Nhạc sĩ Tu My và ca khúc Tan Tác: “Ngóng về phương xa chờ tin nhạn…”

Nhạc sĩ Tu My sáng tác từ thập niên 40 của thế kỷ 20, với ca khúc nổi tiếng nhất và được yêu thích cho đến ngày nay mang tên: Tan Tác, gắn liền với giọng hát danh ca Sĩ Phú.


Click để nghe Sĩ Phú hát Tan Tác trước 1975

Thông tin về nhạc sĩ Tu My không có nhiều, ngoại trừ bài viết sau đây của nhạc sĩ Phạm Duy:

Nhạc sĩ Tu My (không phải là Tu M với “i” ngắn) sinh ngày 10-5-1928, quê ở Thanh Trì, Hà Nội, tên thật là Đỗ Mạnh Cường.

Năm 1944, lúc Tu My 16 tuổi, ông học ký âm pháp nơi thầy Nguyễn Văn Thông, cùng với Ngọc Bích, Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Ngạc và Nguyễn Hiền…

Thời gian 1946-48, trong kháng chiến chống Pháp, Tu My cùng bạn bè thường hay sinh hoạt văn nghệ ở một cái quán mang tên “Mai Hắc Đế” tại Cống Thần, Chợ Đại, Khu Ba.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể lại chuyện năm 1951, khi ông vừa ký xong hợp đồng với chủ Hotel de Paris ở Hà Nội, thì nhạc sĩ Tu My dẫn một thanh niên vừa mới từ Thanh Hóa hồi cư về thành, giới thiệu với ông để cộng tác với ban nhạc, người thanh niên đó là nhạc sĩ Nhật Bằng.

Năm 1952, Tu My là nhạc trưởng của Đài Phát Thanh Hà Nội.

Năm 1953, khi 25 tuổi, Tu My kết duyên với bà Trần Thanh Lan lúc đó mới 18 tuổi. Hai người sẽ có bốn người con với nhau.

Một đoạn bút ký của Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng kể lại rằng : khi ông ra Bờ Hồ Gươm dự cuộc mít tinh của dân chúng Hà Nội đón mừng bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô thì ông thấy trong đám đông học sinh tấu nhạc với đủ mọi thứ đàn giây, kèn, sáo… có Tu My ôm cây ghi-ta, đeo kính cận. Cũng từ năm 1954 này, Tu My là giáo viên dạy nhạc tại các Trường Minh Tân, Thăng Long, Nguyễn Huệ, Hà Huy Tập, Tân Trào…

Năm 1967, Tu My trở thành một giáo viên dạy nhạc tại trường Trưng Vương (Hà Nội) trong 21 năm.

Năm 1970, Nhạc Tập Tình Khúc Tiền Chiến Tiêu Biểu do Khai Phóng xuất bản năm 1970 tại Saigon, trong đó có bài Tan Tác (khi Tu My chưa mất).

Nhạc sĩ Tu My có một con gái tên là Đỗ Lệ My, vào năm 1979 theo chồng tới sinh sống tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Năm 1982, Tu My bị bệnh đau tim (loạn nhịp tim) và nhờ có một lương y chăm sóc cho nên đã soạn bài hát nhan đề Sao Rực Sáng Làng Hoa để tặng cụ Nguyễn Đức Cần.

Năm 1986, nhạc sĩ Tu My qua đời với tuổi 58, vì bị xuất huyết não.

Sự nghiệp của Tu My gồm có một số nhạc tình lãng mạn, một thời đã được công chúng biết đến và yêu thích như Nhạc Lòng, Chia Ly, Hận Lòng hay Tan Tác (trước 54)… cùng một vài bài ca quê hương và xã hội như Hà Nội 55, Uống Nước Nhớ Nguồn, Thư Gửi Miền Nam, Nhắn Bạn Phương Nam. Có thêm những bài về một nhân vật nào đó như Phạm Ngọc Đa, Nguyễn Đỗ Hùng, Sao Rực Sáng Làng Hoa (tặng vị lương y Nguyễn Đức Cần)… Nhưng vì ông là người giảng dạy nhiều năm tại nhiều trường phổ thông và còn là người dàn dựng các chương trình biểu diễn âm nhạc trong các sinh hoạt học sinh cho nên ông có nhiều ca khúc thiếu nhi hơn là nhạc quê hương hay tình khúc. Xin đan kể : Bài Ca Gia Đình, Ông Thân Yêu, Học Vì Ngày Mai, Bông Sen Trắng…

Là một nhạc công tài hoa, biết sử dụng nhiều nhạc cụ như accordeon, piano, guitare, violon, saxo alto, flute… ông đóng góp rất nhiều vào phong trào âm nhạc quần chúng tại Hà Nội.

Bây giờ tôi chỉ xin được nói tới ba bài nhạc tình mà tôi đang có trong tay là Nhạc Lòng, Chia LyHận Lòng (hay Tan Tác). Tôi chưa dám viết gì về nhạc quê hương và nhạc thiếu nhi của ông.

Bài Nhạc Lòng có thể là bài hát đầu tiên của ông, được viết ra trước năm 1948, lúc ông mới 18 hay 19 tuổi và khi ông chưa có bút danh là Tu My, để (theo ông) kỷ niệm thời thơ ấu… và để thân mến tặng (một thiếu nữ là) em Vân Yến.

Cũng như vài ca khúc ra đời vào lúc bình minh của Tân Nhạc, bài Nhạc Lòng của Đỗ Mạnh Cường không có gì xuất sắc. Nhạc điệu được viết ra với khá nhiều nốt “bán cung”, với âm thể “major” và với nét nhạc “nhẩy quãng” (discontinued) khiến ta tưởng như nghe một điệu ngoại quốc, phong cách thì giống như nhạc blues hay slow fox. Vào thời đó, các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước hay Nguyễn Văn Khánh cũng thử thách dùng thể nhạc này trong vài ba ca khúc của mình, nhưng nhờ có giai điệu “liền quãng” khiến cho âm điệu dịu dàng hơn, thuận với lỗ tai Việt Nam hơn.

Chắc chắn đây là một khúc nhạc tình bởi vì chính tác giả đề tặng cho một thiếu nữ mang tên Vân Yến. Nhưng chắc chắn đôi tình nhân này phải yêu nhau từ khi họ hãy còn thơ, bởi vì ca khúc nhắc lại những kỷ niệm thời xưa… Nhắc tới tuổi thơ hồn nhiên say sưa vui hát…cùng ai hòa cung nhạc lòng… đùa cợt dịu dàng… nhìn nhau âu yếm… Rồi bây giờ, giây tơ đồng nay nhắc bao giây phút yêu đương nồng nàn… Hỡi người tình, có thấu chăng ai? Cònta sầu nhớ, ta ngồi dạo khúc đàn tâm…

Qua năm sau, 1948, đã là cuộc chia tay! Ngày cuối cùng ở (hay về) Hà Nội của Vân Yến, Đỗ Mạnh Cường soạn bài Chia Ly.

Chia Ly (Đỗ Mạnh Cường)

Em ra đi lòng anh bùi ngùi thương mến
Lưu luyến bao phút êm đềm
Sương mưa rơi em khuất xa
Chốn xưa thần tiên theo làn gió ra cõi mịt mùng

Anh tiễn chân em lòng khô héo
Nhưng vẫn gượng cười trông em bước đi
Em trông anh hàng lệ sầu tuôn
Như muốn ngỏ cùng anh : em không quên…

Bài Chia Ly cũng không hơn bài Nhạc Lòng là mấy, dù bây giờ chỉ là việc Đỗ Mạnh Cường bùi ngùi đưa tiễn Vân Yến vào ngày cuối cùng mà hai người phải xa nhau. Chia tay nhau ở Hà Nội (hay ngoài nông thôn) khi lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ được hai năm.

Sau đó, vào mùa Đông 1949, Đỗ Mạnh Cường đang tản cư ở Thanh Hóa, lấy bút danh là Tu My, soạn bài hát thứ ba về cuộc tình của mình, bài hát mong chờ tin tin én, tin nhạn hay tin Yến.

Trước hết, bài hát này có cái tên nguyên thủy là Hận Lòng, trong đó tác giả có ghi ở nơi cuối bài một vài dòng chữ :

Những nét nhạc mơ hồ từ trong lòng tuốt ra, có ảnh hưởng đến đời thực tế – Kỷ niệm những ngày thất bại ở Sầm Sơn, Thông Thôn, Man Thôn – Một mối xúc cảm cuối cùng với VY (Vân Yến). Thanh Hóa, Đông 1949.

Sau này tiểu đề Hận Lòng có thể do Tu My đổi thành Tan Tác hay do nhà xuất bản Khai Phóng ở Saigon đặt tên như thế khi ấn hành bài hát lần đầu tiên (1970).

Đây là một bài hát rất giản dị: mở đầu với một nét nhạc minor, nhạc sĩ Tu My nói tới cảnh một đêm đông dài, có một lữ khách ngồi bâng khuâng mong chờ tin nhạn (hay tin én, tin của Yến?):

Mây bao la trời đen u tối 
Đêm đông trường, lữ khách bâng khuâng 
Ngóng về phương xa, chờ tin nhạn
Nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ 
Nhạn còn véo von, bay cao bay xa tít 
Chẳng có hẹn ngày về, tìm ai nơi nao!


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Tan Tác trước 1975

Nhạc điệu của Hận Lòng (hay Tan Tác) khác hẳn hai bài trước, nghe có vẻ rất Việt Nam. Ca từ thì hoàn toàn ảnh hưởng ca dao. Không nói tới người, nhưng ta hiểu được tác giả nói tới một thương nữ tên Én hay Yến.

Chắc chắn ta thấy ông là một lữ khách đang nhớ bạn và mong chờ tin bạn vì người Việt Nam nào mà chẳng biết câu :

Chiều chiều én liệng nhạn bay 
Ta đây nhớ bạn, bạn rày nhớ ai? 

Chắc chắn ta thấy ông là một lữ khách đang nhớ bạn và mong chờ tin bạn vì người Việt Nam nào mà chẳng biết câu :

Chiều chiều én liệng nhạn bay
Ta đây nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?

Đối với người Việt, nói tới chim nhạn là nói tới chuyện nhắn tin, đưa tin, báo tin… Bằng đường bay, chim nhạn báo tin cho mọi người biết rõ trời mưa nhiều hay trời sẽ sớm tạnh :

Nhạn bay thấp, mưa ngập bờ ao
Nhạn bay cao, mưa rào lại tạnh.

Tin nhạn là do chim nhạn mang tới, giống như người đưa thư của sở bưu điện. Theo một điển tích Trung Hoa, vì tránh chiến tranh, thời xa xưa, Vua Hán phải đem nàng Chiêu Quân cống nạp vua Phiên để xin bãi binh. Vua Phiên bằng lòng. Hán Nguyên Đế sai quan chuẩn bị xe cộ đưa Chiêu Quân đi. Khi đến ải “Nhạn Môn quan” là nơi biên giới giữa hai nước, Chiêu Quân truyền dừng lại để nàng cầu nguyện, rồi bước lên “Nhạn Lạc Đài”, viết một bức huyết thơ buộc vào chân chim nhạn, gởi về cho Vua Hán, yêu cầu nhà vua khởi binh đánh nước Phiên để cứu nàng và gỡ nhục quốc thể.

Trong dân ca Việt Nam, còn có câu hát nhớ mẹ khi ngắm nhìn chim nhạn như trong câu Lý Qua Đèo:

Giang san nơi đó, mẹ hiền nơi đâu
Ngậm ngùi ngắm nhạn lưng đầu
Tai nghe chim hót, miệng rầu khôn nguôi…

Mong và nhớ và mong tin tình quân thì có bài Dạ Cổ Hoài Lang của Ông Sáu Lầu:

Từ là tư phu tướng
Báu kiếm sắc phong lên đường
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng thêm đau.

Tin nhạn còn được các nhà thơ lớn của Việt Nam nói tới :

Mây giăng ải bắc, trông tin nhạn
(Nguyễn Đình Chiểu)

Ngày sáu khắc tin mong, nhạn vắng
(Cung oán ngâm khúc)

Trong phần đầu của Tan Tác, Tu My dùng nét nhạc minor đề nói tới chuyện không nhận được tin nhạn, không tìm đâu ra con nhạn đưa tin (tin tức người thân hoặc tin tức người tình). Rồi nhạc chuyển qua major với một giai điệu rất trữ tình :

Nhạn còn say mê những bông hồng tươi thắm 
Nô đùa cùng ngàn cành liễu, lả lơi như gợi tình Xuân. 
Nhạn còn mải bắt bướm vàng xinh xinh,
Bay lướt nhẹ, nhịp nhàng bên ngàn suối trong.

Thế rồi, nhạc điệu quay về minor :

Bây giờ chim đã bạt ngàn, khôn tìm 
Cách sông cách núi muôn trùng 
Gió ơi, gíó đưa chim về cùng ta kẻo ta mong.

Cuối bài, trong phần CODA, Tu My Đỗ Mạnh Cường cất tiếng than với chim nhạn (hay én hay Yến) nỗi hận trong lòng mình và nếu không gặp nhau trong kiếp này… thì xin hẹn gặp lại con chim hay người tình trong một kiếp sau.

Gió im gió chẳng trả lời!
Chim hỡi hận lòng quyết gởi mây bay
Kiếp sau họa gặp kiếp này đành thôi!

Bài hát có một cái đẹp giản dị trong giai điệu, lời ca mà ai cũng có thể thấy : không cầu kỳ rắc rối, không lập dị khó hiểu, ngay cả nỗi buồn của ông cũng không đau thương thảm thiết, không bi lụy bi ai… nói tóm lại phản ánh cảm tính rất nhẹ nhàng kín đáo cố hữu của người Việt Nam. Có thể vì vậy mà ca khúc Tan Tác hay Hận Lòng của Tu My Đỗ Mạnh Cường đã sống trên môi hồng của rất nhiều ca sĩ và trong lòng đa cảm của đa số người yêu nhạc suốt nửa thế kỷ nay.

Tôi xin được tạm ngưng bài viết ở đây và xin đóng góp vào việc xưng tụng tác giả và bài hát bằng một câu ca dao giản dị :

Nhạn ơi trăm sự nhờ mày
Ngậm thư mang tới tận tay cho chàng (hay nàng)
Chẳng may chim nhạn lạc đàng
Chim trời bay mất để chàng (hay nàng) nhớ thương!

Bài viết của cố nhạc sĩ Phạm Duy, năm 2008

Exit mobile version