Nhạc vàng đã ‘gây sốt’ những năm 1990 như thế nào?

Vào những năm 1990, nhạc vàng bolero đã từng “gây sốt” khắp miền Nam. Dòng nhạc này được phổ biến rộng rãi nhờ vào những băng cassette, video có nguồn gốc từ hải ngoại của các trung tâm băng nhạc: Thúy Nga, Làng Văn, Mây Production, Asia, Mimosa, Ca Dao, Phượng Hoàng, Thanh Lan, Giáng Ngọc… do những Việt kiều mang “chui” về Việt Nam.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Tuy trong nước cũng có phát hành băng nhạc đều đặn nhưng dòng nhạc vàng vẫn bị bỏ quên, hoặc không ai dám “đụng” đến.

Các trung tâm băng nhạc trong nước như Vafaco, Rạng Đông thường thu âm nhạc liên khúc “tả pí lù” đủ thể loại từ sang đến sến (nhưng không phải Bolero). Thỉnh thoảng các trung tâm này cũng sản xuất vài băng nhạc, trong đó các ca sĩ hát nhạc song ngữ Anh-Việt.

Dòng nhạc Gò Công qua giọng hát Bảo Yến cũng “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc trong nước ở giai đoạn này. Sau đó còn xuất hiện chương trình Mưa bụi, mở màn cho các video ca nhạc có kịch bản ở Việt Nam. Tuy có cả giới cải lương như nghệ sĩ Tài Linh hát những bài dạng như “Đêm nay anh đi đâu? Anh nói rằng anh đi giăng câu” cũng thuộc dạng “tả pí lù” nhưng các băng video Mưa bụi vẫn được nhiều khán giả đón nhận.

Danh sách một băng nhạc của Trung tâm Rạng Đông. Tuấn Cảnh hát đủ thể loại nhạc từ nhạc Trịnh đến nhạc vàng. Các ca khúc Bolero được biến tấu thành các giai điệu vui nhộn, phù hợp với thể loại liên khúc đang là “mốt” ở giai đoạn này.

Ca sĩ trong nước lúc bấy giờ hầu như không có người hát nhạc vàng. Sóng truyền hình, sóng radio cũng “chê” dòng nhạc bình dân này, ưu tiên dành thời lượng phát sóng cho nhạc ngoại, nhạc cách mạng và dân ca.

Thế nhưng sức lan tỏa của giai điệu “bùm chách chách chách” vẫn như vũ bão. Gần như đi đâu cũng nghe dòng nhạc vàng vang lên, nhất là khi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cũng cần lưu ý rằng, ở thập niên 1990, trong nước vẫn còn khó khăn. Nhà khá giả lắm mới có thể mua được cái máy cassette. Có ông Hai Lúa làm ruộng, dành dụm mới đủ tiền mua cái máy cassette trị giá cả cây vàng, chỉ để nghe được các giọng hát Thanh Thúy, Duy Khánh, Phương Dung, Giao Linh, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền… Có “đại gia” còn sắm ampli, mỗi lần mở “sến” là bên này sông vang vọng qua bên kia sông, cả mấy chục nóc nhà đều nghe rõ.

Nhiều khi hai ba máy cassette mở cùng lúc: Bên kia ông giọng Thanh Tuyền thổn thức “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”, chỏi với bờ bên đây là giọng Chế Linh “Ai cho tôi tình yêu để làm thơ làm mộng…”, ồn ào như có đoàn hát về biểu diễn.

Băng cassette có 2 loại: C60 và C90. Loại C60 có thời lượng chạy 2 mặt băng khoảng 60 phút. Loại băng này đa số các trung tâm băng nhạc trong nước sử dụng, ghi âm được khoảng 10 ca khúc. Loại C90 được người nghe nhạc thích hơn vì thời lượng cả 2 mặt băng đến 90 phút và số lượng bài hát được ghi âm cả 2 mặt đến 20 bài.

Băng nhạc C60 Mấy nhịp cầu tre của trung tâm Vafaco không hề có một bài nhạc vàng

Ở các chợ thời này, dịch vụ “in sang nhạc sến”, “tuyển chọn nhạc sến” ăn nên làm ra. Đồ nghề làm ăn chủ yếu là một máy cassette hai đầu băng. Người ghiền nhạc mang băng cassette trắng theo, đưa cho chủ tiệm, lựa bài hát, ca sĩ rồi đi cà phê cà pháo, chừng 30 phút quay lại, đã có một băng nhạc theo ý mình.

Giọng hát Tuấn Vũ được ưa chuộng, được chọn “sang băng” nhiều nhất. Đi đâu cũng nghe Tuấn Vũ ra rả ca khúc Người yêu cô đơn: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên…”. Khán thính giả chết mê, chết mệt giọng hát ngọt ngào của anh chàng này.

Sau này, kinh tế phát triển hơn một chút, nhiều nhà có thể sắm đầu video. Người ta có thể xem mặt các ca sĩ cũ như: Duy Khánh, Thanh Thúy, Phương Dung, Giao Linh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Thiên Trang, Tuấn Vũ… Băng video thì đi thuê ở các tiệm, là chương trình ca nhạc-hài kịch của các trung tâm băng nhạc: Thúy Nga, Làng Văn, Asia…

Lớp khán giả sau năm 1975 thích thú được lần đầu nhìn mặt các ca sĩ mình thần tượng mà bấy lâu chỉ nghe qua băng cassette. Và một số người tỏ ra thất vọng khi diện kiến “dung nhan” anh chàng ca sĩ có mái tóc bờm ngựa Tuấn Vũ, không được đẹp như giọng hát, thậm chí là quá xấu.

Băng nhạc cassette Kể từ đêm đó của ca sĩ Thanh Tuyền. 

Những thế hệ khán giả “già” tò mò muốn “diện kiến” các ca sĩ cũ, một thời mình đã thần tượng như: Giao Linh, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Sơn Ca, Họa Mi… coi họ còn đẹp như xưa hay đã già nua. Nói chung các ca sĩ hát dòng nhạc vàng được quan tâm nhiều nhất, bên cạnh lớp ca sĩ trẻ mới lên ở hải ngoại như: Ngọc Lan, Thúy Vi, Lynda Trang Đài, Lâm Thúy Vân, Thái Tài, Don Ho…

Thời này, đi hát karaoke người ta cũng hát bằng băng video, không có đầu kỹ thuật số như bây giờ. Những ca khúc nhạc vàng: Ai cho tôi tình yêu, Người yêu cô đơn, Hoa sứ nhà nàng, Nỗi buồn hoa phượng, Con đường xưa em đi, Phố đêm… vẫn là lựa chọn số 1. Vừa dễ “lấy tông”, vừa ít trật nhịp, không cần nhìn màn hình tivi vẫn hát được, vì các ca khúc quá quen thuộc, nằm lòng đối với nhiều người từ nhỏ.

Dòng nhạc vàng thật sự trở thành món ăn không thể thiếu của mọi nhà ở miền Nam giai đoạn này.

Theo Motthegioi

Exit mobile version