Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những lần trả lời phỏng vấn

Sau đây, mời các bạn đọc lại những bài phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó có thể chỉ là những câu hỏi, câu trả lời rời rạc, nhưng nếu ghép nối lại, những người yêu nhạc Trịnh có thể hiểu thêm phần nào về các sáng tác của ông, về ý nghĩa của nội dung một số bài hát được xem là không dễ để hiểu hết tường tận… Những bài phỏng vấn này được thực hiện trong thập niên 1990.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

[Diễm Chi thực hiện] Người ta vẫn thường phân chia nhạc của anh thành ba dòng: Dòng nhạc về chiến tranh, dòng nhạc về tình yêu, dòng nhạc về thân phận con người. Cách phân chia ấy đúng hay sai? Có phải các ca khúc phản chiến của anh đã được viết xuất phát từ nỗi ám ảnh về chiến tranh?

Tình yêu và thân phận con người là đề tài muôn thuở của người sáng tác nghệ thuật. Ở những xứ sở phải gánh chịu chiến tranh, con người phải sống bằng hai thân phận: thân phận bình thường và thân phận chiến tranh. Những ca khúc về chiến tranh của tôi (đã từng bị chính quyền Sài Gòn cấm phổ biến, cấm hát) đã xuất hiện bên cạnh những ca khúc về tình yêu và những ca khúc về thân phận con người. Ðó là nỗi ám ảnh về chiến tranh. Ðó là mơ ước về hoà bình, thống nhất.

Tình ca của anh thường khắc khoải, day dứt, xót xa, ngậm ngùi tê buốt, trong nuối tiếc mịt mùng… Tại sao vậy?

Nói một cách “sến” thì “đời là bể khổ”. Con người thường vui ít buồn nhiều, hạnh phúc ít đau khổ nhiều. Khi vui, khi hạnh phúc người ta đi ăn kem, đi dạo phố, đi picnic… Khi buồn bã đau khổ thì người ta ngồi một mình than thở. Tình ca của tôi là lời than thở về nỗi buồn, nỗi đau. Hình như tôi sinh ra để than thở.

Những bài hát về thân phận con người của anh thường đậm chất triết lý. Anh đã dùng âm nhạc làm phương tiện chuyên chở triết lý, hay dùng triết lý để làm phương tiện thăng hoa âm nhạc?

Xin đừng xem triết lý là một cái gì cao siêu, xa vời. Triết lý nằm trong sinh mệnh của mỗi con người trong cõi đời này. Ai cũng có thể triết lý được. Mỗi câu ca dao, mỗi câu hát ru của dân tộc ta đều hàm chứa triết lý. Nếu âm nhạc của tôi có triết lý thì đó là thứ triết lý đời thường. Ðơn giản nó chỉ là những cảm nhận và chiêm nghiệm của tôi về cuộc sống. Âm nhạc như một con đò chuyên chở nắng mưa, hoa quả, buồn vui… từ bến bờ này sang bến bờ khác, từ người sáng tác đến với công chúng. Có lẽ tự thân điều này cũng đã là triết lý.

Nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca-thơ, bởi ở Sơn, nhạc và thơ ca quyện vào nhau đến độ khó có thể phân định cái nào chính, cái nào phụ”. Thật vậy, anh đã thi-hóa-âm-nhạc và đã nhạc-hóa-thi-ca. Nhờ đâu anh có thể làm được như vậy? Bên cạnh sáng tác âm nhạc anh có làm thơ chăng? Ngoài bài thơ của nhạc sĩ Trịnh Cung, có bài thơ của tác giả nào khác anh đã phổ nhạc?

Ngày xưa khi tôi in tập nhạc đầu tiên, một nhà thơ đã viết lời bạt: “Trịnh Công Sơn là một poètemanqué (thiếu một chút là thi sĩ). Ðối với tôi, âm nhạc cũng là thi ca – một loại thi ca cứ trôi đi, trôi mãi như một dòng sông… Ðôi lúc ngẫu hứng và vui với bạn bè tôi cũng làm thơ. Những bài thơ (tiếng Việt và tiếng Pháp) thường được làm trong quán rượu và thường bị tôi quên đi. Năm 1992, một người bạn tôi là anh Ngô Văn Tao (giáo sư toán học của ÐH Montréal – Canada) đã thu nhặt, gom góp những bài thơ bị bỏ quên của tôi để in chung một tập với những bài thơ của anh. Tập thơ mang tên một quán rượu: Những ngày Thứ năm tươi đẹp. Ðôi lúc tôi cũng dịch thơ của bạn bè từ chữ Hán sang chữ Việt. Phổ thơ thành nhạc thì rất ít, vì thơ các tác giả khác không phù hợp với tâm trạng của tôi. Năm 1959, tôi đã phổ nhạc bài thơ của anh Trịnh Cung: Cuối cùng cho một tình yêu. Mấy năm gần đây, tôi cũng ngẫu hứng phổ thơ của nhà thơ Thân thị Ngọc Quế, nhà thơ Phạm thị Ngọc Liên.

Ngoài sáng tác âm nhạc, anh còn vẽ – vẽ rất nhiều. Phải chăng hội họa là một cõi trú khác của anh, ngoài cõi trú âm nhạc?

Ðúng! Hội họa là cõi trú thứ hai của tôi bên cạnh cõi trú âm nhạc. Khi ngôn ngữ và âm nhạc bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi.

Âm nhạc của anh đã lay động tận sâu thẳm tâm thức con người. Ðiều gì đã làm nên sự lay động đó?

Tôi quá yêu cuộc sống và chân thật với cuộc sống. Những ai yêu cuộc sống và chân thật với cuộc sống sẽ dễ dàng đồng cảm với tôi.

Suốt 40 năm rong chơi trong cõi nhạc, anh được những gì và mất những gì?

Nghệ thuật là một cuộc chơi, một cuộc-chơi-tự-dâng-hiến của người nghệ sĩ. Tự thân sự dâng hiến đã là hạnh phúc của người nghệ sĩ, bất chấp sự dâng hiến đó được chấp nhận hay bị từ khước. Và như vậy, suốt 40 năm rong ruổi trong cõi nhạc, tôi chỉ được chứ không mất gì cả.

Và anh đã “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Có thật là niềm vui dễ chọn như vậy không? Anh có quá lạc quan không?

Vấn đề ở đây không phải là lạc quan hay bi quan mà là thái độ sống của con người. Nếu người ta yêu cuộc sống thì người ta sẽ dễ dàng tìm thấy niềm vui. Nhìn ngắm một bông hoa đang hé nở, uống một tách trà ngon, nhấm nháp một ly rượu cùng bạn bè… Ðó há chẳng phải là những niềm vui ? Những niềm vui như vậy đâu phải khó tìm? Nói cho cùng thì lý do sự tồn tại của con người trong cuộc sống không thể thoát khỏi sự chi phối của thái độ sống.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Ðể làm gì em biết không?
Ðể gió… cuốn… đi…”
Tại sao anh lại viết như vậy?

Người ta sống trên đời quan trọng nhất là tấm lòng. Không có tấm lòng thì không thể tồn tại được trên đời, cho dẫu đôi lúc tấm lòng cũng chỉ để gió cuốn đi.

Hình như anh chẳng bao giờ muốn đề cập đến tuổi tác của mình. Anh sợ tuổi già à?

Tôi thường không nhớ năm sinh mà chỉ nhớ ngày sinh của mình. Tôi quan niệm tất cả mọi người cùng sống trong một thời đại đều có chung một tuổi – đó là tuổi của thời đại. Nếu không có chung cái tuổi thời đại ấy thì sẽ không thể có được sự thông cảm giữa các thế hệ khác nhau sống trong cùng một thời đại.

Anh đã có rất nhiều những bài hát ru: Tôi ru em ngủ, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru em, Em hãy ngủ đi… Trong thực tế, có phải anh đã từng ru rất nhiều phụ nữ ngủ…?

Ru như thế không phải là ru em mà thực chất là tôi tự ru tôi, tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào, cho dù bị phụ rẫy.

Dường như đa số những người phụ nữ đến với anh đều chỉ nhân danh tình yêu chứ họ không thật sự yêu anh. Có phải đó là bi kịch của anh và cũng chính vì vậy mà cho đến bây giờ anh vẫn là một người độc thân? Anh bằng lòng hay muộn phiền về sự cô đơn của mình?

Ai cũng biết cuộc sống đầy bi kịch. Ngay cả những người giàu có nhất cũng có những bi kịch riêng. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến cái xấu, mà chỉ nghĩ đến những cái tốt của con người. Tôi không bao giờ “thắc mắc” về ý đồ của người đến với tôi hay người bỏ tôi mà đi cho dù họ đi hay đến. Ðến thì vui, đi thì buồn. Tôi chẳng hề một thoáng nghi ngờ về tình cảm của người đi kẻ đến. Tôi cũng không oán giận ai. Tôi thanh thản với sự cô đơn của mình. Hiện nay, mỗi ngày tôi ngồi trong phòng uống rượu và nhìn nắng từ sáng đến chiều tối. Nắng cũng giống như đời người: có bình minh, chiều tà, hoàng hôn. Ngày xưa tôi vẫn nghĩ: mưa buồn. Bây giờ tôi mới biết nắng còn buồn hơn mưa. Trong tương lai tôi sẽ viết về nắng nhiều hơn mưa.

Ðã có bao giờ, trong một nhất thời nào đó, anh phải tự xóa mình, để thích ứng với những câu thúc của cuộc sống?

Không bao giờ và cũng không vì bất cứ một lý do gì tôi phải tự xóa mình. Những khi cảm thấy mình không thích ứng được với những câu thúc của cuộc sống, tôi sẽ đứng bên lề cuộc sống và quan sát cuộc sống cho đến khi tôi có thể nhập cuộc.

Cách đây sau bảy năm, khi trả lời phỏng vấn của tôi, anh đã tuyên bố anh là kẻ vô đạo trong tình yêu. Bây giờ anh có còn là kẻ vô đạo trong tình yêu như xưa?

Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu những khi tôi giận hờn cuộc đời. Khi cuộc đời yêu tôi, tôi sẽ là tín đồ của tình yêu.


 

[vnn.vn thực hiện] Giới hâm mộ có cảm giác dường như anh có một thế giới riêng? Có phải nó được mô tả “ngoài phố kia loài người đã về, em hãy ngủ đi”? Người ta thường bắt gặp hình ảnh Trịnh Công Sơn với vẻ trầm mặc, cô đơn và khắc khổ…

Thế giới của riêng tôi là một thế giới của mơ mộng hão huyền, vừa thực mà không thực. Tuy nhiên bao giờ nó cũng ở cao hơn thực tại một chút.

Ðể làm nên một Trịnh Công Sơn như bây giờ, liệu anh có ảnh hưởng nào tác động? Không ít người yêu nhạc coi anh là thần tượng. Còn thần tượng, sách vở, âm nhạc, sở thích của anh…?

Nếu nói cho đúng thì tôi có một trí nhớ rất tồi. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng về sách vở nhiều hơn, nhất là về triết học, từ Ðông sang Tây. Tôi nghe nhạc ít hơn là đọc sách. Có thể tôi bịnghiêng về thế giới tư tưởng hơn là âm thanh.

Anh có sợ rằng mình trở thành một thần tượng của nhiều người hay không? Anh sẽ nói gì với những người tôn vinh anh là thần tượng?

Thần tượng của mọi người đôi khi là một tai nạn. Ðừng bao giờ đồng hóa thần tượng với một nô lệ. Ðừng nhốt nó vào cái lồng riêng của mình.

Dường như thời đại bây giờ ở đâu người ta cũng trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và ít mơ mộng hơn. Những bài hát về thân phận và tình yêu của anh rồi sẽ phai nhạt dần trong tâm trí nhiều người?

Ðiều gì cần phai nhạt thì cứ phai nhạt. Cái gì còn lại thì sẽ còn lại. Cái yếu và cái mạnh là điều cần phải suy nghĩ nhiều lắm. Có câu nói của Pháp cũ: “Con người rất yếu đuối. Ðúng. “L’homme est un roseau, mais un roseau pensant”. Tôi nghĩ thế kỷ tới là thế kỷ của cái đầu chứ không phải của thân xác. Quan trọng nhất là ý tưởng lạ.

Cả những người con gái bây giờ cũng không còn gầy guộc như “cánh vạc bay”, anh có thể nào yêu được một cô gái mỗi ngày đều đi tập thể dục thẩm mỹ và có những vòng đo thật ngon lành?

Có một thời để gầy và một thời để có những vòng đo thật tuyệt vời như thời đại yêu cầu.

Giả như anh sáng tác nhạc dở, chẳng ai hiểu anh, chẳng ai hát anh, chẳng ai nghe anh giảng đạo của anh bằng những ca khúc, và vẽ thì cũng dở, thì Trịnh Công Sơn lúc ấy sẽ là gì? Là ai?

Câu hỏi này vui đấy. Nhưng từ nhỏ tôi đã có tính hiếu thắng. Cái gì tôi không làm tốt nhất thì tôi không bao giờ làm.

Anh đã có lần ốm thập tử nhất sinh. Trước đó anh đã viết nhiều về cái chêṫ và có vẻ như nó rất nhẹ nhàng. Thế anh có cảm nhận về cái chết như thế nào khi đã chạm tay vào nó?

Cái chêṫ chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của sự sống. Khi sự sống bất lực thì cái chêṫ đến. Và cái chết hình như cuối cùng cũng chỉ là một sự ngộ nhận bất đắc dĩ của sự sống mà thôi.

Có khi nào anh bực bội về một hình ảnh Trịnh Công Sơn bị nhiễu hay không? Bị dị dạng, xộc xệch, méo mó và cả những ca khúc của anh?

Tôi không bao giờ bị khó chịu vì những chuyện nhiễu nhương quanh đời sống mình và quanh những tác phẩm của mình. Tôn giáo của tôi trong thời gian này là lãng quên. Tôi lãng quên cả thiên đàng và địa ngục.

Có men rượu trong sáng tác của anh không?

Uống rượu để làm việc tốt có gì bất tiện không?

Có người nói chính hỏa tiễn Khánh Ly đã phóng nhạc Trịnh Công Sơn vào vũ trụ. Người ta hay nói đến giai thoại Khánh Ly – Trịnh Công Sơn. Tình sử ấy chỉ là một phần hay rất nhiều trong cuộc đời Trịnh Công Sơn?

Tất cả những chuyện đó chỉ là chuyện thần thoại. Nhiều khi thần thoại cũng là một lẽ sống ở đời.


[Hoàng Dạ Thi thực hiện] Anh có thích mọi thế hệ đều gọi anh bằng anh không?

Dĩ nhiên là thích hơn gọi bằng chú, bác. Vả lại cũng chẳng phải bà con gì mà lại có chuyện chú, bác ở đây. Gọi anh chứng tỏ mình lịch sự, dễ thương như một người không có trí nhớ về tuổi tác; ngoài ra, nó còn thu hẹp lại cái ranh giới đáng ghét của những con người sống trong cùng một thời đại.

Đã nhiều năm, anh thường “phiêu diêu” với ly rượu. Chất men quan trọng như thế nào trong cảm hứng sang tạo của anh. Dạo gần đây anh đã bỏ rượu, điều này có ảnh hưởng đến công việc của anh không?

Trước đây rượu là kẻ đồng hành với tôi trong cuộc sống. Không thể thiếu rượu được. Nó là chất xúc tác tốt để tôi làm việc. Uống để vui đời, chứ không uống để say. Uống thì ngòi bút trơn tru hơn, cọ vẽ bay bổng hơn và trí tưởng tượng được dịp trôi nổi về những bờ cõi ngẫu hứng lạ lẫm hơn. Giờ đây tôi đang tạm thời xa rượu vì sức khỏe, tạm khất lại một thói quen đã cùng mình như hình với bóng trên những đoạn đường dài của sáng tạo. Tôi hy vọng là mọi việc cũng sẽ ổn thỏa thôi.

Người ta cũng có thể nhận xét được rằng hầu hết các ca khúc của anh đều viết với cung La thứ. Đó có phải là một sự cố ý không? Nếu đúng như vậy thì cung La thứ đã là bạn tri âm của tâm hồn anh như thế nào?

Nhận xét này có phần đúng. Có một thời tôi đã cố tình khai thác hết khả năng của mình trên cung La thứ. Sau đó thấy tạm đủ và nhất là nhiều khi thấy nhiều người lạm dụng nó như một cung bậc dễ làm mủi lòng, thậm chí sướt mướt nên tôi chuyển qua nhiều cung khác nhất là những cung trưởng. Cái buồn trong cung trưởng nó mênh mông và trong sáng hơn.

Nhiều thế hệ xa cách nhau đề thích nhạc của anh. Anh giải thích sao về điều đó?

Mỗi thế hệ đều mang đến cho tôi một nguồn cảm hứng. Tôi đã cố gắng sống hoà hợp và biểu hiện những suy nghĩ của mình bằng mạch nguồn cảm hứng ấy. Người sáng tác không thể sống tách rời và lạc điệu với thời đại mình đang sống. Do đó nó không có tuổi tác và mỗi thế hệ đã qua hay sắp đều là những mùa màng cần thiết trong tâm hồn người sáng tác và cho phép nó chia sẻ được những vui buồn của từng thế hệ nó đã đi qua.

Nếu anh ở xa đất nước, anh có nghĩ rằng anh sẽ viết khác không?

Không những sẽ viết khác đi mà thậm chí là không thể viết được nữa. Tiếng Pháp có chữ “culture” vừa có ý nghĩa là văn hóa vừa có ý nghĩa là trồng trọt. Một nền văn hóa này lại trồng trên một mảnh đất khác thì e rằng không thể phát triển bình thường được.

Đến nay có lẽ chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh Công Sơn giàu sức mạnh truyền thông như Khánh Ly. Có phải đó là tình yêu?

Không hề có chuyện tình yêu ở đây. Đó là một thứ tình bạn khá đặc biệt kết tụ lại những đam mê chung về cuộc sống, tính lãng mạn, sự hồn nhiên. Trong cuộc hạnh ngộ này, người sáng tác và người hát làm thành một thể thống nhất bất khả phân ly. Từ đó sự hát và ký hiệu trên trang giấy mất đi nhường chỗ cho một lời tâm sự về đời, về người tưởng như của hai người nhưng thật ra chỉ là một mà thôi.


[Hòa thượng Thích Tâm Thiện thực hiện] Có người phát biểu rằng, những bản nhạc của anh thường mang đậm triết lý nhà Phật? Xin anh vui lòng cho biết ý kiến của mình.

Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật Giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt đuợc còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.

“Một cõi đi về” có thể nói là một bài hát thuyết phục được cả hai “thế giới” trẻ và người lớn tuổi, xin anh cho biết về bối cảnh để bài hát này ra đời?

Như tôi đã nói ở trên, thuở nhỏ tôi thích đến chùa vì sự tịch lặng thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát “Một cõi đi về” và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi – về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trãi qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật. Một người bạn thân là nhà văn khi nghe bài này đã nói với tôi: nghe bài này mình không còn cảm thấy sợ chêṫ nữa. Đó chỉ là một ý kiến. Điều tôi thành thật rất vui là giới trẻ có vẻ cũng thích bài hát này. Tôi rất muốn nghe những ý kiến của họ.

Anh có thể cho biết những kinh nghiệm của mình về Phật Giáo? Một tôn giáo như htế nào? Đặc biệt là trong lãnh vực văn học nghệ thuật hay âm nhạc v.v…

Không hiểu sao, những năm gần đây tôi thường nghỉ về Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi. Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hằng ngày.

Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.

Anh có hành Thiền mỗi ngày không? Và thường anh bằng cách nào để vươn đến đỉnh cao trong hứng cảm sáng tác? Đạo Phật có giúp gì việc đó không?

Tôi có cách hành Thiền riêng. Không có giờ nhất định. Và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang làm việc Thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống Thiền trong mỗi sát-na. Ngồi trước một ly rượu hay trước một nhan sắc cũng vậy. Điều này hơi vi phạm giáo luật Phật Giáo, nhưng tôi là kẻ trần tục nên cứ tự cho phép mình như thế. Vả lại có nhiều con đường dẫn đến với Phật như gõ mõ tụng kinh, thắp hương cầu nguyện, tại sao tôi lại không dùng một phương tiện quen thuộc và gần gũi với mình nhất là ly rượu? Hơn nữa tôi không quan niệm tìm đến với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật.Tôi ngồi. Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một lũ con dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được cho một cõi “Ngộ” ra đời. “Thấy” và “Biết” và từ đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười “hàm tiếu” là La Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.

Cuối năm 1995 tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài “Sóng về đâu”. Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ “Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi Savaha”.

Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận ngõ cụt không đâu.

Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.

Câu hỏi cuối cùng: “Làm sao em biết bia đá không đau, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Anh có thể cho biết sự đồng cảm, cảm thức của mình khi hát lên điều đó?

Mỗi sự vật, mỗi đồ vật, dù nhỏ dù lớn đều có hai giá trị, Valeur en soi và Valeur pour soi. Tôi nhìn viên sõi từ ngày này qua tháng nọ và bỗng dưng tôi có cảm giác là nó cũng có một thân phận và một nỗi buồn vui riêng của nó. Tôi là hạt bụi và nó là viên sỏi có khác gì nhau đâu. Nếu tôi có thể buồn vì một đóa hoa tàn thì vì sao tôi không thể cảm cảnh vì một viên sỏi lẻ loi này không có một viên sỏi khác nằm cạnh bên.

Xin cám ơn nhạc sĩ.


[Trần Minh Phi thực hiện] Cho dù sau này nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện khá tốt những phong cách khác nhau về các nhạc phẩm của anh nhưng người nghe đều có chung một nhận xét, Khánh Ly mới đúng là một cặp “đối ngẫu” lý tưởng với âm điệu của anh. Là tác giả, anh nghĩ sao?

Ðúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất, nhưng không phải tất cả những bài nào của tôi Khánh Ly cũng đều hát hay nhất. Tôi muốn nhắc đến Lệ Thu, người hát hay nhất Hạ trắng và Xin mặt trời ngủ yên, Bạch Yến thì hát hay hơn hẳn Khánh Ly bài Lời buồn Thánh. Có một nghịch lý tôi muốn đưa ra đây để thấy sự cảm nhận rất vô chừng ở mỗi người. Chẳng hạn, có một cô sinh viên Hà Nội cho biết cô chỉ thích nghe nhạc tôi do Khánh Ly hát nhưng cũng có một phụ nữ lớn tuổi, hiện sống ở nước ngoài, từng mê Khánh Ly hát nhạc tôi, khi có dịp về nước và nghe các ca sĩ sau này hát nhạc tôi thì tỏ ra rất thích thú và cho rằng họ có một cách hát nhạc Trịnh Công Sơn mới, hiện đại và rất hay.

Ba bốn năm trước đây, anh đã có ý định “độc quyền” Hồng Nhung cho các bài hát của anh và nhiều người còn cho rằng anh muốn tạo ra một Trịnh Công Sơn Hồng Nhung để làm quên đi một Trịnh Công Sơn Khánh Ly.

Tôi đã viết riêng cho Hồng Nhung một số bài. Nhưng Hồng Nhung hát cho rất nhiều tác giả.

Trong số những ca sĩ sau này hát nhạc anh như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Ngọc… anh thấy ai hát hay nhất nhạc của anh?

Mỗi người hát hay một số bài. Có bài Linh hát hay. Có bài Lam hát đạt. Có bài thì Cẩm Vân xuất sắc. Có bài tôi chỉ thích nghe Nhung hát.

Còn hiện nay, trong các ca sĩ Việt Nam, anh đánh giá ai cao nhất?

Tôi thấy chỉ có Mỹ Linh là tạo được ấn tượng tốt nhất cho tôi trong việc sáng tạo ra những phong cách khác nhau cho mỗi bài. Ví dụ như bài Thì thầm mùa xuân. Với bài này, Mỹ Linh đã tạo ra một cách hát độc đáo mà sau này nhiều ca sĩ hát theo y như vậy. Nếu có ai cố hát khác đi thì thấy không hay, không thích nữa.

Hiện tại ông nghĩ gì trước hiện tượng có khá nhiều ca sĩ đến tập bài mới ngay tại phòng thu rồi một, hai tiếng sau… ghi âm luôn mà không quan tâm tới việc “nhập” và hiểu tình cảm, nội dung của bài hát.

Tôi đưa ra đây một tấm gương lao động nghệ thuật của Khánh Ly để thấy rằng trước khi muốn hát một bài thành công thì người ca sĩ phải trải qua một quá trình hóa thân vào tác phẩm đó như thế nào.

Nhớ dạo tôi mới viết bài Một Cõi Đi Về mấy tháng trước 30-4-1975. Sau này, có dịp đi Mỹ, tôi gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này. Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tối hôm trước đến… 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm, “vật lộn” với bài hát nhờ sự giúp sức của thuốc lá, cà-phê đen. Vậy mà cô vẫn cho rằng vẫn chưa “thấm” bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác tâm trạng bài hát của nhạc sĩ.

Ðêm sinh nhật của anh ngày 28-2 vừa rồi anh đã hát tuyệt hay bài Tiến Thoái Lưỡng Nan chỉ trên những hợp âm rải nhẹ của cây organ. Khó có ca sĩ nào thể hiện bài này hay hơn như anh đã hát.

Trong các cuộc thi sắc đẹp, sắc đẹp chỉ chiếm khoảng ba hoặc bốn mươi phần trăm, phần còn lại thuộc ứng xử tức là thuộc phạm trù trí tuệ và tâm hồn. Ca hát cũng vậy. Giọng ca, kỹ xảo chỉ mới là phân nửa, phân nửa là do sự cảm nhận, tri thức và rung cảm của người hát quyết định.

Xin cảm ơn anh.


[Văn Cầm Hải thực hiện] Ca khúc nào của anh đã có những điểm nhìn mới mẻ về thân phận con người, tình yêu cuộc sống, cái chêṫ và sự giải thoát nếu nhìn từ phương diện triết học?

Một Cõi Đi Về! Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát này bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật khó. Nhưng khi tôi gặp không ít ngườI dù họ ít học, họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì họ trả lời không hiểu nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong nên khi nghe, khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm.

Mở ra một con đường ngắn nhất từ trái tim mình đến trái tim người, nơi đâu là cõi đi cõi về khởi sự cho đoạn đường ngắn nhất ấy?

Một cõi đi về là ý đồ chính của bài hát, ai cũng có một cõi đi về. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại trở về với hư vô. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có cảm nhận rất lạ là sau khi nghe bài hát này anh không cảm thấy sợ chêṫ nữa. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì bỗng dưng hát Một cõi đi về khi cùng tôi đi trong nghĩa trang Ngự Bình viếng mộ ba tôi. Tôi cho điều ấy là đúng vì ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả nên việc đến và đi tới cuộc đời rồi trở lại hư vô nó không còn hăm doạ con người, không xa lạ với mọi người.

Cuộc đời là một kiếp rong chơi như “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi “giữa “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Mai sau anh mất rồi, liệu anh còn đủ sức rong chơi bên kia thế giới nữa không?

Ai cũng mơ ước có điều đó, tôi tin như vậy nếu mình biết được có một sự tiếp nối trong cuộc rong chơi đó. Có một sự tiếp nối ở một cõi, một thế giới khác thì chắc là vui! Và tôi nghĩ thật sự có một cõi nào đó khác với cõi đời này thì tất cả mọi người đều hy vọng được rong chơi mãi mãi.

Âm nhạc của anh, nếu tách từng trường đoạn thì rất giản dị giống vớI những khúc dân ca nhưng nếu xâu chuỗi lại thì nó mang âm hưởng của những bản Thiền ca. Để có không khí thiền ca đó phải chăng là do Huế và Khánh Ly làm nên?

Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biết nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Âý nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều người than phiền và trách tôi là tại sao tôi ở Huế mà không viết gì về Huế cả. Tôi nói tất cả những bài hát của tôi đều viết về Huế. Thường như bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, mình không phải là người Hà Nội nên phải dùng từ “Hà Nội” để người ta biết mình viết về vùng đất đó như những người không phải là đứa con của Huế thì hay dùng từ “Huế” rất nhiều trong ca khúc của họ. Tôi không nói ” Huế” nhưng tất cả các bài hát của mình đều là “huế”cả. Ví như ở Huế có “đường Âm hồn” mà trên thế giới này không nơi nào có được chứ đừng nói ở Việt nam và mình đã viết ( Sơn dừng lại, vừa giải thích vừa hát bằng giọng hát của người bị ốm ): đêm nghe gió than hoài, đêm nghe đất trở mình vì mưa”. Mưa Huế dễ sợ lắm, mưa có thể xáo trộn mọi trat tự đời thường. ” đêm nghe gió thở dài. đêm nghe tiếng khóc của bào thai”. Chỉ có đường Âm hồn mới có những hồn thai với những ngọn đèn leo lét trong am miếu như ” nghe trong tiếng thở dài, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe lăng miếu cạnh đây”. Chỉ có Huế mới có lăng miếu, chỉ có Huế mới có tiếng thở dài rất buông trùm xa xôi. Tất cả những điều đó đều là Huế vậy cần gì phải nhắc đến từ “Huế” nữa! Thậm chí Một cõi đi về cũng là Huế chứ không thể ở chỗ khác mà viết được.

Còn ca sỹ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sỹ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.

Tôi nghĩ, nghệ sỹ bao giờ cũng có một nỗi ám ảnh nào đó rất sâu sắc trong cuộc đời, nó xem như bệ phóng của sự sáng tạo…?

Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chêṫ. Sự sống và sự chêṫ trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi.

Anh Sơn, xem ra Huế là nơi gần gũi với cái chêṫ nhưng anh lại trở về Huế và ước mong được nằm thanh thản với Huế. Có lẽ Huế vừa là nơi gần gũi cái chết và cũng là nơi gần gũi với sự giải thoát?

Đúng rồi! Chỗ nào sinh ra cái chêṫ thì nó cũng sinh ra cái sống. Mình nghĩ đây là thời kỳ phục sinh, Huế được “sống lại”, sống bền bỉ thì tốt biết bao nhiêu! Bởi vì một thành phố “sống lại “tất cả những gì, ai ở trong thành phố đó hoặc những ngành nghề nghệ thuật có cơ hội sống lại.

Anh cảm nhận cái chêṫ ra sao sau lần bị bạo bệnh này?

Nói về cái chêṫ  thì cũng hơi lạ. Mình vừa thoát khỏi nó. Hôn mê suốt một ngày, thở bằng oxy nhưng đến lúc tỉnh dậy mọi người bảo ghi chép lại cảm tưởng nhưng thật sự trước và tới lúc hôn mê, mình nhìn thấy bạn bè, mình nói rất nhiều về những chuyện cũ cho đến lúc quên hết. Khi bình phục người ta rất hân hoan còn mình thấy đó là một giấc ngủ an nhiên. Có thể sự thản nhiên này làm mọi người thất vọng. Mình không thấy xa lạ sau khi từ cõi chết trở về. Không hiểu đây là trường hợp cá biệt hay không. Đối với mình, biên giới giữa cái chết và cái sống hình như chỉ là một sợi tóc mong manh. Cái chết và cái sống chắc gần gũi lắm, giống như trong lúc sống mà ngủ quên một tý là trở thành cái chết đến khi thức dậy lại trở thành cái sống. Nó là hai mặt của đời sống, mình có thể chết lúc nào cũng được. Cái quan trọng nhất là không thấy buồn trong lúc sống nên khi từ cõi chết trở về mình thấy yêu đời sống hơn trước, dè dặt trong cách đối xử nên tốt với cuộc sống này hơn để khi chết được yên tâm, không thắc mắc gì cả. Một cái chết như vậy cũng giống như cái sống. Nó không khác gì hơn!

Nghĩa là giữa chêṫ và sống có một sự tiếp nối?

Chắc là có một sự tiếp nối bằng cách này hay cách nọ. Hoặc là nó miên viễn trôi đi biền biệt giống như sông nước. Cái sống và cái chêṫ hoà lẫn vào nhau và trở thành một thực tại khác. Sống chêṫ đến mức độ nào đó trở thành một thực tại nằm ngoài sự kiểm soát của ý muốn con người.

Anh có bao giờ hình dung ra thân xác và tâm hồn mình lúc ở bờ bên kia?

Chưa. Tại do lười biếng mà ra. Mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới như thể khi về Huế là cứ bỏ đồ đạc vào là đi thôi.

Anh Sơn tại sao chúng ta cứ say sưa về cái chêṫ thế nhỉ?

Quan tâm đến cái chêṫ là vì một trong những lý do là đời sống quá nhiều bất trắc hoặc rơi vào những cạm bẩy của sự thất vọng nên người ta nghĩ đến cái chêṫ nhiều. Nhưng cuối cùng, nghĩ đến cái chêṫ nhiều là vì quá yêu cuộc sống. Mình không có quyền cho phép ai chêṫ cả. Mình chỉ yêu nghệ thuật, cái gì thuộc phạm trù cái đẹp cái thiện thì tồn tại. Nhưng đó là cái riêng của mình chứ xã hội thì có cái xấu cái tốt, cái thiện cái ác, ai gieo gì gặt nấy. Mình không bao giờ lầm lỡ khi quyết định số phận mình. Ngay cả giải quyết số phận một ngọn cỏ cũng phải suy nghĩ, ngắt đi một bông hoa bên vệ đường cũng phải suy tư huống chi số phận con người quá lớn và chúng ta không có quyền quyết định số phận con người.

Nhưng cũng có người tự quyết định cái chêṫ  cho mình khi họ thấy chêṫ là một sự thanh thản trong nhịp hò đưa linh thoát ra ngoài cõi ác thiện!

Chêṫ là một sự trở về thì quá tốt trong lễ đón đầy hoa đầy quả. Khi đứa con hoang đi lạc trở về, làng xóm người ta cũng vui mừng. Có lẽ cũng có cha mẹ, làng mạc ở quê hương xa xưa đón chào. Như trong Quê nhà và lưu đày của A.Camus, sống là một sự lưu đày và chêṫ là trở về. Với mình thì có một quê nhà khác. Những lúc mình buồn không hiểu vì sao mình buồn, có lẽ là nhớ quê nhà và quê nhà gần gũi nhất của mình là bào thai mẹ. Nằm trong bào thai đến hơn 9 tháng mới ra đời thì đôi lúc buồn nhớ là nhớ đến chỗ nằm trong bào thai đấy!

Thế nhưng A Camus lại có ý tưởng lạ lùng rằng ý nghĩ đầu tiên khi người ta sinh ra là ṭư tử!

Đó là thời kỳ của những xung đột lớn nhất trong đời sống hàng ngày. Người ta nói về phản kháng, ṭư tử. Phản kháng trở thành một model, ai mà không phản kháng thì không phải con người của thế kỷ 20! Có một thứ ngôn ngữ biện bạch cho quan niệm sống của mấy ông triết gia hiện sinh như A.Camus, J.P Sattre.

Trước ma lực ám ảnh của cái chêṫ, anh có trở thành một người phản kháng theo điệu chơi của A.Camus trong đời sống hiện đại?

Có lẽ trong sâu xa của tâm hồn thì có một sự phản kháng triền miên, phản kháng theo kiểu âm thầm chứ không phải phản kháng theo kiểu nổi loạn đập phá. Bởi vì không thể đập phá được vì rằng đập phá thì tất cả những gì mình sợ mất mát sẽ chóng mất mát hơn. Có thể ở đây có một sự phản kháng tiềm tang trong suy nghĩ.

Nghe nhạc anh, nhiều lúc thấy đó là một dòng hiện sinh âm ỉ, nồng nàn…

Hiện sinh chân chính đâu phải xấu. Mình cho rằng bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật. Tại vì Phật dạy ta phải thức tỉnh trong từng sát na của cuộc sống. Như khi anh và Hải uống ly bia này thì chúng ta hãy tận hưởng một cách trọn vẹn sự sung sướng của ly bia. Hoặc giả khi mình đói, mình ăn cơm mình phải tập trung và chén cơm vào miệng mới ngon. Thực tình, khi con ngườI mà thức tỉnh trong từng sát na một thì chủ nghĩa hiện sinh không là gì cả. Người này sống sống bình tĩnh trong trong từng sátna chứ không phải sống theo đời thường theo kiểu hiện sinh sống vội sống vàng.

Có ngày nào từ một cõi đi về , anh được phục sinh lúc ấy anh mơ ước anh là Sơn hay anh là ai, là ai…

Định mệnh cho phép mình được làm một người liên hệ mật thiết vớI nghệ thuật. Nếu có kiếp sau kiếp nào đi nữa thì mình cũng là người nghệ sỹ. Nghệ sỹ sống khoẻ, thoải mái trong cuộc đời này. Muốn yêu cỏ thì yêu cỏ, muốn yêu hoa thì yêu hoa. Tự do tự tại là con người của mình!


[báo Thể Thao Ngày Nay] Có điều gì ông luôn tâm niệm phải thực hiện?

Mơ ước đeo đuổi tôi trong nhiều năm vẫn chưa làm được là hoàn chỉnh trọn bộ Tình Khúc Da Vàng. Khoảng 40-50 ca khúc mang chủ đề này vẫn không thể tập hợp lại hoặc thu âm trong cùng một tuyển tập.

Có sự khác nhau nào giữa một Trịnh Công Sơn trước và sau năm 1975 trong sáng tác của ông?

Sự khác nhau là rất lớn, 20 năm trôi qua mà không có gì thay đổi mới là điều lạ và khi ấy tâm hồn người sáng tác chẳng khác gì mặt nước ao tù.

Theo nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của mình? Ông có thể cho một nhận định công bằng giữa Khánh Ly và Hồng Nhung trong mối quan hệ với nhạc sĩ về nghệ thuật không?

Cách diễn đạt của Khánh Ly và Hồng Nhung hoàn toàn khác nhau. Mỗi người đều có thính giả riêng của mình. Tuy nhiên, giới nghe và yêu thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật, Khánh Ly là một người làm việc nghiêm túc và luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn bày tỏ trong tác phẩm.

Người ta thường nói: “Những tác phẩm bất hủ trên mọi lĩnh vực nghệ thuật đều do tài năng cộng với sự đau khổ mà thành”. Vậy các ca khúc của nhạc sĩ do những yếu tố nào tạo thành?

Câu nói trên cũng có phần đúng với các ca khúc của tôi. Ngoài ra, Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tinh thần và tình cảm của tôi.

Trong cuộc sống đời thường, nhạc sĩ có được thành công và hạnh phúc như trong sáng tác?

Thành công và hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn dành riêng cho một người như ân sủng. Vì vậy, thất bại và bất hạnh điều khó tránh khỏi.

Đã có lần nhạc sĩ nói: “Khi bạn hát một bài tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về một cuộc tình của bạn”. Phải chăng khi một ca khúc ra đời là một mối tình mới của nhạc sĩ? Ông có bao nhiêu mối tình?

Tất cả đều là ảo ảnh. Thậm chí khi tôi phát hiện một điều gì đó thì chẳng qua chỉ là ảo tưởng của riêng tôi. Có khi phải có hàng trăm mối tình, thoảng qua, đọng lại, ngắn ngủi, dài lâu thì mới viết được dăm bảy ca khúc hay bởi vì sáng tác không thể làm công việc của cái máy, cứ bỏ một đồng xu vào thì rơi ra một lon nước.


[Mai Thi thực hiện] Chào anh. Sau tất cả những gì anh đã nói, thì bây giờ, nếu nói, anh sẽ nói điều gì? Có điều gì anh chưa thể nói hết?

Tất cả những gì tôi đã nói là những suy nghĩ của tôi đồng thời cũng không phải là của tôi. Tôi mang trong mình một cái tôi luôn biến động. Tôi đã viết, đã phát biểu nhưng hình như tôi cũng không nói gì cả! Hôm nay tôi nói một vài điều về tình yêu, về đời sống có vẻ như là chân lý nhưng có thể chỉ vài phút sau, hoặc ngày hôm sau tôi cảm thấy những điều ấy không còn đúng nữa. Tôi đã viết, đã đề cập đến rất nhiều vấn đề trong những ca khúc của tôi nhưng, điều ấy có gì quan trọng không? Thực ra, trong cuộc sống ai cũng phải làm một công việc gì đó và tôi đã làm được một công việc phù hợp với tôi.

Có một điều rất đáng tò mò là hiện giờ, không biết anh định tiếp tục làm gì với âm nhạc?

Tôi mong âm nhạc giúp tôi mở ra thêm những cánh cửa mới để tôi có thể nói nhiều hơn nữa nỗi lòng của mình đối với đời, với người.

Xin mượn một cách người ta ví von rất hay, về Tagore, ông là một “Người tình của cuộc đời”, “Người lính canh của cuộc sống”. Vâng, có thể nói anh là “Người lính canh của tình yêu” “Người tình của mọi người tình”… không?

(Cười) Nếu cần phải có một tên gọi cho vui, thì tôi nghĩ rằng mình có lẽ là “Người tình của cuộc sống”…
Vâng, có lẽ đúng như vậy.

Hiện tại cuộc sống của anh thế nào, anh nghĩ nhiều về quá khứ hay hướng về hiện tại, tương lai?

Tôi luôn sống với hiện tại. Cái giờ phút mình đang sống đây, tôi thấy mới thật là quan trọng.

Sự nổi tiếng, anh có phải đôi khi trốn chạy nó không?

Có. Nổi tiếng là một sự trả giá mệt mỏi, buồn phiền. Được có những phút riêng tư, tĩnh lặng, là hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng không nên để mình rơi vào không gian vắng vẻ quá.

Có lẽ. Tôi thấy rằng anh ngồi một mình nhưng tiếng chuông điện thoại luôn luôn reo. Một ai đó đã nói rằng, trong một lúc say sưa nào đó, anh chứ không phải ai khác, mới là người hát nhạc TCS hay nhất…

Điều đó thì tôi nghĩ rằng, trong mọi lúc tôi luôn luôn là người hát hay nhạc của tôi. Vấn đề đơn giản là tôi hiểu nội dung bài hát mà mình đã sáng tác.

Điều gì quan trọng trong cảm hứng và sáng tạo của anh, nuôi dưỡng một tâm hồn âm nhạc anh suốt đời? Tình yêu, những người phụ nữ hay là sự hấp dẫn của câu chữ ngôn từ?

Câu hỏi này khá thú vị. Tôi đã nhiều năm suy nghĩ về chuyện này. Cuối cùng tôi đã tin rằng có một cái gì đó không xa xôi cũng không gần gũi, cái đó chính là định mệnh, cũng như định mệnh vẫn thường chi phối cả một đời người. Cũng như tôi đã sống và luôn nghĩ về cuộc đời, về con người.

Sự tò mò cuối cùng. Bây giờ sáng tác thì anh sẽ sáng tác như thế nào?

Tôi nghĩ về một lối sáng tác mới, phù hợp với đời và với tôi. Đó có thể là những bài hát thật ngắn, ngắn như một bài thơ 4 câu, ngắn như ngôn từ đang ngắn đi trong cuộc sống hiện tại. ý tưởng xúc tích hơn, hoặc có thể vẫn như cũ, nhưng con đường đi đến nó sẽ gọn gẽ hơn… Mà nói chung, sáng tác là sáng tác, tôi thấy “không thế nào cả!”.

Vâng, xin cảm ơn anh.


[Quốc Hưng thực hiện] Trong các nhạc sĩ nổi danh, thưa anh Trịnh Công Sơn, anh là thi sĩ của âm nhạc hay âm nhạc của thi ca? Vì sao anh viết được lời ca mà ngay cả một thi sĩ tài danh nhất cũng phải nể phục? Có phải anh là người đầu tiên ở Việt nam đã xóa nhòa ranh giới giữa thi ca và âm nhạc?

Có lẽ đã từ lâu lắm rồi tôi hoàn toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học. Tôi đã làm tất cả những điều ấy với một sự đãng trí rất hồn nhiên. Gần như tôi không còn bận tâm về những khái niệm, về những phạm trù. Có lúc dường như tôi đã lẫn lộn tôi giữa con người đang làm việc này và con người đang làm việc kia. Có thể nói rõ hơn là tất cả những gì tôi đã làm bấy lâu nay tưởng như là nhiều công việc khác nhau nhưng thật ra chỉ là một. Và như vậy cũng có nghĩa là người đời muốn định nghĩa tôi như thế nào cũng được. Tôi vui lòng và cám ơn tất cả mọi thứ tên gọi. Cũng có thêm điều này rất cần nói với tất cả bạn bè anh em là tôi không bao giờ có ý định làm một điều gì khác thường cả. Có lẽ cũng giống như con chim sinh ra để hót, hoặc như người thợ nề thợ hồ thì xây lên một chốn trú ngụ cho con người tránh nắng tránh mưa vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, nếu không có gì phiền, thì cũng nên đơn giản hóa vấn đề văn nghệ này đi cho đời đỡ phức tạp. Mục đích đầu tiên và sau cùng của nghệ thuật và văn học, theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời người. Tự thân nó không có mầm mống của một mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp.

Anh là một người Huế, vì sao ca khúc “Mùa thu Hà Nội” của anh lại Hà Nội đến thế ?

Hình như định mệnh buộc tôi chỉ có những mối tình với những người Hà Nội. Từ đó tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều. Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội ngay, có lẽ tôi sẽ viết được nhiều bài về Hà Nội hơn nữa. Mãi đến năm 1977 mới được đi. Nguồn cảm hứng của ngày hội ngộ như mơ bước trong bài “Tôi sẽ đi thăm” bỗng như bị một nhát dao cắt lìa đi. Tiếc quá. Nhưng rồi 1984 tôi được ở với mùa thu Hà Nội gần hai tháng. Suốt ngày nằm thơ thẩn ở bãi cỏ bên Hồ Tây. Thế là bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” ra đời. Ra đời với một số phận không may mắn. Nghĩa là bài hát được thu xong bị cấm phổ biến cho đến vài năm gần đây mới được trả lại tự do để cho mọi người nghe. Tuy nhiên bài hát vẫn bị cắt đi cái phần coda mà tôi thích: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Khi bạn yêu một người nào đó ở một xứ sở xa lạ thì lập tức nơi chốn đó sẽ trở thành quê hương của bạn ngay điều đó đơn giản quá mà một vài người có thẩm quyền cứ muốn hiểu khác đi. Cũng đáng buồn thật.


[Tuấn Khanh thực hiện] Với một nhạc sỹ đã sáng tác hơn 600 ca khúc – mà phần lớn được yêu thích ngay từ khi ra mắt lần đầu – lắm lúc người ta phải tự hỏi sức mạnh nào đã đưa ông đi đến những bờ cõi tuyệt vời của sáng tạo không ngừng ấy?

Trong triết học Mật tông có nói đến khái niệm về sự bùng nổ ý thức; tương tự, sáng tạo của con người cũng có những giây phút bùng nổ như vậy. Tất nhiên trước đó ta phải mang nặng trong tâm trí những ý tưởng, hình ảnh, triết lý… liên quan đến đề tài cần sáng tạo.

Trong sáng tác ca khúc chẳng hạn, trước khi viết ra một bài hát, tôi cũng phải suy nghĩ về nó rất dài lâu. Khoảng thời gian đó là vô hạn định, có thể là một ngày, một năm hay lâu hơn nữa. Đến khi tác phẩm hoàn toàn rõ ràng trong đầu thì việc chép ra có thể chỉ trong phút giây. Đó chính là giây phút bùng nổ quan trọng nhất của sáng tạo, nó vỡ ra tất cả những gì chưa giải quyết được còn dồn lại trong đầu bấy lâu. Nếu chỉ nhìn vào thời gian tác phẩm được ghi lại – có thể là một giờ, một ngày – người ta có thể cho rằng việc sáng tạo thật ngắn ngủi và dễ dàng, nhưng có ai tưởng được rằng tất cả những điều đó đã được tích lũy qua năm tháng. Bất cứ tác phẩm nào cũng phải như thế cả. Sáng tác nào không được phát thảo trước trong ý thức như vậy, thì khi nó ra đời cũng chẳng có giá trị gì.

Đôi khi ai đó thấy tôi lang thang trên phố, đứng ngắm một bức tranh hay che tay đứng nhìn một ngọn nắng; cứ tưởng là chơi, nhưng đó là những lúc trí óc tôi đang loay hoay với đề tài mà mình đang suy tưởng. Trên 600 ca khúc tôi viết – ví dụ như bài Hoa Xuân Ca hay Quỳnh Hương – đều ra đời như vậy, từ một hội ngộ kín đáo giữa tôi và cuộc đời trong một dịp ngẫu nhiên nào đó. Nhìn thấy một ánh nắng, một giọt mưa hay một người con gái trên đường, trong tôi có thể bỗng vỡ vạc những cảm giác cuối cùng ập đến, khơi mở, hoàn thiện cho một cái mới. Muốn được như vậy tôi phải làm một chứng nhân của nắng mưa, của sáng chiều, sớm tối. Những cái tưởng chừng lặng lẽ đó đầy sức sống và ban tặng cho mình vô vàn những điều sâu sắc. Tôi cũng làm chứng nhân về những người già, em bé, những người thiếu nữ, sự hạnh phúc, cái chết, sự sống. Mỗi khi ghi nhận những hình ảnh đó vào trí nhớ, tôi bao giờ cũng bị giam, bị vây nhiều giờ phút nghĩ về con người và soi rọi lại mình để hình thành một ca khúc.

Cũng có những tác động tưởng chừng là bất ngờ ập đến, tạo ra một niềm cảm hứng. Nhưng hãy ngẫm nghĩ mà xem, nếu như không có sự tư duy, nuôi dưỡng từ trước thì cảm hứng chẳng thể nào trào dâng lên được. Ngược lại, sự ngỡ ngàng do cái mới bất ngờ ập đến chỉ có thể tạo nên sự trống rỗng, vô hồn, hoặc chỉ đơn thuần ghi chép lại chứ không là sáng tạo.

“Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do…”, tôi còn nhớ ca khúc này và sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì mà tôi cảm nhận được từ cuộc đời của tôi, của mọi người. Thực lòng mà nói, tôi chịu ảnh hưởng của Albert Camus trong bài hát này. Trong tác phẩm Ghi chép ở Angieri (Notes d’Algérie), ông ghi lại những tiếng chó sủa ban đêm, những bước chân đi mà ai cũng có thể một lần nghe thấy trong đời mình nhưng không mấy người nhìn ra được điều đó từ chúng. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy tôi nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao tôi đã ray rứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời từ rất sớm. Tôi đã chọn hình tượng lá cỏ để ví với mình. Vì sao lại là lá cỏ? Có thể cuộc đời rộn ràng có quá nhiều điều để ta phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp mặt của những điều nhỏ nhoi. Ngọn cỏ, lá cây hay cây đa đều có bổn phận của nó với cuộc đời. Cỏ có bổn phận cỏ, lá có bổn phận lá. Tôi không mơ ước gì to lớn, mà nghĩ mình như một phận cỏ hèn. Vì hèn mọn nên nó không phải to lớn và có bổn phận nặng nề như cây đa, vì vậy nó tự do lắm. Và vì sao lá cỏ lại hát? Bài hát là phương tiện để bày tỏ lòng mình với cuộc đời, có gì đẹp hơn chiếc lá cỏ nhỏ nhoi nhưng tự do ca hát với đời mình? Rũ bỏ những muộn phiền và thảnh thơi đời mình , điều này đã ám ảnh tôi từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chỉ đến khi viết được những câu hát như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng. Ý tưởng này quanh quẩn trong tôi nhiều năm và chỉ được giải tỏa khi sáng tạo vụt đến và bật được thành những giai điệu như vậy.

Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ sáng tác sau này, ngoài sự tư duy về tác phẩm, về đề tài, còn phải tạo cho mình một nền tảng về triết học. Chính từ đây mà trong tác phẩm của mình mới có được sự sâu sắc. Nếu như ít đọc sách thì mình chẳng thể nhận thêm những chiêm nghiệm sâu sắc của người khác. Một mình mình suy nghĩ thôi thì không đủ vốn liếng với cuộc đời. Chính tôi cũng không thể đứng ngoài con đường ấy được…


Sau đây là lần duy nhất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời phỏng vấn bạn đọc trên báo điện tử (gửi câu hỏi qua email):

Em vẫn biết là người nhạc sỹ khi sáng tác cần phải có cảm hứng. Em chắc chắn rằng những bài rất hay của nhạc sỹ cũng bắt nguồn từ những cảm hứng như vậy(Diễm xưa, Tuổi Đá Buồn, Tôi ơi đừng tuyệt vọng,…)(Những cảm hứng ở đây có thể là tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước…). Câu hỏi của em là:

Nhạc sỹ có thể kể một vài kỷ niệm về những cảm hứng đối với một số bài hát mà nhạc sỹ tâm đắc nhất?

Thời thế đã thay đổi, ngày nay liệu nhạc sỹ có còn gặp được những cảm hứng tương tự như vậy không để sáng tác tiếp những ca khúc mới?
(ng_hungnoip@hotmail.com)

Có những bài hát gắn liền với một kỷ niệm nhưng cũng có những bài hát là những sáng tác thuần tuý. Kỷ niệm về những bài hát thì nhiều quá không kể hết ra được. Xin lỗi vậy.

Thời nào cũng vậy thôi. Khi trái tim còn biết rung động thì lúc ấy cảm hứng vẫn còn. Và cảm hứng còn thì vẫn tiếp tục sáng tác.

Khi nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn, người ta (hay tôi) đều nghĩ đến ca sỹ Khánh Ly hoặc ngược lại. Sự liên tưởng này luôn luôn bền chặt ít nhất là thời kỳ trước 1975. Chắc chắn nhạc sỹ biết rất rõ về điều này. Là người “trong cuộc” nhạc sỹ có thể giải thích tại sao? Theo nhạc sỹ hiện nay ca sỹ nào trong nước có thể diễn đạt hay nhất những ca khúc của nhạc sỹ và nhạc sỹ cảm thấy vừa ý.

Phần hai của câu hỏi, nhạc sỹ có thể không trả lời trên “gặp gỡ”. Toàn bộ câu hỏi trên, nếu có thể đề nghị nhạc sỹ chuyển giúp đến ca sỹ Khánh Ly và tôi cũng muốn biết ý kiến của chị ấy.

(Nguyen Huu Loi – An Giang, huuloiag@hcm.vnn.vn)

Có một thời Khánh Ly cùng tôi đi hát chung với nhau ở các đại học thuộc các đô thị miền Nam. Ngoài ra còn hát ở các sân khấu trình diễn hoặc ở các hòng trà Khánh Ly cũng chuyên hát nhạc của tôi. Có thể nói dạo ấy tôi chỉ viết cho Khánh Ly hát. Có một vài ca sỹ hát những ca khúc của tôi hiện nay nhưng hay nhất thì chưa có.

Cháu rất thích những bài hát của chú như Hạ Trắng, Nắng Thủy Tinh, Biết đâu nguồn cội,…, nhưng thực sự là các bài hát của chú rất khó hát cho hay. Cháu chỉ thích nhất cô Khánh Ly hát những nhạc phẩm của chú thôi. Chú có cho rằng cô ấy là nguừơi hát những bài hát của chú hay và truyền cảm nhất không?

Trong bài ” Biết đâu nguồn cội ” có câu “Cây thu bóng dài và tôi thu bóng tôi” Cháu không được hiểu rõ lắm về ý nghĩa của câu ấy, chú có thể giải thích được không?

Chú có thể cho cháu địa chỉ email của chú để tiện trao đổi được không?

(DAU BICH THUY- Hà Nội, thuydb@yahoo.com)

Nhận xét về Khánh Ly như thế là đúng.

Buổi sáng mặt trời rọi xuống làm bóng cây và bóng người dài ra. Đến trưa giờ ngọ, mặt trời ở đỉnh đầu thì bóng người và bóng cây thu lại không còn bóng nữa. Không hiểu cái bóng ấy có thật không hay chỉ bản thân người và cây mới là thực. Đấy là ?Biết đâu nguồn cội?

– Email: trinhcongson @tlnet.com.vn

Có người nói rằng nhạc họ Trịnh viết ra chỉ dành cho Khánh Ly? Sự ra đi của Khánh Ly là một cú sốc lớn của nhạc sỹ?

Nhạc sỹ có nhận xét gì về ca sĩ Hồng Nhung. Người được đánh giá là người thay thế được ca sĩ KLy, người có khả năng mang dòng nhạc họ Trịnh đi vào công chúng một cách thành công nhất?

Thính giả Nhật rất thích nhạc họ Trịnh và đã có lần mời nhạc sỹ sang Nhật giao lưu. Nhac sỹ có nhận xét về lối sống của người Nhật cũng như cái gu thưởng thức âm nhâc của họ.

(VUONG THE VINH- 302A–Ky tuc xa Bach Khoa 497 Hoa Hao F7 Q10 TP.HCM, vuongvinh@vol.vnn.vn)

Có một thời gian tôi viết cho giọng hát của Khánh Ly. Tuy vậy không có cú sốc nào cả từ sự ra đi ấy

Hồng Nhung có một giọng hát đặc biệt riêng. HồngNhung không hát chuyên về nhạc phẩm của tôi nên khác với Khánh Ly.

Người Nhật có lối sống rất khác với chúng ta. Họ không quan tâm nhiều đến người khác. Vì đời sống rất đắt đỏ nên ít thấy khách du lịch nước ngoài trên các đường phố. Đặc biệt nếu là khách mời của họ thì họ có một sự chăm sóc chu đáo và với một sự lễ độ hơi quá đôi lúc làm mình e ngại.

Âm nhạc thì họ thích khuynh hướng buồn hơn là vui.

Nếu nói rằng con người không có hoài bão, ước mơ thì không thể trở thành một người thành đạt nhạc sĩ không có tham vọng thi đấu là đích đến của nhạc sỹ?
(LE HONG QUANG 318 Bach Mai Ha Nội, lehongquang@hn.vnn.vn)

Đến một tuổi nào đó nếu vẫn còn hoài bão và ước mơ thì cũng không còn đủ thời gian để thực hiện nữa.

Có bao giờ nhạc sỹ muốn mình là người bình thường không danh tiếng không? Có bao giờ nhạc sỹ hối tiếc vì quá nổi tiếng mà không thực hiện được những điều bình dị nhất của con người không?

(TRAN THI BAO NGOC- 211 Nguyen Van Troi TP.HCM- kawaguchi-org@hcm.vnn.vn)

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Tuy nhiên tôi luôn cảm thấy mình sống như một người bình thường và làm những điều bình dị như tất cả mọi người.

Thưa nhạc sỹ, cháu rất yêu thích các bài hát do nhạc sỹ sáng tác. Nhạc và lời thường rất hay và sâu lắng, buồn, đặc biệt lời bài hát rất được nhạc sỹ chau chuốt. Cháu muốn hỏi nhạc sỹ về các nhân vật trữ tình trong các sáng tác của nhạc sỹ, họ đẹp và lãng mạn quá! Phải chăng đó là những giai nhân nhạc sỹ đã gặp ngoài đời? Năm trước được biết nhạc sỹ không được khoẻ. Chúc nhạc sỹ một năm mới mạnh khỏe và có nhiều sáng tác mới.

(VU THI TRAM HUYEN- tramhuyen@hotmail.com)

Phải biết lãng mạn hoá mọi thứ để cuộc đời đẹp hơn. Phải tìm cách tạo ra một thế giới giai nhân để mọi người cùng mơ ước. Đó là bổn phận của những ai muốn làm công việc sáng tạo.

Cám ơn rất nhiều lời chúc của em.

Có phải khi còn trẻ, nhạc sỹ sáng tác những bản tình ca rất hay từ những cảm xúc của bản thân qua những cuộc tình của mình, nhưng bây giờ ít thấy , nhạc sỹ sáng tác những bản tình ca tương tự như vậy bởi vì không còn những cảm xúc như thời còn thanh niên, hay do cuộc sống bây giờ không còn những bối cảnh để tạo cảm xúc sáng tác tình ca như thời xưa?

( LY ANH TU – MaiDong – Hanoi, ly_anh_tu@hotmail.com)

Nhận xét của bạn có một phần đúng

Đời sống thực dụng bây giờ cũng làm mất cảm hứng nhiều lắm. Nó giế chết sự thơ mộng, sự lãng mạn vốn rất cần thiết cho người sáng tác. Với thời gian bây giờ cũng cảm thấy yêu khó hơn ngày xưa, đôi khi lại gần như không có cảm hứng để yêu nữa.

Tôi không hiểu lắm ca khúc “Bên đời quạnh hiu”. Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn thường khó hiểu như vậy? Và dù khó hiểu nhưng nhiều người vẫn thích. Trong đó có tôi.

Yêu cầu đặc biệt: Tôi rất muốn có bài “Biển nhớ” mp3

(hongoc@hcm.fpt.vn- TP.HCM)

Bên đời hiu quạnh? không khó hiểu lắm đâu. Đời riêng của mỗi người đều có vui buồn khác nhau. Có khi buồn phiền có khi vui nhiều. Trong bài này hình như chỉ thấy một nỗi buồn triền miên và ám ảnh về cái chết. Tuy nhiên không có nỗi tuyệt vọng trong đó.

Thưa nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi nghe những bài hát của nhạc sỹ, em thấy như trong đó có nước mắt, tâm hồn và con tim của nhạc sỹ. Vậy thì có phải trải qua những cảnh ngộ như vậy hay là với sự thông cảm của mình mà nhạc sỹ viết được những bài đi vào lòng người đến như vậy?

(NGUYEN HONG VAN- 110 Tran Nhat Duat, vanhn@hotmail.com)

Trong mỗi bài hát đều có mình và cả người khác.

Xin hỏi Trịnh Công Sơn bắt đầu mối tình đầu từ bao giờ vậy. Và tại sao đến bây giờ vẫn độc thân.

(KUMA TORA- Kumamoto-Japan, ltnam@hotmail.com)

Mối tình đầu của tôi bắt đầu từ năm 19 tuổi. Nhưng đó giống như là một giấc mơ hư hư thực thực hơn là một mối tình hoàn toàn.

Hình như tôi không có năng khiếu về chuyện phải có một tổ ấm riêng. Và cho đến bây giờ thì tôi có thể khẳng định là thói quen sống một mình không gây khó khăn gì cho tôi cả

Nhân vật có tài thường không phải lúc nào cũng được người đương thời ưa thích, nên xử lý tình huống bị người ta thay trắng đổi đen như thế nào cho êm đẹp nhất? Cám ơn.

(NGUYEN HOC SINH -Netherlands, ngomen@iss.nl)

Im lặng và lãng quên những lời dị nghị. Xưa nay tôi vẫn làm thế. Người ta không thể đánh mãi vào khoảng không được.

Xin cho tôi được gọi nhạc sỹ là anh mặc dù tuổi tôi rất bé. Vì đối với tôi, Trịnh Công Sơn rất là thanh xuân. Anh luôn sống cho những sự đam mê của mình trong cuộc đời. Vậy em muốn hỏi anh liệu có giấc mơ nào anh còn chưa đi hết hay không?

Những dự định sáng tác sắp tới của anh là gì?

(VIET HUNG NGUYEN- France, viethung1@yahoo.fr)

Có lẽ đó là giấc mơ về sự bình an vĩnh vửu trong tâm hồn. Tôi sẽ cố gắng viết được những gì mà cho đến nay vẫn còn là dự định.

Thưa nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, như nhạc sỹ đã từng nói “Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc”. Vậy có phải ba bài hát Bống mà nhạc sĩ viết tặng cho Hồng Nhung là thể hiện ba giai đoạn sắc thái tình cảm trên của nhạc sỹ đối với Hồng Nhung không?

(DUONG LUONG- Australia, dluong@tig.com.au)

Đây là quan niệm riêng của tôi về cuộc đời và về âm nhạc. Nó không liên hệ đến một hoàn cảnh riêng tư nào cả. Câu hỏi của bạn cũng hơi độc đáo đấy !

Người yêu, người tình của nhạc sỹ phải là người như thế nào ? Nhạc sỹ quan niệm như thế nào là hạnh phúc? Có bao giờ anh cảm thấy bế tắc trong cuộc sống ? Xin anh hãy kể cho biết một kỷ niệm buồn nhất trong đời mình?

(Thái Dương- Hà Nội, phnhgiang@fpt.vn)

– Người yêu, người tình của tôi phải là người làm cho tôi thấy được đó chính là người yêu, người tình mà tôi chờ đợi.

– Hạnh phúc là điều mà mình đã lỡ đánh mất và biết rằng không bao giờ có lại được nữa

– Không bao giờ tôi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống hoặc gần như vậy

– Đó là ngày mẹ tôi bỏ tôi qua thế giới khác

Phụ nữ chỉ ở trong các tác phẩm của anh chứ ít ở bên cạnh. Có phải vì anh muốn giữ mãi vẻ đẹp của phụ nữ như bông hoa ven đường nghệ thuật, nó chỉ đẹp giữa cỏ cây quanh mình hay vì “đàn bà sâu sắc như cơi têm trầu”?

(LE ANH PHONG- Czech Republic, pleanh@iol.cz)

Câu hỏi này cũng lạ. Tôi luôn giành một số thời gian vừa đủ để hàn huyên với những phụ nữ tôi quen hoặc quen vừa. Ngồi lâu bên cạnh, tôi không biết phải nói gì: Để ngắm nhìn như những bông hoa thì hay hơn. Đồng ý kiến với anh vậy!

Em có cảm giác Trịnh Công Sơn là người suốt đời đi tìm tình yêu. Nghe nhạc của Anh người ta thấy như mình đang xưng tội, nhưng không phải với Đức Cha mà là với chính mình. Anh không phải chỉ ” cho đời chút ơn”, bởi lẽ những người mang ơn Anh nhiều lắm. Anh đã thay họ nói lên tiếng lòng của chính họ.

Anh có biết rằng đối với nhạc của Anh thì không có người hâm mộ không? Chỉ có những người cảm nhạc Anh, say đắm trong tiếng nhạc Anh mà thôi. Anh có biết rằng sẽ chẳng có ai trên đời này coi anh là thần tượng không?

Em cam doan với Anh rằng không có ! Chỉ có những người, rất nhiều người YEU ANH.

Chính vì thế mà em cho rằng Trịnh Công Sơn là một trong số rất ít người hạnh phúc nhất trên dải đất chữ S thân thương này. Còn bản thân Anh, Anh có cảm thấy thế không?

Nếu có thể được, rất muốn biết địa chỉ e-mail của Anh.

(PHAM KY TUAN- Hanoi, daian@fpt.vn)

Xin cám ơn những lời chúc thông minh của bạn.

Địa chỉ email: Trinhcongson@tlnet.com.vn

Xin nhạc sỹ nói rõ về nhạc phẩm “Đoá hoa vô thường” ra đời trong hoàn cảnh nào?

(TRAN MINH TUAN-145 Mai Hắc Đế Hà Nội, tranminhtuan@hotmail.com)

Sau khi xem loạt tranh thiền về trâu và người tìm trâu, tôi bỗng có cảm hứng viết về một cái gì tương tự như những tranh thiền đó. Và cuối cùng “Đóa hoa vô thường” ra đời. Trong tranh người đi tìm trâu… Trong “Đóa hoa vô thường” tôi đi tìm bóng dáng một con người.

Xin chào nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Cháu rất yêu thích những nhạc phẩm của bác. Qua chương trình “Gặp gỡ nhân vật hàng tuần” này cháu được biết thêm nhiều thông tin về bác. Vậy cháu muốn hỏi bác là tại sao bác vẫn cứ một mình. bác muốn như vậy hay là do hoàn cảnh? Từ trẻ đến giờ bác đã trải qua bao nhiêu mối tình rồi? bác có còn nhớ đến mối tình đầu của bác không? Bác có ý định thay đổi cuộc sống cô đơn của mình trong năm 2000 này không? Cháu rất vui khi nhận được câu trả lời của bác.

(LY KHANH PHAM- Australia, lpham@lovemail.com)

Nói chung là không gặp may. Hết cái không may này đến cái không may khác và đã tạo ra hoàn cảnh như hiện nay. Bây giờ thì đã quen sống một mnình. Không còn muốn thay đổi nữa.

Thưa nhạc sỹ,

Nói chung trong sáng tác các tác phẩm nghệ thuật như âm nhạc, văn học, hội hoạ… người nghệ sỹ thường lấy cảm hứng từ nổi buồn, nổi đau khổ, niềm thất vọng… Các tác phẩm hay cũng bắt nguồn từ đó. Và trong các tác phẩm nhạc nhẹ của Việt Nam gần đây đang có sự lạm phát kiểu khai thác này.

Là một người sáng tác, nhạc sỹ có cảm thấy khó khăn hơn trong việc lấy cảm hứng từ niềm vui, niềm hạnh phúc để có một tác phẩm nghệ thuật hay? Tôi mong muốn có một collection những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.

(HA THE GIANG- Vung Tau, hanoi71@hotmail.com)

Nếu chịu khó đọc kỹ thì bạn sẽ tìm thấy không ít những bài hát tôi viết vì yêu đời. Ví dụ câu cuối của bài “Mưa hồng”: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Đó chính là một lời khuyên hãy tìm đến nhau, hãy yêu nhau đi…

Bạn có thể tìm thấy những nhạc phẩm của tôi trong các nhà sách

Chào bác Trịnh Công Sơn. Mạn phép cho cháu hỏi: Địa chỉ hiện tại của bác bây giờ?

(NGO VAN VINH- Ha Dong, Ha Tay, vinhnv@fpt.vn)

Trịnh Công Sơn 47C Phạm Ngọc Thạch- Q.3, TP.HCM

Thưa nhạc sĩ, trước hết cho phép tôi được bầy tỏ lòng kính trọng của mình đối với Nhạc sĩ, và xin chúc nhạc sĩ luôn mạnh khoẻ. Xin nhạc sĩ cho biết, để có thể tự mình sáng tác một ca khúc thì có khó lắm không? Và theo nhạc sĩ, cần phải có những yếu tố gì?

(NGUYEN DUC NAM- Hà Nội, nguyen_duc_nam@yahoo.com)

Phải học thôi. Tự học cũng được nhưng chọn một thầy chuyên dạy sáng tác để học thì tốt hơn.

Xin nhạc sỹ cho biết về triết lý nhà Phật trong các tác phẩm anh sáng tác. Phật giáo tác động như thế nào trong việc sáng tác?

Có ai đã từng nghiên cứu về ảnh hưởng Phật giáo trong nhạc Trịnh Công Sơn, nếu có xin cho biết để tôi có thể đọc.

Xin cảm ơn

(CUONG LE- Australia, cuongle@ozemail.com.au)

Trong một số tác phẩm của tôi chỉ là bàng bạc một không khí triết lý nhà Phật chứ không phải triết lý nhà Phật. Phật giáo tác động rất sâu xa trong đời sống tâm linh của tôi. Cái phần siêu hình trong ngôn ngữ của tôi là do ảnh hưởng của Phật giáo.

Có một người bạn vừa mất đi là giáo sư Hoàng Thiện Khang. ông dự định viết một tập về tôi nhưng chưa kịp. Chỉ còn một số bài giảng ở viện Đại học Vạn Hạnh. Rất tiếc.

Xin chào Bác Trịnh Công Sơn, cháu có thắc mắc là : Không biết âm nhạc có phân biệt giới tính hay không? Thế tại sao đa số các nhà soạn nhạc thiên tài đều là nam giới, hay là nữ giới không có tần số rung động và cảm nhận âm thanh như nam giới ? (Xin lỗi vì đã hỏi bác một câu ngoài lề)

(NGUYEN THI TUYET HANH-Quan 5- TP.HCM, cabin@saigonnet.vn)

Có lẽ vì giới nữ đã tập trung vào một công việc sáng tác khác lý thú hơn. Đó là sáng tác ra những tác phẩm biết cười biết nói, biết khóc và biết cả khổ đau lẫn hạnh phúc.

Nhạc sỹ hay viết về tình yêu, vậy tình yêu của nhạc sỹ ngoài đời như thế nào?

(NGONGOCVINH- ngongoc_vinh@hotmail.com)

Tình yêu ngoài đời của tôi hình như rắc rối hơn hình ảnh tôi vẽ nên trong những ca khúc của tôi

Trịnh nhạc sỹ ơi, bao giờ tân nhạc Việt Nam mới hoát khỏi cảnh “dở Tây dở Tàu” như hiện nay. Theo ông lỗi đó là ở người nghe hay là giới sáng tác, hay là do “kinh tế thị trường”?

Ông bây giờ có còn sáng tác không? Thời gian rảnh rỗi ông làm gì?
(TRAN LAM TRUNG, Bien Hoa Dong Nai- tl-trung@sanyoshv.com.vn)

Dở Tây dở Tàu là một tình trạng có thật. Một phần theo tôi là do thị hiếu quần chúng sau đó những nhạc sỹ dễ tính chạy theo thị hiếu đó và viết.

Tôi vẫn viết nhưng không nhiều. Thời gian rảnh rỗi tôi ngồi suy nghĩ về đủ thứ chuyện: chuyện đời và chuyện người.

Exit mobile version