Nhạc sĩ Y Vân, điệu twist, và định mệnh trong câu hát “60 năm cuộc đời”

Trong nhạc vàng, có nhiều trường hợp ca khúc vận vào đời của nhạc sĩ sáng tác một cách kỳ lạ khó giải thích. Đó như là lời dự cảm của những nhạc sĩ thiên tài, những tiên đoán chính xác về chính cuộc đời của mình. Điển hình là nhạc sĩ Trúc Phương với Thói Đời, nhạc sĩ Lam Phương với Một Mình, Xin Thời Gian Qua Mau, và nhạc sĩ Y Vân với bài hát mang tên “60 Năm” cùng câu hát nổi tiếng: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933 và qua đời năm 1992 tại Sài Gòn. Nếu tính theo tuổi Tây lịch thì 59, nhưng theo cách tính xưa của người Việt Nam thì nhạc sĩ Y Vân đã sống tròn 60 năm như chính lời hát mà ông sáng tác cách đó gần 30 năm.

Nhạc sĩ Y Vân

Thập niên 1960 tại Sài Gòn, bên cạnh dòng nhạc vàng, nhạc trữ tình âm hưởng tiền chiến được phát triển mạnh, thì trào lưu nhạc trẻ đã tràn vào Miền Nam với những điệu nhạc sôi động xuất xứ từ Mỹ như bebop, twist… Ban đầu chỉ là nhạc ngoại quốc, sau đó các nhạc sĩ Việt Nam cũng soạn nhạc theo các điệu “giật gân” dành cho chốn vũ trường này, thường được gọi là “kích động nhạc”.

Nhạc sĩ Y Vân – bên cạnh những sáng tác êm đềm, nhẹ nhàng chan chứa hoặc thấm đẫm tình quê như Bóng Người Cùng Thôn, Nhạt Nắng, Duyên Tình… vào thập niên 1950, thì sang đến thập niên 1960 ông bắt đầu sáng tác rất nhiều bài nhạc sôi động thường được hát trong các khiêu vũ trường, như là 20-40, Đêm Đô Thị, Sài Gòn, Tiếng Trống Cao Nguyên, Tình Yêu Và Thủy Thủ… đặc biệt là 60 Năm (thường bị ghi nhầm tên là 60 Năm Cuộc Đời) được viết bằng điệu twist rất thịnh hành trong giới trẻ thời đó.

Điệu twist chỉ vừa mới được ca sĩ Chubby Checker khai sinh ra ở Mỹ năm 1960, ban đầu là từ ca khúc The Twist được phát hành năm 1958, Chubby đã trình diễn điệu nhạc này trên TV sau đó và tất cả mọi người đã đổ xô theo điệu nhảy ấy. Chỉ một thời gian ngắn sau, twist du nhập vào Sài Gòn và ngay lập tức được giới trẻ ưa chuộng.

Các bài hát theo điệu twist thường sôi động, gấp gáp, giai điệu càng lúc càng được đẩy nhanh và nó thôi thúc người nghe tưởng chừng như chỉ muốn nhảy. Ở trong chốn vũ trường, nếu nghe một điệu nhạc twist thì khó ai có thể đứng yên được.

Điệu nhảy nhạc twist trong vũ trường cũng rất đặc trưng, những người nhảy rất ít chạm vào nhau với những cái lắc hông rất gợi cảm. Có thể mô tả hình dung của người nhảy điệu twist một cách đơn giản: Hãy tưởng tượng là đang dùng 2 chân của mình để dập tắt một điếu xì gà, và sau đó cùng với nhịp cùa bản nhạc, hãy dùng phần dưới, dùng cả 2 chân để cố gắng nghiền nát nó ra. Cái công thức rất đơn giản đó đã thay đổi cả thế giới vũ trường.


Click để xem video The Twist của ca sĩ người Mỹ Chubby Checker

Các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác nhạc theo điệu twist sôi động đó, nhưng có một điều lạ, đó là dù nhạc thì gấp gáp, sôi nổi, giật gân, nhưng nội dung lại phảng phất nỗi buồn, lắng đọng sau những bước nhảy xô bồ là một nỗi buồn nhân sinh, nỗi đau về phận số. Điển hình là ca khúc Có Nhớ Đêm Nào, Sầu Đông của nhạc sĩ Khánh Băng, và 60 Năm của Y Vân.

Nếu như Sầu Đông của Khánh Băng nói về tâm tư của một kẻ ly hương trở về quê cũ trong một chiều đông buốt giá, thì 60 Năm của Y Vân mang một nỗi buồn bao trùm cả kiếp người:

Anh ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau, sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao.

Ơ là thế…
Đời sống không được bao
Ơ là bao…
Đời không lâu là thế
Ơ được bao năm sống mà yêu nhau

Anh ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
Khi xa anh rồi em biết yêu thương ai
Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời
Anh ơi ta sống được bao.

Cuộc đời con người có thể được chia thành ba lần 20 năm. Đoạn đầu là quãng thời gian ấu thơ vô tư vô lo và thời thanh xuân tươi đẹp, nhưng 20 năm thì có được là bao, vì sau đó sẽ là sầu thương cao vời vợi cho đến lúc cuối cùng. Vì vậy, nhạc sĩ khuyên mọi người rằng ở cái tuổi 20 với trái tim yêu nóng bỏng, nồng nhiệt, hãy sống cho hết mình, hãy yêu thương nhau đừng ngần ngại, không toan tính, vì qua đến tuổi 21 là bắt đầu trách nhiệm nặng vai, đau thương thế hệ sẽ nhanh chóng đè nặng tuổi xanh. Ở thời điểm bài hát được sáng tác, thì 21 cũng là tuổi lính, nên cái mốc 20 tuổi thật nhiều ý nghĩa.

Bài hát gói gọn đời người trong 60 năm, và một sự trùng hợp lạ lùng, cuộc đời nhạc sĩ Y Vân cũng đã dừng lại mãi mãi ở tuổi 60. Một điều đặc biệt khác nữa, ca khúc 60 Năm cũng đã gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ tài danh Hùng Cường, và như một định mệnh, Hùng Cường cũng qua đời khi vừa tròn 60 tuổi.


Click để nghe ca sĩ Hùng Cường hát bài 60 Năm Cuộc Đời

Có những điều thật khó giải thích. Hình như là với những nhạc sĩ thiên tài như Trúc Phương, Lam Phương, Y Vân, tạo hóa đã ban cho họ một khả năng dự cảm kỳ lạ để tiên đoán được tương lai của chính mình. Khi họ viết những ca khúc ấy, họ không sáng tác một cách thông thường, mà như là đang chép lại một “thiên cơ” mà chính họ cũng không hề biết.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version