ngoại hình không được trọn vẹn sau vụ tai nạn.
Những thăng trầm trong cuộc đời, cô ấy luôn đi bên tôi. Và từ ngày Thanh Trúc trở thành “bà Trần Thiện” thì cũng rút khỏi sân khấu, không đi hát nữa. Lúc thì sinh con, lúc thì lo cửa hàng băng nhạc, lo phòng trà của gia đình. Chắc kiếp trước cô ấy mắc nợ tôi nhiều lắm!
Bản thân tôi cũng tự hào 30 năm qua luôn 1 vợ 1 chồng, không trăng hoa bên ngoài. Tôi rất yêu cô ấy!
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ