Nhạc sĩ Thanh Lâm và những bản hòa âm thành công rực rỡ cùng tiếng hát Ngọc Lan

Từ 2 ngày nay, trên mạng xã hội đã loan tin buồn: nhạc sĩ Thanh Lâm – một tên tuổi quen thuộc của làng nhạc hải ngoại vào thập niên 1980-1990 đã qua đời, hưởng dương 58 tuổi.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Xin giới thiệu trích bài viết đăng trên ilovengoclan.com, nói về nhạc sĩ Thanh Lâm – người đứng sau những bản thu âm thành công rực rỡ của cố ca sĩ Ngọc Lan hồi 30 năm trước.


Nghe lại tiếng Saxophone tuyệt vời của nhạc sĩ Thanh Lâm

Khán giả yêu nhạc hải ngoại vào thập niên 1980 chắc hẳn còn nhớ tiếng saxophone của nghệ sĩ Thanh Lâm trong các CD nhạc do trung tâm Asia sản xuất. Vào thập niên 1980-1990, nhạc sĩ Thanh Lâm cũng đã giữ vai trò hòa âm và điều khiển ban nhạc cho những cuốn băng của ca sĩ Ngọc Lan, từ “Ngọc Lan 2 – Người Yêu Dấu”, liên tục cho đến “Ngọc Lan 10 – Hạnh Phúc Nơi Nào”, và cả CD “Ngọc Lan & Kiều Nga – Paris Vẫn Đợi” hay “Liên Khúc Hè Muộn”, khi nhìn vào phần hòa âm và điều khiển ban nhạc in trong bìa băng nhạc, ta đều thấy tên của Thanh Lâm.

Băng nhạc Ngọc Lan 2 – Người Yêu Dấu là băng nhạc đầu tiên Thanh Lâm hòa âm cho tiếng hát Ngọc Lan

Thật ra Thanh Lâm đã làm nhạc nền cho Ngọc Lan hát ngay từ lúc cô bắt đầu thâu âm vào đầu năm 1983. Nhưng khi cộng tác với vũ trường Ritz, cô mới có dịp làm việc trực tiếp với Thanh Lâm, lúc ấy đang phụ trách phần thổi saxophone trong ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Sau cuốn “Ngọc Lan 1 – Tiếng Hát Ngọc Lan”, thực hiện với trung tâm Đời, Ngọc Lan và Thanh Lâm đã thật sự sát cánh làm việc bên nhau để cho ra đời những dĩa nhạc thành công nhất.

Thanh Lâm tốt nghiệp cử nhân âm nhạc. Ngoài khả năng soạn và hòa âm, ông còn được biết đến vì tài thổi saxophone (Thanh Lâm – Saxo Tuyệt Vời 1,2,3 của trung tâm Asia sản xuất và phát hành). Nhưng có lẽ Thanh Lâm tạo được nhiều uy tín nhất trong lãnh vực Thánh nhạc.

Tuy trưởng thành và được đào tạo về âm nhạc tại Mỹ, Thanh Lâm lại chọn cho mình lối viết nhạc rất Việt Nam. Mục đích hòa âm của ông trước sau vẫn là dùng nhạc để làm nổi bật tình ý trong bài hát.

Trong các bản thu âm của ca sĩ Ngọc Lan do Thanh Lâm hóa âm, hãy nghe phần nhạc mở đầu của Tiếng Mưa Đêm dưới đây, sự phối hợp giữa tiếng đàn piano, tiếng tubular bells và những âm thanh của synthesizer làm ta liên tưởng đến những giọt mưa “rơi mãi trên phím đàn”.


Ngọc Lan – Tiếng Mưa Đêm (Hòa âm Thanh Lâm)

Trong Chiều Một Mình Qua Phố, ta như tìm thấy ở nhạc Trịnh Công Sơn thêm một khía cạnh mới. Tiếng kèn rộn rã mở đầu đã giúp ta thoát khỏi nỗi buồn sâu thẳm của kẻ độc hành trong buổi hoàng hôn tím thẫm. Thay vào đó là hình ảnh một người con gái, mà những đường phố cô đi qua chỉ đủ gợi những nhớ thương dịu dàng và xinh đẹp.


Chiều Một Mình Qua Phố – Ngọc Lan

Hạ Trắng cũng thế; cách xử dụng nhiều nhạc cụ một cách khéo léo đã tạo thêm sinh động cho bài hát. Lời nhạc từ đó cũng thêm màu sắc.


Hạ Trắng – Ngọc Lan

Nhưng có lẽ bài hát cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của Thanh Lâm trong cách hòa âm chính là bài Je N’oublierais Jamais. Rất ít người để ý Ngọc Lan đã thâu bài này năm 1989 với tựa đề Nhớ Anh Mà Thôi.


Nhớ Anh Mà Thôi – Ngọc Lan

Năm 1991, Nhật Ngân chuyển sang lời Việt một lần nữa và đặt cái tên mới: Mưa Trên Biển Vắng. Lần này, bài hát đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như chưa từng bao giờ được nghe, được biết. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Vì lời nhạc của Nhật Ngân cảm xúc quá? Lời nhạc của Phạm Duy cũng không thiếu sự da diết nhớ thương. Càng không thể nói giọng hát Ngọc Lan trong bài này truyền cảm hơn bài kia. Vậy nếu Thanh Lâm không dùng tiếng nhạc quyện với tiếng sóng, liệu ta có thể thấy rõ ràng hình ảnh một người con gái đứng bên bờ biển vắng ngóng chờ người yêu? Hay ta có thể nghe lồng lộng tiếng cô gọi người tình trở về, trong nước mắt lẫn nước mưa?


Mưa Trên Biển Vắng – Ngọc Lan

Nhiều người trong giới sản xuất đã cho rằng Ngọc Lan thành công phần lớn là nhờ Thanh Lâm. Thanh Lâm thẳng thắn phủ nhận điều này, và nói rằng ông không hát giùm cho Ngọc Lan, cũng không lên sân khấu trình diễn thay cho cô được. Ngược lại, chính Ngọc Lan đã giúp ông làm trọn nhiệm vụ hòa âm và thu âm một cách nghiêm chỉnh. Hơn ai hết, Thanh Lâm thấy được cách phát âm rất chuẩn của Ngọc Lan. Cô luôn luôn phát âm tròn trịa từng chữ một. Ông không bao giờ phải chỉnh cách phát âm của cô. Theo Thanh Lam, đó là một ưu điểm rất lớn của Ngọc Lan mà nhiều ca sĩ khác đã phải bỏ công luyện tập.

Cũng theo Thanh Lâm, Ngọc Lan biết rõ khả năng cũng như loại nhạc của mình. Có những bài ông chọn để làm nhạc cho cô nhưng Ngọc Lan đã thay vào bằng những bài cô thích. Và Thanh Lâm đồng ý: “Những bài Ngọc Lan chọn trở thành nổi tiếng”

Sau hơn mười năm làm việc chung, ông nhận xét: “Ngoài giọng hát êm ái, Ngọc Lan còn là một người rất thông minh, có khả năng lãnh hội về âm nhạc cực kỳ sắc bén. Cô không những chú ý về phần nhạc lý, mà lời nhạc đối với cô cũng quan trọng không kém. Từ đó, cô diễn tả bài hát theo những gì cô cảm nhận được. Sự cảm nhận nơi Ngọc Lan phải chính xác lắm nên người nghe cũng mang cùng nỗi niềm, cũng đón nhận được cái tâm linh của bài nhạc”.

Thanh Lâm đã điều khiển ban nhạc rất nhiều lần cho Ngọc Lan hát. Nhưng điều mà ông không hề ngờ lần duy nhất anh điều khiển ca đoàn Ngàn Thông hát cho Ngọc Lan cũng là lần vĩnh biệt. Dù sao đi nữa ông vẫn là người bạn đồng hành đã đi cùng với Ngọc Lan suốt đoạn đường dài sự nghiệp, dù chỉ bằng những bước chân vô cùng thầm lặng và khiêm tốn.

Nhạc sĩ Thanh Lâm đã vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8h45 tối thứ hai 23 tháng 9 năm 2019 tại bệnh viện UCI sau một thời gian chống trả với cơn bệnh ung thư phổi, hưởng dương 58 tuổi.

nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: ilovengoclan.com

Exit mobile version