Viết về Nhật Trường – Trần Thiện Thanh không bao giờ quá muộn mặc dù ông không còn hiện hữu trên cõi đời này. Trường hợp của ông đúng như người ta vẫn thường nói là “anh không chết đâu anh” theo tựa đề một nhạc phẩm bất hủ của ông khi đề nhắc đến sự ra đi vĩnh viễn của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh.
Nhật Trường đã ra đi, nhưng giọng ca của ông chắc chắn sẽ còn sống mãi trong tâm hồn những người yêu nhạc. Đó là “giọng ca ngọt ngào, trau chuốt, và vừa đủ lãng mạn để hát những tình khúc của ông, những tình khúc luôn có một vẻ gì đó nửa thật, nửa mộng, dỗ dành, năn nỉ”, như nhà văn Nguyễn Đình Toàn mô tả.
Trần Thiện Thanh không còn nữa, nhưng dòng nhạc của ông luôn là những gì gợi nhớ rất thắm thiết đối với những kẻ yêu nhau bằng những nhạc phẩm tình cảm rất nhẹ nhàng và lãng mạn.
Trong khi những nhạc phẩm về thời chinh chiến của ông chắc chắn cũng sẽ khó mờ nhạt trong ký ức mọi người. Một tiếng hát tạo nhiều rung động kết hợp với một tâm hồn âm nhạc rất nồng nàn, trải dài qua hàng trăm nhạc phẩm đã tạo nên một Nhật Trường – Trần Thiện Thanh tài hoa cho nền âm nhạc Việt Nam.
Trong sinh hoạt tân nhạc Việt Nam, có một số nhạc sĩ sáng tác tự chuyên chở dòng nhạc của mình đến người nghe bằng chính giọng hát của mình. Nhưng có mấy ai diễn tả trọn vẹn bằng tiếng hát Nhật Trường khi trình bày những ca khúc ký dưới tên thật là Trần Thiện Thanh.
Người ta đã đề cập nhiều đến tài năng của người ca-nhạc sĩ nổi danh này. Người ta đã phân tích nhiều về dòng nhạc của ông cùng với những ca từ khi đầy mặn mà và lãng mạn, nhưng cũng có khi rất dũng mãnh và kiên cường của ông. Đó không phải những gì bài viết này nhắm tới, trong khi một số chi tiết liên quan đến cuộc đời ông, đặc biệt trong những ngày tháng cuối đời của ông sẽ là điểm chính của bài viết này.
Những chi tiết đó phần lớn đã được chính người đầu gối tay ấp trong suốt 12 năm cuối đời của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, là nữ ca sĩ Mỹ Lan kể lại với người viết, gói ghém trong những lời tâm sự của chị về người chị hết lòng thương yêu và cảm phục.
Đối với Mỹ Lan, Trần Thiện Thanh là một người chồng tốt, rất thương yêu vợ con và thuần túy là một người biết lo cho gia đình, từ trong ra đến ngoài. Trong vai trò một người cột trụ trong gia đình, Trần Thiện Thanh là một người khéo léo và tỉ mỉ, cáng đáng gần như mọi việc trong nhà.
Không những vậy ông còn có tài nấu ăn, thường làm những món đặc biệt của của Phan Thiết, là nơi ông chào đời vào ngày 12 tháng 6 năm 1942, như bánh căn với cá nục kho hoặc những món khác như bánh xèo, xíu mại, mì Quảng…
Ngoài ra ông còn có tài kho thịt với hột vịt rất ngon. Chính Mỹ Lan cũng đã học được nơi ông nghệ thuật làm những món ăn hàng ngày vì ông thường phụ vợ trong việc bếp núc.
Về tính tình, dưới mắt Mỹ Lan, Trần Thiện Thanh là một người hiền lành, ít nói và có tính nhẫn nại với quan niệm người vợ luôn luôn phải ở dưới nách chồng như ông thường nói với vợ mình. Ý ông muốn nói vai trò chính yếu của một người vợ là phải biết lo cho chồng, cho con như Mỹ Lan giải thích.
Chính vì vậy, chị đã luôn chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ để cảm thấy mình có một cuộc sống rất hạnh phúc bên cạnh người chồng nghệ sĩ trước đó từng có 2 đời vợ và cũng là người con cả trong một gia đình có 7 người con.
Người vợ đầu tiên của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là Trần Thị Liên, thành hôn với ông tại Phan Thiết khi ông chưa đầy 20 tuổi, trước khi hai người cùng vào Sài Gòn sau đó. Chị Liên và ông có với nhau 4 người con, 2 trai, 2 gái là Anh Chương, Thanh Trân, Thanh Trúc và Anh Châu. Tuy nhiên hai người đã chia tay nhau một thời gian trước biến cố tháng 4 năm 75.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam sau năm 75, khi thường đi trình diễn chui ở các tỉnh miền nam, Nhật Trường sống chung với Kim Dung, trước đó cũng là một ca sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương.
Gần gũi nhau trong những lần diễn với nhiều khó khăn đó, họ đã trở thành vợ chồng và vài năm sau hai người có với nhau một con trai tên Anh Chính. Nhưng cuộc sống vợ chồng giữa Kim Dung và Nhật Trường cuối cùng cũng đã đi đến đổ vỡ. Và người vợ thứ hai của ông hiện cũng đã có gia đình khác ở Việt Nam.
Trần Thiện Thanh và người vợ thứ 2 – Kim Dung
Vào năm 1993, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh rời Việt Nam sang Hoa Kỳ theo diện “fiancé” do nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh. Tuy nhiên sau đó, lục đục xảy ra giữa hai người nên tình trạng của Trần Thiện Thanh không được hợp thức hoá theo diện di trú, cho đến khi được người con trai trưởng của ông là Anh Chương, qua Mỹ trước đó và đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đứng đơn bảo lãnh.
Tuy vậy tình trạng cư trú của ông vẫn chưa được chấp nhận. Phải đợi mãi cho đến ngày 12 tháng 5 năm 2004, tức 6 tháng trước khi phát hiện ra bệnh ung thư phổi và 1 năm trước khi mất, ông mới bất ngờ nhận được thẻ xanh để có thể đi trình diễn ngoài nước Mỹ.
Người ta tiếc cho ông đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để có thể gặp gỡ khán giả hải ngoại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ông luôn phải bó tay vì tình trạng thường trú của mình chưa được chính thức công nhận.
Nhật Trường và Mỹ Lan trước khi ra hải ngoại cũng đã biết nhau qua những lần cùng đi diễn ở các tỉnh ở miền tây. Thời đó Mỹ Lan còn là một vũ công thường theo các đoàn hát đi lưu diễn đó đây trong những năm 1976, 1977. Tuy nhiên giữa hai người chẳng hề có một ấn tượng nào về mặt tình cảm.
Nhưng định mệnh đã đưa đẩy họ đến gần nhau vào năm 1993. Đó là năm Nhật Trường sang Mỹ và cư ngụ tại nam California vào tháng 3. Trước đó không lâu Mỹ Lan nhận được lời mời của trung tâm Thuý Nga cũng đã từ Montreal – nơi chị cư ngụ từ năm 1988 – sang đây vào đầu năm 1993 để xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình Paris By Night 20.
Sau đó Mỹ Lan còn liên tục góp mặt trên một số chương trình khác trước khi rời khỏi trung tâm này, như chương trình dành cho nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Văn Phụng…
Sau mười mấy năm không hề liên lạc, lần đầu tiên Nhật Trường và Mỹ Lan gặp lại nhau trên đất Mỹ vào ngày 29 tháng 5 năm 1993 trong một chương trình đại nhạc hội do cố ca nhạc sĩ Duy Khánh tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washingon. Trước đó, mỗi người có một đời sống gia đình riêng tư phải lo lắng.
Riêng Mỹ Lan đã bước vào đời sống hôn nhân vào cuối thập niên 70. Sau chương trình Đại Nhạc Hội đề cập ở trên, tình cảm bắt đầu nảy nở giữa 2 người, trong hoàn cảnh cùng xa rời quê hương gặp lại nhau trên xứ lạ. Nhất là cả họ sau đó đã có nhiều dịp trình diễn trong cùng một chương trình nhạc hội. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước sự liên hệ tình cảm càng ngày càng trở nên đậm đà này, nhất là do sự cách biệt về tuổi tác giữa hai người.
Tất cả, theo Mỹ Lan đều là duyên nợ đưa đầy họ đến với nhau. Đối với chị, giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình chị phải chọn một. Do đó chị đã chia tay với trung tâm Thuý Nga trong khi tên tuổi đang bắt đầu gây được nhiều chú ý để về sống chung với Trần Thiện Thanh, chu toàn nhiệm vụ một người vợ trong gia đình cũng như cùng với chồng góp mặt trong những sinh hoạt văn nghệ.
Và từ khoảng giữa thập niên 90, người ta thường thấy tên tuổi Nhật Trường – Mỹ Lan xuất hiện tại các chương trình nhạc hội tổ chức tại nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như trong những buổi văn nghệ có tính cách cộng đồng hay từ thiện.
Mỹ Lan bước chân vào hoạt động văn nghệ từ năm 1976 với bộ môn vũ, hợp tác với các đoàn ca múa đi trình diễn ở các tỉnh. Trước năm 75, chị từng là một thành viên trong ban thiếu nhi Tuổi Xanh của cặp nghệ sĩ Kiều Hạnh – Phạm Đình Sỹ.
Năm 1977 chị theo hai chú là vũ sư Lưu Hồng và Lưu Bình xuất hiện trong các tiết mục vũ của đoàn Hương Miền Nam cùng với người chị là Mỹ Vân, hiện cư ngụ tại Montreal. Bố mẹ Mỹ Lan đều là những nghệ sĩ kỳ cựu.
Mẹ chị là diễn viên múa Huyền Trang, từng hợp tác với đoàn cải lương Kim Chung từ Hà Nội. Năm 1954, bà theo đoàn vào nam trình diễn và kẹt lại đây sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Bố chị, một nghệ sĩ người Trung Hoa tên Lưu Huyền cũng đã qua đời vào dịp Giáng Sinh năm 2005, sau cái chết của Trần Thiện Thanh 7 tháng. Ông chính là anh ruột của hai vũ sư Lưu Hồng và Lưu Bình và là một nhạc sĩ của đoàn cải lương Kim Chung tại Sài Gòn.
Song thân Mỹ Lan gặp nhau trong tình nghệ sĩ và luôn cùng nhau theo đoàn hát đi lưu diễn đó đây ngoài việc điều hành một lớp dạy vũ. Một thời gian sau, họ nên duyên vợ chồng và có với nhau 4 người con gái mà Mỹ Lan là con út.
Hai trong số 3 người chị của Mỹ Lan là Mỹ Hoa và Mỹ Phượng cũng là hai vũ công trong đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ, theo đoàn sang Nhật trình diễn trước biến cố tháng 4 năm 75, bị kẹt lại tại đây. Một thời gian khá dài sau họ mới gặp lại gia đình.
Mãi đến năm 1985, Mỹ Lan mới bước chân vào con đường đi hát chuyên nghiệp. Đến năm 1986, chị bắt đầu được biết đến tên tuổi. Và đến thời kỳ được nhiều người chú ý thì Mỹ Lan cùng chồng con được hai chị Mỹ Hoa và Mỹ Phương bảo lãnh sang Canada. sau khi mẹ và một chị khác là Mỹ Vân đã được bảo lãnh qua đây từ trước. Họ cùng đoàn tụ tại thành phố Montreal vào năm 1988.
Vài năm sau khi cư ngụ tại thành phố này, cuộc hôn nhân giữa Mỹ Lan và người chồng đầu tiên đi đến đổ vỡ sau khi có với nhau 2 người con trai.
Quên sao được những buổi sáng ông thức dậy trầm ngâm sáng tác bên cạnh một ly cà phê pha rất đậm và một bình trà nóng. Ông cho rằng hồi còn trẻ đã từng đi chơi quá nhiều, từng trải qua những phiêu lưu về tình cảm.
Cũng như từng biết bao lần cùng bạn bè tụ tập, đàn đúm trong men rượu và khói thuô’c… Do đó Trần Thiện Thanh cho rằng ông đã không còn gì để tha thiết ngoài cuộc sống gia đình nên rất ít khi ra ngoài để sống một cuộc sống trầm lặng bên cạnh vợ con.
Mỹ Lan và Trần Thiện Anh Chí
Với Mỹ Lan, ông có được con trai Trần Thiện Anh Chí. Ngoài ra đứa con trai tên Anh Chính với người với người vợ thứ nhì là Kim Dung cũng có thời gian ở cùng với ông và Mỹ Lan.
Trong khi bốn người con lớn với người vợ đầu đều đã có một cuộc sống riêng biệt. Trần Thiện Thanh cũng không còn tha thiết gì với những trận nhậu nhẹt say sưa như trước kia, để trong những năm cuối đời chỉ uống một, hai lon bia vào bữa cơm trưa và một, hai ly rượu chát khi dùng cơm tối.
Ông chỉ còn một thói quen là hu’t thuô’c lá liên miên, gần 2 bao một ngày! Và đó có thể là nguyên nhân chính đưa đến bệnh ung thư phổi, gây ra cái chết của ông.
Ông luôn tỏ ra là một người mang nặng tâm hồn Việt Nam, không những qua các sáng tác của mình mà còn qua vấn đề ẩm thực. Ông không ưa món Hamburger của Mỹ mà luôn luôn thích những món đậm đà quê hương.
Trong thời gian 12 năm sống trên đất Mỹ, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh cũng đã đóng góp khá nhiều cho những sinh hoạt ca nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Trong những chương trình phát thanh trên làn sóng của chương trình “Sống Trên Đất Mỹ” hoặc chương trình “Tiếng Dân Tôi” do người con trai lớn của ông là Anh Chương tức Thanh Toàn điều hành.
Đặc biệt chương trình Việt Nhạc Hải Ngoại do ông thực hiện được nhiều đài phát thanh khắp nơi sử dụng. Có một thời gian Trần Thiện Thanh cùng Mỹ Lan đứng ra điều hành một trung tâm nhạc với tên Nhật Trường Productions cùng với một cửa tiệm buôn bán băng đĩa nhạc ở vùng Little Saigon từ năm 1994 đến 1998.
Mãi đến năm 2004, cặp vợ chồng nghệ sĩ này lại một lần nữa trở lại với ngành kinh doanh băng đĩa nhạc với một cửa tiệm trên đường Westminster nhưng khi Trần Thiện Thanh bị ngã bệnh, cơ sở kinh doanh này đã phải ngưng hoạt động vào đầu năm 2005.
Vào đầu tháng 11 năm 2004, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh bắt đầu có những triệu chứng khác thuờng về sức khỏe khi Mỹ Lan mới từ Montreal trở về sau khi tham dự đám cưới người cháu (con Mỹ Vân). Thoạt đầu chỉ tưởng là ông bị cảm. Nhưng mãi đến cuối tháng 11 vẫn không thấy có dấu hiệu suy giảm nên Mỹ Lan đã đưa ông vào bệnh viện Fountain Valley chữa trị, trong khi người con trai lớn của ông đang còn ở Việt Nam.
Theo lời kể của Mỹ Lan thì Trần Thiện Thanh là một người rất năng động, mặc dù bệnh nhưng không chịu ngồi yên, lúc nào cũng kiếm việc để làm. Hôm đó, dù Mỹ Lan đã can ngăn, nhưng ông nói là đã khỏi bệnh nên kiếm đồ nghề ra sửa cánh cửa của căn nhà vợ chồng ông trên đường Nevada ở Westminster, mua từ năm 2002. Trong khi Mỹ Lan đang sửa soạn bữa cơm chiều thì ông chạy vào trong nói rất mệt, thở không được. Cứ bớt được một lúc, lại thấy ông kêu lên đau đớn nên Mỹ Lan và Anh Chính quyết định đưa ông vào bệnh viện.
Các bác sĩ của bệnh viện Fountain Valley đã yêu cầu ông nằm lại để thử nghiệm. Sau một tuần, kết quả cho biết ông bị ung thư phổi. Sau đó Trần Thiện Thanh được về nhà, nhưng vẫn phải thường xuyên ra vào bệnh viện.
Từ đó trở đi Trần Thiện Thanh đã phải chiến đấu mấy tháng trời với căn bệnh ung thư trong đau đớn và khổ sở. Cuối cùng, bác sĩ điều trị cho biết không có hy vọng gì trong việc chữa trị căn bệnh ung thư của anh đã đến giai đoạn cuối.
Còn nước còn tát, nên Mỹ Lan chuyển qua cho ông uống thuốc Bắc cùng một lúc bất cứ ai mách gì cũng thử thử, như canh dưỡng sinh hoặc những dược liệu thiên nhiên,…
Không biết nhờ hiệu quả từ đâu, sau đó Trần Thiện Thanh mập mạp và hồng hào hẳn ra cho đến khi lìa đời hơn một tháng sau. Đến lúc này tin tức ông bị bệnh nặng mới được báo cho bạn bè biết. Và từ lúc đó trở đi, nghệ sĩ quen biết cũng như đại diện các trung tâm nhạc đến nhà thăm hỏi ông rất đông.
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sinh trưởng trong một gia đình theo Phật Giáo, nên ai cũng ngạc nhiên khi ông quyết định xin được chịu phép bí tích Rửa Tội của đạo Công Giáo khoảng một tháng trước khi vĩnh viễn ra đi.
Cũng nên biết khi còn ở Phan Thiết, ông đã theo học trường trung học công giáo nổi tiếng ở đây là trường Ngô Đình Khôi. Ngay đối với chính Mỹ Lan, một người theo Công Giáo, cũng đã rất sửng sốt trước quyết định của chồng mình mà trước đó chị chưa từng khuyên nhủ ông theo đạo như mình.
Trước đó Trần Thiện Thanh thường được nghe nói về sự mầu nhiệm của linh mục Bửu Diệp, được chôn cất ở Cà Mau, rất được đồng bào Công Giáo trong nước sùng kính với số lượng người đi hành hương tại đây rất đông đảo. Trong những tháng cuối đời, Trần Thiện Thanh thường ngồi trên chiếc ghế da trong nhà nhìn lên hình cha Diệp treo trên tường một cách rất cung kính, cùng với những lời cầu nguyện Đức Mẹ Maria.
Vào dịp linh mục Phan Phát Hườn thuộc Dòng Chúa Cứu thế tới thăm Trần Thiện Thanh trên giường bệnh vào đúng ngày 18 tháng 4 là ngày phong chức Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, ông đã đồng ý để được nhận bí tích rửa tội với tên thánh là Phê Rô, cùng một lúc được cùng Mỹ Lan lãnh bí tích hôn phối theo nghi thức công giáo.
Con trai của Trần Thiện Thanh và Mỹ Lan là Trần Thiện Anh Chí cũng trong ngày đó đã được rửa tội. Trần Thiện Thanh là một người rất yêu mến mẹ, nên sau khi theo đạo, ông đã gọi điện thoại về Việt Nam khoe với thân mẫu là đã trở thành người tân tòng cũng như đã được cùng vời Mỹ Lan kết hợp bằng bí tích hôn phối.
Tuy nhiên tang lễ của Trần Thiện Thanh đã được tổ chức theo cả hai nghi thức Phật Giáo và Công Giáo mà chính yếu là nghi thức Phật Giáo theo lời yêu cầu của người con trai trưởng là Anh Chương…
Đối với Mỹ Lan đó là một vấn đề thực tế và rất tế nhị. Do đó chị đã chọn một ngày ở nhà quàn để mời cha Phan Phát Hườn đến cử hành tang lễ theo nghi thức Công Giáo. Mỹ Lan cũng cho biết thêm chính vì lý do Trần Thiện Thanh theo đạo mà sau này chị dấn thân nhiều vào những công tác thiện nguyện…
Đến tháng 5 năm 2005, Trần Thiện Thanh trở cơn đau dữ dội và được bác sĩ cho biết ung thư đã lan vào tới tận xương. Ông được đưa trở vào bệnh viện ngày 10 tháng 5 để được bác sĩ điều trị xác nhận là không còn một tia hy vọng nào. Nhất là tại đây ông bị sặc khi được cho uống sữa Ensure khiến ông không còn có thể ăn uống được.
Ngày hôm sau ông được đưa về nhà, trong một sự suy yếu trầm trọng về sức khoẻ. Ông nói năng rất khó khăn, nên chỉ còn biết ra dấu bằng cách gật hay lắc đầu. Tuy nhiên ông vẫn nhận biết và bắt tay những người quen tới thăm hỏi…
Trong những giây phút cuối cùng, Trần Thiện Thanh còn cố gắng gượng nói với người vợ thương yêu của mình là ông chỉ muốn mê đi để khỏi bị cơn đau hành hạ…
Đến tối 12 tháng 5 thì ông thiếp đi. Nhưng qua sáng ngày 13 tháng 5 năm 2005, mặc dù thấy Trần Thiện Thanh đã có vẻ hơi tỉnh táo, nhưng Mỹ Lan biết rõ tình trạng của ông hơn ai hết nên đã gọi điện thoại về báo tin cho thân mẫu anh ở Bảo Lộc. Cùng một lúc, những người thân thuộc với anh đều nói lên lời giã từ với ông vì biết chắc chắn sẽ không còn được nhìn thấy mặt ông.
Mẹ Trần Thiện Thanh đã qua nam California thăm người con cả của mình một lần vào tháng 3 năm 2001 trong thời gian Mỹ Lan đang mang thai bé Anh Chí và bà đã ở lại đây sau khi dự tiệc đầy tháng của cháu nội.
Đến 1 giờ 5 phút trưa ngày 13 tháng 5 năm 2005 thì Nhật Trường – Trần Thiện Thanh trút hơi thở cuối cùng bên cạnh Mỹ Lan, Anh Chương, Anh Chính và Anh Chí mà không nói được câu cuối cùng nào với những người thân. Ông đón nhận cái chết một cách rất bình thản vào đúng ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Sau khi được biết Trần Thiện Thanh sẽ không qua khỏi trong thời gian khoảng 6 tháng từ khi phát hiện bị bệnh ung thư, Mỹ Lan luôn chú tâm đến việc động viên tinh thần cho người chồng chị thường gọi một cách thân mật là “mình” hoặc Papa. Cùng một lúc hết sức lo việc chữa chạy với một niềm hy vọng dù là mong manh.
Mỹ Lan không sao quên được lời dặn dò của Trần Thiện Thanh trong những ngày giờ cuối đời. Ông không muốn bắt buộc chị phải ở vậy… Ông chỉ mong mỏi một điều là chị sẽ cố gắng nuôi con được nên người.
Ngoài ra ông cũng căn dặn Mỹ Lan cố gắng lo cho người con trai tên Anh Chính đã cùng sống với ông và Mỹ Lan từ khi mới 8 tuổi.
Riêng với những người con ông có với người vợ đầu tiên, Trần Thiện Thanh đã linh cảm thấy những gì sẽ xảy ra trong một hoàn cảnh rất tế nhị của gia đình ông sau khi ông nhắm mắt lìa đời như lời kể của Mỹ Lan:
“Anh rất là buồn. Anh biết trước những gì sẽ xảy ra. Thực sự ra em vẫn cầu nguyện Chúa ban ơn. Em vẫn hằng cầu nguyện. Nguyện vọng của anh Thanh em là mong mỏi mọi người kết hợp cùng nhau để mà sống, cùng nhau mà lo cho các em. Lo cho Chính học xong đại học cho nó nên người. Bé Chí thì con đường trước mặt còn dài quá. Anh cứ cầm tay em, cầm tay Chương. Anh trăn trối ráng sống, ráng sống hoà thuận, sống với nhau vui vẻ. Anh nói nhiều lắm…”
Sau khi Trần Thiện Thanh qua đời, Mỹ Lan đã đứng ra tổ chức chương trình tưởng niệm đầu tiên vào sinh nhật của ông ngày 12 tháng 6 năm 2005 tại vũ trường Blue ở Orange County với tính cách gia đình, thân hữu.
Ngoài ra chị cũng đã tổ chức chương trình giỗ 100 ngày để tưởng niệm người chồng tài hoa quá cố tại vũ trường Majestic vào tháng 8 năm 2005 với chủ đề “Người Chết Trở Về”. Ngoài ra một chương trinh giỗ 100 ngày khác cũng đã diễn ra ở Houston cùng với sự tiếp tay của các bạn bè thân hữu của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh với chủ đề “Anh Không Chết Đâu Anh”…
Và như mọi người đều biết, cũng với chủ đề “Anh Không Chết Đâu Anh” chương trình video do trung tâm Asia thực hiện để tưởng niệm Nhật Trường – Trần Thiện Thanh đã trở thành một trong những chương trình thành công nhất từ trước đến nay.
Sau khi Nhật Trường – Trần Thiện Thanh nằm xuống, dĩ nhiên không ít thì nhiều đã xảy ra những tranh chấp giữa những người con của người vợ đầu tiên, đặc biệt là người con trai cả của ông với người vợ cuối đời của ông. Đó là những gì đã xảy ra mà Trần Thiện Thanh đã biết trước.
Tuy nhiên theo Mỹ Lan, chị cho biết nếu những người con của ông làm được những điều chị muốn làm cho Trần Thiện Thanh thì chị sẽ sẵn sàng hợp tác trong việc duy trì và phổ biến những tác phẩm của ông. Nhưng dù thế nào, Mỹ Lan vẫn tiếp tục theo đuổi con đường của mình. Những gì chị đã, đang và sẽ làm, Mỹ Lan cho là đúng và nếu những người con của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh muốn hợp tác trong cùng mục đích như vậy là một điều rất tốt.
Nhật Trường đã nằm xuống. nhưng chắc chắn dòng nhạc đa dạng của ông sẽ còn mãi mãi ghi đậm nét trong trí nhớ những người yêu nhạc. Và chắc chắn ở một nơi xa xăm nào đó, ông sẽ nở một nụ cười mãn nguyện nếu thấy được những người ông thương yêu thông cảm nhau hơn…
Trường Kỳ, viết năm 2006