Sự tiền định trong âm nhạc – Những bài hát buồn đã vận vào chính cuộc đời của nhạc sĩ

Có những định mệnh kỳ lạ mà người ta luôn muốn đi tìm lời giải thích. Trong âm nhạc, nhiều bài hát và ca từ dường như đã vận vào chính cuộc đời của người nhạc sĩ trong tương lai sau đó, trở thành những câu chuyện vừa kỳ bí, vừa mang đầy thương cảm.

Không ai biết trước được khi nào mình phải vĩnh biệt thế gian để bước qua thế giới bên kia. Tuy nhiên, với những người nghệ sĩ tài hoa, họ có một tâm hồn rất nhạy cảm. Điều đó dường như vận vào tác phẩm của họ bằng những tiên liệu mà nghiệm lại thấy hoàn toàn có thật.

Khi viết lên những bản tình ca và đặt tên cho ca khúc của mình, có lẽ những người nhạc sĩ tài hoa như Y Vân, Thanh Bình, Trúc Phương, Đỗ Lễ, Lam Phương không hề nghĩ rằng những tác phẩm đó lại vận vào cuộc đời mình như là một định mệnh.

Ngay cả khi họ còn sống cũng như lúc vẫy tay từ giã cuộc đời đều diễn ra đúng như những gì họ gởi gắm trong tựa đề và ca từ của bài hát. Dưới đây là vài câu chuyện như vậy.

Nhạc sĩ Trúc Phương – Từ “Nửa Đêm Ngoài Phố” đến “Buồn Trong Kỷ Niệm” và “Thói Đời”

Nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cuối thập niên 1950, nhạc sĩ Trúc Phương lên Sài Gòn, bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng và lập nghiệp luôn ở đây. Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản Tình Thương Mái Lá, Tình Thắm Duyên Quê viết vào năm 1957, sau đó là Chiều Làng Em (1958) và Đò Chiều (1959). Ông có số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 và sau này tại hải ngoại như: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Thói Đời, Hai Lối Mộng, Tàu Đêm Năm Cũ…

Một trong những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trúc Phương là Nửa Đêm Ngoài Phố,  và người thành công với bài hát này nhất là ca sĩ Thanh Thúy đã kể lại như sau: “Nhạc phẩm ‘Nửa Đêm Ngoài Phố’ ra đời, tên tuổi anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, bài hát đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày Nửa đêm ngoài phố, từ các sân khấu phòng trà, vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi.

Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này… Tôi chỉ là một ca sĩ, hát lên nỗi niềm của anh mà còn xúc động đến như vậy, nói gì đến anh, người sáng tác, còn xúc động đến dường nào”.


Click để nghe Thanh Thúy hát Nửa Đêm Ngoài Phố trước 1975

Là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng Miền Nam, nhưng ánh hào quang sáng chói chỉ đến với nhạc sĩ Trúc Phương thật ngắn, để rồi đa số thời gian những năm cuối đời ông đã phải thực sự lang thang “nửa đêm ngoài phố”. Sau năm 1975, ông phải sống nhiều năm không nhà không cửa:

“Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng. Khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng 5 giờ chiều, thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch sẽ, người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi”, đó là những lời tâm sự của chính nhạc sĩ Trúc Phương khi ông xuất hiện trong một video của trung tâm Asia.

Nhạc sĩ Trúc Phương

Cho đến khi nhạc sĩ Trúc Phương qua đời, đã có rất nhiều ca sĩ và trung tâm băng nhạc đã sử dụng nhiều bài hát của ông, nhưng lúc đó không nhiều người đã biết rằng vị nhạc sĩ tài hoa đó đã âm thầm từ giã cõi đời trong nghèo nàn cô đơn tại căn phòng trọ tồi tàn, ở con nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995. Trong những ngày tháng cuối đời, chỉ có một vài ca sĩ còn nhớ đến Trúc Phương và gửi tiền về nước để giúp ông bớt khó khăn, như là ca sĩ Thanh Thúy, Phương Hồng Quế… nhưng số tiền đó chắc chắn không thể giúp một thiên tài về âm nhạc thoát khỏi một số kiếp u buồn, như những gì ông đã viết trong bài Thói Đời hơn 20 năm trước đó:

Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người

Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.

Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt…


Click để nghe Chế Linh hát Thói Đời trước 1975

Lời tiên định của nhạc sĩ Trúc Phương về cuộc đời không chỉ được thể hiện qua 2 bài Nửa Đêm Ngoài Phố và Thói Đời, mà nó còn thể hiện rõ nét nhất trong bài hát Buồn Trong Kỷ Niệm:

Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về…

Bài hát nói về nỗi đau chia ly, tan vỡ, lại được tác giả sáng tác ngay vào lúc ông đang đắm chìm trong hạnh phúc ngất ngây khi mới lấy vợ, và vừa có đứa con gái đầu lòng.

Chính nhạc sĩ Trúc Phương đã tâm sự trong một đoạn phỏng vấn:

“Bài “Buồn Trong Kỷ Niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết”.

Qua lời tâm sự này, nhạc sĩ Trúc Phương đã trực tiếp xác nhận rằng ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm như là một lời dự cảm cho cuộc hôn nhân buồn của ông sau đó. Phải chăng với sự nhạy cảm đặc biệt của một người nghệ sĩ, ông đã tiên đoán được vận mệnh trong tương lai của mình.

Nhạc sĩ Y Vân “60 năm cuộc đời” và định mệnh được báo trước

Nhạc sĩ Y Vân là tên tuổi lớn của làng nhạc miền Nam trước năm 1975. Ông là người Hà Nội di cư và có mặt trong đời sống sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn từ những năm giữa thập niên 1950, nổi tiếng trong lĩnh vực ban nhạc, hòa âm và sáng tác, với nhiều ca khúc đã trở thành bất tử như Lòng Mẹ, Ngăn Cách, Ảo Ảnh, Đêm Đô Thị, Sài Gòn, Cánh Hoa Thời Loạn, Bóng Người Cùng Thôn, Buồn, Những Bước Chân Âm Thầm, Tôi Trở Về Thành Phố… và đặc biệt là 60 Năm Cuộc Đời, bài hát định mệnh đã dự cảm chính xác thời gian cuộc đời của ông:

Em ơi có bao nhiêu?
60 năm cuộc đời!
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau, sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao…

Theo lời nhạc sĩ Y Vân trong ca khúc 60 Năm Cuộc Đời, thì đời người có thể được chia thành ba lần 20 năm. Đầu tiên là quãng thời gian thơ ấu – thời gian của tuổi trẻ – và thời thanh xuân tươi đẹp, nhưng tất cả đó chỉ gói gọn trong 20 năm đầu tiên, không được là bao lâu, vì sau đó sẽ là sầu thương cao vời vợi cho đến những ngày tháng cuối cùng. Vì vậy, ở cái mốc của tuổi 20, chúng ta hãy sống với trái tim yêu nóng bỏng, nồng nhiệt, sống cho hết mình, hãy yêu thương nhau đừng ngần ngại, không toan tính, vì qua đến tuổi 21 trở về sau là bắt đầu trách nhiệm nặng vai, đau thương thế hệ sẽ nhanh chóng đè nặng tuổi xanh.

Theo lời bài hát thì đời người ngắn ngủi chỉ trong 60 năm, và một sự trùng hợp lạ lùng, cuộc đời nhạc sĩ Y Vân cũng đã dừng lại mãi mãi ở tuổi 60, như là sự tiền định của số phận, là lời tiên tri của nhạc sĩ, hoặc là lời nhạc đã vận vào chính cuộc đời của người sáng tác.

Một điều đặc biệt khác nữa, ca khúc 60 Năm Cuộc Đời cũng đã gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ tài danh Hùng Cường, và (lại như là một định mệnh) nghệ sĩ Hùng Cường cũng qua đời khi vừa tròn 60 tuổi.


Click để nghe Hùng Cường hát 60 Năm Cuộc Đời

Nhạc sĩ Thanh Bình một đời “Tình lỡ”

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán tại tỉnh Bắc Ninh và di cư vào Nam vào năm 1954.

Dù sáng tác nhiều ca khúc, nhưng nhắc đến nhạc sĩ Thanh Bình, người ta chỉ nhớ duy nhất một bài hát nổi tiếng nhất của ông là Tình Lỡ, được viết bằng chính nỗi thương đau của tác giả khi nghe tin người mình yêu đi lấy chồng.

Ông kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát nổi tiếng nhất của mình như sau: “Ca khúc Tình Lỡ tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 22 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào Nam, đứng trên boong tàu tôi nhìn thấy nàng hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để kịp chia tay với tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói với nhau được câu nào”.

Đó là năm 1954. Đến đầu năm 1956, nhạc sĩ Thanh Bình nghe tin cô Hằng đã được bố mẹ gả vào một gia đình môn đăng hộ đối, ông nghẹn ngào sáng tác nên bài Tình Lỡ với những ca từ chất ngất sầu thương.


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ trước 1975

Như một định mệnh, cuộc đời nhạc sĩ Thanh Bình cũng buồn không khác nào nội dung bài hát nổi tiếng (gần như duy nhất) của ông. Cho đến nay, Tình Lỡ vẫn rất được khán giả yêu thích, và bài hát càng nổi tiếng bao nhiêu thì cuộc đời của ông càng bất hạnh bấy nhiêu. Vốn là nhạc sĩ hào hoa đẹp trai, được nhiều cô gái thầm yêu trộm nhớ nhưng ông luôn gặp những cuộc tình lận đận không thành. Nhạc sĩ Thanh Bình trải qua 3 cuộc hôn nhân, nhưng tất cả đều kết thúc chóng vánh và ông chỉ có một người con gái. Trong những ngày tháng cuối đời của nhạc sĩ Thanh Bình, người con độc nhất đó lại bị vướng vào vòng lao lý vì làm ăn thua lỗ, ông chịu cảnh sống nghèo túng, cô đơn, bệnh tật. Năm 80 tuổi, nhạc sĩ bị người con rễ nhẫn tâm đem bỏ ngoài bến xe, sống lang thang vất vưởng suốt 18 ngày, trước khi được người cháu gọi bằng cậu ruột đón về chăm sóc cho đến lúc ông qua đời năm 2014.

Nhìn lại cuộc đời của nhạc sĩ Thanh Bình, hình như tất cả không ngoài hai chữ “Tình Lỡ”, và “Chỉ còn hiu hắt cơn sầu, không nguôi…”

Nhạc sĩ Thanh Bình

Nhạc sĩ Đỗ Lễ: Chôn xuống tuyền đài

Nhạc sĩ Đỗ Lễ là tác giả của bộ ba ca khúc thất tình nổi tiếng: Sang Ngang, Tình Phụ Chia Ly (sau này bị đổi tên thành Chuyện Buồn Tình Yêu). Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng nhận xét: “Đỗ Lễ là nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang”.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ đã tự kết thúc đời buồn của mình với một liều thuốc cực độc vào ngày 24 tháng 3 năm 1997 trong căn nhà đang thuê trên đường Trần Đình Xu, Sài Gòn. Người phụ nữ ở bên cạnh ông những ngày cuối đời đã cho biết: “Đỗ Lễ là một người rất ủy mị, con người anh ấy cũng rất yếu đuối, cứ gặp chuyện gì buồn là trở nên suy sụp, rất chán nản và không còn thiết hoạt động gì nữa, theo tôi nghĩ đó chính là điều đưa đến cái chêt của anh ấy!”


Click để nghe Thái Thanh hát Sang Ngang trước 1975

Bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đỗ Lễ là Sang Ngang, viết cho mối tình si với nữ ca sĩ Lệ Thanh hồi thập niên 1960, với những câu hát như vận vào cuộc đời buồn của ông:

Thôi nhắc làm gì
cho xót xa nhiều
bao nhiêu hận căm

mối tình ngày xưa
xóa dần trong mơ
chôn xuống tuyền đài

Nhạc sĩ Lam Phương: Sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình

Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975 vẫn giữ được sức sáng tác rất mạnh mẽ sau năm 1975. Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông tại hải ngoại là Một Mình, là lời tiên tri kỳ lạ cho cuộc sống của ông những năm cuối đời:

Nhạc sĩ Lam Phương viết Một Mình vào năm 1990 khi ông đang vẫn có “hai mình”, vẫn đang ngất ngây hạnh phúc với cuộc hôn nhân thứ 2 cùng người đẹp Cẩm Hường ở Paris. Ông đã viết “sớm mai thức giấc nhìn quanh một mình” để dự báo chính xác cho hoàn cảnh của mình vào lúc tròn 10 năm sau đó, khi đã lần lượt đi qua 3 cuộc hôn nhân đều có kết thúc buồn, sau đó còn bị trải qua những cơm bạo bệnh:

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe..


Click để nghe Khánh Hà hát Một Mình

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Lam Phương từng kể rằng sau tất cả, cuộc đời của ông phải trải qua hoàn cảnh là sáng trưa khuya tối chỉ quanh quẩn trong 4 góc phòng đúng như trong bài hát Một Mình. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng dậy thật sớm để nhìn “nắng xuyên qua lá hạt sương lìa cành”, nghe lại những bản nhạc của chính mình, rồi coi tivi đến trưa, cố đếm thời gian qua thật nhanh, nhưng đêm về lại trằn trọc với những nỗi niềm xa xứ và chống chọi với cơn đau bệnh. Tâm trạng đó thật không khác gì một lời dự cảm khác của ông trong ca khúc nổi tiếng Xin Thời Gian Qua Mau đã được sáng tác từ trước năm 1975:

Buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời
Từng cánh lá cuốn gió rơi vào lòng đêm thâu, thương thầm mối tính Ngâu
Ngày về ôi xa qua, cánh nhạn còn miệt mài…

Lê Uyên Phương – Những bài hát mang dự cảm về tình yêu chia cách đã trở thành sự thật sau 20 năm

Vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương có thể xem là đôi uyên ương nổi tiếng nhất làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Chênh nhau đến 11 tuổi, họ đã trải qua rất nhiều sóng gió, phải vượt qua sự phản đối của gia đình để được chung sống với nhau. Trong thời gian sóng gió đó, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã viết rất nhiều bài ca tình nhân yêu đương nồng nàn, kèm theo trong đó là lời kêu than thống thiết, những lo sợ lìa tan, như là Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Cho Lần Cuối.


Click để nghe Lê Uyên & Phương hát Dạ Khúc Cho Tình Nhân trước 1975

Rồi khi đã vượt qua tất cả, chính trong những tháng ngày đắm chìm trong men say hạnh phúc vì được ở bên cạnh nhau hàng ngày, nhạc sĩ Lê Uyên Phương vẫn tiếp tục sáng tác những bài ca tình yêu đầy dữ dội trong bão giống, những dự cảm về một ngày sẽ chia xa, những bất hạnh đớn đau, như trong các ca khúc Vũng Lầy Của Chúng Ta, Hãy Ngồi Xuống Đây, Không Nhìn Nhau Lần Cuối.


Click để nghe Lê Uyên & Phương hát Vũng Lầy Của Chúng Ta trước 1975

Và rồi 20 năm sau đó, họ lại thực sự xa nhau theo một cách không ai ngờ tới, như trong những bài hát đó. Nếu ai đã chứng kiến quá trình họ tìm đến với nhau, cố gắng vượt qua tất cả để được bên nhau, thì chắc chắn là không thể ngờ là họ lại chọn rời xa nhau ở trên xứ người.

Dù sau này ca sĩ Lê Uyên đã phủ nhận điều đó, nhưng trong một liveshow năm 1990, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã xác nhận hôn nhân của họ đã tan vỡ, và những dự cảm chia ly trong những bài tình ca buồn mà ông viết lúc họ còn ở bên nhau đã trở thành sự thật sau 20 năm, như chính lời ông nói như sau:

“Kính thưa quý vị. Không biết cái điều sau đây là 1 sự tình cờ, là định mệnh, hay là sự thấu thị trong nghệ thuật, mà những điều chúng tôi viết cách đây 20 năm trong những bài tình ca, 20 năm sau những sự kiện đó xảy ra y như thật.

Ngày đó chúng tôi là những người yêu nhau và không có một trở ngại gì, không có 1 dấu hiệu gì về một sự bất hạnh có thể xảy ra. Thì trong ca khúc của tôi lại viết những điều rất kỳ lạ:

“Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau…” (Bài hát Cho Lần Cuối)

Đó là bài hát viết từ năm 1968, vào cái thời kỳ mà chúng tôi hết sức thương yêu nhau, và hết sức hạnh phúc. Sau đó trong bài Vũng Lầy Của Chúng Ta, thì chúng tôi lại viết về cái điều rất là bức bách trong đời sống:

“Ta sống trong vũng lầy
Một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu
Trong ngao ngán không dứt hết cơn cơn ê chề…” (Bài hát Vũng Lầy Của Chúng Ta)

Rồi những buổi chiều trên ngọn đồi, trong không khí hoàn toàn hạnh phúc và êm ả, thì những ca khúc đó lại viết lên những điều:

“Hãy ngồi xuống đây xa cơn buồn phiền
dẫu biết chia phôi nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta…” (Bài hát Hãy Ngồi Xuống Đây)

Nói tóm lại, tất cả những ca khúc viết cách đây 20 năm trong thời kỳ tràn trề hạnh phúc thì chỉ nói lên những điều chia cách và báo hiệu những điều không tốt đẹp trong đời sống tình cảm của chúng tôi. Thì tới lúc này những điều đó đã xảy ra.

Không ai có thể hiểu nhiều bài hát của tôi bằng Lê Uyên. Và không ai đã giúp tôi làm sống những bài hát đó như Lê Uyên đã từng làm. Và có lần chúng tôi từng nghĩ nếu tình yêu của chúng tôi đổ vỡ thì những bài tình ca tôi không bao giờ hát được nữa.

Nhưng hôm nay, với nội dung của bài tình ca đó thì không lúc nào thích hợp hơn lúc này, những bài hát đó lại được cất lên. Bởi vì trước đây những bài tình ca đó viết về sự chia phôi, được hát lên bởi những người yêu nhau, sự chia cách đó như một sự giả tưởng thôi. Nhưng hôm nay thì những sự chia cách đó được hát bởi một tình yêu chia cách thực sự. Vì thế cho nên chúng tôi nghĩ chúng tôi có may mắn là những ca khúc đó được sống 2 lần. Một lần đã viết như 1 điều người ta nghĩ về 1 sự chia cách, và 1 lần này đây là sự chia cách thực sự của chúng tôi.”


Xem video lời tâm sự của nhạc sĩ Lê Uyên Phương năm 1990

Với những trường hợp đã nhắc tới ở trên, liệu có thật sự rằng những lời ca đã vận vào chính cuộc đời của người nhạc sĩ? Hay là những nhạc sĩ đó có một khả năng đặc biệt có thể dự cảm được chính vận mệnh của mình, và những lời nhạc mà nhạc sĩ viết ra chính là “thiên cơ” mà chính họ cũng không ngờ được?

Trong một lần tôi có cơ duyên tiếp chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh, ông đã có đề cập đến việc này: “Phải chăng vì các nhạc sĩ như Lam Phương, Trúc Phương viết nhạc quá buồn nên cuộc đời của họ cũng buồn như bài hát vậy”.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version