Nhạc sĩ Phạm Duy và “Tuổi Ngọc” – Ca khúc hay nhất dành cho một thời thiếu nữ hoa niên

Trong tân nhạc Việt Nam suốt gần tròn 1 thế kỷ qua, không có một nhạc sĩ nào có số lượng bài hát nổi tiếng nhiều như nhạc sĩ Phạm Duy, và cũng không có nhạc sĩ nào sáng tác được nhiều thể loại như nhạc sĩ Phạm Duy. Ông đã chia nhạc của mình thành nhiều chủ đề: Hương ca, Rong ca, Thiền ca, Tâm phẫn ca, Bình ca, Nhục tình ca, Đạo ca, Tâm ca… và cả Tục ca, Vỉa hè ca. Trong đó có 2 loại nhạc ông sáng tác cho con gái của mình hát là Bé ca và Nữ ca. Tuổi Ngọc có thể xem là ca khúc tiêu biểu nhất của thể loại Nữ ca.


Click để nghe Thái Hiền hát Tuổi Ngọc trước 1975

Trong gia đình, có thể Phạm Duy có thể không phải là một người chồng hoàn hảo, nhưng ông lại là một người cha rất xứng đáng. Khi các con còn nhỏ, ông từng cấm đoán, không muốn cho con cái theo con đường nghệ thuật. Nhưng khi con cái lớn lên, thể hiện niềm đam mê và sự quyết tâm rõ ràng thì ông lại hết lòng ủng hộ và nâng đỡ. Đằng sau sự thành công của các tài năng âm nhạc Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo,.. chính là bóng dáng của người cha Phạm Duy.

Trước chất giọng ngọt ngào, tình cảm của Duy Quang, Phạm Duy bèn viết một loạt ca khúc tình tự, bỏ nhỏ như “đo ni đóng giày” cho giọng ca của con trai. Còn với cô con gái Thái Hiền mới lớn, sở hữu chất giọng trong trẻo, khoẻ khoắn, hồn nhiên, tràn đầy nhựa sống, Phạm Duy đã dành tặng cho cô loạt bài Nữ ca bao gồm 8 ca khúc: Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc, Tuổi Thần Tiên, Tuổi Sợ Ma, Tuổi Xuân, Tuổi Bâng Khuâng và Tuổi Ngu Ngơ. Từ loạt ca khúc này, tên tuổi Thái Hiền trở thành một ca sĩ trẻ gây được nhiều sự chú ý trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975. Trong số những bài Nữ ca nổi tiếng và được giới trẻ đặc biệt yêu thích, Tuổi Ngọc có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất, được yêu thích xuyên suốt qua nhiều thế hệ dù cho đã ra đời gần 50 năm trước.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc Tuổi Ngọc vào năm 1973. Ông từng tâm sự rằng, đây là ca khúc để “hưởng ứng công việc của báo TUỔI NGỌC dành riêng cho các thiếu nữ thuộc vào tuổi ô mai”. Xin được nói thêm về báo Tuổi Ngọc. Đây là tờ tuần báo dành cho tuổi mới lớn, được phát hành ở Sài Gòn trước năm 1975 do Duyên Anh làm chủ bút và Đinh Tiến Luyện làm thư ký toà soạn. Tờ báo đề cập đến những vấn đề tế nhị, quen thuộc của lứa tuổi trăng tròn, mộng mơ và đặc biệt là thứ tình yêu nhẹ nhàng, non tơ, phảng phất hương hoa của các cô cậu mới lớn.

Quay trở lại với ca khúc Tuổi Hồng, ngay từ mở đầu ca khúc, những giai điệu vui tươi, trong trẻo cất lên như tiếng cười giòn tan, hồn nhiên, nhiều mơ mộng của các cô gái mới lớn. Trên nền cảm xúc tinh khôi, ngọt ngào đó, những lời ca bay bổng, lãng mạn vang lên:

Xin cho em, một chiếc áo dài
Cho em đi, mùa Xuân tới rồi
Mặc vào người rồi ra
Ngồi lạy chào mẹ cha
Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ 

Xin cho em, một chiếc áo mầu
Cho em đi nhẹ trong nắng chiều
Một chiều nhiều người theo
Ở ngoài đường, trên phố
Và lòng người như áo phất phơ 

Xin cho em một chiếc áo như mây hồng
Xin cho em một chiếc áo như mây hồng 

“Xin cho em… xin cho em…” – Từng lời ca cất cao những lời ước nguyện dành cho các cô gái khi bước vào tuổi mới. Cái hay của Phạm Duy là ông đặt những lời cầu nguyện vô cùng chân phương, giản dị, đúng với lứa tuổi thần tiên, ngọt ngào của các cô chứ không hề sáo rỗng, khoa trương.

“Xin cho em một chiếc áo dài” để làm gì? Để mặc vào cùng bè bạn đón “mùa Xuân tới” – mùa xuân đầu tiên của đời con gái. Thấp thoáng sau lời cầu nguyện ấy là mong ước các cô gái sẽ được bao bọc, chở che êm ấm trong vòng tay cha mẹ, được vô tư, nhẹ nhàng tung tăng trên phố chiều, được hồn nhiên tận hưởng những ngày tháng thanh xuân ngọt ngào, đầy mộng mơ.

Xin cho em một mớ tóc dài
Cho em phơi ngoài hiên nắng rọi
Rụng một vài sợi thôi
Còn lại một con suối
Dòng mượt mà buông xuống chùm vai 

Xin cho em một mớ tóc nồng
Êm như nhung, để em gối mộng
Mộng này là thần tiên
Mộng và người quyến luyến
Và chập chờn những bóng dáng quen

Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn
Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn

Đoạn hát mở đầu và khép lại bằng hai câu hát thật lạ: “Xin cho em một mớ tóc dài” và “Xin cho em một mớ tóc tơ xanh rờn”. Tại sao lại là “mớ tóc”, “mớ tóc tơ xanh rờn”? Những ca từ lạ thường kéo ta tới với những suy tưởng về tình yêu, về tâm hồn con người. Mớ tóc ở đây không phải để nói về tóc mà nói về những mớ tình, về những mộng mơ non tơ xanh rờn của thời thiếu nữ. Người nhạc sĩ đã thầm ước cho cô gái có những mớ tình mộng mơ trong veo, nhẹ nhàng để “phơi ngoài hiên nắng rọi”, để nuôi niềm tin yêu hy vọng về con người và đời sống; Ước cô có những mớ tình nồng êm như nhung đủ để làm “gối mộng”, để nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu.

Và nếu những mớ tình ấy chẳng như mong đợi, có rơi rụng thì cũng chỉ “rụng một vài sợi thôi”, xin vẫn giữ lại được con suối tình ngọt ngào, tin yêu mượt mà trong tâm hồn thiếu nữ để “buông xuống chùm vai”, để cô gái có thể tin tưởng, vững vàng bước về phía trước.


Click để nghe Loan Châu hát Tuổi Ngọc

Xin cho em còn một xe đạp
Xe xinh xinh, để em đi học
Từng vòng, từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Đ
ạp bằng bàn chân gót đỏ hoe 

Cho em leo từng con dốc dài
Cho em xuôi về con dốc này 

Rồi một ngày mai đây
Từng kỷ niệm êm ái
Chở về đầy trên chiếc xe này
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm
Xin cho em nhiều thêm chuyến xe êm đềm 

Ở đoạn hát cuối cùng, nhạc sĩ xin cho các cô gái một chiếc xe đạp, để đến trường, để được đi học, để được bước ra đời bằng bàn chân gót đỏ hoe của chính các cô. Những chuyến đi, những bài học, những con dốc lên xuống, đi về đó sẽ là những hành trang quý giá đưa các cô mạnh mẽ bước vào đời. Nhưng trong vai trò là một người cha, mang tâm lý thường tình luôn muốn bảo bọc các cô con gái, nhạc sĩ cầu mong những “chuyến xe” đó sẽ êm đềm trên hành trình vào đời của các cô gái. Niềm mong ước đó chắc chắn không chỉ của riêng nhạc sĩ Phạm Duy, mà có lẽ của bất kỳ ông bố bà mẹ nào, dù luôn mong mỏi con trưởng thành, mạnh mẽ nhưng vẫn không thôi nuôi hy vọng hành trình đó của con sẽ được êm đềm, không gặp quá nhiều thác ghềnh.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version