Nhạc sĩ Vũ Huyến và ca khúc Cô Hàng Nước thập niên 1950

Tân nhạc Việt Nam, khởi thủy từ những bài hát Ta giai điệu Tây từ thập niên 1930, sau đó đến thập niên 1940 được tiếp nối bằng những ca khúc tuyệt mỹ của nhạc sĩ Văn Cao cùng các nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Dzoãn Mẫn, hoặc là những bài hùng ca của Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, tất cả cùng tạo dựng nên thời kỳ vàng son của dòng nhạc được gọi là nhạc tiền chiến (vì sáng tác trước thời điểm năm 1946).

Thời gian sau đó, dòng nhạc trữ tình lãng mạn vẫn được tiếp nối với những tên tuổi tiêu biểu là Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến… trong đó nhiều sáng tác từ đầu thập niên 1950 vẫn được tạm gọi là “nhạc tiền chiến”, và một trong những bài hát nổi tiếng trong thời kỳ này, xin nhắc tới ca khúc Cô Hàng Nước của nhạc sĩ Vũ Huyến (ký bút danh là Vũ Minh).

Cùng với Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân, thì Cô Hàng Nước có thể xem là 1 trong 2 “cô hàng” đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.


Click để nghe danh ca Sĩ Phú hát Cô Hàng Nước

Mở đầu bài hát Cô Hàng Nước là điệu cò lả quen thuộc trong âm nhạc dân gian Việt nam mà hầu như ai cũng từng một vài lần được nghe qua tiếng mẹ ru những ngày còn thơ ấu:

Con cò là cò bay lả, lả bay la
Bay từ đồng ruộng, bay ra là ra cánh đồng…

Từ giai điệu này, nhạc sĩ cải biên lại thành lời mở đầu cho ca khúc Cô Hàng Nước:

Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn
Anh đem, là đem bán nốt
Anh theo, là theo cô hàng, hàng chè xanh
Tình tính tang tang tính tình

Cô hàng rằng, cô hàng ơi
Rằng có biết, biết cho chăng
Rằng có biết, biết cho chăng
Lẳng lặng mà nghe tôi nói đôi lời

Tôi kể rằng
Đầu làng Ngũ Xã có nàng
Một nàng bán nước chè xanh
Người đâu trông mà duyên dáng
Và cô em chừng đôi tám

Miệng cô như là hoa, đóa hoa thật tươi
Trông càng say đắm
Mắt cô đưa tình, khiến bao chàng trai
Ngất ngây vì cô, mỗi khi qua hàng

Làng Ngũ Xá (thường được gọi là Ngũ Xã), là một làng ở Hà Nội có từ lâu đời có từ thời kinh đô Thăng Long, nổi tiếng với nghề đúc đồng được nhắc tới trong câu vè “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Dấu tích Ngũ Xã còn lại đến ngày nay là phố Ngũ Xã thuộc quận Ba Đình – Hà Nội.

Không gian của bài hát được giới thiệu là ở một làng quê, dù là ở Hà Nội, một chốn kinh kỳ từ xa xưa nhưng vẫn còn giữ lại được những khung cảnh điển hình trong văn hóa Việt Nam, nơi có cây đa bến nước, ở đầu làng có một quán nước chè xanh với cô chủ quán đang tuổi trăng tròn. Cô hàng nước duyên dáng và nhan sắc tuổi xuân thì như là đóa hoa rực rỡ đã làm cho bao nhiêu chàng trai làng say đắm.

Ảnh tư liệu của Nguyễn Đức Phú

Ở đoạn tiếp sau đó là những âm thanh rộn rã theo từng câu hát thể hiện tâm trạng của một chàng trai đang yêu, say đắm tương tư và quyết chí tìm cách cưới cô hàng nước về làm vợ:

Hò ơi! Đôi mắt nhung huyền
Ơi hỡi nàng hàng xinh xinh ơi
Má lúm đồng tiền trông duyên ghê
Làm ta say đắm bao tháng ngày

Chiếc áo nhuộm màu nâu non
Với dáng người nàng thon thon
Làm ta say đắm bao ngày tháng
Vì em xinh quá xinh là xinh

Nàng ơi! Anh đã yêu nàng
Quyết chí cùng nàng nên duyên
Bỏ lúc vì nàng thâu đêm
Rồi đây rồi đây anh sẽ, anh sẽ về

Nói với cùng mẹ cha anh
Sẽ tới hỏi nàng cho anh
Cùng nhau chung sống trong mộng thắm
Cùng nhau chung sống bao ngày xanh…

Rồi chàng trai nhận được sự đồng thuận của mẹ để chuẩn bị đi hỏi cưới cô hàng:

Hò ơi! Mẹ tôi nói rằng
Quyết chí hỏi vợ cho con
Quyết chí tìm nàng dâu ngoan
Nàng dâu đôi má rám nắng hồng

Quyết chí dạm vợ cho con
Quyết chí tìm nàng dâu ngoan
Làm sao cho xứng đôi vừa lứa
Làm sao cho xứng đôi vừa đôi

Cô hàng nước không chỉ làm điên đảo anh chàng si tình trong mọi giây phút hàng ngày, mà còn đi vào trong giấc mơ, một giấc mơ với kết thúc vô cùng mỹ mãn:

Nàng ơi! Anh đã mơ rằng
Đám cưới vợ chồng đôi ta
Khắp xóm cùng làng ra xem
Người ra xem đứng rồi nói rằng:

Đám cưới thật là to ghê
Đám cưới thật là xinh đôi
Người ta cầu chúc chú rể mới
Cùng cô dâu sống đến bạc đầu

Tuy nhiên, cuộc đời không như là mơ, sự thật phũ phàng hiện diện ở cuối bài hát. Nếu như gần toàn bộ bài hát là những lời hát tươi vui, tràn đầy hy vọng với chất nhạc có phần mang tính trào phúng, thì kết thúc bài hát lại là một câu chuyện buồn:

Rồi ngày ngày qua, xa vắng quán hàng
Lúc trở về, trở về để kiếm cô nàng
Cùng nàng chắp mối tình xưa
Thì em đã rời nơi ấy
Để cho quán hàng lạnh lẽo

Ơi, hỡi ơi nàng ơi, biết cho lòng anh
Đã bao năm trước anh đã yêu nàng
Đến bây giờ đây biết đâu tìm em
Ơi hỡi ơi nàng…

Tác giả ca khúc này là nhạc sĩ Vũ Huyến, một tên tuổi vừa lạ, vừa quen trong làng tân nhạc. Vũ Huyến có một số sáng tác từ thập niên 1950, nhưng nổi tiếng gần như duy nhất là chỉ có Cô Hàng Nước.

Nhạc sĩ Vũ Huyến

Ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Huyến là con trai của kịch sĩ Vũ Huân, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Theo nhiều người kể lại, Vũ Huyến rất sáng sân khấu, da trắng, mặt mũi thanh tú, dấp dáng thư sinh và đóng kịch rất có duyên. Ngoài sáng tác, đóng kịch, ông còn là ca sĩ, cũng là người đầu tiên thu thanh Cô Hàng Nước vào trong dĩa nhạc.


Click để nghe chính giọng hát của tác giả trong bản thu dĩa đầu tiên của bài Cô Hàng Nước trong dĩa Việt Thanh (tiền thân của hãng Asia Sóng Nhạc)

Trong một bài viết, cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (tác giả bài Đêm Đông) có nói về giọng hát Vũ Huyến như sau:

Khi nhắc “Cô hàng nước”, nhiều người thường nhớ tới Sĩ Phú bởi tông giọng nhẹ, nhung mềm, gần như thủ thỉ mà cũng hết sức hào hoa, lôi cuốn nhưng tôi vẫn thích chính Vũ Huyến thể hiện ca khúc này hơn. Lần đầu tiên nghe, có cảm giác như ông đang khề khà kể chuyện tình bằng hơi men, cứ gà gật, lắc lư theo dòng hoài niệm, mỗi câu phát ra tựa như động tác ngửa cổ dốc một ngụm rượu cay vào lòng; thậm chí, ngay cả đoạn “Tình tính tang, tang tính tình…” có vẻ rộn ràng, tươi vui thì vẫn là cái lắc lư của hơi men, của lòng người đang chao đảo nhung nhớ. Thỉnh thoảng, người hát ngồi đờ đẫn, ngây dại, vừa khít các đoạn lặng im lìm của ca khúc. Những lúc như thế, hơi phát ra từ giọng ông như đang bay theo hơi rượu phảng phất cay cay, nồng nồng như buồn buồn, nhớ nhớ.

Tại Hà Nội, trước khi di cư vào Nam, ca sĩ, kịch sĩ, nhạc sĩ Vũ Huyến có mặt trong ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội và cộng tác với Bảo Chính Đoàn của nhạc sĩ Hoàng Trọng những năm đầu thập niên 1950, thường xuyên trình diễn ở Nhà Hát Lớn.

Tại ban Việt Nhạc, Vũ Huyến quen biết và kết hôn với nữ danh ca Minh Hoan (nghệ danh trước đó là Minh Phương).

Danh ca Minh Hoan

Đó là thời gian ông sáng tác ca khúc Cô Hàng Nước, nên đã ghép họ của mình với tên vợ thành Vũ Minh để đứng tên ca khúc này. Nhiều người đã từng biết đến tên nhạc sĩ Vũ Minh, nhưng không nhiều người biết rằng đó chính là Vũ Huyến. Trong hình bìa tờ nhạc Cô Hàng Nước phát hành trong thập niên 1950 có để hình của danh ca Minh Hoan:

Ảnh tư liệu của Lê Minh Nhựt

Nhạc sĩ Vũ Huyến và danh ca Minh Hoan chia tay nhau trước khi cả 2 cùng di cư vào Nam từ trước năm 1954 và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Tại Sài Gòn, Vũ Huyến lập ban kịch nói, trong ban kịch có ca sĩ – kịch sĩ nổi tiếng Linh Sơn.

Ca sĩ Linh Sơn năm 14 tuổi

Nhạc sĩ Vũ Huyến tái hôn với ca sĩ Linh Sơn, nhưng họ cũng chỉ chung sống được một thời gian rồi chia tay.

Nữ ca sĩ Linh Sơn trên hình bìa tạp chí Kịch Ảnh năm 1957

Sau năm 1975, Vũ Huyến định cư ở Hoa Kỳ, từng tham gia vào ban AVT hải ngoại ngay trong lần đầu tái lập, với 3 thành viên là Lữ Liên, Vũ Huyến và Ngọc Bích. Năm 1992, Vũ Huyến rời ban AVT, có thời gian ông gia nhập ban Thăng Long hải ngoại cùng Hoài Trung và Mai Hương, trước khi qua đời năm 1995. Những năm cuối đời, ông chung sống với người vợ thứ 3 là Trương Thị Liên.


Nghe Vũ Huyến – Hoài Trung – Mai Hương (Ban Thăng Long hải ngoại) hát Ngựa Phi Đường Xa

Trước khi qua đời không lâu, lúc sức khỏe đã yếu, nhạc sĩ Vũ Huyến đã kịp thực hiện và ra mắt CD nhạc duy nhất trong cuộc đời với sự giúp đỡ của bạn bè và trung tâm Giáng Ngọc. Các ca sĩ hát trong CD này đều không lấy thù lao, trong đó có Sĩ Phú, Khánh Ly, Thanh Lan, Mai Hương, Thanh Thúy, Quang Bình, Ngọc Minh, Việt Dzũng, Phương Hồng Quế. CD có 11 bài, ngoài ca khúc chủ đề Cô Hàng Nước được sáng tác năm 1952, thì 10 ca khúc còn lại đều là những sáng tác chưa từng được công bố trước đó.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version