Nhạc sĩ Trúc Phương và ca khúc Bóng Nhỏ Đường Chiều – “Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ…”

Làng nhạc Sài Gòn ngày xưa có đến hàng trăm nhạc sĩ đã từng sáng tác nhạc vàng, là những bài hát có điệu bolero hoặc những âm điệu dễ nghe dễ cảm, dành cho đại chúng nghe nhạc. Tuy nhiên trong số đó thì chỉ có duy nhất nhạc sĩ Trúc Phương được xưng tụng là “ông hoàng nhạc bolero”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sở dĩ Trúc Phương được tôn vinh như vậy, có lẽ là vì dù là sáng tác nhạc cho đại chúng, nhưng nhạc của ông không hề “bình dân” như người ta thường nghĩ về loại nhạc này, ca từ trong nhạc Trúc Phương không mang tính “đánh đố” khán giả nhưng cũng không được viết một cách dễ dãi, ngược lại còn rất trau chuốt và mang đậm dấu ấn cá nhân, không bị nhầm lẫn với những tác giả khác.

Nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương đã được yêu mến suốt 60 năm qua, hầu hết đều trở thành bất tử, đó là vì những bài hát của ông thể hiện được tâm tư tình cảm của đông đảo đại chúng, từ người ở thôn quê cho đến những thị dân thành phố, từ nỗi lòng thiếu nữ cho đến tâm tình của người lính trận, từ những chuyện tình yêu thường tình cho đến chuyện thói đời… Và ngoài những chủ đề đó, cũng như nhiều nhạc sĩ đương thời, nhạc sĩ Trúc Phương còn có niềm trăn trở thay cho những đôi trai gái đã yêu trong thời loạn, những cảm xúc buồn tủi và hân hoan của những cuộc tình trong thời binh lửa mà cả một thế hệ đã phải trải qua.

Một tiêu biểu của thể loại đó là ca khúc mang tên Bóng Nhỏ Đường Chiều:

Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn
Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ
Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi.


Click để nghe Thanh Thúy hát Bóng Nhỏ Đường Chiều trước 1975

Nội dung bài hát là câu chuyện tình của đôi người trẻ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đã tình cờ quen nhau khi cùng chung một lối ngược xuôi. Ban đầu thì chỉ là biết nhau, giữa họ chưa thành chuyện yêu đương, và đêm về dù chăn đơn gối lẻ nhưng vẫn chưa cảm thấy nỗi buồn. Để diễn đạt cho một hình ảnh rất bình thường là “buổi tối đi ngủ”, nhạc sĩ đã chắt lọc tinh tế để chọn ra những chữ quá đỗi thi vị cho câu hát: “canh vắng khép đôi mi”.

Cho đến hơn một lần tuổi trẻ như qua mất rồi
Ngày tim lên tiếng gọi xui tôi mến một người
Tâm tình chiều nao trên phố nhỏ
Khi về lưu luyến mãi phút hẹn hò.

Tình yêu trong bài hát phải là tiếng sét ái tình, không phải là sự hời hợt, vồ vập, gặp nhau đã yêu ngay, mà phải trải qua một thời gian thì con tim mới lên tiếng gọi, để bắt đầu thấy cảm mến nhau sau những lần tâm tình trên phố nhỏ, rồi có những lưu luyến sau những phút hẹn hò.

Và đến lúc ấy thì cũng là lúc họ bất chợt nhận ra rằng tuổi trẻ đang vụt qua nhanh, khi bắt đầu hiểu được lòng nhau thì số phận lại bắt phải cách xa, một người đưa tiễn một người lên đường vui bước quân hành:

Bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành,
Nửa năm anh viết lá thư xanh bảo rằng: “Sẽ về phố phường”.
Mừng rơi nước mắt ướt thư người tôi thương..

Tôi đến nơi hẹn hò đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ
Ta nhẹ dìu nhau như tiếng thở.
Thương này thương cho bỏ lúc đợi chờ.

Đến nửa năm sau đó, cô gái vui mừng nhận được thư của người yêu và biết rằng anh sẽ được về nghỉ phép, “sẽ về lại phố phường”.

Trên đường chiều hẹn hò, họ lại được bước bên nhau trên đường nghiêng nắng đổ, đôi bàn tay đan âu yếm để dìu nhau thật nhẹ nhàng như tiếng thở, nhẹ nhàng nâng niu và trân trọng từng phút giây hạnh phúc hiếm hoi được ở bên nhau sau nhiều ngày xa cách.

Trong đoạn này có câu hát mà rất nhiều ca sĩ đã hát sai, đó là: “Bàn tay thon ngón nhỏ đan tay RẮN sông hồ”.

Trong chiều hẹn hò, bàn tay rắn rỏi phong sương của người chinh nhân đan vào bàn tay mềm năm ngón thon nhỏ của nàng thiếu nữ đang e ấp giấu những thẹn thùng giữa phố đông, trong niềm hạnh phúc dâng tràn. “Bàn tay thon ngón nhỏ” cũng là hình ảnh đối lập tuyệt vời với đôi “tay rắn sông hồ”.


Click để nghe Giao Linh hát Bóng Nhỏ Đường Chiều trước 1975

Bản thu âm trước năm 1975 của Thanh Thúy, Giao Linh, và các bản thu âm sau 1975 của Duy Khánh, Phương Dung, Giao Linh, Ngọc Đan Thanh, Hương Lan… đều hát đúng là “đan tay rắn sông hồ”. Tuy nhiên cũng có nhiều ca sĩ hát sai: Thanh Tuyền và Thiên Trang hát là “đan tay gánh sơn hà”, còn Tuấn Vũ thì hát thành “đan tay gánh sông hồ”.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version