Nhạc sĩ Trúc Phương – Một thời đã qua

Tôi viết những dòng chữ này về người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương, không phải chỉ ở vị thế của một khán thính giả từng ngưỡng mộ ông, mà còn ở cương vị của một người cháu của ông trong gia đình.

Tôi bắt đầu bài viết này, với cách xưng hô thân mật trong gia đình từ thuở nhỏ là chú Lộc, thay cho danh xưng nhạc sĩ Trúc Phương.

Chú Lộc tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh năm 1933 tại Trà Vinh, chứ không phải năm 1939 như một số bài báo đã viết. Tôi gọi mẹ của chú Lộc là “bà dì Ba” (em gái bạn dì của bà nội tôi). Ba của chú Lộc thật sự là một nghệ sĩ hát bội, sau chuyển qua cải lương. Ông dượng Ba, tức ba của chú Lộc, có nghệ danh là Năm Tùng (cái tên này xin quí vị phối kiểm lại, bởi vì thời gian đã quá lâu, tôi ghi lại theo lời kể của ba tôi đã lâu lắm rồi, ba tôi đã mất lúc 92 tuổi). Ba của chú Lộc không phải là một nhà giáo sống thầm lặng như nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã ghi. Nếu là một nhà giáo sống thầm lặng thì đó chính là ba tôi.

Chú Lộc (thời thơ ấu) và bà dì Ba (mẹ chú Lộc) đã có thời gian ở chung trong gia đình bà nội tôi. Theo lời ba tôi kể lại, chú Lộc là người có năng khiếu âm nhạc từ thuở nhỏ. Ngày xưa, trong gia đình bà nội tôi hay kêu: “Thằng Lộc đâu, lại ca cho má nghe coi” (bà nội tôi có thói quen xưng má với chú Lộc).

Chú Lộc chạy lại, sau khi ca xong bà nội cho chú mấy xu ăn kẹo. Ba tôi có kể rằng, chú Lộc bị lãng tai, đứng hơi xa một chút chúng ta phải nói lớn, nếu không chú không nghe rõ được. Thế mà, chú Lộc viết nhạc thật là hay. Sau này, găp lại Trúc Linh (là con trai đầu của chú Lộc) tôi mới biết lý do lãng tai của chú Lộc là do bom dội trong thời chiến tranh chống Pháp.

Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1956, chú Lộc từ Trà Vinh lên thăm ba tôi. Trong gia đình, ba tôi lớn hơn chú Lộc nhiều lắm (khoảng 17 tuổi). Chú đi chiếc xe đạp rất cũ, lại bị cán đinh, không có tiền vá xe. Lúc đó, chú Lộc chưa có nghệ danh Trúc Phương. Chú Lộc có cầm theo 2 bản nhạc (bản thảo) là Chiều Làng EmĐò Chiều (chưa được in ra thành bản nhạc). Đây là 2 trong số những bản nhạc mà chú Lộc đã làm lúc rất trẻ ở Trà Vinh. Chú có hỏi ba tôi đế xin lấy cái tên Trúc Phương, tức là tên Trần Trúc Phương của người chị thứ 5 trong gia đình (chị Trần Trúc Phương đã mất lúc 1 tuổi). Trong gia đình tôi có 10 anh chị em đều mang chữ lót là Trúc (tôi là Trần Trúc Quang, thứ 8 trong gia đình).

Như vậy, cái tên Trúc Phương không phải do chung quanh nhà chú Lộc có trồng nhiều trúc mà chú lấy tên là Trúc Phương (như một vài bài báo đã viết). Lúc đó, ba tôi đồng ý để chú Lộc lấy cái tên Trúc Phương, và có giúp chú Lộc một ít tiền, trước là vá cái bánh xe bị lủng, sau là tìm cách để in 2 bản nhạc đó ra. Câu chuyện này, tôi nghĩ rằng, hai nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ và Hồ Trường An có biết, mặc dù cả hai là bà con phía bên ngoại của tôi.

Có một điều lạ như thế này, ba tôi rất thích chữ Trúc mà chú Lộc cũng thích chữ Trúc. Ba tôi có tất cả 10 người con trai và gái, ông đều đặt tên có chữ lót là Trúc. Đến phiên chú Lộc, có tất cả 6 người con trai và gái, ông đều đặt tên có chữ lót là Trúc.

Khoảng một năm sau, 1957, chú Lộc có quay trở lại tìm ba tôi. Ông có dẫn theo một người con gái rất trẻ và đẹp. Ông bảo: “Tụi bây đâu, ra chào thím Lộc đi!”. Tôi đoán, người con gái năm xưa đó là thím Lộc bây giờ, tức là má của Trúc Linh, người con trai đầu của chú Lộc mà tôi đã gặp.

Rồi qua năm 1959, gia đình tôi gặp đại nạn, phải di chuyển đi nhiều nơi. Tôi nghĩ rằng, chú Lộc có trở lại tìm ba tôi nhưng không gặp. Thời gian thấm thoát trôi qua, đứa trẻ khoảng 6 tuổi ngày xưa, bây giờ tôi đã quá 60 rồi. Trong nhiều năm trôi qua, chú Lộc đã trở thành một nhạc sĩ lừng danh với cái tên Trúc Phương, tên người chị thứ 5 trong gia đình tôi. Trong suốt quãng đời, khi tôi lớn lên, tôi đã nghe nhạc Trúc Phương ở khắp mọi nơi, mọi thành phố, mọi con đường, mọi ngõ hẻm…

Tôi đã không gặp lại chú Lộc kể từ năm 1959. Rồi đến khi tôi có dịp nhìn lại ông trên một đoạn video clip trên dĩa nhạc Asia DVD. Và tôi được biết ông đã qua đời.
Câu chuyện của chú Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương, đã chìm sâu vào dĩ vãng của gia đình tôi. Không biết tại sao, trong một ngày khi tôi đã 60 tuổi, có lẽ ở cái tuổi con người hay muốn quay lại, tìm về dĩ vãng, sau nhiều ngày tháng tìm kiếm, tình cờ tôi liên lạc được với Trúc Linh, là người con trai đầu của chú Lộc.

Trong một buổi chiều tại Nam Cali, Westminster, khoảng tháng 05/2011, tôi gặp Trúc Linh. Tôi thấy lại cái nét phong sương và dáng dấp của chú Lộc ngày nào.
Chúng tôi đã chấp vá tháng ngày trong dĩ vãng, nhắc lại kỷ niệm hụt hẫng trong thời thơ ấu. Tôi nhắc lại những điều trong thời thanh xuân của chú Lộc, mà Trúc Linh chưa hề nghe qua. Cũng như, Trúc Linh nói cho tôi nghe về chú Lộc trong những tháng ngày tôi không hề biết.

Nhắc lại một thời quá khứ, tôi mong rằng, dù gì cũng giúp một phần nào đó làm sáng tỏ về cái tên Trúc Phương, mà đã có nhiều người đoán lầm, hay hiểu không đúng.

Bây giờ, chú Lộc đã không còn nữa, nhưng nhạc Trúc Phương vẫn sống mãi trong tâm hồn người dân Việt Nam.

Virginia, ngày 20 tháng 08 năm 2013.
Trần Trúc Quang
Nguồn: thanhthuy.me

Exit mobile version