Nhạc sĩ trẻ sáng tác tiếp phần 4-5 cho bài Lan & Điệp, nên hay không nên?

Lan Và Điệp là một tác phẩm nổi tiếng không chỉ trong âm nhạc và còn trong phim ảnh và cải lương, tuồng trước năm 1975, được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Công Hoan có tên là Tắt Lửa Lòng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trong âm nhạc, bài hát Truyện Tình Lan Và Điệp 1,2,3 của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng có thể xem là 1 hiện tượng được yêu thích chưa từng có của miền Nam trước năm 1975 với hàng triệu bản in nhạc tờ được phát hành đến tay khán giả yêu nhạc.

Trong một lần kể chuyện về hoàn cảnh sáng tác Truyện Tình Lan và Điệp bài đầu tiên, nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng trong một đêm hè ở Sài Gòn thập niên 60, trời nóng, ông phải ngồi trong mùng vì tránh muỗi đốt, ngồi ôm cây ghi ta mà sáng tác bản Truyện Tình Lan Và Điệp 1. Có cô gái hàng xóm ái mộ ông, sang xin phép vợ ông để ngồi quạt cho nhạc sĩ Anh Bằng viết nhạc. Ông thức tới gần sáng và hoàn tất ca khúc nổi tiếng này. Mệt quá ông ngủ thiếp đi và khi tỉnh dậy thì cô gái đã đi về.

Khi sáng tác xong bài này, nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng chưa biết sự đón nhận của công chúng như thế nào, nên đã nghĩ ra cho bài hát này một bút danh thật lạ lẫm, đầy chất… kiếm hiệp để thu hút sự chú ý của khán giả, đó là Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh. Thành công tột bậc một cách không ngờ tới, nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục viết thêm Lan và Điệp 2 và 3 cũng đều rất ăn khách và được yêu thích cho đến tận ngày nay.


Lan & Điệp 4 – Như Quỳnh hát trên PBN 123

Gần đây, khán giả yêu nhạc được nghe các bài hát mang tên Lan & Điệp 4, Lan & Điệp 5… được các ca sĩ trẻ hát ở các “chương trình bolero”. Đặc biệt là bài Lan & Điệp 4 được ca sĩ Như Quỳnh hát trên Paris By Night gần đây, và cũng nhận được đánh giá tích cực từ công chúng. Tuy nhiên việc đặt tên bài hát mang tính cách nối tiếp các bài nhạc Lan & Điệp đã sáng tác từ trước năm 75 sẽ dễ làm cho khán giả trẻ thời nay bị nhầm lẫn là bài hát cũng của nhóm Lê Minh Bằng.

Thực ra, bài Lan & Điệp 4 mà Như Quỳnh hát là của 1 nhạc sĩ trẻ mang cái tên rất… Tây là Hamlet Trương, vốn là 1 nhà văn chuyên viết truyện ngôn tình với các đầu sách Thương Nhau Để Đó, Thời Gian Để Yêu


Lan & Điệp 5 của Hamlet Trương

Gần đây, Hamlet Trương lại viết thêm 1 bài nữa là Lan & Điệp 5 và tự hát trên 1 chương trình Bolero trên Truyền Hình Vĩnh Long. Thực ra không phải Hamlet Trương là người đầu tiên viết 1 bài hát rồi đặt tên là Lan & Điệp 5, trước đó đã có Sơn Hạ – một ca nhạc sĩ của thị trường miền Tây đã nhanh tay viết Lan & Điệp 5 trước.


Lan & Điệp 5 của Sơn Hạ

Việc các nhạc sĩ trẻ có đam mê và sáng tác dòng nhạc trữ tình là đáng trân trọng, những ca khúc của Hamlet Trương được Như Quỳnh hát cũng rất dễ nghe và được yêu thích. Tuy nhiên việc đặt tên mang tính nối tiếp các bài trước 75, như trường hợp Lan & Điệp đã gây ra nhiều tranh cãi vì là một dạng “ăn theo” tên tuổi bài hát đã nổi tiếng và được yêu thích trước đó.

Nếu tự tin về khả năng, và nếu muốn viết về chủ đề Lan & Điệp, các nhạc sĩ trẻ này nên chọn một tựa đề khác cho bài hát và đánh số thứ tự lại từ đầu, thay vì “ăn theo” các tựa đề bài hát đã nổi tiếng trước đó. Hãy để Truyện Tình Lan & Điệp kết thúc ở 3 phần trong tâm trí người yêu nhạc hơn 50 năm qua, chứ không phải là phần 4,5… như hiện nay.

Đông Kha

Exit mobile version