Trong sự nghiệp âm nhạc của Y Vân, những ca khúc nổi tiếng được yêu thích nhất của ông hiếm khi nằm lưng chừng giữa những dòng cảm xúc. Dù là nỗi buồn, niềm vui, sự tuyệt vọng hay niềm hạnh phúc, dù hát về đề tài gì ông cũng đẩy những rung động của mình lên đến đỉnh, thuần chất, không pha tạp. Khi hát về mẹ, Y Vân nhất định đưa người mẹ ấy lên như một tượng đài, bao trùm tất thảy những người mẹ trên đời. Hát về tình yêu tuyệt vọng, ông sẽ không để cho bất kỳ tia hy vọng nào loé lên, như trong Ngăn Cách, Ảo Ảnh. Ca ngợi một vùng đất như là Sài Gòn, ông sẽ dành những mỹ từ xinh đẹp, vui tươi, rực rỡ nhất. Chính cái tuyệt đối đó của ca từ âm nhạc đã gây nên nơi người thưởng nhạc những cơn bão rung chấn tận tâm can.
Nhạc sĩ Y Vân có một gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 200 ca khúc khác nhau. Những ca khúc đó đa phần được ông viết lời hoàn toàn. Chỉ một số ít ca khúc là phổ thơ hoặc mượn ý thơ để viết nhạc. “Buồn” là một ca khúc như vậy. Mặc dù, trong bản viết tay đầu tiên của bản nhạc tung ra năm 1980, Y Vân không ghi tên tác giả thơ mà chỉ ghi vỏn vẹn tên tác giả nhạc là Y Vân, nhưng rất nhiều người yêu thơ đã nhận ra hai câu hát đầu tiên của bản nhạc là:
Buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn không còn rượu để say
Click để nghe Ngọc Lan hát Buồn
Có sự trùng hợp nội dung với 4 câu thơ của nhà thơ Tạ Ký trong bài “Buồn Như” ra mắt năm 1970 (trong tập thơ “Sầu Ở Lại”):
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy
Không còn một người bạn
Việc không để tên tác giả Tạ Ký như một người đã cho Y Vân nguồn cảm hứng viết ra ca khúc Buồn là một thiếu sót của Y Vân. Hoặc giả bản thân nhạc sĩ Y Vân cũng chỉ loáng thoáng nghe được ý thơ này từ đâu đó rồi đưa vào âm nhạc mà hoàn toàn không biết đến bài thơ và một nhà thơ mang tên Tạ Ký. Điều đáng tiếc nhất với những người yêu thơ Tạ Ký là ông đã không kịp nghe ca khúc Buồn của Y Vân, không kịp thấy “Buồn Như” của mình thăng hoa vào âm nhạc.
Cuộc đời luôn tréo nghoe như vậy, có những mối duyên mà chỉ khi người trong cuộc mất đi rồi mới được kết thành. Dẫu vậy, chẳng ai buồn trách giận gì Y Vân, bởi sự tam sao thất bản trong nghệ thuật thời kỳ trước là một điều rất bình thường mà người nghệ sĩ phải chấp nhận. Và một điều không ai có thể phủ nhận là ca khúc Buồn của Y Vân đã giúp cho công chúng biết đến nhiều hơn về một tài năng thơ ca mang tên Tạ Ký cùng bài thơ “Buồn Như”. Dưới đây xin trích dẫn nguyên văn bài thơ của Tạ Ký:
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy
Không còn một người bạn
Buồn như đêm khuya vắng
Qua cửa sổ trông trăng
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trắng
Buồn như yêu không được
Dù người yêu có thừa
Buồn như mối tình xưa
Chỉ còn dòng lưu bút
Buồn như buồn như thế
Buồn như một kiếp người
Ðây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đoá hoa rơi
Đọc qua bài thơ và so sánh với nội dung lời hát, có thể thấy Y Vân chỉ mượn ý thơ ở 4 câu thơ đầu tiên, còn nội dung phía sau thì hoàn toàn khác. Điều này khiến cho giả thiết Y Vân chỉ nghe được loáng thoáng ý thơ trên ở đâu đó rồi đưa vào âm nhạc của mình mà không hề biết tác giả Tạ Ký và bài thơ có vẻ xác đáng hơn. Hơn nữa bài thơ và bài hát ra đời cách nhau 10 năm, qua những biến đổi lớn của thời cuộc.
Cái buồn trong ca khúc của Y Vân cũng rất khác thơ Tạ Ký, không phải là buồn bàng bạc, quạnh quẽ, hiu hắt “nước chảy hoa rơi” mà là cái buồn tuyệt đối, chất ngất thương đau, cay đắng, lên tận “đỉnh sầu”. Xin hãy nghe những câu hát đầu tiên:
Buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn không còn rượu để say
Nếu Tạ Ký viết “Buồn như ly rượu đầy không có một người bạn”, thì nhạc sĩ Y Vân đẩy nỗi buồn đó lên đến đỉnh: “không có ai cùng cạn”. Nhạc sĩ không dám mong cầu một người bạn, mà chỉ mong “có ai” đó, một người qua đường, một người xa lạ, không đòi hỏi thân thế, gương mặt, tính cách, xấu tốt, ai cũng được.. chỉ để cùng cạn mà cũng không có.
Ở câu hát thứ hai, dường như ý thơ quá hợp ý mình nên Y Vân giữ nguyên lại không chỉnh sửa: “Buồn như ly rượu cạn không còn rượu để say”. Người ta thường nói “mượn rượu giải sầu”, nhưng rượu cạn rồi mà sầu vẫn chưa được giải, vậy nên buồn càng chất thêm buồn, biết lấy gì mà hoá giải.
Chỉ với hai câu hát đã thấy nỗi cô đơn tuyệt vọng được khơi lên vô cùng vô tận. Rượu không giải được sầu, nhưng rượu khiến con người ta mở lòng ra, trút bầu tâm sự:
Buồn như trong một ngày hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt không còn chuyện để vui
Yêu nhau mà không được gặp gỡ chỉ một ngày đã thấy quạnh hiu, trống vắng, nhớ mong, buồn sầu bủn rủn, nhưng gặp nhau mà nhìn nhau sầu buồn, ái ngại, chẳng còn chuyện vui gì để nói, để kể thì lại càng đau khổ, sầu buồn hơn. Đến đây có thể lờ mờ hiểu ra nỗi sầu buồn đến từ một mối tình đau thương, bế tắc. Bế tắc đến tuyệt vọng:
Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Mà đời luôn cao ngất thương đau
Câu hát cất lên nghe như sự gắng gượng đã hút kiệt sức lực của đôi trai gái. Sầu buồn đã chồng chất lên tới “đỉnh sầu” mà trần đời vẫn vô cùng nghiệt ngã “cao ngất thương đau”. Nỗi buồn được đẩy lên đẩy lên mãi, vượt cả “đỉnh sầu”, chấp chới lộn nhào xuống vực thẳm.
Bao lâu ân ái chưa đậm màu
Toàn là cay đắng gιết thương yêu
Tình yêu chưa kịp thăng hoa, “ân ái chưa đậm màu”, chưa thoả nỗi nhớ mong, mà sợi dây tình tưởng như sắp đứt phựt, bởi trần đời “toàn là cay đắng gιết thương yêu”. Hai chữ “toàn là” dằn xuống đầy tuyệt vọng xen lẫn căm hận. Hận đời. Hận người. Hận tình. Nhưng sầu hận dù chất cao như núi, đôi tình nhân cũng chỉ có thể than trời, trách phận, không thể thay đổi được nên đành buông tay, thả một tiếng thở dài miên viễn vào đời:
Tình đôi ta thật buồn
như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
buồn mỗi ngày buồn hơn.
Thôi đành chấp nhận số phận, chấp nhận định mệnh: “Tình đôi ta thật buồn như lứa hoa nở muộn”. Chấp nhận rồi nhưng nỗi buồn thì vẫn còn đó. Buồn vì một tình yêu không trọn vẹn. Buồn vì bất lực. “Buồn mỗi ngày buồn hơn”, không có bất cứ dấu hiệu nào nguôi ngoai…
Nói về tác giả của bài thơ “Buồn Như” là thi sĩ Tạ Ký. Cuộc đời của ông là kiếp sống của một nhà thơ sinh bất phùng thời. Tài năng nhưng không gặp vận, trải qua nhiều cuộc bể dâu, ông qua đời buồn bã ở ngay trong trại giam vào năm 1979.
Cuộc đời của Tạ Ký giống như bài thơ Buồn Như mà ông viết từ thập niên 1960. Khoảng cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 là thời điểm có một khoảng buồn mênh mông bao trùm cả làng văn nghệ miền Nam vốn rất sôi động chỉ trước đó vài năm. Nhạc sĩ Y Vân cũng lâm vào tình trạng khó khăn, nên khi bắt gặp bài thơ Buồn Như của Tạ Ký, nông đã biết thành bài hát “Buồn”, mượn vài câu thơ để viết nên bài hát ngắn và cũng rất buồn…
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn