Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người đã đưa cô gái 16 tuổi mang tên Như Mai từ Đà Lạt xuống Sài Gòn để bắt đầu con đường ca hát chuyên nghiệp. Ông cũng là người đặt cho Như Mai nghệ danh Thanh Tuyền với ý nghĩa là dòng suối mát lành thanh khiết đến từ cao nguyên Đà Lạt, và cũng chính vị nhạc sĩ này là người đã tác thành cho Thanh Tuyền – Chế Linh trở thành đôi song ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Chỉ 6 tháng sau khi được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lăng xê và được đôi vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Phát – Minh Diệu tận tình chỉ dẫn trong những bước đầu chập chững bước vào sự nghiệp ca hát, Thanh tuyền đã nổi tiếng khắp Sài Gòn, bắt đầu từ Dấu Chân Kỷ Niệm của thầy Mạnh Phát, sau đó là hàng loạt bài hát “hits” đã sống mãi cùng thời gian, như Nỗi Buồn Hoa Phượng, Đà Lạt Hoàng Hôn, Biển Tình…
Năm 17 tuổi, Thanh Tuyền đã trở thành một trong những cái tên sáng giá nhất của làng nhạc Sài Gòn. Khoảng năm 1968, ca sĩ Chế Linh cộng tác thu âm cho hãng Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vị nhạc sĩ này (cùng với người bạn là nhạc sĩ Mạnh Phát) thấy giọng hát Chế Linh hợp với học trò của mình nên đã thử ghép song ca chung để tạo sự mới lạ cho công chúng. Từ đó bài hát mang tên Hái Hoa Rừng Cho Em của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân trong dĩa nhựa Continental năm 1968 đã lần đầu tiên giới thiệu với khán giả yêu nhạc vàng đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền, và trở thành đôi song ca nhạc vàng nổi tiếng nhất cho đến nay.
Hai giọng ca, một cao chót vót, một trầm ấm ngọt ngào đã hòa quyện vào nhau. Nhiều nhạc phẩm sau đó được viết để khai thác sự ăn ý của song ca vàng này, như Tình Bơ Vơ, Ngày Buồn của nhạc sĩ Lam Phương, Đừng Nói Xa Nhau, Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Mặc dù sau này, Thanh Tuyền song ca với nhiều nam danh ca khác như Duy Khánh, Nhật Trường, Tuấn Vũ…, còn Chế Linh cũng song ca với nhiều nữ ca sĩ, đặc biệt là Thanh Tâm, nhưng khán giả sẽ không thể nào quên sự kết hợp Chế Linh – Thanh Tuyền đã trở thành một huyền thoại.
Chế Linh kế rằng lần đầu tiên gặp Thanh Tuyền là ở nhà của nhạc sĩ Mạnh Phát, khi đó Thanh Tuyền đang được thầy là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gửi ăn ở tại gia đình nhạc sĩ Mạnh Phát, được vợ chồng Mạnh Phát xem như con trong nhà. Vì vậy lần đầu tiên Chế Linh gặp nữ ca sĩ, hình ảnh ban đầu không được lung linh, Thanh Tuyền mặc đồ bộ, không sửa soạn nên trông rất nhà quê, làm cho Chế Linh thoạt đầu thấy thất vọng, nhưng khi nghe được giọng hát thì rất bất ngờ.
Thời gian sau đó, Chế Linh – Thanh Tuyền trở thành đôi song ca nhạc vàng ăn khách nhất Sài Gòn, hàng loạt nhạc sĩ sáng tác nhạc riêng cho họ. Tuy nhiên được nửa chừng thì Thanh Tuyền đi lấy chồng, là một sĩ quan bộ binh, không thích vợ đi hát, vì vậy Thanh Tuyền tạm nghỉ hát một thời gian. Vắng Thanh Tuyền, Chế Linh đành tìm các nữ ca sĩ khác để song ca những ca khúc đã được lên kế hoạch trước, như là với Ngọc Tuyền, Giáng Thu… cho đến khi tìm được người song ca ăn ý là ca sĩ Thanh Tâm. Đôi song ca Chế Linh – Thanh Tâm một thời cũng được yêu thích không kém Chế Linh – Thanh Tuyền. Thời gian sau đó thì Thanh Tuyền cũng trở lại với âm nhạc, đó là thời điểm Chế Linh có đến 2 người song ca ăn ý, trước khi Thanh Tâm lấy chồng là nhạc sĩ Bảo Thu và nghỉ hát.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những bài hát song ca hay nhất của đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền.
Nhũng bài thu âm trước 1975:
Hái Hoa Rừng Cho Em (Trương Hoàng Xuân)
Click để nghe Hái Hoa Rừng Cho Em
Đây là bài hát đầu tiên giới thiệu đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền, thường bị nhiều người nhầm tên thành Hái Trộm Hoa Rừng (là 4 chữ đầu tiên của bài hát). Sẽ có người thắc mắc rằng hoa ở nơi rừng núi, vì sao lại phải “hái trộm”? Chi tiết này được chính nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân giải thích là vì khi đó ông đang thụ huấn ở quân trường khắc nghiệt. Trong lúc tập luyện, thấy có nhiều cành hoa dại rất đẹp mọc ven quân trường, với ý định sẽ ép hoa trong thư gửi để về người yêu nên anh lính trẻ đã lén hái hoa nhân lúc sĩ quan huấn luyện không để ý. Nếu bị phát hiện không nghiêm túc tập luyện thì sẽ bị phạt nặng, vì vậy mới trở thành “hái trộm hoa rừng…”
Con Đường Xưa Em Đi (Châu kỳ – Hồ Đình Phương)
Click để nghe Con Đường Xưa Em Đi
Về hoàn cảnh sáng tác bài hát Con Đường Xưa Em Đi, bà Kha Thị Đàng, là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết con đường đã làm nên cảm hứng cho nhạc sĩ cùng người bạn thân của mình là nhà thơ Hồ Đình Phương viết thành ca khúc “Con Đường Xưa Em Đi” là con một con đường đất nhỏ nằm sau Nhà máy giấy Tân Mai thuộc tỉnh Biên Hoà vào thập niên 1960 (nay là tỉnh Đồng Nai).
Đoạn Cuối Tình Yêu (Chế Linh sáng tác với bút danh Tú Nhi)
Click để nghe Đoạn Cuối Tình Yêu
Bài hát này được Chế Linh sáng tác dựa theo 4 câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Nhất Tuấn:
Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…
Tình Bơ Vơ (Lam Phương)
Click để nghe Tình Bơ Vơ
Thập niên 1960, nhạc sĩ Lam Phương sáng tác khá nhiều bài hát nói về mối tình đơn phương của ông dành cho danh ca Bạch Yến, bao gồm Chờ Người, Tiễn Người Đi, Tình Bơ Vơ… Lúc đó Bạch Yến đã rời Việt Nam để sang Châu Âu du học, vì vậy mà nhạc sĩ đã viết:
Trời vào thu việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời
Mà tình yêu chưa lên ngôi…
Nếu Chúng Mình Cách Trở (Chế Linh sáng tác với bút danh Lưu Trần Lê)
Clìck để nghe Nếu Chúng Mình Cách Trở
Đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền nổi lên không được bao lâu thì Thanh Tuyền lấy chồng và đi hát rất hạn chế. Chế Linh không còn bạn hát song ca ăn ý nữa và tìm một nữ ca sĩ khác, đó chính là ca sĩ Thanh Tâm (sau này là vợ của nhạc sĩ Bảo Thu). Lúc đó Chế Linh đã sáng tác Mai Lỡ Mình Xa Nhau (với bút danh là Lưu Trần Lê) dành cho đôi song ca Chế Linh – Thanh Tâm. Ca khúc rất ăn khách nên sau đó ông sáng tác thêm Mai Lỡ Mình Xa Nhau 2 với cái tên Nếu Chúng Mình Cách Trở. Đó cũng là thời gian Thanh Tuyền đi hát trở lại và tái hợp với Chế Linh để song ca bài hát này.
Ngày Buồn (Lam Phương)
Một sáng tác rất buồn của nhạc sĩ Lam Phương:
Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu.
Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ.
Click để nghe Ngày Buồn
Nói Với Người Tình (Thăng Long – Trúc Sơn)
Bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Thăng Long bên cạnh bài hát Quen Nhau Trên Đường Về.
Click để nghe Nói Với Người Tình
Đừng Nói Xa Nhau (Châu Kỳ)
Click để nghe Đừng Nói Xa Nhau
Tình Chỉ Đẹp (Thủy Tiên)
Bài hát của nhạc sĩ Huỳnh Anh ký bút danh là Thủy Tiên, dựa theo câu thở nổi tiếng của thi sĩ Hồ Dzếnh trong bài Ngập Ngừng:
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở..
Click để nghe Tình Chỉ Đẹp
Tâm Sự Chúng Mình (Song Ngọc – Hồng Vân)
Click để nghe Tâm Sự Chúng Mình
Sau năm 1975 tại hải ngoại, Chế Linh – Thanh Tuyền tái hại và song ca rất nhiều bài, nổi tiếng nhất trong đó là Phút Cuối, Con Đường Mang Tên Em và Mai Lỡ Mình Xa Nhau. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Phút Cuối
Click để nghe Con Đường Mang Tên Em
Click để nghe Phút Cuối
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn