Với nhiều người hâm mộ, gia tài âm nhạc và triết lý sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một cuốn kinh thư với vô vàn những những lời khuyên lơn, lan truyền cảm hứng. Ngôn từ âm nhạc của Trịnh là một thứ gì đó vừa ma mị vừa gần gũi, vừa không thể lý giải, vừa giản dị đến bất ngờ. Có những điều nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ra mà phải đến một độ tuổi nào đó người ta mới hiểu được, mới thấm thía thực sự. Nhưng cũng không thiếu những câu hát, câu nói của Trịnh giản dị và dung hợp đặc biệt với đời sống, được rất nhiều người chọn làm lẽ sống, làm chân lý cho mình. Không khó để tìm một người yêu thích và đưa những câu nói của Trịnh vào đời sống cá nhân để tu dưỡng, để sống, coi đó là đích đến của những giá trị chân thiện mỹ. Đó là những câu nói mà ai cũng có thể nói, có thể hát, có thể đặt vào cuộc sống của mình, không ngần ngại như: sống trong đời sống cần có một tấm lòng, mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh, đời mình là những chuyến xe…
Trong các tác phẩm của Trịnh có ít nhất 2 ca khúc ông viết cho người tình âm nhạc của mình, ca sĩ Khánh Ly, đều sáng tác sau năm 1975. Bên cạnh Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, thì còn có Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ) được viết năm 1976. Khi những cuộc trốn chạy hỗn loạn mang đi vĩnh viễn muôn vạn kiếp người, Khánh Ly cũng trong dòng người đó, trôi nổi trên biển Đông, phó mặc sinh mệnh của mình cho những nhát kéo của định mệnh. Trong nỗi sầu buồn, bi quan cho số phận của người ca sĩ đã gắn kết máu thịt với âm nhạc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc như một bài kinh cầu nguyện, níu kéo lại những phận người lênh đênh trên biển đời.
Click để nghe Khánh Ly hát Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ)
Lời ca của Rơi Lệ Ru Người do đó không hề u ám, tuyệt vọng mà lưu luyến, thanh khiết, đầy yêu thương:
Thí dụ bây giờ tôi phải đi
Tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này
Có chiều hôm đưa chân tôi
Về biên giới mới
Nghe ra quanh tôi đêm dài
Có còn ai trong yên vui về yêu dấu ngồi
Rơi lệ ru người từ đây.
Nhịp của bài hát được rải chầm chậm bằng từng câu từng chữ một, mở đầu là mệnh đề “thí dụ…”. Không có sự thực nào được khẳng định, nhưng dòng tâm tư thì đã chìm đắm sâu thẳm trong cuộc chia ly tưởng như là vĩnh viễn đó.
Sự nuối tiếc, lưu luyến tràn lên câu hát, ngân dài như một sự níu kéo: “Thí dụ bây giờ tôi phải đi…. tôi phải đi…” . Dù chỉ là trong tưởng tượng, cuộc chia ly chưa bao giờ được đón nhận dễ dàng. Sự chia ly không phải diễn ra bằng cái quay lưng ngoảnh mặt, dứt khoát mà tơ vương, níu giữ bằng hình ảnh “tay chia ly” đầy cảm xúc; bằng sự nhấn nhá, chầm chậm của câu chữ, của nhịp điệu và sự chuyển động chầm chậm của không gian, thời gian “có chiều hôm đưa chân tôi… về biên giới mới”; và cả những bước chuyển đầy khó khăn của cảm xúc: “nghe ra.. quanh tôi đêm dài”, không phải nhìn mà là nghe, bởi những khoảng tối dài dằng dặc trong tâm hồn làm sao có thể nhìn thấy, chỉ có thể nghe và cảm.
Những câu hát tiếp theo dù viết cho người, hay là cho muôn vạn nhân sinh thì vẫn lãng đãng trong dòng cảm xúc nuối tiếc, lưu luyến đó:
Thí dụ bây giờ em phải đi
Em phải đi
Đôi tay em dù ưu ái đời
Em phải đi
Đôi môi ngon dù chưa chín tới
Quanh em trăm năm khép lại
Có còn ai mang hoa tươi
Về yêu dấu
Ngồi quên đời xoá hết cuộc vui…
Nếu “Tôi” – Người nhạc sĩ đã hiểu thấu sự vô thường của đời sống, đón nhận sự chia ly bằng một tâm trạng bình thản mà còn luyến tiếc như vậy. Thì “Em” – thế nhân ngoài kia, khi “đôi tay” đang còn rất “ưu ái đời”, “đôi môi ngon” còn “chưa chín tới”, sẽ đón nhận điều đó như thế nào? Sự nuối tiếc, luyến lưu không chỉ vỏn vẹn với “nghe ra quanh tôi đêm dài” mà “quanh em trăm năm khép lại”. Mọi ước mơ, hy vọng trong cuộc đời sẽ khép lại mãi trăm năm.
Với Trịnh Công Sơn, cái ᴄhết chưa bao giờ là hết. Tư duy âm nhạc của Trịnh chịu ảnh hưởng sâu sắc của những triết lý Phật giáo, rằng cái chết là sự nối dài của đời sống con người, vương tơ từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Vậy nên, dù “phải đi”, ông vẫn quay lại để hỏi, để níu kéo. Những câu hỏi nghe thật buồn. “Có còn ai trong yên vui về yêu dấu… ngồi rơi lệ ru người từ đây?”. “Có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu… ngồi quên đời xoá hết cuộc vui”?.
Nhưng hỏi chỉ để hỏi. Câu hỏi cũng ngầm ý cho một câu trả lời duy nhất. Bởi cuộc đời ngoài kia lóng lánh, tươi vui, tràn ngập sắc hương, đầy quyến rũ, đầy mê đắm, làm gì có ai sống trong đời mà không yêu đời sống này, chỉ có yêu ít hay nhiều mà thôi. Làm gì có ai có thể “quên đời xoá hết cuộc vui”, làm gì có ai dùng cả trăm năm đời người “để rơi lệ ru người”. Vậy nên, nhạc sĩ chẳng mong cầu điều phi lý đó.
Có còn,
Có còn em
Im lìm trong chiều hôm
Nước mắt rơi cho tình nhân
Nếu còn,
Nếu còn em
Xin được,
xin nằm yên
Đất đá hân hoan một miền
Nhạc sĩ chỉ mong còn có “Em” – “im lìm trong chiều hôm, nước mắt rơi cho nhân tình”. Chẳng cần gì nhiều nhặn, chỉ cần một buổi chiều em dừng lại, nhỏ những giọt nước mắt cho nhân tình. Thế là đủ. Chỉ thế thôi là sẽ “xin nằm yên”. Chỉ điều đó thôi là “đất đá hân hoan một miền” rồi.
Nhưng nếu thật điều đó xảy đến thì sao?
Nếu thật
Hôm nào em bỏ đi
Em bỏ đi
Sau lưng em còn con phố dài
Những hàng cây loan tin nhau
Rồi im tiếng nói
Quanh đây hoang vu tiếng cười
Có ngày xưa em theo tôi
Cùng ra quán ngồi
Bên đời xe ngựa ngược xuôi
Không phải là một “thí dụ” vu vơ, mông lung, không xác định nữa mà “nếu thật”. Nếu giờ phút chia ly thật sự xảy đến, thì em có thể “nằm yên” không khi mà sau lưng em vẫn còn “con phố dài” với “những hàng cây loan tin nhau”, vẫn còn “xe ngựa ngược xuôi”, vẫn còn những hồi ức tươi đẹp, những tiếng cười vọng về từ tiềm thức? Em bỏ đi nhưng cuộc sống ngoài kia vẫn tươi đẹp, rộn rã, vẫn tiếp diễn, chưa từng dừng lại, mãi mãi không dừng lại.
Nếu thật
Hôm nào tôi phải đi
Tôi phải đi
Ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng
Với bình minh
Hay đêm khuya
Và từng trưa nắng
Bao nhiêu sen xanh, sen hồng
Với dòng sông,
hay anh em
Và những phố phường
Chắc lòng rất khó bình an
Riêng “Tôi”, viễn cảnh “hân hoan một miền” chắc là khó xảy ra bởi những điều hối tiếc chưa nói, chưa làm. Những “bình minh hay đêm khuya và từng trưa nắng”, không có “Tôi” ấy, hẳn là đáng tiếc lắm. Tất cả những sen xanh, sen hồng, dòng sông, anh em, phố phường,… bao nhiêu là thứ tươi đẹp, nồng ấm của đời sống đều như đang vẫy gọi, níu giữ. Từng câu, từng chữ, từng ngôn từ giản dị đến ngỡ ngàng khắc hoạ một đời sống tự nhiên, giản dị và cũng tươi đẹp vô ngần. Hỏi sao mà “nằm yên”, mà “đất đá hân hoan một miền” được? Câu hát “chắc lòng rất khó bình an” rơi xuống không phải như một giả định, mà là một lời khẳng định.
Rơi Lệ Ru Người hát về cái ᴄhết nhưng chẳng có nỗi sợ hãi, hoang mang, buồn khổ nào được khơi lên. Sự ra đi đó chỉ như một cuộc chia ly đầy nuối tiếc, lưu luyến bởi cuộc đời đẹp quá, tình quá, không nỡ rời xa. Nhạc sĩ không sợ hãi, né tránh mà đối mặt với nỗi ᴄhết, vượt lên trên nó một cách bình thản bằng những thanh âm, rung động trong trẻo của đời sống. Những lời ca được chấp bút từ những thanh âm trong veo đó phải chăng đã có ít nhiều tác động đến sợi dây định mệnh của số phận.
16 năm sau, nữ ca sĩ tưởng đã vĩnh viễn đi xa, lại bất ngờ trở lại, cất lên giọng hát du dương của mình, tiếp nối hành trình âm nhạc của người nhạc sĩ tâm giao. Ca khúc viết cho Khánh Ly, và từ trước cho đến nay, dường như chỉ có duy nhất Khánh Ly hát. Thực ra cũng có một vài ca sĩ hát nữa, nhưng hoàn toàn không ai hay biết đến, hoàn toàn bị quên lãng. Chỉ có Khánh Ly – bằng chất giọng trầm khàn, khoan thai, diễm lệ, đã khiến người nghe như lạc bước vào những cung nhạc du dương của ca khúc viết cho chính mình – Rơi Lệ Ru Người.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn