Cách đây khá lâu, một nhà văn ở hải ngoại là LTD ra mắt cuốn sách mang tên Tình Sử Nhạc Khúc, nói về hoàn cảnh sáng tác của nhiều bài nhạc vàng trước năm 1975. Sau đó, nhiều người trong cuộc, các nhạc sĩ và gia đình của nhạc sĩ lên tiếng cho rằng phần lớn câu chuyện trong cuốn sách này là không có thật. Hoàn cảnh sáng tác những bài hát nổi tiếng đã được dựng lên thành những câu chuyện huyền ảo và lâm ly như trong tiểu thuyết. Với nhạc sĩ Y Vân và ca khúc Ảo Ảnh, một câu chuyện ly kỳ về tình cảm giữa nhạc sĩ và cô gái tên Huyền nào đó được kể lại. Tuy nhiên, theo gia đình nhạc sĩ Y Vân, đó chỉ là chuyện thêu dệt hoàn toàn không có thật. Bởi sau khi kết hôn, Y Vân là một người chồng, người cha nghiêm túc, mẫu mực, yêu thương vợ con, không “qua lại” với bất kỳ bóng hồng nào.
Người phụ nữ duy nhất còn vấn vương, gửi thư cho nhạc sĩ Y Vân chính là mối tình đầu năm 19 tuổi từ khi ông còn ở Hà Nội. Cô gái đó tên là Tường Vân, nên sau khi chia tay, nhạc sĩ chọn bút hiệu là Y Vân (tức Yêu Vân). Tha thiết với tình đầu như vậy, nhưng sau này thư từ của cô Vân gửi, nhạc sĩ Y Vân đều đưa cho vợ cất giữ, trân trọng như một kỷ niệm đẹp trong đời. Chia sẻ về quyết định đó của cha mình, con gái nhạc sĩ Y Vân từng tâm sự: “Bố không liên lạc vì muốn cô Vân hạnh phúc. Bởi vì cô Vân nguyện sống độc thân nên từ trước đến nay thư từ chỉ một hướng từ cô. Thật sự rất là thương cô”.
Nhiều ca khúc sau này của nhạc sĩ Y Vân được cho là viết trong nguồn cảm hứng từ mối tình đau khổ tuyệt vọng với nàng Tường Vân như: Nhạt Nắng, Đò Nghèo,.. đặc biệt nhất phải kể đến ca khúc “Ảo Ảnh”. Một tình khúc mà từ ca từ, giai điệu, đến ý tứ đều rất đặc biệt. Viết về tình yêu đau thương tuyệt vọng, nhưng Ảo Ảnh lại mang một giọng điệu rất trẻ trung, rất sáng, có phần lả lướt, dửng dưng của một người tình đầy trải nghiệm chứ không u sầu, đẫm lệ, bi hoài của người vừa thất tình.
Mở đầu ca khúc là những lời hát thoạt nghe có vẻ bình thản, nhẹ nhàng nhưng đầy chua xót của một người đã đi qua những cung bậc đau khổ của tình yêu.
Yêu cho biết sao đêm dài
Cho quen với nồng cay
Yêu cho thấy bao lâu đài
Chỉ còn vài trang giấy
Dường như khi đặt bút viết “Ảo ảnh”, những trải nghiệm của mối tình đầu tan vỡ vẫn còn rất đau đớn nơi trái tim của người nhạc sĩ ấy. Đó là lần đầu tiên trong đời, ông biết thế nào là những đêm dài thao thức, đau đớn vì thất tình. Lần đầu tiên trong đời, ông nếm trải vị đắng của tình yêu. Lần đầu tiên trong đời, những giấc mộng tươi đẹp của tuổi trẻ mộng mơ tưởng sẽ mau chóng thành sự thực lại bất ngờ sụp đổ. Nỗi đau tình ập xuống cuộc đời chàng trai 19 tuổi, như những nhát kéo lạnh lùng cắt đứt mọi niềm tin, hy vọng vào tình yêu.
Click để nghe Thanh Lan hát Ảo Ảnh trước 1975
Những câu hát mở đầu bằng mệnh đề “Yêu cho biết..”, “yêu cho thấy..” giống như những câu nói giận dỗi, chán nản, buông xuôi, bất lực dành cho một ai đó ‘khó bảo”. Sau những tháng năm chìm đắm trong u hoài, bi thương của mối tình tan vỡ, nhạc sĩ có lẽ đã “an phận” với cuộc hôn nhân êm đềm, không sóng gió. Vì vậy cho nên những lời “dằn dỗi” kia phải chăng được nhạc sĩ viết cho chính trái tim nghệ sĩ “khó bảo” của mình.
Nhưng lý trí dù đã lên tiếng, tâm can vẫn cứ dậy sóng không yên, nên lời “cảnh báo” càng mạnh mẽ hơn:
Dòng mực xanh còn đấy
Hứa cho nhiều dù bao lời nói
Đã phai tàn thành mây thành khói
Cũng xem như không mà thôi
Những dấu vết của mối tình xưa vẫn còn đấy, bao lời hứa hẹn, thề nguyện còn đầy trên giấy trắng mực xanh đấy. Nhưng rồi cũng chẳng để làm gì, cuối cùng cũng “phai tàn thành mây thành khói”, chẳng thể níu giữ, chẳng thể đòi hỏi, chẳng thể bắt giữ nhau lại. Dù có kêu gào, vật vã, trách móc nhau, trách móc số phận, trách móc cuộc đời nhiều đến bao nhiêu thì cuối cùng cũng phải “xem như không mà thôi”.
Những ân tình em đong bằng nước mắt
Khóc cho đầy hai chữ tình yêu
Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo
Đã thay màu ân ái từ lâu…
Và đây: “những ân tình em đong bằng nước mắt”, những giọt nước mắt hạnh phúc, buồn vui, hờn giận của cả một cuộc tình dài, sâu nặng, những giọt nước mắt đau thương, tuyệt vọng khi tình yêu bị chia cắt. Đây nữa: “Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo”, tình yêu đó anh đã từng xem như một tấm áo nhiệm mầu che chở, bảo bọc, ủ ấm tâm hồn. Một cuộc tình tròn đầy, sâu đậm được vun đắp, gầy dựng bằng tất cả tình yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ, ngỡ như không gì có thể chia cắt, đổi thay. Nhưng rồi thì sao? Những vỏ bọc phấn hương nồng đậm bao quanh tình yêu tưởng như chẳng bao giờ có thể phai mờ cũng “đã thay màu ân ái từ lâu”. Câu hát trầm xuống, hụt hẫng như một tiếng thở dài.
Click để nghe Ngọc Lan hát Ảo Ảnh
Những neo thuyền yêu đương thường dễ đứt
Khiến bao chiều trên bến tịch liêu
Vắng con tàu sân ga thường héo hắt
Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…
Xưa đêm vắng đưa nhau về
Nay đơn bóng đường khuya
Khi vui thấy trăng không mờ
Lòng buồn nên trăng úa
Yêu càng nhiều, hy vọng càng nhiều, ước mộng xây “lâu đài tình yêu” càng lớn thì khi tình yêu đó mất đi lại càng tuyệt vọng, chán chường, cô đơn hơn mà thôi, chẳng ích lợi chi. Những mặt trái của tình yêu qua lăng kính tuyệt vọng của người nghệ sĩ bỗng được phóng đại đến cực độ, không một tia hy vọng nào được thắp lên. Những câu hát với đầy những quy chụp phiến diện: “Những neo thuyền yêu đương thường dễ đứt” hay “Vắng con tàu sân ga thường héo hắt”. Chữ “thường” liên tục được sử dụng như để chứng minh cho lời khẳng định: bước chân vào tình yêu là tự chuốc lấy khổ đau, u sầu, không có đường lui.
Đến tận những câu hát gần như cuối cùng này, vẫn không có câu chuyện tình lâm li bi đát riêng tư nào được kể. Những nhân vật tự sự trong lời hát chỉ được phác hoạ đơn giản, mờ nhạt bằng hai đại từ “anh” và “em”, không hình bóng, không dấu vết, không tên tuổi. Có cảm tưởng như, Ảo Ảnh không chỉ là niềm thất vọng với mối tình tan vỡ của riêng Y Vân, mà nhạc sĩ trong nỗi thất vọng vì sụp đổ ước vọng tình yêu đã ôm mọi vụn vỡ, khổ đau của tất cả những mối tình bi thương khác trên đời vào lời hát của mình, vào trải nghiệm tình trường của mình để làm cái cớ dằn xuống những cơn sóng đang nổi lên trong lòng.
Kìa phồn hoa còn đó
Những con đường buồn vui lộng gió
Những ân tình chìm trong lòng phố
Cũng theo hư không mà đi
Không chỉ “triệu hồi” những vật chứng, dẫn chứng đến từ mối tình trong quá khứ để chứng minh cho lời khẳng định của mình về tình yêu, tác giả còn chỉ thẳng vào tình yêu đang hiện hữu. Dưới con mắt nhìn đầy bi quan của nhạc sĩ, dù “phồn hoa còn đó”, dù tình yêu đang lung linh rực rỡ, hiển hiện như “những con đường buồn vui lộng gió” hay âm thầm “chìm trong lòng phố”, tất cả rồi cũng sẽ “theo hư không mà đi”, chẳng thể hy vọng, chẳng thể mong cầu một kết cuộc khác. Tình yêu giống như một ảo ảnh, ảo mộng xa xôi, mờ nhạt, không thể nắm giữ, có “cũng như không mà thôi”.
Toàn bộ ca khúc là những tiếng thở dài dày đặc, não nề, thất vọng, chán chường đối với tình yêu. Từng câu từng chữ ngân lên thoáng nghe có vẻ nhẹ nhàng, thanh thản, dửng dưng nhưng phía sau những lời hát tưởng như “vô tình” đó là những trải nghiệm đau thương, những vết sẹo lòng không thể xoá nhoà trong tâm hồn người nhạc sĩ.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn