Trong cuộc đời nghệ sĩ đa tình của mình, nhạc sĩ Phạm Duy có vô số những người tình. Có những cuộc tình thẹn thùng không ngỏ, có những cuộc tình “xác thịt” chớp nhoáng, có những cuộc tình đưa đến duyên phận vợ chồng,.. nhưng cũng có những cuộc tình trong veo như thuỷ như ngọc. Đứng trên bình diện âm nhạc, thì trong tất cả những cuộc tình đó, cuộc tình 10 năm với nữ thi sĩ Lệ Lan là đáng kể nhất. Bởi “mối tình thơ – nhạc” trong sáng ấy đã đem đến cho nhạc sĩ nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng. Kể về chuyện tình với Lệ Lan, nhạc sĩ Phạm Duy chưa bao giờ thôi tâm đắc:
“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ”.
Năm 1970, sau khi người đẹp Lệ Lan dứt áo đi lấy chồng, nhớ về những tháng ngày hò hẹn đón đưa, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết chùm ca khúc “Tình ca một mình” với lời diễn giải: “Tình ca một mình là những bài hát của kỷ niệm. Kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương như bài Nha Trang Ngày Về hay kỷ niệm trên đồi hồng Dalat trong bài Cỏ Hồng”.
Nếu Cỏ Hồng là một khúc ca để hồi tưởng, để dành tặng cho tuổi thanh xuân mê đắm. Một khúc ca mà từ đầu đến cuối toàn là những lời yêu thương, quyến luyến, những ca từ đắm đuối của tình nhân bên nhau, trên đồi cỏ hồng lúc bình minh. Thì trái lại, Nha Trang Ngày Về lại là khúc hát đầy những oán than, bi thương, tuyệt vọng giữa đêm khuya mịt mùng nơi biển vắng, khóc thương cho cuộc tình đã mất.
Cũng giống như Cỏ Hồng, ca khúc Nha Trang Ngày Về mang sắc màu của thứ âm nhạc dục tính mà theo nhạc sĩ Phạm Duy: “Đó là dấu vết của thời đại hơn là dấu vết cuộc tình”. Như ông có lần tâm sự rằng đó là thứ âm nhạc dục tính bị ảnh hưởng bởi âm nhạc Lê Uyên Phương vốn rất được yêu thích trong giai đoạn này. Trong khuôn khổ bài viết này, xin phép được chạm vào những “kỷ niệm trên bãi cát bên bờ trùng dương” nơi phố biển hơn 50 năm trước.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử năm xưa vì giận nàng Mộng Cầm phụ bạc mà “hận” luôn cả vùng đất hẹn hò là Phan Thiết:
“Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư” (Bài thơ Phan Thiết Phan Thiết)
Với Nha Trang Ngày Về, nhạc sĩ Phạm Duy cũng chỉ đích danh Nha Trang. Chính là Nha Trang, chứ không phải bất cứ nơi nào khác. Một địa danh rất thực với những bờ cát trắng trải dài thơ mộng và hiền hoà. Mảnh đất minh chứng cho tình yêu, cho những buổi hẹn hò, đón đưa của tình nhân. Hai tiếng “Nha Trang” của Phạm Duy dù không sầu hận, thống thiết như Hàn. nhưng vẫn da diết và sầu buồn khôn tả:
Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya…
Click để nghe Khánh Ly hát Nha Trang Ngày Về
Khi giọng ca trầm buồn của nữ ca sĩ Khánh Ly thong thả cất lên câu hát đầu tiên này, nghe như có một sự rạn nứt, một nỗi buồn hoang hoải tràn lên trên từng câu chữ. Hai chữ “Ngày về” trờ tới bất chợt, chẳng rõ là mùa đông hay mùa hạ, mùa nắng hay mùa mưa, đầu năm hay cuối tháng, chỉ biết là “về”. Những bước chân cô đơn lang thang về Nha Trang của nhân vật “tôi” dường như không chủ định, đi trong vô thức, đi một mình trên “bãi khuya”. Và nếu có ai tò mò hỏi đi đâu, người sẽ trả lời:
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau
Tình cảnh này, chính là tình cảnh của “cậu bé” Hoàng Cầm thất tình năm xưa cầm chiếc lá Diêu Bông đi đầu non cuối bể. Nhạc sĩ Phạm Duy trong lúc lang thang phiêu lãng trên những cung đường cũ, đã nuôi chút ít hy vọng mơ hồ, mong “xây lại mộng mơ năm nào”, mong tìm lại hạnh phúc, tìm lại tình yêu với nàng Lệ Lan tươi trẻ, yêu kiều. Ông còn hy vọng là bởi “Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau”. Trong ký ức của ông, mối tình ấy gần gũi, gắn bó, đậm sâu như biển, đâu dễ san phẳng, đâu dễ lãng quên.
Đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay
Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng
Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi
Trên bãi đêm khóc người tình
Khi xưa, cũng tại bãi biển này, cũng trong những đêm khuya như vậy, hai người từng hò hẹn, đón đưa trong vòng tay nhau, vô cùng hạnh phúc. Đêm nay, vẫn là khung cảnh đó, bãi cát trắng đó, tiếng sóng đó, ánh trăng đó, tất cả vẫn còn y nguyên. Trong những bước chân vô định tìm về chốn cũ, người cũng ít nhiều hy vọng tìm lại mối tình xưa, hy vọng có thể gặp lại người xưa, biết đâu cũng có cùng tâm trạng và đang lang thang về chốn cũ. Nhưng cảnh xưa vẫn còn đó, mà người xưa chẳng thấy đâu, chỉ thấy nỗi cô độc thấm sâu vào tim. Hụt hẫng, thất vọng, nỗi tức tưởi trong tim bật thành tiếng khóc giữa đêm khuya hoang lạnh.
Cát trắng thơm tho, lùa vào trong nắm tay
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay
Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng vẫn mau phai
Cho ngàn thông réo tên ai, từ đó
Nhân vật trong bài hát đau đớn nhận ra, tình yêu xưa tưởng đâu đậm sâu như biển, không thể lãng quên thực chất đã phai lạt tự bao giờ. Giống như những đụn cát trắng, tình yêu thuở ban đầu thì “thơm tho”, dịu dàng, đắm say, tưởng như chỉ cần “lùa vào trong nắm tay” là có thể giữ lại muôn đời, đâu ngờ “cát úa tuôn ra dần dà chẳng có hay”. Tình yêu ấy đã phai nhạt rồi, chẳng còn “trắng thơm” nữa mà đã tàn úa màu tự bao giờ.
Hụt hẫng và đau đớn, nhưng chàng nhạc sĩ chẳng một lời trách móc người tình, chỉ thở dài tự nhủ:
“Ân tình trong lúc đôi mươi, bao giờ cũng vẫn mau phai”.
Đó là tiếng thở dài đầy thấu hiểu, bao dung, tường tận lẽ đời của người đàn ông đã xấp xỉ tuổi 50 đối với người tình bé nhỏ, mà số tuổi nàng chỉ bằng một nửa ông. Lý trí thì bảo vậy, nhưng trái tim thì vẫn không thể buông bỏ, nên “ngàn thông” vẫn mãi còn “réo tên ai”.
Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương
Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang
Trở về Nha Trang, là chốn hò hẹn xưa, ngỡ tưởng rằng những kỷ niệm của tình yêu sẽ như “lớp sóng mơn man”, như thịt da thơm mát của người tình, sẽ xoa dịu trái tim đau thương, sầu não. Nào ngờ đâu, con sóng êm đềm, dịu dàng khi xưa đã không còn nữa, thay vào đó là những con sóng cuộn trào dữ dội “cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang”.
Khi tình tôi chít khăn tang
Ai gào ai giữa đêm trăng
Cho từng lớp sóng kêu than
Đối mặt với biển đêm, với cảnh cũ, cùng nỗi cô độc thấu tận tâm can, kẻ đau tình kia mới bàng hoàng nhận ra rằng chẳng còn có thể hy vọng hay mơ mộng gì nữa, một chút cũng không. Những ước mơ, mong cầu đã như là những lâu đài xây trên cát nhanh chóng bị trôi xuôi theo dòng nước, không còn lại dấu vết nào, nên đành chấp nhận “chít khăn tang” cho cuộc tình đã mất. Ba câu hát liền kề đều chỉ có 6 chữ và chung một nhịp nhạc đều đặn giống như một sự buông xuôi, phó mặc, dẫu rằng trong sâu thẳm trái tim mình, người vẫn biết, những tiếng gào thét, những “lớp sóng kêu than” chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Nha Trang ngày về, ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi
Ôi đời!
Trời biển ơi! Không cố nuôi tình tôi
Dù đã cố ngồi xuống, đã thôi kiếm tìm, đã lau khô nước mắt…, thì trước biển đêm, trước sự hoang lạnh của nơi hò hẹn xưa, người vẫn nghe tiếng khóc nức nở, tê tái từ đáy lòng mình: “Đê mê lòng tôi khóc, như oan hồn trách móc”. Nhưng biết trách ai bây giờ? Chàng chỉ có thể trách trời trách biển, trách duyên phận ở đời đã “không cố nuôi tình tôi”.
Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây
Dù có trở đi trở lại bao nhiêu lần trong đời thì Nha Trang vẫn vậy, vẫn là những bãi biển đa tình, quyến luyến chân người. Biển vẫn đầy tình tự, vẫn làm chứng nhân cho muôn vạn mối tình. Chỉ có tình yêu của người là “không có đây”.
Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu đầy
Dã tràng ơi! Sao lấp cho vơi sầu này?
Những câu hát cuối cùng vang lên đầy bế tắc. Nhân vật “tôi” kia – Sau những cơn thương chấn vì tình đã thu mình lại – đã tự quây nhốt mình trong “thân xác lưu đày” của sầu bi, thương đau. Nỗi đau tình ấy sâu như biển, mênh mông như biển, lấp sao cho đầy.
Ca khúc Nha Trang Ngày Về được rất nhiều giọng ca lựa chọn thể hiện bởi chất nhạc đầy rung cảm, ma mị, cuốn người nghe vào nhịp điệu của những lớp sóng biển lúc êm dịu, mơn man, lúc cuộn trào dữ dội, lúc gào thét cuồng phong. Trong giai đoạn trước, nhiều danh ca đại thụ như Khánh Ly, Lệ Thu,.. đã thể hiện rất thành công ca khúc này. Còn ở giai đoạn sau này, ca sĩ Ý Lan bằng chất giọng ngọt mềm, trẻ trung, thanh thoát thừa hưởng từ mẹ là danh ca Thái Thanh, cộng thêm chút khắc khoải, nghẹn ngào đưa đẩy trong lời hát đã trình diễn rất thành công ca khúc, gây ấn tượng mạnh với người thưởng nhạc.
Click để nghe Ý Lan hát Nha Trang Ngày Về
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn